Saturday 30 June 2012

AUNG SAN SUUU KYI, MIẾN ĐIỆN & VIỆT NAM (Song Chi)




Fri, 06/29/2012 - 13:55 — songchi

Báo chí thế giới những ngày qua đưa tin rất nồng nhiệt về chuyến Tây du đầu tiên của nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện nổi tiếng, bà Aung San Suu Kyi. Đi đến đâu, bà Aung San Suu Kyi cũng được chính quyền nước sở tại đón tiếp hết sức trân trọng, với rất nhiều vinh dự, từ Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland cho đến Anh, Pháp.

Tôi nhớ lại, lần đầu tiên khi đến Oslo vào mùa hè năm 2009, tôi có ghé đến Trung tâm trao giải Nobel Hòa Bình (Nobel Peace Center (tiếng Na Uy: Nobels Fredssenter). Đúng lúc ở đây đang có cuộc triển lãm về bà Aung San Suu Kyi với lời kêu gọi chính quyền Miến Điện hãy trả tự do cho bà, lúc đó vẫn đang bị quản thúc tại gia. Có một quyển sổ để mở trên bàn cho mọi người ký tên vào nếu đồng ý với lời kêu gọi này và lúc đó, cũng như rất nhiều người khác, tôi đã ký tên mình. Vậy mà chỉ chưa đầy 3 năm sau, bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do, trở thành nghị sĩ Quốc hội, có thể đi đến Oslo để tự mình đọc diễn từ nhận giải Nobel Hòa Bình muộn sau 21 năm, có thể chu du qua nhiều nước, và đất nước của bà đã chuyển mình với những thay đổi, cải cách đầy kinh ngạc.

Khi nghĩ về bà Aung San Suu Kyi và Miến Điện, nhiều người VN trăn trở với vận mệnh đất nước không khỏi chạnh lòng. Nếu nhìn bên ngoài, VN có vẻ như đi trước một bước với quá trình mở cửa, cải cách về kinh tế từ hơn hai thập niên qua đã đem lại những thay đổi lớn về kinh tế, bề mặt xã hội và đời sống vật chất của người dân. So với VN, Miến Điện nghèo hơn hẳn và chỉ mới bắt đầu thay đổi. Nhưng Miến Điện lại dám tiến hành hàng loạt những thay đổi vể chính trị mà ở VN cho đến nay vẫn là chuyện cấm kỵ: bãi bỏ án quản thúc tại gia cho bà Aung San Suu Kyi và tiến hành đối thoại với bà, trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị trong đó có những tù nhân chính trị hàng đầu, nổi tiếng; thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội tự do dân chủ với sự tham gia của các đảng phái chính trị khác cùng với đảng cầm quyền, với sự giám sát của các quan sát viên quốc tế và trong kỳ bầu cử này, bà Aung San Suu Kyi đã đắc cử vào Quốc hội, cùng với nhiều đồng minh của bà trong đảng Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (National League for Democracy-thường viết tắt NLD), mặc dù phe quân đội và Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (Union Solidarity and Development Party-viết tắt USDP) vẫn nắm đa số ghế; nới lỏng kiểm duyệt báo chí, thành lập Ủy ban Nhân quyền quốc gia v.v…

Câu hỏi chưa kịp đặt ra cũng đồng thời có câu trả lời-sở dĩ Miến Điện có thể thay đổi về chính trị mà VN thì chưa, bởi vì Miến Điện có một nhà lãnh đạo đối lập như Aung San Suu Kyi, đồng thời có một Tổng thống biết nghĩ lại và đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi phe nhóm, chính quyền như ông Thein Sein.

Tất nhiên, bà Aung San Suu Kyi là một con người tuyệt vời, không chỉ là một nhà hoạt động chính trị mà còn là một biểu tượng đấu tranh cho tự do dân chủ, được nhân dân Miến Điện và thế giới ngưỡng mộ không thua kém gì Tổng thống Nelson Mandela của nhân dân Nam Phi hay Thánh Gandhi của nhân dân Ấn Độ. Cuộc đời của bà, sự hy sinh hạnh phúc gia đình riêng vì lý tưởng thật đáng ca ngợi. Nhưng về phía chính quyền Miến Điện, chế độ quân phiệt của nước này tuy hà khắc, từng tàn ác không kém gì ai nhưng ít nhất, họ vẫn cho phép có đa đảng như sự tồn tại từ lâu của đảng Liên đoàn Quốc gia Dân chủ (National League for Democracy) của bà Aung San Suu Kyi. Dù giam lỏng bà Aung San Suu Kyi trong bao nhiêu năm, ít nhất chế độ này cũng không chơi những trò như bôi bẩn, vu khống, chụp lên đầu bà Aung San Suu Kyi những bản án hình sự ngụy tạo.

Trong khi đó, suốt hơn sáu thập niên cầm quyền, đảng và nhà nước cộng sản VN đã tìm mọi cách để triệt tiêu mọi mầm mống đối kháng, mọi tổ chức đối lập nếu có, từ trong trứng nước. Đối với những người có lòng yêu nước và có những tư tưởng đối kháng với con đường đi của đảng và nhà nước cộng sản thì họ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp không chính danh và hèn hạ nhất để bôi bẩn hình ảnh, tư cách người đó trước công luận. VN cũng không thiếu những con người dũng cảm chấp nhận trả giá cho những tư tưởng, hoạt động của mình, từ ông Hoàng Minh Chính, tướng Trần Độ trước kia cho đến hòa thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hay kỹ sư doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, nhưng họ đã sớm bị nhà nước sử dụng truyền thông để bôi nhọ cách này cách khác và vô hiệu hóa trước khi ảnh hưởng của họ có thể tác động đến quần chúng.

Nhìn rộng hơn, chế độ quân phiệt của Miến Điện về nhiều mặt, tuy cũng tham nhũng, vi phạm nhân quyền trầm trọng khiến cho quốc tế phải cấm vận và do vậy, càng đẩy quốc gia này vào cảnh đói nghèo. Nhưng những “thành tích” phá hoại của chế độ này về mặt văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội, tôn giáo cho tới đời sống tâm linh, nhân cách con người chắc chắn là thua xa những chế độ do đảng cộng sản với tư tưởng học thuyết vô thần ngoại lai Mác xít kết hợp với sự biến thái của chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản thời man rợ cộng lại, như ở Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay. Mọi nền tảng từ tôn giáo, luân lý đạo đức xã hội đều bị phá nát. Nhân cách, khí lực cho đến cái chân, thiện, mỹ của một dân tộc bị hủy hoại đến tận cùng, không còn đủ sức cho một cuộc cách mạng để thay đổi vận mệnh của đất nước, dân tộc và của chính mình.

Điều đó là một thiệt thòi, bi kịch lớn cho dân tộc nhưng nghĩ cho cùng cũng lại rất nguy hiểm cho nhà cầm quyền. Khi cướp đoạt mọi quyền tự do dân chủ căn bản đồng thời ra sức tiêu diệt mọi sức mạnh đối kháng, tư tưởng, tinh thần độc lập của người dân, nhà cầm quyền cũng triệt tiêu luôn nội lực của dân tộc; khi ra sức ngăn chặn sự xuất hiện của những gương mặt chính trị cho tới mọi tổ chức/đảng phái đối lập, nhà cầm quyền cũng đồng thời tự rút ván cho chính mình. Ai cũng thấy chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo hiện nay đang ở vào giai đoạn thối nát nhưng lại không có một lực lượng, sức mạnh hay bất cứ điều gì từ bên trong hay ngoài có thể làm cho họ chùn tay, dừng lại hoặc tự thay đổi. Họ cứ thế mà tiến nhanh tiến mạnh hơn nữa đến con đường tự hủy diệt. Và lúc đó thì cũng chẳng có con người/tổ chức/đảng phái/lực lượng nào để họ có thể ngồi vào đối thoại, bàn tính chuyện hạ cánh an toàn, vừa giữ được mạng sống, tài sản cho mình vừa tránh cho máu xương dân tộc khỏi phải đổ ra vô ích vì một cuộc nổi dậy bằng bạo lực trong nỗi tuyệt vọng. Cũng có thể đến lúc đó họ sẽ khôn ngoan tìm cách tự sắp xếp, tự “đẻ” ra một đảng phái đối lập để tìm cách chuyển giao quyền lực, chia ghế chia phần theo kiểu bình mới mà rượu cũ. Và trong cả hai trường hợp, đều không đem lại tương lai sáng sủa gì cho đất nước, dân tộc VN.





1 comment:

View My Stats