Tuesday 12 June 2012

QÚA TRÌNH HÌNH THÀNH PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM (Phong trào Con đường Việt Nam)




10-6-2012

- Tháng 12/2003, bộ Bưu chính Viễn thông và bộ Thương mại ngăn chặn chương trình khuyến mại hợp pháp của công ty cổ phần Internet Một kết nối (OCI) cho khách hàng gọi miễn phí điện thoại internet đến 20 quốc gia. Công ty OCI đã cương quyết bảo về việc làm đúng đắn của mình và quyền lợi của khách hàng. Kết quả vụ tranh chấp này là 2 cơ quan trên không đủ cơ sở pháp lý để buộc công ty OCI dừng chương trình này.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam chủ động làm mà không cần phải xin phép những việc mà luật không hạn chế. Đây chính là tinh thần của pháp quyền. Chính sự kiện này cũng đã kết nối bộ ba Trần Huỳnh Duy Thức (Tổng giám đốc công ty EIS, công ty mẹ của công ty OCI), Lê Thăng Long (chủ tịch HĐQT công ty OCI) và Lê Công Định (luật sư đã tư vấn bảo vệ pháp lý cho OCI trong vụ tranh chấp trên).
Từ đây ba người cùng quyết tâm tranh đấu cho tinh thần pháp quyền tại Việt Nam.

- Khoảng tháng 3/2004, ba người thống nhất thành lập một nhóm nghiên cứu mà sau này gọi là nhóm nghiên cứu Chấn để tìm ra những con đường chấn chỉnh, canh tân đất nước. Quyết định này ra đời sau kết luận từ những khảo sát thực tế cho thấy không có cách gì áp dụng được tinh thần pháp quyền trong môi trường chính trị, kinh tế, xã hội tại Việt Nam vào lúc đó, dù rằng nó đã được hiến định từ năm 2001. Không có cách gì để vượt qua những rào cản hành chính và tư pháp hiệu quả hơn phong bì, thậm chí còn phải đi bằng đầu gối. Do vậy cần phải có biện pháp cải cách toàn diện.

- Tháng 1/2006: sau gần 2 năm nghiên cứu nghiêm túc, nhóm nghiên cứu Chấn đưa ra một bản đánh giá toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Vấn đề nổi bật từ bản đánh giá này là dự báo sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ nổ ra không quá 2 năm nữa (tức sẽ rơi vào đầu 2008) nếu không có sự chấn chỉnh ngay lập tức vào đầu năm 2006. Nếu không có những biện pháp đúng đắn thì cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài trên 5 năm nữa và dẫn theo những khủng hoảng xã hội, chính trị trầm trọng, làm cuộc sống của nhân dân khó khăn và đất nước bị lệ thuộc.

Tóm tắt của bản đánh giá này được viết thành bài “khủng hoảng kinh tế – Nguy cơ và cơ hội” và đã được gửi đến một số người có thẩm quyền trong đầu năm 2006, nhưng không nhận được sự quan tâm cần thiết. Trong khi đó tình hình kinh tế đã diễn biến đúng như những gì đã dự đoán – cuộc khủng hoảng kinh tế đã nổ ra vào đúng đầu năm 2008 và đã bước qua năm thứ 5 nhưng vẫn chưa phải là điểm kết thúc.

- Giữa năm 2006: Nhóm nghiên cứu Chấn quyết định tập trung cảnh báo những nguy cơ của đất nước. Anh Trần Huỳnh Duy Thức và anh Lê Công Định tập trung viết bài đăng trên các báo trong và ngoài nước. Anh Lê Thăng Long tăng cường quan hệ với giới trí thức và nhà báo để cảnh báo những nguy cơ của đất nước .
Song song với việc cảnh báo, nhóm nghiên cứu Chấn tập trung nghiên cứu để tìm ra cách thức, con đường phát triển đất nước một cách tốt nhất.

Cũng trong thời gian này, nhóm nghiên cứu Chấn công bố bài thơ Tuyên ngôn Lạc Hồng do anh Trần Huỳnh Duy Thức sáng tác để thể hiện khát vọng mà công việc của nhóm hướng đến:

Nam quốc Mộc tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao

- Tháng 1/2007 anh Lê Thăng Long và anh Lê Công Định quyết định ứng cử đại biểu quốc hội khóa XII với hy vọng nếu trúng cử sẽ có thể cảnh báo và thức tỉnh tốt hơn những nguy cơ của đất nước. Nhưng cả 2 đều không thành công.

- Tháng 4/2007, anh Trần Huỳnh Duy Thức cho ra đời blog Trần Đông Chấn để đăng tải rộng rãi những bài viết phân tích về kinh tế, chính trị, xã hội nhằm cảnh báo những nguy cơ của đất nước và đã nhận được sự đánh giá rất cao của công chúng.

- Đầu năm 2008, nhóm nghiên cứu Chấn quyết định viết quyển sách Con đường Việt Nam do anh Trần Huỳnh Duy Thức đứng đầu và chịu trách nhiệm phần sách lược kinh tế, anh Lê Công Định chịu trách nhiệm phần cải cách pháp luật, anh Lê Thăng Long chịu trách nhiệm phần Biển Đông. Dự định mời giáo sư Hoàng Tụy phụ trách phần giáo dục. Vấn đề Tây Nguyên đang tìm người. Quyển sách này là sự đúc kết kết quả nghiên cứu để tìm ra những cách thức, con đường phát triển đất nước một cách tốt nhất như đã nói trên.

- Tháng 11/2008, anh Thức, anh Định, anh Long thống nhất rằng cần phải hình thành một phong trào sau khi đã hoàn tất và công bố quyển sách Con đường Việt Nam để thúc đẩy quan điểm phát triển và các sách lược của nó để nhân dân ủng hộ rộng rãi, hỗ trợ cho chính quyền vượt qua được khủng hoảng để giảm thiểu sự khốn khó của người dân và sự lệ thuộc của đất nước. Nhóm nghiên cứu Chấn nhận định rằng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2009 mà Chính phủ và Quốc hội vừa thông qua sẽ làm cho nền kinh tế không thể còn có thể cứu vãn được nữa từ năm 2010 trở đi, vì thế cả ba hạ quyết tâm sẽ hoàn thành quyển sách không chậm hơn cuối quý 2/2009. Do vậy cần thêm người cộng tác.

- Tháng 1/2009, theo như đã thống nhất, anh Long thành lập phong trào Chấn hưng nước Việt để làm tiền đề chuẩn bị cho phong trào nói trên.

- Tháng 3/2009, anh Thức và anh Định cùng đi Phuket-Thailand trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Bình (lãnh đạo của đảng Dân chủ Việt Nam) để trao đổi về việc viết quyển sách Con đường Việt Nam.

- Tháng 4/2009, xảy ra vụ tranh chấp giữa Sở Thông tin Truyền thông Tp.HCM và công ty OCI về việc công ty OCI kinh doanh điện thoại internet phone-to-phone tại Mỹ, Úc và Canada. Sự việc thuần túy hành chính và dân sự này bị đe dọa hình sự hóa. Linh cảm sẽ bị bắt nên anh Thức, anh Định, anh Long thống nhất cách ứng xử để cho thấy hệ thống tư pháp với chuẩn mực “đúng người, đúng tội” thực ra là “kiểu gì cũng có tội” dù nhận tội hay không. Anh Thức và anh Long đề nghị anh Định nếu bị bắt hãy “nhận tội” để cho thấy các tội đó có được là do hệ thống luật pháp tạo ra cho con người khi họ sử dụng các quyền con người căn bản của họ vì khát vọng chính đáng và tự nhiên của họ. Đồng thời “nhận tội” để anh Định có thể về sớm tiếp tục những gì nhóm nghiên cứu Chấn còn dang dở.

- Từ 24/5 đến 13/6/2009 anh Thức, anh Long, anh Định lần lượt bị bắt. Sau đó là đến anh Nguyễn Tiến Trung và trung tá Trần Anh Kim. Thông tin ban đầu đưa ra khi bắt anh Thức là “trộm cước viễn thông” nhưng vụ án cuối cùng được đưa ra xét xử với tội danh “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.

- 20/1/2010 xét xử sơ thẩm vụ án này. Anh Thức và anh Long bác bỏ toàn bộ cáo trạng nên nhận 16 năm và 5 năm tù cộng với 5 năm và 3 năm quản chế . Anh Định nhận 5 năm tù và 3 năm quản chế.

- 11/5/2010 xét xử phúc thẩm. Trong lúc giải lao, anh Thức và anh Định đề nghị anh Long “xin khoan hồng” vào giờ chót để được giảm bớt thời gian tù để sớm về tiếp tục những gì bộ ba đã định. Kết quả anh Thức giữ nguyên mức án vì cương quyết khẳng định những gì mình làm là không có tội. Anh Long được giảm 18 tháng tù. Anh Định cũng bị giữ nguyên vì “không có tình tiết gì mới”.

- 7/7/2010: bộ ba cùng được chuyển đến trại giam Xuân Lộc (Z30A) Đồng Nai để thi hành án tù, cùng ở chung 1 phòng. Cả 3 người cùng tái khẳng định sẽ quyết tâm đi đến cùng “Con đường Việt Nam”. Anh Định được đề nghị nên chọn phương án sớm ra nước ngoài để hoạt động. Anh Long sẽ tiếp tục “xin khoan hồng” để được tiếp tục giảm án để về sớm nhất và ở trong nước để hoạt động. Anh Thức tiếp tục kiên định để khẳng định sự đúng đắn và chính nghĩa của việc làm của mọi người.

Anh Long về sẽ phát động một phong trào đã dự định trước khi bị bắt, đặt tên là phong trào Con đường Việt Nam, dựa trên nguyên tắc Quyền Con người trong nhà nước pháp quyền mà quyển sách Con đường Việt Nam đã nghiên cứu và trình bày. Phong trào sẽ kêu gọi xây dựng và ủng hộ Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới.

- 10/8/2010: anh Định bị chuyển đi trại giam Chí Hòa.

- 31/8/2011: anh Thức ký tên vào một bức thư kèm một tài liệu dày 43 trang viết tay, đề nghị ban giám thị trại giam Xuân Lộc chuyển đến cho các ông Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bức thư này đề nghị chính quyền cần ủng hộ cho sự ra đời phong trào Con đường Việt Nam nhằm giúp đất nước mau chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị.

- Ngày 04/6/2012 anh Long ra tù.

- Ngày 10/6/2012 anh Long thay mặt ba người khởi xướng chính thức phát động phong trào Con đường Việt Nam đến công chúng. Xem Mục tiêu, Quan điểm, Phương thức hành động, Tôn chỉ, Cương lĩnh, Nguyên tắc tổ chức và Cơ sở pháp lý của phong trào Con đường Việt Nam tại đây.


-------------------------



KHỞI NGUỒN

Phong trào Con đường Việt Nam là một hoạt động chính trị nhằm thực hiện những giải pháp khoa học được nghiên cứu đề ra trong quyển sách Con đường Việt Nam về cách thức quản lý và phát triển đất nước Việt Nam một cách khoa học và dựa vào nhân dân, tôn trọng nhân dân.

Quyển sách Con đường Việt Nam do Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long viết, là một sự ứng dụng công trình nghiên cứu khoa học “Hành trình vào Bản chất của Dân chủ và Thịnh vượng” cho hoàn cảnh của Việt Nam. Công trình nghiên cứu này của Trần Huỳnh Duy Thức, được viết thành sách bằng nguyên bản tiếng Anh: “Hewing Quest for Democracy and Prosperty”

Nếu những gì mà quyển sách Con đường Việt nam đưa ra là những kiến nghị của các nhà nghiên cứu cho Nhà nước thì những điều mà phong trào Con đường Việt Nam đề ra là những yêu cầu của nhân dân đối với Nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Cả hai quyển sách nói trên chưa kịp xuất bản thì các tác giả đã bị bắt và nhận án tù vì “lật đổ chính quyền nhân dân”.

-----------------------------------------


TỔNG QUAN VỀ PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

MỤC TIÊU

Mục tiêu tối thượng của phong trào Con đường Việt Nam là làm cho Quyền Con người được tôn trọng và bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam để người dân được tôn trọng và có thể tự tin sử dụng đầy đủ trên thực tế mọi quyền công dân của mình để làm chủ đất nước và làm giàu chính đáng cho mình. Chỉ có như vậy Việt Nam mới có được một nền tảng chính trị thực sự lấy dân làm gốc không thể thiếu để phát triển bền vững thành một quốc gia dân chủ và thịnh vượng với một nền văn minh mang bản sắc Lạc Hồng, đóng góp cho hòa bình thế giới và được thế giới kính phục.
Phong trào Con đường Việt Nam tranh đấu cho sự phát triển của đất nước theo tiến trình thuận theo quy luật khách quan tất yếu:
Tự tin -> Dân chủ -> Công bằng -> Thịnh vượng -> Văn minh
Phong trào Con đường Việt Nam đấu tranh chống lại mọi tác nhân thúc đẩy quá trình làm cho đất nước chậm tiến và bất ổn như dưới đây, đối nghịch với tiến trình trên:
Sợ hãi -> Cường quyền -> Tham nhũng -> Nghèo nàn -> Lạc hậu

QUAN ĐIỂM

Phong trào Con đường Việt Nam ủng hộ sự thay đổi từng bước theo quy luật phát triển khách quan dựa trên nền tảng là sự tăng cường ý thức làm chủ đất nước của nhân dân và tôn trọng nhân dân. Nhờ vậy sự thay đổi này tuy là từng bước nhưng nhanh và bền vững.
Phong trào Con đường Việt Nam phản đối những sự thay đổi mang tính cách mạng loại trừ và mọi sự áp đặt từ trên xuống mà không thông qua sự thuyết phục nhân dân vì kiểu thay đổi này có thể lóe sáng nhưng mau chóng bất ổn và dẫn đến sụp đổ, gây tác hại lặp đi lặp lại cho nhân dân.

PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG

Phong trào Con đường Việt Nam truyền bá cho nhân dân hiểu rõ các quyền con người của mình và vận động nhân dân tự tin, chủ động sử dụng tối đa các quyền đó theo tinh thần và nguyên tắc Quyền Con người trong nhà nước pháp quyền.
Phong trào Con đường Việt Nam kêu gọi và yêu cầu chính quyền Việt Nam phải bảo vệ hiệu quả việc thực hiện các quyền con người cho nhân dân theo đúng trách nhiệm của nhà nước pháp quyền đã được hiến định và phải đảm bảo mọi điều kiện thực tế cho nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ đất nước của mình.
Phong trào Con đường Việt Nam kêu gọi trách nhiệm và tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và những quyền cơ bản của con người, vì nhân phẩm và vì hòa bình thế giới theo đúng sứ mạng được kêu gọi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tinh thần của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền Con người.
Phong trào Con đường Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp và các công cụ pháp lý trong nước lẫn quốc tế để bảo vệ những hoạt động chính đáng của mình và của nhân dân.

TÔN CHỈ

Phong trào Con đường Việt Nam xác định 3 nguyên tắc định hướng sau:
- Công khai, dứt khoát nhưng ôn hòa, hợp lý.
- Ôn hòa nhưng cương quyết.
- Quyết liệt nhưng đối thoại.

CƯƠNG LĨNH

Phong trào Con đường Việt Nam không tranh đấu vì bất kỳ chủ thuyết chính trị hay tư tưởng chủ nghĩa nào, vốn chỉ là những quan điểm chủ quan của con người – tức nhân sinh quan nên thường mau chóng thay đổi theo thời gian.
Phong trào Con đường Việt Nam chỉ tranh đấu cho các giá trị thuộc về các quy luật khách quan của Tạo hóa và các giá trị phổ quát đã được nhân loại thực chứng và thừa nhận phổ biến. Những giá trị này còn gọi là vũ trụ quan và bất biến hoặc rất ít thay đổi theo thời gian.
Chẳng hạn như đối với phạm trù công bằng, phong trào Con đường Việt Nam chỉ tranh đấu để quyền con người của từng cá nhân phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng, không phân biệt màu da, sắc tộc, giới tính, xuất thân và đặc biệt là càng không được phân biệt tôn giáo, quan điểm chính trị, v.v… của họ. Nói chung là không được phân biệt bởi bất kỳ yếu tố nào thuộc về con người kể cả sản phẩm tinh thần của họ vì đây là quy luật của Tạo hóa bình đẳng như nhau cho bất kỳ ai là con người mà khi tuân thủ đúng thì con người sẽ có tự do, xã hội sẽ dân chủ, công bằng, thịnh vượng và văn minh. Đó chính là sự công bằng tuyệt đối của Tạo hóa dành cho con người, tương tự như ai cũng có 24 giờ/ngày như nhau vậy. Ai tận dụng tốt các quyền con người và thời gian mà mình có không hơn người khác thì người đó sẽ vượt lên. Đó chính là sự công bằng cơ bản của xã hội. Quy luật này sẽ tự điều tiết sự vận động của mỗi người đến trạng thái xã hội cân bằng và công bằng phổ biến theo những quan điểm của đa số thể hiện qua các đạo luật. Trạng thái này sẽ luôn thay đổi theo đà phát triển và tiến bộ của xã hội ngày một tốt hơn, văn minh hơn. Quan điểm về công bằng phổ biến thường được xây dựng trong các cương lĩnh tranh cử của các chính đảng để thuyết phục người dân của họ. Phong trào Con đường Việt Nam không tranh đấu cho các quan điểm này nhưng sẽ chống lại mọi sự áp đặt quan điểm chủ quan về công bằng từ trên xuống vì công bằng chỉ có thể hình thành từ dưới lên theo quy luật khách quan như trên.
Nói một cách khác, phong trào Con đường Việt Nam tranh đấu cho những cách thức quản lý và phát triển đất nước dựa trên quy luật khách quan và hợp lòng dân, theo xu thế tiến bộ phổ quát, hòa bình của nhân loại bất chấp các quan điểm chuẩn tắc khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v… của bất kỳ chính đảng cầm quyền nào.

KHÁI NIỆM VỀ TỔ CHỨC

Phong trào Con đường Việt Nam là hội của những người tự nguyện cùng phấn đấu vì mục tiêu của nó theo quan điểm, phương thức hành động, tôn chỉ và cương lĩnh của nó.
Phong trào Con đường Việt Nam không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ cầm quyền tại Việt Nam nhưng sẽ ủng hộ bất kỳ chính đảng có chính sách thuận quy luật và hợp lòng dân, và ngược lại sẽ phản đối bất cứ chính sách của bất kỳ chính đảng nào đi ngược lại nguyên tắc này.
Do vậy những người tham gia khởi xướng, sáng lập, ban quản trị của phong trào Con đường Việt Nam chỉ bằng tư cách cá nhân của mình chứ không bằng sự đại diện cho bất kỳ đảng phái hay tổ chức chính trị nào, dù rằng họ có thể đã và đang là thành viên của các chính đảng hoặc tổ chức khác nhau.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Phong trào Con đường Việt Nam sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình của công dân Việt Nam được Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo vệ tại điều 69 theo nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền cũng đã được hiến định.
Tới hiện nay, Quốc hội chưa ban hành bất kỳ luật nào để hạn chế bất kỳ phạm vi nào của các quyền này. Do vậy, các hoạt động sử dụng các quyền này nhằm mục tiêu của phong trào Con đường Việt Nam không vi phạm điều luật nào.
Việt Nam là nước thành viên của Liên Hiệp Quốc nên phải có trách nhiệm bảo vệ quyền con người cho công dân Việt Nam bằng nhà nước pháp quyền theo đúng nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền Con người của Liên Hiệp Quốc.
Hơn nữa, về pháp lý Việt Nam đã cụ thể hóa cam kết trách nhiệm này bằng việc gia nhập 2 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa từ 24/9/1982.
Do vậy, những điều trên cung cấp cơ sở pháp lý cho nguyên tắc: người dân Việt Nam có quyền làm bất cứ điều gì mà không bị phạm luật nếu chưa có luật để hạn chế điều đó. Đây cũng chính là nguyên tắc Quyền con người trong nhà nước Pháp quyền vốn đã được thừa nhận là một giá trị phổ quát của nhân loại mà các quốc gia tiến bộ có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như Đức đang thúc đẩy thành giá trị thực tế cho nhân dân Việt Nam.



---------------------------------------

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM  11/06/2012 lúc 8:05 sáng





No comments:

Post a Comment

View My Stats