Tuesday, 22 October 2024

RƯỢU PORTO CỦA BỒ ĐÀO NHA LÚN SÂU VÀO KHỦNG HOẢNG (Tuấn Thảo | RFI)

 



Rượu Porto của Bồ Đào Nha lún sâu vào khủng hoảng

Tuấn Thảo  -  RFI

 Đăng ngày: 21/10/2024 - 13:54

https://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20241021-r%C6%B0%E1%BB%A3u-porto-c%E1%BB%A7a-b%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0o-nha-l%C3%BAn-s%C3%A2u-v%C3%A0o-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng

 

Trên thế giới, lượng tiêu thụ rượu đang trên đà sụt giảm, chậm mà đều đặn. Xu hướng này tác động mạnh đến các nhà sản xuất nói chung. Theo báo Le Figaro, sau ngành vang đỏ ở vùng Bordeaux, rượu sâm banh ở vùng Champagne, nay đến phiên vùng thung lũng Douro, nơi sản xuất loại rượu Porto cực kỳ nổi tiếng của Bồ Đào Nha cũng bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

 

HÌNH :

Một công nhân thu hoạch nho để làm rượu vang tại thung lũng sông Douro, gần Baiao, Bồ Đào Nha, ngày 07/09/2023. AP - Armando Franca

 

Ngành sản xuất rượu phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết cũng như luật cung cầu trên thị trường, nhưng chưa bao giờ vùng thung lũng Douro, ở phía bắc Bồ Đào Nha, lại bị tác hại nặng nề như hiện nay. Tờ báo Le Figaro trích dẫn ông José Manuel Ferreira, 74 tuổi, một nhà trồng nho ở xã Sao Joao da Pesqueira, cho biết hàng năm ông vẫn thường bán nho trồng để làm rượu Porto cho một hợp tác xã, nhưng năm nay sản phẩm của ông lại bị từ chối, chủ yếu cùng vì mức cung vượt mức cầu, sản lượng tồn kho ngày càng nhiều. Kết quả là ông Ferreira vẫn đang tìm kiếm người mua vào tháng 10 này khoảng một tấn nho do ông trồng.

 

Rượu Porto, đặc sản vùng thượng nguồn sông Douro

 

Theo báo le Figaro, ông Ferreira không phải là một trường hợp riêng lẻ. Hiện giờ, hàng trăm nhà sản xuất nhỏ trong số khoảng 20.000 người trồng nho làm rượu đang phải đối mặt với hậu quả của nhiều năm sản xuất quá nhiều loại rượu Porto. Sự kiện mức cầu liên tục sụt giảm trong nhiều năm qua đã khiến vùng thung lũng Douro rơi vào khủng hoảng.

 

Vùng này nổi tiếng với hơn 24.000 hécta ruộng nho bậc thang, được trồng trên các triền đồi dọc bờ sông Douro, trải dài trên hàng chục cây số, từ các tỉnh miền bắc đến tận thành phố Porto, nơi dòng sông Douro đổ ra Đại Tây Dương. Những ruộng nho này đã có từ lâu đời, được chia thành nhiều mảnh đất nhỏ khoảng hai hécta, do nhiều nhà sản xuất trồng trọt canh tác. Các nhà sản xuất nhỏ này sau đó bán lại nông phẩm của họ cho các nhóm điều hành lớn còn thường được gọi là ''quintas''.

 

Porto không những là một địa danh thơ mộng mà còn đặt tên cho loại ruợu đến từ Bồ Đào Nha nổi tiếng trên toàn thế giới. Rượu Porto ra đời ở vùng thung lũng Douro vào giữa thế kỷ XVII và thực sự được phát triển từ đầu thế kỷ XVIII. Vào năm 1703, hiệp ước Methuen mở ra giai đoạn hợp tác trên diện rộng giữa hai nước Anh và Bồ Đào Nha. Rượu vang của Bồ Đào Nha thường được xuất khẩu sang Anh, nhưng vào thời bấy giờ, cho dù thuyền chở hàng có đi nhanh cách mấy, nhưng các thùng rượu vang vẫn dễ bị hư sau nhiều ngày trên biển.

 

Nhà buôn rượu người Anh Jean Beardsley đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách pha thêm rượu mạnh để ngăn chặn quá trình lên men cũng như biến đổi của rượu vang (làm từ trái nho). Do vậy, trong mắt của giới chuyên gia, dù có nhiều vị ngọt, Porto vẫn là một loại rượu biến đổi (muté) chứ không phải là rượu mùi (aromatisé) hay rượu đun nóng để tăng thêm nồng độ (vin cuit). Công thức dùng rượu mạnh để ngưng quá trình lên men, sau đó cho ra đời hẳn một trường phái trong cách pha chế để tạo thêm nét tinh tế.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, rượu Porto đã nhanh chóng chinh phục các vương triều châu Âu, thành công đến mức hầu tước Pombal lúc bấy giờ là thủ tướng Bồ Đào Nha tạo ra vào năm 1756 một trong nhãn hiệu cầu chứng đầu tiên trên thế giới, gắn liền một đặc sản với địa danh sản xuất. Và như vậy, tất cả các loại rượu khai vị khác, cho dù có bắt chước dùng một công thức giống hệt, vẫn không thể được gọi là Porto. Ngoài cách làm rượu, vùng Porto còn quy định chặt chẽ các khu vực sản xuất, phân các giống nho thành 6 loại, từ loại tầm thường nhất đến loại thượng hạng, cao cấp. Công cụ này giúp Bồ Đào Nha gầy dựng uy tín trên thị trường quốc tế, phát triển thương hiệu Porto, tạo điều kiện cho loại rượu này vươn ra toàn cầu.

 

 

Sản lượng Porto giảm một phần tư trong 15 năm qua

 

Khách du lịch từng đến Porto chủ yếu tham quan thành phố cảng, còn khi vực trồng nho làm rượu Porto trên thực tế nằm ở phía thượng nguồn sông Douro, cách trung tâm thành phố khoảng một trăm cây số. Còn được gọi là Alto Douro, đây là nơi cất giữ hàng triệu chai Porto trong những hầm rượu khổng lồ. Các ruộng nho Alto Douro từng được Unesco xếp vào hạng di sản của thế giới từ năm 2001.

 

Theo báo Le Figaro, vùng thung lũng Douro (Alto Douro) sản xuất hai loại rượu khác nhau, loại rượu vang đỏ Douro vẫn duy trì được số bán nhờ mức tiêu thụ nội địa, trong khi doanh thu của rượu khai vị Porto lại không ngừng đi xuống, do tỷ lệ xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh trong những năm gần đây, kể từ khi thói quen của người tiêu dùng trên thế giới có dấu hiệu thay đổi.

 

Trong vòng 15 năm qua, sản lượng rượu Porto đã giảm 25%, xuống còn 65 triệu lít vào năm 2023. Theo ông Frederico Falcao, giám đốc cơ quan ViniPortugal chuyên quảng bá rượu vang Bồ Đào Nha, do hàng tồn kho còn quá nhiều, cho nên một số nhà trồng trọt năm nay không còn hái nho nữa, tốn công sức thu hoạch trong khi công việc hái nho không còn mang lại cho họ lợi nhuận nào cả. Viện nghiên cứu về vang Douro và rượu Porto (IVDP) đã quyết định giảm gần 20% hạn ngạch sản xuất, từ 105.000 thùng vào năm 2023 xuống còn 90.000 thùng trong năm nay.

 

Đối với các chuyên gia trong ngành, các thương hiệu lớn của Porto, nắm giữ gần 90% thị trường, có thể điều chỉnh giá và hạn chế thua lỗ. Ngược lại, các nhà sản xuất nhỏ là thành phần bị tác hại nặng nề nhất. Theo thị trưởng Sao Joao da Pesqueira, ông Manuel Cordeiro, vùng Alto Douro độc quyền sản xuất một loại rượu ngon được toàn thế giới biết đến, nhưng thành quả và phúc lợi lại không được phân chia đồng đều, rốt cuộc các nhà sản xuất nhỏ cũng như những gia đình nông dân, đã nghèo lại gặp thêm cái eo.

 

Cũng như ở vùng Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, cuộc khủng hoảng rượu vang (do mức cung vượt mức cầu) buộc các hội đồng địa phương ban hành quy định nhổ bỏ các gốc cây nho. Cho dù có đền bù thiệt hại, nhưng biện pháp triệt để này không được các nông dân Bồ Đào Nha hưởng ứng, nhất là thành phần sản xuất nhỏ, chỉ khai thác vài hécta đất canh tác. Thế nhưng để tồn tại, ngành chế biến Porto buộc phải tổ chức lại cơ cấu, tài trợ cho các nhà trồng nho chuyển sang sản xuất những nông phẩm khác. Nếu giới chuyên gia Bồ Đào Nha không có kế hoạch đối phó ngay từ bây giờ, thì cho dù có cực kỳ nổi tiếng, rượu Porto vẫn khó mà thoát khỏi một cuộc khủng hoảng dai dẳng triền miên. 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats