Friday, 18 October 2024

THỦ TƯỚNG TRUNG QUỐC THĂM VIỆT NAM SAU 11 NĂM ; CAMPUCHIA RÚT KHỎI TAM GIÁC PHÁT TRIỂN (Trọng Phụng | Luật Khoa tạp chí)

 



Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau 11 năm; Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển

Trọng Phụng  -  Luật Khoa tạp chí

October 18 20246:21 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/10/thu-tuong-trung-quoc-tham-viet-nam-sau-11-nam-campuchia-rut-khoi-tam-giac-phat-trien/

 

Các sự kiện nổi bật:

·        Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau 11 năm

·        Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển

·        Việt Nam nêu quan điểm về việc dẫn độ Y Quynh Bđăp

 

                                                   ***

 

 

 

Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam sau hơn một thập niên

 

Tuần qua là tuần lễ ngoại giao bận rộn của Việt Nam. Sau hai chuyến công du (chủ yếu là tới các nước phương Tây) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, từ ngày 12 - 14/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXfwEzKoZp7GcXuiehHrWyRYEupdGmyDAzVNfgC7eBppcI0In0x7N1vh2ocW9gHhI-z0Xtc4NPWZChOC24CaCIQbmCLE_6SrDDdLHI3Rkv9ByGWRxxcXe1iNYYiGgoKggl_57Nbo-lEtUkmdxJyqIPcBgiR5?key=N41StcI1Dkva0vv_NUsEew

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trước hội đàm. Nguồn: VGP/Nhật Bắc

 

·        Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Lý Cường tới Việt Nam trên cương vị thủ tướng Trung Quốc, và là lần đầu tiên sau 11 năm một thủ tướng Trung Quốc đến Việt Nam. Trước đó, năm 2013, ông Lý Khắc Cường, người giữ chức thủ tướng Trung Quốc từ năm 2013 - 2023, đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng Mười.  

 

·        Trong chuyến thăm lần này, hai bên ký kết 10 văn kiện hợp tác quan trọng, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, và quản lý biên giới. Đáng chú ý, hai nước đã chính thức khởi động việc vận hành khu hợp tác tại thác Bản Giốc từ ngày 15/10.

 

·        Thác Bản Giốc (phía Việt Nam) hay thác Đức Thiên (phía Trung Quốc) là một trong những thác nước lớn nhất tại khu vực biên giới giữa hai nước. Địa điểm này nằm ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam và huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Thác này không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ mà còn do lịch sử tranh chấp về đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1999, hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền, theo đó khu vực thác Bản Giốc được phân chia làm hai phần.

 

·        Ngay trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Cường, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 11/10.

 

·        Dù quan hệ Việt - Trung tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, song hai nước có nhiều căng thẳng, nhất là về tranh chấp biển đảo. Hồi tháng Chín vừa qua, Việt Nam lên án mạnh mẽ trước việc tàu Trung Quốc tấn công, đánh đập, cướp tài sản của 10 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

 

·        Ngày 12/10, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng Nga và Trung Quốc đã phản đối tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 10/2024 được 10 quốc gia thành viên của ASEAN soạn thảo. Lý do, nội dung của tuyên bố có liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là các phần nhắc đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

 

·        Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây cho thấy Việt Nam đã tăng cường xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa trong vòng ba năm qua. Diện tích đất được bồi lấp và nạo vét tại các khu vực này đã tăng gần 9,5 km², chủ yếu nhằm xây dựng các công trình hạ tầng và hỗ trợ hoạt động phòng thủ quân sự. Diện tích mở rộng đảo nhân tạo ở Biển Đông này của Việt Nam vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc (18,8 km²).

 

 

Campuchia bất ngờ rút khỏi sáng kiến hợp tác biên giới mà chính mình khởi xướng

 

Thời gian qua, Campuchia có nhiều động thái liên quan đến an ninh quốc gia.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/10/AD_4nXdcaGDG2AGKODQ4KrJk8cpIYWOEbvSd2mnsFraGmW_ccGlnpf7squ6xqMWSs5V_i6y8ffcnQoPwUK50LLZ5omyqMOJqXpSnJs3t5I5KAQ6MpHWvBqs7pfm7gxEgAsKk1HEs1OUYkBhFmVkFxYzDh4rKg9Q.png

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Nguồn ảnh: En.baochinhphu.vn

 

·        Ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã có phát biểu liên quan Campuchia, sau khi nước này rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-DTA). Mặc dù không trực tiếp nhắc đến động thái của nước bạn, bà Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa ba nước trong khu vực tam giác phát triển, và Việt Nam sẽ tiếp tục tham vấn với Lào, Campuchia để thúc đẩy sự hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển chung trong khu vực.

 

·        Trước đó, ngày 20/9, Campuchia tuyên bố rút khỏi cơ chế Tam giác Phát triển. Cơ chế này được Thủ tướng Hun Sen đề xuất và chính thức ra mắt vào năm 1999, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hợp tác trong các lĩnh vực như hạ tầng và thương mại giữa các vùng biên giới của ba quốc gia.

 

·        Động thái này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa nhấn mạnh tới ý nghĩa chiến lược của cơ chế trong việc góp phần việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ba nước. Tuy nhiên, tại Campuchia, các lực lượng đối lập đã chỉ trích mạnh mẽ việc tham gia vào cơ chế này, cho rằng nó dẫn đến việc Phnôm Pênh phải nhượng đất cho Việt Nam. Chính áp lực này đã khiến Thủ tướng Hun Manet quyết định rút khỏi CLV-DTA nhằm xoa dịu các lo ngại về chủ quyền và lãnh thổ, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía đông bắc của Campuchia.

 

·        Trước đó, vào tháng Tám, Campuchia đã khởi động dự án xây dựng kênh đào Techo, với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Dự án này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang tính biểu tượng về an ninh quốc gia. Thủ tướng Hun Manet nói kênh đào sẽ giúp Campuchia "tự thở bằng mũi của mình" trong quan hệ kinh tế khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam lo ngại tác động của dự án này đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

 

Việt Nam nêu quan điểm về việc dẫn độ Y Quynh Bđăp

 

Ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết việc dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam là “phù hợp” và “nhằm đảm bảo mọi đối tượng phạm tội đều phải xử lý trước pháp luật”.

 

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXdJWbztwl1_U8JZf-v2JEXcLOSQUAmoPOfvTOp_EYQDtEg7dRf8t1cQEPNiLGj7CVwuRpQex6stjijlDAecT7gI0acueeQmm5q6ncBA5YCO6BFLhWGiC9LpRuu8CwEJxbMtq9VKkK4lCzSGrV4glqcwhV4?key=N41StcI1Dkva0vv_NUsEew

Chân dung nhà hoạt động Y Quynh Bđăp. Nguồn: the88project.org

 

·        Trước đó, ngày 30/9, tòa án Thái Lan đã chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Việt Nam với Y Quynh Bđăp. Người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý có thời gian 30 ngày để kháng cáo quyết định này. 

 

·        Hồi đầu năm nay, cụ thể là ngày 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xét xử vắng mặt và tuyên phạt ông Bđăp 10 năm tù giam với tội danh "khủng bố". Ông Bđăp bị cáo buộc giữ vai trò chủ chốt trong vụ tấn công vào hai trụ sở ủy ban nhân dân xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.

 

·        Một số tổ chức nhân quyền đã tổ chức họp báo, kêu gọi Thái Lan cho phép ông Bđăp được định cư ở nước thứ ba thay vì dẫn độ về Việt Nam. Các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư bào chữa cho rằng phán quyết của tòa án Thái Lan vi phạm luật pháp nước này, đặc biệt là các quy định liên quan đến bảo vệ người tị nạn, cũng như lập luận rằng không có đủ chứng cứ để kết tội ông Bđăp. Họ cảnh báo rằng nếu bị dẫn độ, ông Bđăp có thể đối mặt với những nguy cơ lớn về an ninh cá nhân và không được xét xử công bằng tại Việt Nam.

 

·        Ở một diễn biến khác, blogger Thái Văn Đường (tên thật là Đường Văn Thái) sẽ bị xét xử sơ thẩm tại Hà Nội vào ngày 30/10 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ông Thái mất tích hồi tháng 4/2023 khi đang xin tị nạn tại Thái Lan, và sau đó được cho là bị an ninh Việt Nam đưa trở về nước.

 

 

Sau thông báo lỗ gần 22.000 tỷ đồng, EVN sẽ tăng giá điện

 

·        Ngày 10/10, Bộ Công Thương đã công bố kết luận về tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tập đoàn này lỗ gần 22.000 tỷ đồng trong năm 2023 do chi phí sản xuất tăng cao. 

 

·        Ngay sau đó, vào chiều ngày 11/10, EVN đã tiến hành điều chỉnh giá bán điện lần đầu tiên trong năm 2024, với mức tăng 4%. Cụ thể, giá bán điện bình quân đã tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,1159 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Việc tăng giá này được cho là nhằm bù đắp phần nào những khó khăn tài chính của tập đoàn.

 

·        EVN cho biết tập đoàn “gặp nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính”; và khẳng định việc tăng giá này ảnh hưởng “không đáng kể” tới các hộ nghèo và gia đình chính sách.


 

Tin vắn:

 

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra từ ngày 16 - 18/10. Sự kiện quy tụ gần 1.400 đại biểu từ các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều đại biểu đến từ các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác nhau. Qua đó, có 405 người được hiệp thương làm ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, tái đắc cử chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

 

 

9 tháng đầu năm, có 571 cán bộ, công chức bị kỷ luật, 125 người khác cũng đang bị xem xét xử lý: Đây là thông tin được Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra trước thềm khai mạc (ngày 21/10) kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. Ở ngành tư pháp, có 11 trường hợp bị kiểm điểm chưa bổ nhiệm lại chức danh thẩm phán, theo đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ngoài ra, ông Trí cũng cho hay, tính từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024, không có trường hợp nào bị kết án oan.

 

 

Bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan lãnh thêm án chung thân: Ngày 17/10, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án chung thân đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong phiên xử giai đoạn hai của vụ án liên quan đến sai phạm tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Bà Lan bị kết tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư trái phiếu. Trước đó, ở giai đoạn một của vụ án, bà đã bị tuyên án tử hình và hiện đang trong quá trình kháng cáo.

 

 

Chị gái của Dung Hà bị truy tố: Bà Vũ Hoàng Oanh (Oanh Hà), chị gái của trùm xã hội đen Dung Hà, bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Bà Oanh bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ vận chuyển 626 kg ma túy từ Campuchia vào Việt Nam, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng. Oanh Hà và Dung Hà là hai nhân vật nổi tiếng trong giới giang hồ Việt Nam, có liên quan đến vụ án Năm Cam - một trong những đại án tội phạm có tổ chức lớn nhất ở nước ta vào đầu những năm 2000.

 

 

Thủ đô khẳng định không có người ăn xin, người vô gia cư: Ngày 14/10, trong một buổi đối thoại với thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định thủ đô hiện không có người ăn xin hay vô gia cư. Trong khi đó, ở TP. Hồ Chí Minh, người ăn xin lang thang là vấn nạn nhức nhối mà chính quyền địa phương chưa giải quyết được. Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết người ăn xin, bao gồm cả người Campuchia, thường xuyên xuất hiện trên địa bàn thành phố. Một trong những khó khăn mà nhà chức trách gặp phải là tình trạng “chăn dắt” trẻ em đi ăn xin, đặc biệt khi đối tượng trực tiếp liên quan lại chính là cha mẹ hoặc người thân của các em.

 

 

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết luận nhiều vi phạm tại Trường Đại học Thủy lợi: Ngôi trường có bề dày truyền thống ở Hà Nội này có nhiều vi phạm về hoạt động tuyển sinh và đào tạo. Trong khi đó, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một ở Bình Dương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện sai phạm liên quan đến việc thu học phí vượt mức trần quy định trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 với tổng số tiền hơn 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì trả lại cho sinh viên, trường đã nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước.

 

 

Quảng Ninh tích cực chuẩn bị đón 200 tỷ phú châu Âu: Vào tháng 1/2025, khoảng 200 tỷ phú châu Âu sẽ đến Vịnh Hạ Long bằng du thuyền cá nhân để tham dự lễ hội "Nghệ thuật vì khí hậu" (Art for Climate Festival). Sự kiện diễn ra từ ngày 13 đến 19/1/2025, với hơn 80.000 người tham gia. Các bên liên quan ở tỉnh này đang làm việc để đảm bảo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là việc bố trí bến neo đậu cho các du thuyền cá nhân tại những bãi biển đẹp nằm giữa các dãy núi của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.


 

Bài đáng chú ý trong tuần:

 

Cứu loài khỉ voọc có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam

BBC News

50 năm sau thời điểm chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhà báo - phát thanh viên người Mỹ gốc Việt William Lee Adams bắt đầu một cuộc hành trình hoành tráng qua đất nước đã kiến tạo nên gia đình ông. 

Adams đã đến tỉnh Ninh Bình để thăm Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC).

 

Bị lợi dụng, thực tập sinh phải làm việc 66 giờ một tuần

Danny Voigtländer - Mdr.de

Ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam được đào tạo tại Đức. Bên cạnh những mô hình thành công, cũng có những góc khuất “tăm tối”. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có những học viên đã bị lợi dụng như thế nào [...]. 

 

 

Đọc thêm:

 

Cải tạo đảo với tốc độ kỷ lục, Việt Nam quyết đoán hơn trên lập trường Biển Đông

 

Bức tranh lịch sử mối quan hệ Việt Nam - Campuchia

 

 

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats