TBT
Tô Lâm trong 2 tháng đầu: củng cố quyền lực trong nước, ra mắt chính trường quốc
tế
RFA
2024.10.04
Sau
hơn hai tháng nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã nhanh chóng thực hiện một số
hành động được cho không chỉ nhằm củng cố quyền lực trong nội bộ Đảng mà còn tạo
dấu ấn riêng cho sự nghiệp chính trị của bản thân đối với quốc tế.
Tổng
bí thư Tô Lâm trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Indonesia
Prabowo Subianto (không có trong hình) tại Hà Nội hôm 13/9/2024 (AFP)
Thay
đổi nhân sự
Ngay
sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng vào hôm 3/8,
một loạt nhân sự cấp cao trong chính phủ đã bị cho thôi chức vụ, bao gồm Phó Thủ
tướng Lê Minh Khái và ba Ủy viên Trung ương Đảng, bao gồm các ông Đặng Quốc
Khánh, Nguyễn Xuân Ký và Chẩu Văn Lâm do dính líu tới các vụ đại án tham nhũng.
Đến
ngày 26/8, Chính phủ có ba Phó Thủ tướng mới là Hồ Đức Phớc, kiêm luôn chức Bộ
trưởng Bộ Tài Chính; Nguyễn Hòa Bình - trước đây là Chánh án Toà án Nhân dân tối
cao và ông Bùi Thanh Sơn, kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao. Cả ba được bầu bổ
sung trong phiên họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khoá 15.
Luật sư Đặng
Đình Mạnh,
một người quan sát tình hình chính trị Việt Nam nhận định rằng việc thay đổi
này không chỉ nhằm đưa các nhân vật thân cận như ông Lương Tam
Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Tô Ân Xô, Trần Đăng Quỳnh… lên các vị trí quan trọng,
then chốt trong bộ máy nhà nước, mà còn là một biện pháp để thanh lọc Ban Chấp
hành Trung ương Đảng, đặc biệt là những người đã phản đối ông Tô Lâm trước đây:
“Việc
tiếp tục duy trì cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng là cách để ông ấy “thay
máu”, thanh trừng các ủy viên trung ương vừa tham nhũng, vừa không ăn cánh với
mình. Do đó, trong diễn văn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm phải
nhấn mạnh về vấn đề công tác nhân sự rằng đây là vấn đề mang tính “Then chốt của
then chốt” là vậy.”
Luật sư
Nguyễn Văn Đài,
từ nước Đức, cũng đồng ý rằng ông Tô Lâm tỏ ra rất quyết đoán trong việc thay đổi
nhân sự. Ông thay thế những người không phù hợp hoặc không trung thành bằng những
người ủng hộ đường lối của mình. Sự quyết đoán này là một điểm khác biệt lớn so
với thời kỳ của Nguyễn Phú Trọng:
“Trong
vấn đề nhân sự thì ông Tô Lâm tỏ ra rất quyết đoán. Ông ấy sẵn sàng thay đổi tất
cả những người mà ông ấy cho là không phù hợp với đường lối lãnh đạo của ông ta
và ông ta thay thế bằng những người phù hợp và trung thành với ông ta.
Đây
là điểm rất khác biệt so với thời ông Nguyễn Phú Trọng, dù ông ấy đã trải qua gần
ba nhiệm kỳ nhưng mà ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể nào sắp xếp được những
nhân sự hay là thay đổi nhân sự mà ông ấy mong muốn. Còn đối với ông Tô Lâm thì
ông ấy làm việc rất quyết đoán.”
Công
du quốc tế
Từ
ngày 18 - 20/8, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc với
cương vị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam. Theo truyền thống, các nhà
lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường thực hiện chuyến thăm tới các nước láng giềng
sau khi nhậm chức, đặc biệt là Trung Quốc.
Chuyến
đi này được nói là có mục đích thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác trong các
lĩnh vực chiến lược quốc phòng, an ninh, kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết
bất đồng trên biển…
Sau
đó, từ ngày 21 đến 25/9, ông Tô Lâm có chuyến đi Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tương lai
của Liên Hiệp Quốc, hội kiến với tổng thống Mỹ Joe Biden, gặp gỡ với các doanh
nghiệp lớn của Mỹ cũng như sinh viên trường đại học Colombia…
Chuyến
đi này, được các chuyên gia đánh giá là ông Tô Lâm đã làm tròn các nhiệm vụ của
mình trong lần đầu bước ra vũ đài chính trị quốc tế. Tuy nhiên, chuyến đi cũng
chưa đạt được thành quả gì cụ thể cả về đối ngoại, lẫn kinh tế.
Sau
chuyến đi Mỹ của Tô Lâm, hôm 30/9, một nhóm khoảng 30 người Trung Quốc đi trên
ba chiếc ca nô đã rượt đuổi một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi
đang đánh bắt hợp pháp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau khi tiếp cận được tàu
cá của Việt Nam, nhóm người này có trang bị vũ khí, đã tấn công và lấy đi tất cả
ngư cụ và hàng chục tấn hải sản của ngư dân Việt Nam.
Luật sư Đặng
Đình Mạnh nhận
xét rằng những chuyến thăm ngoại giao của ông Tô Lâm mang tính nghi lễ nhiều
hơn là thực chất. Mặc dù nó giúp tăng cường vị thế của Tô Lâm trong Đảng, nhất
là trong bối cảnh nội bộ còn nhiều tranh chấp quyền lực. Nhưng về mặt quốc tế,
nó không có nhiều tác động:
“Đánh
giá về đối ngoại, nó chỉ có giá trị mang tính chất lễ nghi hơn là thực chất.
Nhưng về đối nội, nó giúp làm tăng vị thế của ông ấy trong Đảng vốn vẫn còn nhiều
thế lực chưa hoàn toàn khuất phục trong các cuộc tranh đoạt quyền lực chính trị
kéo dài từ vài tháng qua.”
Một
nhà phân tích chính trị độc lập, hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh
tính vì lý do an toàn, nói với RFA rằng qua các chuyến đi công du quốc tế của
ông Tô Lâm trong hai tháng đầu ở cương vị Tổng bí thư, có thể thấy rằng trong
tâm của đối ngoại Việt Nam chỉ là tìm cách phát triển kinh tế chứ không ngả về
bên nào. Và theo ông, đó là một đường lối đối ngoại đúng đắn trong bối cảnh
tình hình chính trị thế giới đang rất phức tạp như hiện nay:
“Nó chỉ
có một mục tiêu rõ ràng là trọng tâm của Việt Nam là tìm cách phát triển kinh tế
và làm giàu. Cái tinh thần đó đang được thể hiện rất rõ. Và những quyết sách đó
là đúng là ở khía cạnh quan hệ quốc tế. Việt Nam không ngả về bên nào mà chỉ tận
dụng cơ hội để phát triển kinh tế. Tôi nghĩ là đây là một cái điều mà được thể
hiện rõ ràng hơn so với thời ông Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy
nhiên, tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc
ngày càng gia tăng. Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam ‘đu dây’ sẽ không còn nữa:
“Không
chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước ở Châu Âu, thậm chí là những đồng minh của Hoa Kỳ,
những nước có quyền lực rất lớn, có sự tự chủ về công nghệ rất lớn, họ cũng muốn
giữ mối quan hệ với Trung Quốc vì miếng bánh mà Trung Quốc đem lại lợi nhuận là
rất lớn. Nhưng cuối cùng họ vẫn không giữ được bởi vì trước những quyền lợi mà
Hoa Kỳ đem lại thì họ bắt buộc phải từ bỏ miếng bánh Trung Quốc, mặc dù họ cũng
có tiếc nuối.”
Khác
biệt so với Nguyễn Phú Trọng
Những
người mà RFA phỏng vấn đều nhận thấy rằng Tô Lâm đã thể hiện sự khác biệt so với
người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Ông Tô Lâm tỏ ra thực tế và quyết đoán hơn,
trong khi ông Trọng lại thiên về giáo điều và lý thuyết.
Nhà
phân tích chính trị giấu tên cho biết, về đối nội, một khác biệt rất lớn giữa
ông Trọng và Tô Lâm được thể hiện qua những bài phát biểu của ông ấy tại các cuộc
họp trung ương là Đảng vẫn lãnh đạo về các đường lối, chính sách lớn của quốc
gia, nhưng chính phủ vẫn là cơ quan điều hành chính:
”Đối
với vấn đề lãnh đạo thì Đảng lãnh đạo về ý tưởng lớn còn Chính phủ vẫn là người
điều hành. Thật ra là rất khác với thời của ông Trọng với xu hướng Đảng can thiệp
nhiều vào vấn đề điều hành của Chính phủ, thậm chí là các hoạt động phát triển
kinh tế. Nhưng đến thời ông Tô Lâm thì không còn như vậy.”
Theo
luật sư Đặng Đình Mạnh, dù có sự khác biệt về phong cách nhưng ảnh hưởng của hệ
tư tưởng Cộng sản và Chủ nghĩa Xã hội dưới thời ông Trọng vẫn còn rất nặng nề.
Việc ông Tô Lâm có thể tạo ra những thay đổi đột phá sẽ phụ thuộc vào thời gian
và bối cảnh chính trị trong tương lai xa:
“Khác
với ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm là người thực tế, không giáo điều. Vì thế,
ông Tô Lâm có thể sẽ có những quyết sách phù hợp cho đất nước tốt hơn ông Nguyễn
Phú Trọng.
Thậm
chí, tôi nghĩ ông Tô Lâm còn có thể có những quyết sách mang tính cách đột phá
về thể chế. Nhưng điều đó chỉ có thể thấy trong tương lai xa hơn, ít nhất ngoài
phạm vi 5 năm. Vì lẽ, sau hàng thập kỷ hệ thống chính trị hoạt động dưới sự khống
chế của ông Nguyễn Phú Trọng, thì sự ảnh hưởng của giáo điều Cộng Sản, cũng như
lý thuyết chủ nghĩa Xã Hội sắt máu vẫn còn rất nặng nề trong tổ chức Đảng Cộng
Sản. Bối cảnh này chưa chín muồi cho việc đưa ra những quyết sách đột phá.”
Theo
quan điểm của ông Huy Vũ, ông Lâm và ông Trọng, dù có phong cách lãnh đạo khác
nhau nhưng tựu chung thì vẫn không có năng lực điều hành quốc gia:
”Tô
Lâm không cố gắng thể hiện là một con người đơn sơ mộc mạc như ông Nguyễn Phú
Trọng mà ông ấy xây dựng hình ảnh như là một lãnh tụ hiện đại hơn. Nhưng mà cái
điểm chung của hai người là đều không có năng lực điều hành quốc gia. Nếu chúng
ta nhìn thấy cơn bão Yagi hay là những chính sách hoạt động ngoại giao giữa các
nước thì thấy là họ không có một cái sự nổi bật nào và cũng không có khả năng
đưa một đất nước đi đến một vị thế khác.”
--------------------
Tin,
bài liên quan
Thời
Sự
Chuyến
đi Mỹ của ông Tô Lâm có đạt được mọi mục tiêu?
Hợp
tác quốc phòng Việt Mỹ: mua thêm vũ khí hay bài toán ngoại giao?
Giáo
sư Mỹ nói về thư ngỏ kêu gọi Việt Nam thả nhà báo Huy Đức
Ông
Tô Lâm có thể đẩy cuộc “đảo chính cung đình” của mình xa đến đâu trước khi gặp
phải sự kháng cự?
Cựu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kêu gọi Lãnh đạo Việt Nam đổi mới chính trị
No comments:
Post a Comment