Jun 17, 2012 7:51 PM
Tôi đọc "lời phát động" của Phong
Trào Con Đường Việt Nam như hầu hết những công dân Việt Nam khác: trên mặt báo
chí. Sau đây là các ý kiến của cá nhân tôi về nội dung của bản kêu gọi này.
1/
Trích:
Thưa quốc dân đồng bào,
Cách đây hơn 100 năm phong trào Đông Du,
phong trào Duy Tân đã ra đời và được nhân dân ta hưởng ứng nhiệt thành. Nếu như
chính quyền cai trị của Pháp lúc đó không đàn áp thành công các phong trào yêu
nước này thì giờ đây tinh thần “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” đã
đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển không thua kém gì Nhật Bản và các
nước thuộc thế giới thứ nhất khác.
(Hết trích).
Ý của Phong trào (PT), nguyên nhân làm cho
Việt Nam không phát triển như Nhật (và các nước thuộc thế giới thứ nhứt) là do
thực dân Pháp đã đàn áp thành công các phong trào Đông Du, Duy Tân.
Lý
luận như thế không thuyết phục. Không ai đặt lại chữ "nếu"
trong lịch sử.
Nhưng cũng thử đặt lại chữ "nếu":
nếu Pháp không đàn áp các phong trào này, liệu Việt Nam có phát triển như Nhật
hay không?
Không có câu trả lời nào chắc chắn.
Cũng thử đặt lại: Nếu Việt Nam không có ông
Hồ Chí Minh và đảng CSVN thì Việt Nam hôm nay ra sao?
Câu này thì có câu trả lời: Chưa biết Việt
Nam có bằng Nhật hay không nhưng dĩ nhiên là khá hơn ngày hôm nay.
Đơn
giản vì những gì mà đảng CSVN làm hôm nay là cố gắng gầy dựng lại những gì họ
đã đập phá trong quá khứ. Con
đường của đảng CSVN đi hôm nay là đi lại con đường mà dân tộc Việt Nam đã đi từ
hơn ½ thế kỷ trước, mà họ đã từng cưỡng bức dân tộc Việt Nam chối bỏ trong máu
xương và nước mắt. Người trong nước từng nói việc "đổi mới"
của đảng CSVN thực ra là việc "đổi cũ". Có câu thơ rằng: bao
giờ cho đến ngày xưa. Tức việc quay lại 180° hiện nay vẫn chưa trở lại ở điểm "ngày
xưa".
Như vậy, nếu không có ông Hồ và đảng CSVN,
Việt Nam đã không mất một thời gian, ít nhứt là 50 năm, để phát triển đất nước.
Nên biết, Nhật chỉ cần 25 năm để từ đống tro tàn sau năm 1945 để trở thành
cường quốc (kinh tế) trên thế giới.
2/
Trích:
TIẾP CON ĐƯỜNG DUY TÂN
Tinh thần đó, nói một cách hiện đại chính
là “Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống” cho mình và mọi người. Phong
trào Con đường Việt Nam xin được tiếp nối tinh thần này, tiếp quản sự nghiệp
của tiền nhân, tiếp nhận hồn thiêng sông núi để tiếp tục một con đường đúng đắn
mà dân tộc ta đã chưa đi đến đích. Chặng đường dở dang còn nhiều khó khăn nhưng
chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua nó chỉ cần một hành trang: tự tin sử dụng quyền
con người của mình.
Dưới chính quyền thực dân phong kiến, quyền
con người của nhân dân ta bị tước đoạt trầm trọng. Nhưng từ khi thoát khỏi đô
hộ của ngoại bang đến giờ các quyền mặc nhiên này của chúng ta chưa bao giờ
được thực sự tôn trọng và bảo vệ. Đây chính là căn nguyên cốt lõi khiến nước ta
đến giờ vẫn còn chậm tiến cho dù nhân dân ta đã rất vất vả, luôn cần cù chịu
thương chịu khó và luôn khát vọng vươn lên đến cháy bỏng. Căn nguyên này được
rút ra từ một quy luật mà chỉ khi tuân thủ nó – tức tôn trọng và bảo vệ đầy đủ
quyền con người – thì xã hội loài người mới có thể phát triển công bằng, thịnh
vượng và văn minh được.
Hết trích.
"Tiếp nối tinh thần này" là tiếp nối "con đường Duy Tân", với ý
nghĩa "hiện đại": “Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống”.
Tức phù hợp với chủ trương của cụ Phan Châu Trinh "khai dân trí (hiểu
biết), chấn dân khí (tự tin), hậu dân sinh (làm giàu cuộc sống)".
Phải nhìn nhận rằng tại Việt Nam vào thời
điểm đó, cụ Phan Châu Trinh là người đi trước thời cuộc. Trong tư tưởng "khai
dân trí", cụ Phan chú trọng ở việc « giáo dục », qua các việc vận động
mở trường (dạy học thuật Tây phương) và cổ võ phong trào xuất dương du học, do
ảnh hưởng cuộc cách mạng Minh Trị ở Nhật. Trên bình diện quốc tế, Âu hay Á, vấn
đề giáo dục từ xưa đến nay luôn được coi trọng. Trong bất kỳ một quốc gia văn
minh nào hiện nay, ngân sách dành cho giáo dục luôn lớn gấp nhiều lần hơn ngân
sách dành cho quốc phòng. Tuy vậy, cũng có quốc gia thành công, có quốc gia
thất bại. (Quốc gia điển hình thành công là Đại Hàn. Quốc gia điển hình thất
bại là Việt Nam). Vì vậy nội dung (chính sách) của giáo dục mới là điều quan
trọng.
"Khai dân trí" và "giáo dục" gắn liền với nhau, nếu
không nói là một.
Phong trào (PT) "xin được tiếp quản
sự nghiệp của tiền nhân", ở đây là sự nghiệp "Duy Tân"
của cụ Phan Châu Trinh. Việc dùng chữ "tiếp quản" (tiếp nhận
và quản lý) ở đây e rằng không phù hợp. Di sản của tiền nhân (lịch sử) là gia
tài chung của toàn dân tộc. Một cá nhân, một nhóm nhỏ khó có thể nhân danh cả
dân tộc để "tiếp quản" một "di sản của lịch sử".
Cũng vậy, Phong Trào không thể "tiếp nhận hồn thiêng sông núi".
"Hồn thiêng sông núi" là của sông núi, của tất cả những người
Việt Nam đã từng chết và sống cho đất nước này, tư cách nào mà Phong Trào "tiếp
nhận" hồn thiêng này?
Tạm chấp nhận Phong Trào có tư cách "tiếp
quản" tinh thần Phan Châu Trinh cũng như có tư cách để "tiếp
nhận hồn thiêng sông núi". Đã viết ở trên, vấn đề giáo dục thuộc phạm
vi quốc gia, tư cách "phong trào" hiện nay, không phải là tổ
chức chính trị như Phong Trào đã khẳng định, cũng chưa nắm được quyền hành. Vậy với phương tiện nào Phong
Trào thực hiện việc "khai dân trí" (tức việc tổ chức giáo
dục)? Và nội dung việc "khai dân trí" (chính sách giáo dục)
này ra sao?
Phong Trào có trả lời trong “lời phát
động”, là "đi đến đích" bằng sự "tự tin sử dụng
quyền con người của mình."
Như vậy "cái đích" của
Phong Trào và cái đích của "tiền nhân" (mà Phong Trào tự tiện "tiếp
quản") đã không giống nhau. Phong Trào sẽ đi đến "đích"
bằng "nhân quyền", cụ Phan thì đi bằng con đường "Duy
Tân".
Phong Trào nhận định "Dưới chính
quyền thực dân phong kiến, quyền con người của nhân dân ta bị tước đoạt trầm
trọng. Nhưng từ khi thoát khỏi đô hộ của ngoại bang đến giờ các quyền mặc nhiên
này của chúng ta chưa bao giờ được thực sự tôn trọng và bảo vệ."
Điều này chỉ đúng tương đối: Dưới chính quyền
thực dân, quyền con người (nhân quyền) của người Việt Nam không được tôn trọng
hoàn toàn, nhưng dầu sao một số quyền con người căn bản khác, như quyền tự do
ngôn luận, báo chí, quyền tư hữu, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và
gia đình… thì được tôn trọng. Chỉ có quyền chính trị (đương nhiên) bị cấm.
Cũng không phải "từ khi thoát khỏi
đô hộ của ngoại bang" thì quyền này (nhân quyền) chưa bao giờ được tôn
trọng. Chính quyền miền Nam là một thí dụ đúng đắn về một thể chế dân chủ trên
nền tảng nhân quyền sau khi "thoát khỏi đô hộ của ngoại bang".
Dĩ nhiên, chế độ này non trẻ, có những thiếu sót hiển nhiên của một chế độ dân
chủ chưa trưởng thành. Nhưng nếu so sánh với các nền dân chủ của các nước chung
quanh cùng thời kỳ: Đại Hàn, Thái Lan, Miến Điện, Đài Loan, Indonésie, Mã Lai…
VNCH là một chế độ dân chủ vượt trội. Trong Quốc hội VNCH, phần khá lớn dân
biểu là đối lập, chống chính quyền. Có người còn theo CS. Trong khi đó quốc hội
của các nước khác dẫn trên đều là quốc hội bù nhìn. Trong cùng thời kỳ, xã hội
miền Nam là một xã hội mở. Người dân hoàn toàn hưởng được mọi quyền tự do cơ
bản. Mặc dầu bị hạn chế một phần do chiến tranh, nhưng các sản phẩm văn hóa
miền Nam đều có đủ mọi trào lưu nhân văn và khuynh hướng chính trị.
Nhưng từ khi đất nước hoàn toàn bị nhuộm đỏ
thì từ đó các quyền làm người cơ bản của người dân bị xúc phạm trầm trọng.
Người dân không có quyền ngôn luận, hội họp, chính trị… đã đành, quyền tư hữu
đất đai, là quyền thiêng liêng nhất để người dân mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân
và gia đình (tức quyền được sống), cũng bị truất bỏ. So với thời thực
dân Pháp, nếu thực dân Pháp man rợ thì nhà nước CSVN là hiện thân của ác quĩ.
Các vụ đánh dân, cướp đất của dân hiện nay là các bằng chứng hùng hồn.
Phong Trào nhận định: "Đây chính là
căn nguyên cốt lõi khiến nước ta đến giờ vẫn còn chậm tiến…" .
"Đây" có nghĩa là việc mất nhân quyền. Nhận định này khá đúng
trong nhận xét về "quả" nhưng rất sai trong nhận xét về "nhân"!
Phong Trào hình như quên rằng thực dân Pháp đã không còn ảnh hưởng nào ở Việt
Nam từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Tình trạng "nhân quyền" ở Việt Nam bị
chà đạp hiện nay không hề do hệ quả của thực dân mà do đảng CSVN đang cầm quyền
tại Việt Nam.
"Việt Nam chậm tiến" là do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân của mọi nguyên
nhân là do đảng CSVN với các chính sách không phù hợp với tình trạng chính trị
thế giới cũng như tập quán, đạo lý của dân tộc Việt Nam. Nhân quyền bị chà đạp
như thế chỉ mới là một nguyên nhân. Dầu vậy, ta thấy nhiều nước, như Tân Gia
Ba, "nhân quyền" trên nhiều phương diện bị hạn chế (tự do
chính trị, tự do ngôn luận…) nhưng họ vẫn tiến triển vượt mức. Như thế, ngoài
giáo dục (khai dân trí), thì phát triển kinh tế là động lực khác để phát triển
xã hội (chứ không phải là nhân quyền).
3/
Trích:
BẰNG CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Do vậy phong trào Con đường Việt Nam xác
định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ
trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta.
Hết trích.
Theo mạch văn của "lời phát
động", Phong Trào xác định việc thể hiện "con đường Duy
Tân", bằng "con đường Việt Nam".
Ở đây chữ nghĩa không rõ ràng. "Con
đường Việt Nam" ở đây chính là con đường của Phong Trào. Sao lại gọi “chung
chung” là con đường Việt Nam? Việc sử dụng chữ ở đây khá giống với chữ
nghĩa của CSVN, cái gì cũng của “nhân dân”, nhưng thực tế của cải, tài
nguyên quốc gia đều nằm trong túi các đảng viên.
Mục tiêu Phong Trào được khẳng định: "phong
trào Con đường Việt Nam xác định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền
con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta".
Mệnh đề "Hiểu biết để Tự tin để Làm
giàu cuộc sống” ở phần 1/ cho thấy có lủng củng về câu cú (hai chữ "để").
Câu này cũng lủng củng câu cú và trùng lặp ý nghĩa.
Nếu ai có đọc bản "Tuyên ngôn quốc
tế nhân quyền" hẵn đều biết hai yếu tố cơ bản của các quyền con người
là nhân phẩm và sự bình đẳng về các quyền tự do cá nhân.
"Bảo vệ trên hết và bình đẳng" là bảo vệ ra sao? Nhân quyền, tức các quyền tự do cơ bản
của con người, là các giá trị nền tảng của một xã hội. Khi đã là "cơ
bản", là "nền tảng", dĩ nhiên nó có giá trị "trên
hết". Mặt khác, "nhân quyền" tự nó mang tính "bình
đẳng". Điều đầu tiên của Hiến chương LHQ về "Nhân quyền"
là khẳng định về "nhân phẩm" và sự "bình đẳng"
về quyền của con người. Viết "Bảo vệ trên hết và bình đẳng" là
vừa lủng củng, vừa thừa.
Thực ra, vấn đề tập trung ở việc có công
nhận và tôn trọng "nhân quyền", tức tôn trọng "nhân
phẩm" và các quyền tự do cơ bản của con người, như là các giá trị nền
tảng của xã hội, hay không?
Về mục tiêu: "mục tiêu tối thuợng"
("quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng
ta") của Phong Trào ở phần 3 và việc thực hiện "con
đường Duy Tân", tức tiếp nối con đường "mà dân tộc ta đã chưa
đi đến đích." ở phần 2. Cả hai đều là mục tiêu.
Phần 2 có ghi: "Chặng đường dở dang
còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua nó chỉ cần một hành
trang: tự tin sử dụng quyền con người của mình.". "Nhân quyền"
vừa là "hành trang", vừa là "mục tiêu tối thượng phải
hoàn thành".
Mâu thuẫn ở đây, khi nói nhân quyền là mục
tiêu "tối thuợng" phải hoàn thành, tức là vẫn chưa hoàn thành.
Tức ở Việt Nam hôm nay nhân quyền vẫn còn bị chà đạp thê thảm. Điều này đúng.
Vậy lấy đâu ra "Quyền con người" để làm "hành
trang" cho Phong Trào?
Cũng nên biết ở thời kỳ cụ Phan Châu Trinh,
vấn đề "nhân quyền" chưa đặt ra một cách phổ quát. Tư tưởng cụ
Phan do đó không đề cập trực tiếp đến "nhân quyền". Ở trên tôi
có viết: Như vậy "cái đích" của Phong Trào và cái đích của "tiền
nhân" (mà Phong Trào tự tiện "tiếp quản") đã không giống
nhau. Phong Trào sẽ đi đến "đích" bằng "nhân
quyền", cụ Phan thì đi bằng con đường "Duy Tân".
“Mục đích” là điểm đến của mọi vận động. Người đọc phân vân không
biết “mục đích” của Phong Trào là gì?
4/
Trích:
NỀN TẢNG DÂN LÀM GỐC
Chỉ có như thế thì đất nước ta mới có được
một nền tảng chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc để phát triển kinh tế
– xã hội nhanh chóng và bền vững mang đến giàu sang và văn minh cho mọi người
chứ không phải liên tục bất ổn như lâu nay.
Chỉ có như thế thì chúng ta mới vượt thoát
được cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng hiện nay và tránh lặp lại
trong tương lai để lại gây tai họa tiếp tục về sau.
…
…
Hết trích.
“Chỉ có thế” tức là chỉ khi nhân quyền được tôn trọng. Nhưng thế nào
là "một nền tảng chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc"?
Nội dung toàn bản kêu gọi (hay phát động Phong Trào) không hề nói đến "chính
trị", tức nói về một tư tưởng chính trị, một khuynh hướng chính trị
hay một chế độ chính trị cụ thể. Bây giờ Phong Trào nói về một một nền tảng
chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc đương nhiên sẽ làm nhiều người
nghi ngại.
Bởi vì nhà nước độc tài nào lại không nói
lấy "dân làm gốc"? Nhà nước CHXHCNVN cũng là nhà nước “của
dân, do dân và vì dân”, cũng “lấy dân làm gốc”. Chỉ có những nhà
nước dân chủ tự do thì ít khi nói về một nền tảng chính trị lấy dân làm gốc. Vì
những người cầm quyền biết rằng, nhiều lắm thì họ cũng chỉ đại diện cho một
tầng lớp, một khuynh hướng chính trị trong dân chúng, chứ không hề cho toàn dân
được. Ý kiến của đa số áp đảo không hề là ý kiến của toàn dân.
Giả sử một nền tảng chính trị vững chắc,
thực sự lấy dân làm gốc này hiện hữu. Lấy gì bảo đảm chế độ này sẽ đem lại "giàu
sang và văn minh" cho mọi người? Lấy gì bảo đảm nó sẽ đem lại ổn định
cho đất nước? Nhất là sẽ thoát được cuộc "khủng hoảng kinh tế"
ngày hôm nay?
Nước Mỹ, EU, Nhật… là các nước phát triển,
văn minh… không nước nào dám rêu rao đã "đem lại giàu sang cho mọi
người".
Ý nghĩa của "ổn định"
(thực ra là ổn định chính trị) cũng rất tương đối. Việt Nam không hề "bất
ổn" như nhận định của Phong Trào. Hầu như tất cả các nhà đầu tư trên
thế giới đều đồng ý ở điểm Việt Nam là một nước "ổn định".
Nhưng ổn định này không hề đem lại sự phồn thịnh về kinh tế cho Việt Nam. Trong
khi các nước tự do dân chủ, nhà nước thay đổi liên miên, hết hữu sang tả, rồi
từ tả sang hữu, như con thuyền lao chao trên sóng, rõ ràng là "bất ổn
định chính trị", vậy sao họ vẫn phát triển đều đặn?
Và để thoát được "cuộc khủng hoảng
kinh tế" hiện nay, thực tế hầu như mọi nền kinh tế đều bị khủng hoảng.
Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu về "nợ", từ nợ của các
tập đoàn tài chính các năm trước đến nay là nợ của các quốc gia phát triển
(ngoại trừ Trung Quốc). Việt Nam dĩ nhiên nợ nần lút đầu lút cổ, do tình trạng
lỗ lã, hay phá sản của các tập đoàn quốc doanh. Việt Nam không dễ thoát khỏi
khủng hoảng kinh tế - tài chính, đơn giản như nhận định của Phong Trào bằng một
nền tảng chính trị vững chắc, thực sự lấy dân làm gốc.
5/
Trích:
VẬN HỘI CỦA NGHÌN NĂM
Hỡi nhân dân yêu mến,
Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời cơ tốt
nhất để chúng ta thay đổi tận gốc rễ vấn đề thâm căn có nguồn gốc phong kiến
kéo dài hàng ngàn năm làm nước ta lạc hậu đến tận ngày nay; là thiên thời để
dân tộc ta đảo chiều sự gia tăng khoảng cách tụt hậu đang ngày càng lớn rồi
nhanh chóng vượt lên khẳng định vị thế của chính mình trong thế giới toàn cầu
hóa ngày nay.
…
…
Hết trích.
Tôi không bàn về việc thời cơ tốt hay không
tốt. Tôi muốn nói rằng Phong Trào có ý đánh tráo vấn đề. Bởi vì, Việt Nam lạc
hậu từ hơn ½ thế kỷ nay không hề do hệ quả của "phong kiến kéo dài hàng
ngàn năm" như Phong Trào đã nhận định.
Có nước nào trên thế giới này không trải
qua giai đoạn phong kiến hàng ngàn năm như Việt Nam? Nước nào cũng có cả (ngoại
trừ các nước mới lập như Hoa Kỳ). Nhưng tại sao hôm nay có nước tiên tiến, có
nước lạc hậu? Nguyên nhân chính, theo tôi, là vấn đề tổ chức quốc gia và việc
phân phối lợi tức quốc gia vào các mục tiêu công ích có hợp lý hay không.
Tôi cho rằng nguyên nhân "lạc
hậu" của Việt Nam hôm nay, ban đầu là do ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN,
cũng như sự bất tài, thiếu khả năng tổ chức, không có tư cách lãnh đạo quốc
gia, của cán bộ đảng CSVN ngày hôm nay.
6/
Trích:
“Làm sao để người dân tự tin sử dụng tất cả
quyền con người của mình mà không phải đợi ai cho phép trong hoàn cảnh của đất
nước hiện nay?”
Hết trích.
Cuối cùng Phong Trào đặt một câu hỏi. Ta
thấy Phong Trào đặt lại vấn đề về sự tự tin (Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu
cuộc sống) của người dân và quyền con người. Tức đặt vấn đề ở chính "mục
tiêu" của Phong Trào.
Ra câu hỏi như thế là Phong Trào thú nhận
mình vẫn chưa biết làm thế nào để thực hiện mục tiêu của mình. Trong khi một
phong trào chỉ thành hình khi mà con đường hoạch định đi đến mục tiêu đã được
phác họa rõ rệt.
7/
Kết luận:
Tôi chưa từng gặp quí vị Lê Thăng Long, Lê
Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bao giờ ở ngoài đời. Tôi quí trọng LS Định,
cũng như Nguyễn Tiến Trung, những trí thức trẻ yêu nước dấn thân. Tôi luôn tôn
trọng hành động của quí anh, cho dầu có một số nhận thức chính trị tôi không
chia sẻ. Sự hy sinh của quí anh cho lý tưởng và đất nước, không có gì để đo
lường, tính toán, mà chỉ phải khâm phục và ủng hộ.
Riêng về Trần Huỳnh Duy Thức, trong qua khứ
tôi có đọc một số bài viết của anh lúc trước khi bị bắt. Từ đó trong tôi nảy
sinh một tình cảm sâu sắc dành cho anh Thức. Trong một lần trao đổi điện thư
với anh, sau khi biết anh có liên hệ với những người ở nước ngoài, tôi có cảnh
báo rằng (nguyên văn): anh phải hết sức thận trọng. Anh trả lời với tôi rằng
anh thừa mưu trí để vượt thoát các cạm bẫy giăng ra. Rốt cục anh bị bắt. Anh bị
nhà nước CSVN xử với tội nặng nhất, 16 năm, so với những người bị bắt chung. Nhưng giữa tôi và
anh Thức vẫn chỉ là sơ giao, cho dầu anh cũng tỏ ý mến mộ tôi về các công trình
mà tôi đã thực hiện trong quá khứ.
Vì
vậy, với tình cảm sâu sắc mà tôi vẫn còn dành cho anh Thức, tôi cho rằng bản
kêu gọi của Phong Trào vừa công bố đã thực hiện hết sức vội vã, lời văn lủng
củng, thiếu ý tưởng sâu sắc, mục tiêu không rõ rệt (theo con đường Duy Tân hay
tranh đấu cho Nhân quyền? đấu tranh thế nào?), nhận định sai lầm về nguyên nhân
tình trạng lạc hậu của Việt Nam… khác hẳn giọng văn thường thấy của Trần Huỳnh
Duy Thức mà tôi đã từng đọc. Phải chăng đây là một bản văn ngoài ý muốn của anh
Thức?
Dĩ nhiên, chỉ có anh Thức mới có thể trả
lời được việc này.
Trương Nhân Tuấn
No comments:
Post a Comment