Thursday 10 October 2024

SÀI GÒN, SÀI GÒN (Trần Trung Sỹ / Diễn Đàn Khai Phóng)

 



Sài Gòn, Sài Gòn

TRẦN TRUNG SỸ   -   Diễn Đàn Khai Phóng

10/10/2024

https://diendankhaiphong.org/sai-gon-sai-gon/

 

Tôi vào Sài Gòn năm 1964, như là một học sinh xong bậc trung học quyết rời quê nhà Miền Trung vào Sài Gòn cho thỏa ước mơ.

 

Nơi tôi đặt chân đầu tiên ở Sài Gòn là ở đường Trần Quang Khải, giáp ranh Tân Định và Đakao. Nói là đường Trần Quang Khải nhưng thật ra nơi tôi ở là khu lao động vào sâu trên kênh rạch phia sau rạp ciné Đakao.

 

Ngay buổi chiều đầu tiên, Sài Gòn chào tôi bằng một trận mưa như trút nước. Trời vùa sập tối, mưa ập xuống không nói không rằng, nước trên trời đâu lắm thế. Đứng nép mình dưới mái hiên một căn phố nhỏ ở con đường Nguyễn Phi Khanh, cùng lúc trong tiếng ào ào dữ dội của mưa và gió dập không dứt, tiếng nước chảy xiết trên mặt đường, chợt nghe dồn dập từ trong nhà tiếng piano đang khúc presso mạnh mẽ như muốn át tiếng mưa, nhìn vào, một thiếu nữ mặc áo dài hoa quay lưng ngồi đánh đàn ngay cửa sổ. Trời sập tối, mưa và gió ào ào, tiếng nước chảy, tiếng đàn piano xen lẫn và dáng người đẹp mặc áo dài hoa. Ấy là kỷ niệm đầu tiên đầy ấn tượng của tôi về Sài Gòn.

 

Chỗ tôi trọ là một gian nhà nhỏ lợp tôn nằm sâu trong hẻm, ban ngày nóng rực, chiều tối khi bắt đầu có tiếng róc rách của con nước lên dưới sàn gỗ là lúc trời bắt đầu dịu dần. Nơi này từ sáng đến trưa chiều không dứt tiếng vọng cổ phát ra từ radio, tiếng la lối chửi thề. Ban đêm tiếng bước chân mỏi mệt giẫm trên lối đi lát gỗ của các chị em đi làm về khuya, lâu lâu vài tháng lại nghe tiếng nói lao xao, tiếng chạy rầm rập của những lần chính quyền hành quân cảnh sát.

 

Vì là con nhà không khá giả ở miền Trung, vào đây nhờ gia đình thời gian đầu, sau đó phải tự mình xoay xở để có thể trụ lại. Để có được cái ăn cái học bọn chúng tôi sống vất vả lắm, một số rất ít có được chút học bổng, phần đông phải tìm chỗ dạy kèm, làm phụ việc kiếm sống nhưng rất bấp bênh. Ăn thì như thơ Trần Quang Long,

 

bữa đói bữa no, cậy nhờ bè bạn
lây lất chẳng ra sao,

 

ở thì ngoại trừ một số rất ít sống nhờ được nhà bà con, hoặc may mắn giành được một chỗ trong đại học xá duy nhất ở Chợ Lớn, phần lớn tụi tôi phải chen chúc trên những căn gác chật hẹp nóng bức mà cứ cuối mỗi tháng đến hạn trả tiền thuê nhà là nghe ra rả tiếng chửi chó mắng mèo của bà chủ nhà trọ.

 

Bầm dập với Sài Gòn là thế, nhưng lạ là mỗi lần về quê nhà trong cái ao ước có được những giây phút  nằm yên nghỉ, duỗi thẳng tay chân trên thảm cỏ xanh êm đềm mát rượi của gia đình, thì lại nhớ Sài Gòn kinh khủng. Thế là chỉ bốn năm ngày sau là lại muốn vào lại Sài Gòn.

 

Nhớ nhất phải là cái sôi động của Sài Gòn, cái mà quê tôi không thể nào có được.

 

Hình ảnh không bao giờ quên là cảnh những buổi chiều trời còn một chút ráng vàng rồi tím dần, tại các ngã năm ngã bảy của Sài Gòn dòng người và xe vun vút. Trong tiếng còi inh ỏi và mùi khói xe dày đặc, trời lúc này không còn đủ sáng để thấy mặt ai lạ ai quen, chỉ còn thấy thoáng qua dáng vẻ vội vã và uể oải  trên từng khuôn mặt. Là người làm việc sau một ngày mỏi mệt tranh thủ về nhà hay là cô gái son phấn trên đường vội vàng đến quán bar cho kịp giờ làm, hầu như lúc này ai cũng đăm chiêu vô tình không bỏ công ngoáí lại nhìn nhau.

 

Rồi nữa, là tiếng cyclo máy, chỉ thấy ở Sài Gòn, mà cứ khoảng đúng ba giờ rưỡi sáng là bắt đầu gầm rú xé toang màn đêm trong các con hẻm lao động và hình ảnh những chiếc cyclo máy ấy với những kỵ sĩ mặt sạm nắng, mập mạnh, đầu đội cát két, khoát áo phông bạc mầu phóng bạt mạng trên các ngõ đường thành phố. Là tiếng len ken đều đều của những chiếc xe ngựa treo đầy quang gánh cùng những tà áo dài trắng học sinh ngồi vắt vẻo rong ruổi trên đường về hướng Bà Quẹo, An Sương. Là tiếng chào mời ồn ào, huyên náo không dứt tại các góc chợ, bến xe. Đặc biệt là các câu hò, câu hát rất ngọt có vần có điệu thú vị của anh Ba, chú Tám đặc chất Sài Gòn để Xin mời cô bác anh chị bỏ chút thì giờ ghé thăm gian hàng . . .của chúng em qua loa phóng thanh oang oang lôi kéo người qua đường dừng chân .. . Và nhiều nữa cái sôi động của Sài Gòn.

 

Chiến tranh, hiện hữu và đã hiện diện trên màu áo lính và những chiếc xe jeep, xe nhà binh thỉnh thoảng trông thấy trên đường phố đã không ảnh hưởng gì mấy đến cái sôi động vốn có của Sài Gòn.

 

Nhưng chính trị và thời cuộc thì có ảnh hưởng. Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ chính trường Miền Nam mất ổn định. Chính biến và thay đổi chính phủ hầu như lúc nào cũng có thể xảy ra. Sài Gòn thường xuyên trong cơn sốt với các cuộc bạo động, đình công bãi thị, biểu tình, bãi khóa…

 

Năm tôi vào Sài Gòn đúng vào thời điểm đổi thay liên tục giới lãnh đạo quân đội và chính quyền. Hình ảnh những chiếc máy bay chiến đấu lượn quanh trên bầu trời và những chiếc xe tăng trấn các ngả đường trọng yếu, những cuộc biểu dương lực lượng của hàng vạn giáo dân Công Giáo từ Hố Nai kéo về làm áp lực, những nhóm thanh niên sinh viên Phật tử mang băng vàng làm rào cản ngăn chặn các ngả đường dẫn vào trung tâm thành phố, những đụng độ lẻ tẻ nhưng đẫm máu của các phe phái, những hội thảo và biểu tình rầm rộ và quyết liệt chống độc tài của sinh viên các trường đại học, những lần tập hợp của hàng ngàn công nhân đòi quyền lợi tại các cứ điểm của các Liên đoàn Lao Động, những buổi thuyết pháp đông người mang màu sắc chính trị tại Ấn Quang và Việt nam Quốc Tự. . . trở nên quen dần và cứ thế Sài gòn nóng lên theo nhịp đập của thời cuộc cho đến những năm sau này.

 

Còn nữa, báo chí Sài Gòn với cả trăm tờ báo của tư nhân đã thổi thêm hơi nóng thời cuộc vào sự sôi động của thành phố. Báo bày bán đầy trên lề đường, báo bên ly café, báo trong sở làm, báo trên tay người đạp cyclo ngồi chờ khách, báo bên cạnh  bà bán hàng trong sạp chợ …Báo chí trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Sài Gòn. Những lúc cao trào của biến động chính trị chỉ cần những chạy tít độc gợi sự chú ý, những bài bình luận sắc bén của một số tờ báo cũng đủ làm râm rang bầu không khí mỗi buổi sáng của Sài Gòn.

 

Nhịp sống nhanh và cả thời cuộc, một thời đã cùng nhau làm nên sự sôi động đầy hấp dẫn của thành phố này.

 

Thế nhưng theo tôi thật ra cái thu hút nhất của Sài Gòn lại là cái khác. Đó là một Sài Gòn rộng mở, nơi đầy cơ hội mở ra cho tất cả mọi người.

 

Thật vậy, bạn sẽ không có gì ngạc nhiên khi những đứa bầm dập như tôi lại có lúc được đãi một bữa ăn thịnh soạn tại một nhà hàng sang trọng trên đường Lê Thánh Tôn nhờ gặp lại một đứa bạn thân chỉ mới vào đây trước ba năm, sẽ không có gì là lạ ở đây nếu nhiều lần đang ngồi rầu lo thất nghiệp thì lại được người mình không ngờ tới giới thiệu tới năm ba chỗ làm, sẽ thấy Sài Gòn quá thú vị khi gặp nhau bàn chuyện làm ăn, cộng tác, rất lẹ, hể thấy hợp nhau là xong, chẳng bao giờ phải mất thì giờ đắn đo, thắc mắc đến cái gốc gác, lịch sử riêng tư của nhau.

 

Để cho một người lạ lẫm với thành phố có một bữa ăn thịnh soạn bất ngờ không tốn tiền, một vài công việc dễ chịu đột nhiên ập đến, một gặp gỡ để gút công chuyên làm ăn, cộng tác chóng vánh như trên, có lẽ chỉ ở Sài Gòn này, nơi khác không dễ gì có được.

 

Được như vậy bắt nguồn từ trước tiên, Sài Gòn là điểm giao của đồng bằng Nam bộ, nơi cuộc sống và con người đậm chất miệt vườn, không màu mè, cởi mở và phóng khoáng. Thứ đến với sự phát triển chế độ thuộc địa của người Pháp, Sài Gòn rất sớm là một trung tâm thương mại lớn nhộn nhịp nhất của cả nước, mở ra nhiều cơ hội làm ăn và đặc biệt, là nơi du nhập sớm nhất lối sống thành thị và văn hóa ứng xử của phương Tây. Đây chính là điều hấp dẫn khiến cho hai tiếng vào Nam đã là một thôi thúc mạnh mẽ ngay từ cuối những năm 1930 của thế kỷ trước đối với nhiều người, những người trẻ nhạy cảm với những đổi thay của thời cuộc, mạnh dạn kết thân, lập hội, những người không chịu an phận và nhất là trong giới cầm bút, văn nghệ sỹ sống ở các tỉnh thành tận ngoài Trung, ngoài Bắc.

 

Lật lại sách báo cũ ngày ấy, sẽ thấy Sài Gòn là nơi ghi dấu ấn của quá nhiều người cầm bút, văn nghệ sỹ cả nước đi tìm cơ hội thể hiện, nếu không thành danh từ đây thì cũng luôn trân quý những ngày lăn lộn với Sài Gòn, thành phố sôi động và rộng mở này đã là một phần đời trai trẻ không quên được của họ. Cả Trần Dần ngắn ngủi với Sài Gòn mà cũng đã thốt lên:

 

Anh đã sống Sài Gòn thuở trước.

Cảnh Miền Nam thành một góc tim anh.

 

Năm 1990, một người bạn của tôi ở nước ngoài, rời Hà Nội từ thời còn trẻ, lần đầu về quyết thăm Hà Nội cho thỏa ước mơ, vào lại Sài Gòn gặp tôi buồn rầu nói: Thôi hết rồi, cái thanh lịch của Hà Nội đã bỏ vào Sài Gòn từ lâu.

 

Cuộc di cư lớn nhất lịch sử năm 1954 từ Bắc vào Nam của triệu người Việt đã làm nên một sự thay đổi lớn.

 

Hiệp định Geneve chia đất nước ra hai miền Bắc Nam với hai chế độ khác nhau đã đưa đến một hệ quả là dịch chuyển hơn một triệu người miền Bắc vào Nam vì nhiều lý do: chính trị có, cuộc sống có và cả tôn giáo. Trong sự chuyển dịch này, từ Hà nội người ra đi cả gần trăm ngàn mà chủ yếu là trong giới viên chức và những người buôn bán, hành nghề tự do. Đây thuôc lớp thị dân tiểu tư sản đã gắn bó từ lâu với Hà nội, người Hà Nội thực sự và cũng là phần tinh hoa của Hà Nội thời tạm chiếm.

 

 Không giống như những đợt sóng vào Nam của người Bắc những năm 1936, 1945 chỉ đủ minh họa cho sự khác biệt của văn hóa đàng ngoài và sớm bị cuốn hút theo dòng chảy của Sài Gòn, lần này sau 1954, với một phần của Hà Nội, cái nôi của văn hóa cả nước đến với Sài Gòn, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành một trung tâm hội tụ văn hóa Bắc Nam.

 

Sau 54, từ các công sở cho đến các bệnh viện, các nhà sách, các giảng đường đại học, các bục giảng trường trung học, cả trong nhà thờ, các chùa . . . tất cả không nơi nào không thấy bóng dáng người Bắc, trong đó không thiếu dáng dấp của những nhân vật tên tuổi một thời của Hà Nội. Vốn là một thành phố lớn và rộng mở với tất cả, Sài Gòn đã tiếp nhận dễ dàng cái văn hóa của Hà Nội để làm phong phú thêm cho mình không phải chỉ trong lĩnh vực tri thức, học thuật, nghệ thuật, mà cả trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của đời sống.

 

 Vào Sài Gòn nói Tân Sơn Nhứt hay Tân Sơn Nhất cũng xong không còn phân biệt như trước kia, tôi làm quen và yêu cái giọng rất nhẹ của người Hà Nội nhờ vào ở Sài Gòn. Trong cái thực đơn mỗi buổi sáng của người Sài Gòn bên cạnh hủ tíu, cơm tấm nay có được thêm phở, bánh cuốn, ngày Tết bên cạnh bánh tét nay Sài Gòn còn có bánh chưng, ở Sài Gòn quen nghe điệu hò lơ nay lại nghe thêm được điệu cò lả, đi giữa Sài Gòn huyên náo nắng nóng này dễ dàng tìm được một góc lắng đọng với tiếng hát Thái Thanh, Mai Hương, Tâm Vấn và âm điệu mùa thu Hà Nội bên tách cà phê

 

Hà nội đã trở thành một phần của Sài Gòn, trong Sài Gòn có bóng dáng Hà Nội. Trong cái sôi động, rộng mở và lịch lãm của Sài Gòn nay có thêm cái thanh lịch, điệu nghệ và hương sắc của Hà nội. Và như thế, Sài Gòn đã trở nên hấp dẫn hơn. Đến đây chợt nhớ câu thơ của Nguyên Sa,

 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

 

Không một nơi nào trên đất nước Việt Nam mà trong nỗi bất hạnh lớn của lịch sử lại có được cái may mắn như Sài Gòn.

 

TRẦN TRUNG SỸ, 2024

( Xem tiếp:  Sài Gòn, Sài Gòn,  sau 1975 )






No comments:

Post a Comment

View My Stats