Friday, 18 October 2024

THẾ GIỚI HÔM NAY : 18/10/2024 (The Economist)

 



 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 18/10/2024

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

18/10/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/10/18/the-gioi-hom-nay-18-10-2024/

 

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu tuyên bố chiến sự ở Gaza sẽ tiếp tục dù lực lượng Israel đã tiêu diệt lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar. Israel đã “thanh toán món nợ,” ông Netanyahu nói trong một thông điệp video, “nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành.” Binh lính Israel được cho là đã bắn chết ông Sinwar cùng với hai nhân vật khác của Hamas ở miền nam Gaza vào đêm thứ Tư. Hồi tháng 8, Hamas bổ nhiệm ông Sinwar, một trong những kiến trúc sư của vụ 7 tháng 10, làm lãnh đạo. Israel đã tiêu diệt nhiều lãnh đạo cấp cao của Hamas trong những tháng gần đây, bao gồm Ismail Haniyeh, cựu lãnh đạo chính trị của nhóm này, và Muhammad Deif, chỉ huy quân sự lâu năm.

 

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,5% xuống còn 3,25%. Đây là lần cắt giảm thứ ba trong năm nay của ngân hàng. Các số liệu lạm phát sửa đổi cho thấy tỷ lệ hàng năm đạt 1,7% vào tháng 9, giảm so với ước tính ban đầu là 1,8% và thấp hơn mục tiêu 2% của ECB. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế cũng yếu đi.

 

Doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 9, cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 8 và vượt qua dự báo 0,3% của các nhà kinh tế. Chi tiêu cho quần áo và thực phẩm đã giúp thúc đẩy doanh số. Những số liệu này cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Dự kiến Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11.

Lãnh đạo của các nước EU đã đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh, trong đó vấn đề di cư là trọng tâm. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết cần xây dựng hàng rào ở biên giới phía đông của EU để ngăn Nga và Belarus gửi người xin tị nạn vào khối nhằm gây chia rẽ. Hà Lan đã đề xuất một kế hoạch gửi những người bị từ chối đơn xin tị nạn đến Uganda.

 

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc sản xuất máy bay không người lái cho Nga sử dụng ở Ukraine. Các công ty này là những đối tượng đầu tiên bị nhắm đến vì “trực tiếp phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí hoàn chỉnh” cùng với các công ty Nga; trước đó những công ty Trung Quốc khác bị trừng phạt là vì cung cấp linh kiện. Trung Quốc chưa gửi vũ khí cho Nga, song nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc đã giúp Nga tiếp tục sản xuất vũ khí.

 

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã gửi lễ vật đến đền Yasukuni, một ngôi đền gây tranh cãi vì thờ các tội phạm chiến tranh. Hành động này khiến Hàn Quốc phản đối, với thông cáo “thất vọng sâu sắc” từ bộ ngoại giao. Trung Quốc cũng lên án. Ông Ishiba nhậm chức vào ngày 1 tháng 10 và đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 27 tháng 10.

 

FBI đã bắt giữ một người đàn ông vì tội hack tài khoản của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ trên mạng xã hội X. Hồi tháng 1, một bài đăng được cho là của Gary Gensler, lãnh đạo của ủy ban, đã công bố sớm việc phê duyệt các quỹ bitcoin. Bài đăng này khiến giá của bitcoin tăng hơn 1.000 USD, sau đó giảm hơn 2.000 USD khi thông báo bị rút lại.

 

Con số trong ngày: 1,8 triệu, là số thùng dầu thô mà Iran xuất khẩu mỗi ngày vào tháng 9.

 

TIÊU ĐIỂM

 

NATO thảo luận về kế hoạch năm điểm của Zelensky

Tại hội nghị kéo dài hai ngày ở Brussels, các bộ trưởng quốc phòng NATO chắc chắn sẽ phân tích “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky của nước này đã trình bày chiến lược năm điểm của mình cho các nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần trước. Kế hoạch bắt đầu với lời kêu gọi NATO đưa ra lời mời cho Ukraine gia nhập liên minh. Điểm thứ hai là yêu cầu thêm vũ khí, đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa tầm xa. Đề xuất thứ ba và thú vị nhất là cho Ukraine một khả năng răn đe chiến lược “không hạt nhân” mạnh mẽ khi cuộc chiến hiện tại kết thúc.

 

Hai điểm cuối cùng của kế hoạch là lời nhắc nhở về những gì Ukraine có thể làm cho các đồng minh phương Tây nếu họ chiến thắng. Nước này có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là ở vùng Donbas do Nga chiếm đóng. Và trong một thế giới hậu chiến, các đơn vị quân đội Ukraine dày dạn kinh nghiệm có thể thay thế một số lực lượng Mỹ đóng tại châu Âu. Nhưng trong ba tuần tới, tất cả những điều này có thể trở thành dĩ vãng nếu Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

 

 

Thị trường hồi hộp chờ Trung Quốc tung kích thích

Vào thứ Sáu, Trung Quốc sẽ công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý ba, cũng như các số liệu hàng tháng về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, và các chỉ số kinh tế khác. Đây thường là sự kiện có tác động mạnh đến thị trường. Nhưng giai đoạn gần đây thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không còn quá chú ý đến dữ liệu, mà thay vào đó tập trung vào các cuộc họp báo. Kể từ khi ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính tổ chức một cuộc họp báo chung bất thường vào ngày 24 tháng 9, các nhà đầu tư đã phản ứng — và phản ứng quá mức — trước mọi dấu hiệu về các biện pháp kích thích sắp tới. Các cơ quan như ủy ban kế hoạch, bộ tài chính và bộ nhà ở đều đã tổ chức các cuộc họp báo trong tháng này, nhưng quy mô cuối cùng của bất kỳ gói kích thích nào vẫn còn mơ hồ.

 

Số liệu công bố vào thứ Sáu có thể cho thấy tăng trưởng chậm lại từ 4,7% xuống còn 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà thống kê của Trung Quốc sẽ không tiết lộ mức kích thích mà chính phủ sẽ cung cấp. Nhưng dữ liệu sẽ giúp làm rõ mức kích thích mà nền kinh tế Trung Quốc cần.

 

 

Tổng thống Biden thăm Đức

Chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Berlin vào thứ Sáu sẽ là một sự kiện mang tính kỷ niệm. Sau khi nhận Huân chương Công trạng Liên bang, huân chương dân sự cao nhất của Đức, Joe Biden sẽ gặp thủ tướng Đức Olaf Scholz để thảo luận về Ukraine và các vấn đề khác. Trong suốt cuộc chiến, hai người đã đồng thuận về các vấn đề như quy định về việc Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ, đề nghị gia nhập NATO, và nguy cơ leo thang. Sự thận trọng của họ thường khiến các đồng minh NATO hiếu chiến hơn phải thất vọng. Cũng như chủ trương xuyên Đại Tây Dương của ông Scholz, mà một số người cho là làm suy yếu quyền tự chủ của châu Âu.

 

Trong khi ấy, một số đồng nghiệp của ông Scholz trong Đảng Dân chủ Xã hội Đức lặng lẽ tự hỏi liệu tổng thống có thể mang đến một bài học khác. Thăm dò dư luận cho thấy ông Scholz, một trong những thủ tướng không được ưa chuộng nhất trong lịch sử nước Đức, sẽ dẫn dắt đảng của mình đến một thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử vào năm tới. Song ông Scholz vẫn khăng khăng cho rằng mình là người phù hợp cho vị trí này. Chính ông Biden cũng đã từng nói như vậy về bản thân mình.

 

 

Vua Anh thăm Úc

Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla đến Úc vào thứ Sáu trong chuyến thăm kéo dài sáu ngày đến Sydney và Canberra. Thủ hiến của sáu bang của Úc đã từ chối tham dự buổi tiệc chào đón hoàng gia, với lý do có việc khác. Những người ủng hộ chế độ quân chủ ở Úc do đó cáo buộc họ “xúc phạm” nhà vua.

 

Nước này đã tranh luận trong suốt nhiều thập niên qua về việc liệu có nên trở thành một nước cộng hòa hay không. Người dân Úc từng bỏ phiếu phản đối trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1999. Kể từ đó ủng hộ đối với một chính thể cộng hòa đã giảm. Những người theo chủ nghĩa cộng hòa từng cho rằng cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2022 sẽ thay đổi điều đó. Song nhiều người Úc vẫn trung thành với nhà vua. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có một phần ba muốn từ bỏ chế độ quân chủ. Chính phủ trung tả của Đảng Lao động Úc đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Một lý do là người dân Úc có những mối bận tâm lớn hơn. Hầu hết họ quan tâm đến lạm phát hơn là hoàng gia.

 

--------------------------------

 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/10/2024

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

17/10/2024
https://nghiencuuquocte.org/2024/10/17/the-gioi-hom-nay-17-10-2024/

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats