Wednesday, 1 May 2024

TRỜI NÓNG NHƯ ĐỔ LỬA KHIẾN NGƯỜI DÂN SÀI GÒN GẶP KHÓ KHĂN KHI MƯU SINH (RFA)

 



Trời nóng như đổ lửa khiến người dân ở Sài Gòn gặp khó khăn khi mưu sinh

RFA
2024.05.01

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/saigon-residents-face-difficulties-in-severely-hot-weather-05012024070647.html  

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/saigon-residents-face-difficulties-in-severely-hot-weather-05012024070647.html/@@images/7d410080-c22b-43ab-81e6-b58784a5077e.png

Người dân bịt kín mặt tránh nắng nóng (Hình minh hoạ) - Sức khoẻ & Đời sống

 

Cứ mỗi 6 giờ sáng, ông Võ Hồng Sơn lại chống nạng từ căn nhà trọ tồi tàn ở quận Tân Bình, bắt xe buýt lên khu vực Chợ Lớn bán vé số, công việc mà ông đã làm hàng chục năm qua.

 

Ở tuổi 76, ông vẫn phải tiếp tục mưu sinh để nuôi sống bản thân với cái chân trái bị cụt và đầu gối phải bị thương trong chiến tranh, do là thương phế binh của chế độ cũ, ông không nhận được bất cứ đồng trợ cấp nào từ Nhà nước.

 

Kể từ sau Tết, việc bán vé số trở nên chậm hơn do người dân giảm chi tiêu, trong khi thời tiết nóng nực khiến ông không thể đi nhiều như trước. 

 

Thời tiết mà thuận lợi như hồi trước Tết thì mình có thể bán được trăm rưỡi (150) vé số. Hai là mình đi cũng đỡ khổ chút, còn bây giờ nắng quá mình phải chịu trận thôi,” ông chia sẻ.

 

Hiện nay, mỗi ngày ông chỉ có thể bán được 100 tờ vé số, dù thời tiết ở TPHCM vô cùng nóng nực ông vẫn phải đi bán như thường lệ. Đang dừng chân để nghỉ ngơi, ông cảm thán với phóng viên đài RFA trong buổi trưa ngày 1/5:

 

Mình đi nắng quá thì mình kiếm một cái bóng cây hoặc vỉa hè mình ngồi mình nghỉ, mình uống chai nước cho nó khỏe xong rồi lại đi tiếp thôi.

Cũng đi bình thường chứ không đi thì đâu có cơm ăn. Mình cũng phải khắc phục, đi bán hàng ngày vậy đó.”

 

Ông nói thời tiết nóng nực khiến ông phải nghỉ nhiều hơn, và do vậy, mất nhiều thời gian hơn để bán hết số vé với tiền lời chỉ khoảng 110.000 đồng, để chi trả tiền ăn và tiền trọ hàng ngày.

 

Khu vực TPHCM từ ngày 21 đến 30/4 nắng nóng như đổ lửa trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất ở mức từ 35 đến 38 độ C và có ngày lên tới 39 độ C hoặc cao hơn ở khu vực trung tâm thành phố.

 

Nhiệt độ cao được ghi nhận ở nhiều nơi ở Việt Nam. Đặc biệt trong ngày 28/4, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 44 độ C, mức nhiệt cao nhất ở Việt Nam từ đầu năm.

 

 

Nhiệt độ cao bất thường ở nhiều tỉnh thành

 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 28/4, khu Tây Bắc Bắc Bộ và từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 39-42 độ C, có nơi cao hơn đến 43 độ C như ở Đồng Hới (Quảng Bình).

 

Các nơi khác thuộc Bắc Bộ, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ.

 

Trong một cuộc phỏng vấn của báo Sức khỏe & Đời sống, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết trong tuần cuối của tháng tư, nắng nóng diễn ra cực kỳ gay gắt trên phạm vi cả nước.

 

Chuyên gia khuyến cáo, nhiệt độ thực tế ngoài trời ở khu đô thị thiếu cây có thể lên đến 48-50 độ C.

 

Ông cho rằng Việt Nam đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, giai đoạn này Việt Nam đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây nên gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong giai đoạn nghỉ dài ngày vừa qua.

 

 

Sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng nực

 

Khác với việc phải đi ngoài trời nắng như ông Võ Hồng Sơn, cô Thanh Vân được làm việc trong văn phòng với điều hòa nhiệt độ mát mẻ.

 

Cô cảm thấy mùa hè này là nóng nhất trong vòng năm (5) năm trở lại đây khi cô từ ngoài Bắc chuyển vào TPHCM sinh sống.

 

Tuy công việc bàn giấy của cô không bị ảnh hưởng bởi cái nóng, nhưng hai con gái đang học tiểu học thì hay bị ốm, sổ mũi, mệt và đau đầu.

 

Hai con học trường công, lớp học không có máy lạnh, ra chơi thì trường không cho ở trong lớp mà phải ra ngoài nên khá cực. Cô nói trong tin nhắn gửi RFA:

 

Những năm trước thì nóng quanh năm, nhưng thường chỉ 32-36 độ C. Và nóng lúc buổi trưa thôi, chiều tối là mát mẻ dễ chịu rồi.

Nhưng năm nay từ 10 giờ sáng trở đi là nóng lắm rồi. Nóng nhất là trong khoảng 13 giờ-15 giờ. Buổi tối vẫn hầm hập khí nóng kể cả khi có gió.”

 

Cô cho rằng những người phải làm việc ngoài trời hay công việc phải đi lại nhiều thì sẽ khá khó khăn vì thời tiết nóng nực.

 

Cô Vân cho biết, con trai của một người bạn mới mất vài ngày trước ở tuổi 30 vì đột quỵ, do đi trong buổi trưa nắng khi về nhà lại tắm ngay nên ngã luôn trong nhà tắm.

 

Chưa có thống kê nào ở Việt Nam cho thấy có người tử vong trong thời tiết khắc nghiệt đợt này, tuy nhiên, nhà chức trách Thái Lan ngày 25/4 cho biết nắng nóng đã giết chết ít nhất 30 người từ đầu năm đến nay.

 

 

Thời tiết vẫn khắc nghiệt trong tháng năm

 

Dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), TTXVN cho biết trong tháng này, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn trong cả nước bên cạnh khả năng có giông, lốc, sét, và mưa đá, đặc biệt là vào thời điểm chiều và đêm.

 

Cơ quan này cho biết trong tháng năm, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5-2,5 độ C.

 

Trên trang Facebook Huy Nguyen, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy nói rằng ngưỡng chịu đựng về nhiệt độ của con người có giới hạn trong khi người Việt chưa từng trải nghiệm thời tiết nóng nực đến mức như hiện nay nên cần cẩn trọng, thích ứng dần dần.

 

Ông khuyến cáo người già và trẻ em tuyệt đối không ra ngoài trời ở khung giờ từ 11 giờ đến 16 giờ ở những nơi có nhiệt độ lớn hơn 43 độ C.

 

Theo ông, mọi người lưu ý sử dụng tiết kiệm nước và điện. Nhà có nhiều điều hòa chỉ nên bật một cái để cả nhà sinh hoạt chung, vừa tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ quá tải đường truyền tải điện.

 

Để tránh gây sốc nhiệt, điều hoà không nên để thấp hơn 26 độ C vì sẽ tạo sự chênh lệch nhiệt độ lớn trong phòng và ngoài trời. Để tránh bị viêm họng cấp, chuyên gia khuyến cáo hạn chế uống nước đá.

 

Còn với thương phế binh Võ Hồng Sơn, ông chỉ có ước muốn thời tiết dịu hơn để cuộc mưu sinh của mình đỡ vất vả.

 

Tôi mong muốn là có một trận mưa cho người dân đỡ cực, cho sức nóng nó giảm bớt đi.” ông chia sẻ.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Việt Nam trải qua đợt nắng nóng lịch sử

 

Thiếu điện, vấn đề nan giải của Việt Nam







No comments:

Post a Comment

View My Stats