Thursday, 9 May 2024

VIỆT NAM : PHÁT NGÔN SAI LẠC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG (Human Rights Watch)

 



Việt Nam: Phát ngôn sai lạc về quyền của người lao động

Human Rights Watch

09/05/2024

 https://baotiengdan.com/2024/05/09/viet-nam-phat-ngon-sai-lac-ve-quyen-cua-nguoi-lao-dong/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/1-16-1068x609.png

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (hàng đầu, giữa) tại phiên Rà soát Định kỳ Phổ quát về hồ sơ nhân quyền Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ, ngày mồng 7 tháng Năm, năm 2024. © 2024 UN Web TV

 

Để được ưu đãi thương mại với Hoa Kỳ, Hà Nội khẳng định rằng người lao động có thể thành lập công đoàn

 

(Washington) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam đang đưa ra các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại.

 

Bộ Thương mại Hoa kỳ vừa có phiên điều trần công khai về hiện trạng thương mại với Việt Nam vào ngày mồng 8 tháng Năm năm 2024. Chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng phân hạng lại Việt Nam là quốc gia có nền “kinh tế thị trường” theo Luật Thuế Nhập khẩu Hoa Kỳ – việc này có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam cho dù Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về quyền của người lao động.

 

Để vận động cho việc tái phân hạng nền kinh tế của mình theo luật Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam lập luận rằng các tiêu chuẩn của bộ luật lao động Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và mức tiền công của người lao động ở Việt Nam được “xác định dựa trên thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động,” như các tiêu chuẩn hiện hành của Hoa Kỳ đòi hỏi. Giới chức Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này trong tháng Bảy tới.

 

“Nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là lời tuyên bố sai lạc trắng trợn,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình.”

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không có ý kiến về hiện trạng kinh tế Việt Nam, nhưng việc tái phân định, xét theo góc độ pháp lý, phải căn cứ trên khả năng bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và xác lập được chính sách thúc đẩy quyền của người lao động của Hoa Kỳ. Quốc Hội Hoa Kỳ cần tổ chức các cuộc điều trần về chủ đề này và đảm bảo rằng hồ sơ của Việt Nam được thể hiện đầy đủ trong quá trình ra quyết định. Liên minh Châu Âu, vốn đã ký một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào năm 2020 phần nào dựa trên các cam kết của phía Việt Nam về quyền của người lao động, cần bắt đầu thẩm tra kết quả thực hiện.

 

Để xác định xem một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường hay không, luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu phải cân nhắc sáu yếu tố, như mức độ kiểm soát của chính phủ quốc gia đó đối với tài nguyên thiên nhiên, giá cả và tỷ giá hối đoái, bên cạnh các yếu tố khác như “mức độ tự nguyện trong thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động tác động ra sao đến mức lương ở nước đó.”

 

Xét về văn bản pháp luật và thực tế thực thi, Việt Nam hiện không cho phép các công đoàn độc lập được đại diện cho người lao động. Chương 13 của Bộ luật Lao động Việt Nam có hiệu lực vào năm 2021 đưa ra quy định về “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” và Luật Công đoàn Việt Nam quy định về “công đoàn” cũng như “tổ chức đại diện người lao động,” một thuật ngữ hiện diện trong cả hai bộ luật. Tuy nhiên, Luật Công đoàn Việt Nam chỉ cho phép có các “công đoàn” do chính phủ kiểm soát. Luật Lao động vẫn đòi hỏi phải có các văn bản hướng dẫn được ban hành mới có hiệu lực thực thi. Và ở Việt Nam không hề có các tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp cơ sở.

 

“Lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động của Việt Nam chỉ dựa trên các ngôn từ và lời hứa sáo rỗng, các văn bản luật pháp và quy định xa rời thực tế về hiện trạng quyền của người lao động ở quốc gia này,” ông Sifton nói.

 

Hiện tại, chính quyền Việt Nam vẫn gọi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) là một “liên đoàn lao động” của các “công đoàn lao động” cấp cơ sở. Nhưng lãnh đạo TLĐLĐ là những người được chính quyền Việt Nam bổ nhiệm. Các “công đoàn” và “nghiệp đoàn” thuộc TLĐLĐ hầu hết có lãnh đạo là những người được bên sử dụng lao động ở cấp cơ sở chỉ định. Người lao động hay thủ lĩnh nhóm người lao động không được chọn ra người lãnh đạo hay đại diện cho quyền lợi của họ để thương lượng nhằm đạt được mức lương thỏa thuận. Mỗi khi TLĐLĐ thương lượng với người sử dụng lao động ở cấp cơ sở hay ở quy mô toàn quốc, tổ chức này chỉ bảo vệ lợi ích của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không đại diện cho người lao động hay với tư cách đại diện cho người lao động.

 

Nghịch cảnh TLĐLĐ do nhà nước quản lý càng được sáng tỏ hơn với những thông tin mới về một chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành gần đây, “Chỉ thị 24” nhằm tăng cường giám sát các nhóm lao động, xã hội dân sự và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai các hiệp định thương mại mới với nước ngoài và với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.

 

Chỉ thị 24, ban hành vào tháng 7 năm 2023 nhằm minh xác sự kiểm soát của chính quyền và của đảng đối với việc thi hành các văn bản pháp luật và quy định mới về lao động, ghi nhận rằng việc “thực thi các hiệp định thương mại cũng phát sinh khó khăn thách thức mới đối với an ninh quốc gia.” Chỉ thị đề cập đến các quy định cấm công đoàn độc lập hoạt động ở Việt Nam và khẳng định tất cả các công đoàn đều phải phục tùng chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu “tiến hành chặt chẽ việc thí điểm thành lập” tổ chức của người lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động nhằm “bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền các cấp.”

 

Nhiều nguồn tin khác nhau đã cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền biết rằng vào cuối tháng Tư công an Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Việt Nam từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn.

 

Nhiều bài báo trên báo chí nhà nước thể hiện quan điểm thù địch của chính quyền Việt Nam đối với các tổ chức của người lao động hay công đoàn độc lậpgọi đó là “thế lực thù địch” dùng “âm mưu thủ đoạn” đối đầu với “Đảng và Nhà nước…gây mất trật tự xã hội và cản trở cuộc sống của người lao động ở nước ta,” hay lập luận rằng mục đích của “cái gọi là công đoàn độc lập” là nhằm “hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”

 

“Việt Nam là một xã hội khép kín với một chính quyền chuyên chế thù nghịch với quyền của người lao động,” ông Sifton nói. “Người lao động còn không thể công khai thành lập công đoàn, nói gì đến thương lượng với người sử dụng lao động. Chính phủ Hoa Kỳ cần nhận thức rõ điều này.”

 

================================

 

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền 

VOA Tiếng Việt

23/04/2024

https://www.voatiengviet.com/a/hrw-keu-goi-lhq-gay-ap-luc-de-viet-nam-cai-thien-nhan-quyen-/7581019.html   

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fd6c-08dc6327f224_w1023_r1_s.jpg

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra lời kêu gọi này trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ.

 

“Chính phủ các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đừng để chính quyền Việt Nam gây nhiễu bằng nỗ lực tẩy trắng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ”, bà Elaine Pearson, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền nói trong thông cáo ngày 22/4. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhân dịp đợt kiểm điểm này hãy lên tiếng về chính sách đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị của chính quyền Việt Nam và đòi hỏi cải cách thực sự”.

 

“Hết vụ vi phạm này đến vụ vi phạm khác – đó chính là lý do các quốc gia hữu quan cần lên tiếng về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội”, bà Pearson nói. “Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không những cần gây sức ép với Việt Nam trong kỳ kiểm điểm để yêu cầu những thay đổi thực sự, mà còn cần tiếp tục theo sát để đảm bảo rằng các cải cách được thực hiện trên thực tế”.

 

HRW cho rằng hành tích nhân quyền của chính phủ Việt Nam đã xấu đi đáng kể kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào đầu năm 2019.

 

Tháng 2 vừa qua, chính phủ Việt Nam đệ trình bản tự kiểm về nhân quyền dài 24 trang lên Hội đồng Nhân quyền trong đó ca ngợi những thành tích của mình.

 

Bản báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi cho LHQ “tràn ngập thông tin sai lạc về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam”, HRW nhận định.

 

“Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì phê phán chính quyền, hành vi bị hình sự hóa trong Bộ luật hình sự”, HRW viết. “Tất cả báo chí trong nước đều dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ. Nhà cầm quyền giám sát ngặt nghèo mạng internet, và hành vi đăng tải hoặc chia sẻ nội dung phê phán chính quyền trên mạng có thể dẫn tới án tù dài hạn”.

 

Theo thống kê của HRW, từ đầu năm 2019 đến tháng 8/2023, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy tố và kết tội ít nhất là 139 người vì chỉ trích chính quyền hoặc tham gia các tổ chức ủng hộ dân chủ, tất cả đều bị xử án tù nhiều năm.

 

Tính từ tháng 8/2023, chính quyền Việt Nam đã kết án tù thêm 23 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, và xét xử họ từ 9 tháng đến 13 năm tù giam.

 

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Nhân quyền LHQ, đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

 

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời luôn khẳng định chính sách nhất quán của Hà Nội về việc đảm bảo quyền con người của mọi công dân.

 

VIDEO :

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền | VOA Tiếng Việt

 https://www.youtube.com/watch?v=G2_R8ugzOg8

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats