Lưới điện Cuba sập lần thứ
4, dấy lên nghi ngờ về một giải pháp nhanh chóng
22/10/2024
https://www.voatiengviet.com/a/7830568.html
Lưới điện của Cuba lại bị sập một lần nữa hôm
20/10. Đây là lần thứ tư trong vòng 48 giờ xảy ra sự cố như vậy, làm dấy lên
nghi ngờ mới về một giải pháp nhanh chóng trên hòn đảo vốn đã phải chịu tình trạng
thiếu hụt nghiêm trọng về lương thực, nhiên liệu và thuốc men.
https://gdb.voanews.com/d60f6c2e-0f01-4b3d-9659-8336c826e312_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg
Cảnh sát Cuba đứng bên cạnh những đống rác
dùng để chặn đường trong cuộc biểu tình phản đối tình trạng mất điện tại
Havana, Cuba, vào ngày 19 tháng 10 năm 2024.
Sự cố mất điện, sau nhiều tuần mất điện luân
phiên, đã gây ra một số cuộc biểu tình nhỏ trên khắp hòn đảo Caribe, nơi một
cơn bão nhiệt đới đe dọa cản trở các nỗ lực khôi phục điện.
Lưới điện quốc gia của Cuba lần đầu tiên bị sập
vào khoảng giữa trưa ngày 18/10 sau khi nhà máy điện lớn nhất của hòn đảo ngừng
hoạt động, gây ra sự hỗn loạn và khiến khoảng 10 triệu người phải sống trong
bóng tối. Lưới điện đã sập 3 lần kể từ đó, cho thấy tình trạng bấp bênh của cơ
sở hạ tầng của nước này.
Những lần hỏng hóc liên tiếp đánh dấu một bước
lùi lớn trong nỗ lực của chính phủ nhằm nhanh chóng khôi phục điện cho người
dân vốn đã rất mệt mỏi – phần lớn trong số họ đã phải chịu đựng nhiều tháng mất
điện trong suốt mùa hè oi bức của vùng Caribe.
Chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel, xuất hiện
vào tối ngày 20/10 trên truyền hình quốc gia trong bộ trang phục quân đội màu ô
liu, khuyến khích người dân Cuba bày tỏ sự bất bình của họ về tình hình này một
cách kỷ luật và lịch sự.
“Chúng ta sẽ không chấp nhận hoặc cho phép bất
kỳ ai hành động phá hoại và càng không thể làm thay đổi sự bình yên của người
dân chúng ta”, ông Diaz-Canel, người hiếm khi xuất hiện trong quân phục, nói.
Thủ đô Havana đã hoàn toàn mất điện vào tối
ngày 20/10, khi chỉ có rải rác các doanh nghiệp, quán bar và gia đình chạy bằng
máy phát điện nhỏ sử dụng nhiên liệu. Hầu hết thành phố với 2 triệu dân này đều
rơi vào tĩnh lặng. Người dân chơi domino trên vỉa hè, nghe nhạc trên radio chạy
bằng pin và ngồi trên thềm cửa.
Có thể thấy sự hiện diện đông đảo của cảnh
sát tại một số điểm trên khắp thành phố.
Các nhà báo của Reuters đã chứng kiến một số
cuộc biểu tình gõ nồi niêu thường thấy ở Mỹ Latinh, được gọi là “cacerolazos”,
tại các khu phố ở ngoại ô Havana.
Những người biểu tình tức giận vì thiếu lương
thực, nước và điện đã chặn đường có những đống rác ở San Miguel de Padron, một
khu phố nghèo ở ngoại ô thành phố, trước khi bị lực lượng an ninh giải tán.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Cuba, Vicente de
la O Levy, hôm 20/10 nói rằng ông thừa nhận tình trạng mất điện gây phiền nhiễu
cho người dân, nhưng cho biết hầu hết người dân Cuba đều hiểu và ủng hộ những nỗ
lực của chính phủ nhằm khôi phục nguồn điện.
“Hợp tác là văn hóa của Cuba”, ông O Levy nói
với các phóng viên hôm 20/10. “Những sự cố đơn lẻ và nhỏ nhặt đó xảy ra, chúng
tôi coi chúng là không chính xác, là không đúng đắn”.
Trước đó trong ngày 20/10, Cuba đã khôi phục
nguồn điện cho 160.000 khách hàng ở Havana, ngay trước khi lưới điện bị sập
trong cùng ngày, mang lại cho một số cư dân một tia hy vọng.
Tuy nhiên, tình hình trở nên tệ hơn vào cuối
buổi chiều khi một sự cố sập lưới điện khác buộc chính quyền phải bắt đầu lại từ
đầu, làm dấy lên nỗi lo về tình trạng mất điện trên diện rộng trong nhiều ngày
nữa.
Các quan chức ban đầu cho biết điện sẽ được
khôi phục vào ngày 21 hoặc 22/10. Hiện vẫn chưa rõ sự cố mới nhất này sẽ làm chậm
trễ những nỗ lực của chính phủ như thế nào.
Những nỗ lực đó cũng bị cản trở bởi bão nhiệt
đới Oscar, vốn đổ bộ vào đảo Caribe hôm 20/10, mang theo gió mạnh, bão lớn và
mưa lớn ở một số vùng phía đông Cuba.
Chính quyền do Đảng Cộng sản điều hành đã cho
nghỉ học đến hết ngày 23/10 – một động thái gần như chưa từng có ở Cuba – với
lý do là cơn bão và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Các quan chức nói
chỉ những công nhân thiết yếu mới được đến làm việc vào ngày 21/10.
Chính phủ đổ lỗi cho nhiều tuần mất điện ngày
càng trầm trọng – kéo dài tới 10 đến 20 giờ một ngày trên khắp hòn đảo – là do
cơ sở hạ tầng xuống cấp trong khi tình trạng thiếu nhiên liệu và nhu cầu tăng
cao.
Cuba cũng đổ lỗi cho lệnh cấm vận thương mại
của Hoa Kỳ, cũng như các lệnh trừng phạt do Tổng thống Donald Trump áp đặt, về
những khó khăn liên tục trong việc mua nhiên liệu và phụ tùng thay thế để vận
hành và bảo dưỡng các nhà máy chạy bằng dầu của mình.
Hoa Kỳ đã phủ nhận mọi vai trò trong các sự cố
lưới điện của Cuba.
No comments:
Post a Comment