Tại
sao Ukraine nên tiếp tục tấn công vào các kho trữ dầu của Nga?
Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta, và Sam Winter-Levy | Foreign
Affairs
Viên Đăng Huy, biên dịch
Nguyễn
Thế Phương, hiệu
đính
Mối
lo ngại của Washington về thị trường năng lượng là không hợp lý.
Vào
ngày 19 tháng 1, một drone của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở thị trấn
Klintsy, vùng Bryansk phía tây nước Nga, khiến bốn bể chứa xăng bốc cháy và
thiêu rụi khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác đã
gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, một thành phố của Nga
cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát khoảng 600 dặm. Vào tháng 3, drone Ukraine
đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu của Nga trong hai ngày. Tháng 4 bắt đầu với một
cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, nằm
sâu trong vùng Tatarstan, cách khoảng 800 dặm. Tháng 4 kết thúc với các cuộc tấn
công vào các cơ sở ở hai thành phố khác của Nga, Smolensk và Ryazan.
Tổng
cộng, Ukraine đã thực hiện ít nhất 20 cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của
Nga kể từ tháng 10. Các quan chức an ninh Ukraine cho biết mục tiêu của các cuộc
tấn công là cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và giảm doanh
thu xuất khẩu mà Điện Kremlin sử dụng để tài trợ cho chiến tranh. Đến cuối
tháng 3, Ukraine đã phá hủy khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga và buộc chính
phủ Nga phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng trong sáu tháng. Một trong những
nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện đang phải nhập khẩu xăng.
Tuy
nhiên, chính quyền Biden đã chỉ trích các cuộc tấn công này. Vào tháng 2, Phó Tổng
thống Kamala Harris đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiềm chế tấn
công các nhà máy lọc dầu của Nga vì lo ngại các cuộc tấn công sẽ đẩy giá dầu
toàn cầu lên cao. Đồng tình với quan điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin
đã cảnh báo Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào giữa tháng 4 rằng “các cuộc tấn công
có thể có tác động dây chuyền đối với tình hình năng lượng toàn cầu.” Thay vì tấn
công cơ sở hạ tầng dầu mỏ, Bộ trưởng Austin nói với ủy ban, “Ukraine sẽ được hỗ
trợ tốt hơn khi tấn công các mục tiêu chiến thuật và chiến dịch vốn có thể trực
tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến hiện tại.”
Những
chỉ trích của Washington là sai lầm: các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu sẽ
không ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu theo cách mà các quan chức Mỹ
lo ngại. Các cuộc tấn công này làm giảm khả năng của Nga trong việc chuyển đổi
dầu của mình thành các sản phẩm hữu dụng; chúng không ảnh hưởng đến khối lượng
dầu mà Nga có thể khai thác hoặc xuất khẩu. Thực tế, với năng lực lọc dầu trong
nước giảm, Nga sẽ buộc phải xuất khẩu nhiều dầu thô hơn chứ không phải ít hơn,
do đó đẩy giá toàn cầu xuống thay vì tăng lên. Thật vậy, các công ty Nga đã bắt
đầu bán nhiều dầu mỏ chưa tinh chế hơn ra nước ngoài. Miễn là các cuộc tấn công
chỉ giới hạn ở các nhà máy lọc dầu của Nga, chúng khó có thể làm tăng giá dầu ở
phương Tây.
Tuy
nhiên, chúng vẫn có thể gây ra thiệt hại cho nước Nga, nơi giá các sản phẩm dầu
tinh chế như xăng và dầu diesel đã bắt đầu tăng vọt. Các cuộc tấn công đang đạt
được chính xác mục tiêu mà các đối tác phương Tây của Ukraine đặt ra, vốnphần lớn
không thể đạt được thông qua các lệnh trừng phạt và giới hạn giá dầu của Nga:
đó là làm suy giảm khả năng tài chính và hậu cần của Nga trong việc tiến hành
chiến tranh đồng thời hạn chế thiệt hại rộng hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Kyiv
phải tận dụng những chiến thắng ở bất cứ nơi nào có thể, và chiến dịch phá hủy
năng lực lọc dầu của Nga mang lại lợi ích cho Ukraine với rủi ro hạn chế.
Các
cuộc tấn công có mục tiêu
Ukraine
cho đến nay tập trung tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga, không phải các
mỏ dầu hoặc cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu thô. Sự khác biệt này rất quan trọng.
Sau khi được khai thác từ giếng, dầu được vận chuyển qua đường ống và các cơ sở
hạ tầng khác đến nhà máy lọc dầu, nơi nó được chuyển đổi thành các sản phẩm để
phân phối cho người dùng cuối.
Ước
tính năm 2023, Nga khai thác khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong số
này, khoảng 50% được xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, và 50%
còn lại được lọc trong nước, tạo ra các sản phẩm như xăng, dầu diesel, nhiên liệu
máy bay và nguyên liệu hóa học. Một nửa trong số các sản phẩm tinh chế này được
tiêu thụ trong nước, với một phần đáng kể được chuyển hướng để cung cấp năng lượng
cho cỗ máy chiến tranh của Nga. Nga cũng bán các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ra nước
ngoài – nước này chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu đường biển của thế
giới vào năm 2023 – nhưng hầu hết các quốc gia phương Tây đã ngừng nhập khẩu
nhiên liệu tinh chế của Nga. Các điểm đến hàng đầu cho các sản phẩm dầu tinh chế
của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil, mặc dù Nga cũng đã bán nhiên liệu
cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, để đổi lấy đạn
dược.
Các
cuộc tấn công của Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào năng lực lọc dầu của Nga,
loại bỏ tới 900.000 thùng mỗi ngày. Việc sửa chữa sẽ chậm chạp và tốn kém, một
phần vì các tháp phân dầu (nơi dầu được chưng cất thành các thành phần cấu tạo
khác nhau) là những thiết bị khổng lồ và phức tạp, mất nhiều năm để thiết kế và
xây dựng, và một phần vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở các
công ty Nga tiếp cận các linh kiện chuyên dụng.
Khả
năng lưu trữ dầu của Nga bị hạn chế. Do đó, khi một nhà máy lọc dầu bị phá hủy
hoặc hư hại, dầu thô khai thác không thể đơn giản được dự trữ để sử dụng sau.
Điều này khiến các nhà sản xuất Nga chỉ còn hai lựa chọn: tăng xuất khẩu dầu
thô hoặc đóng giếng và giảm sản lượng.
Cả
hai lựa chọn đều gây thiệt hại cho Nga, nhưng việc tăng xuất khẩu ít thiệt hại
hơn so với việc giảm sản lượng khai thác. Nga chỉ có thể bán dầu của mình cho một
số quốc gia được nhất định, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, khi những
nước nay sở hữu các cơ sở lọc dầu được trang bị phù hợp để có thể sử dụng các
loại dầu thô cụ thể do Nga sản xuất. Do đó, các quốc gia này có lợi thế để mua
dầu của Nga với giá thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, một khi dầu thô đã được
tinh chế, các sản phẩm cuối cùng có thể được bán ra thị trường quốc tế – nghĩa
là Nga phải trả giá thị trường để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước và nhu
cầu quân sự.
Nếu
Nga chọn đóng giếng thay vì tăng xuất khẩu, giá dầu toàn cầu thực sự sẽ tăng –
kết quả mà chính quyền Biden muốn tránh. Nhưng sau đó, Nga sẽ phải đối mặt với
việc giá các sản phẩm tinh chế tăng thậm chí còn mạnh hơn, chỉ với doanh thu xuất
khẩu thấp hơn để giảm bớt thiệt hại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thứ trưởng
Thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin gợi ý vào tháng 3 rằng Moscow sẽ chọn
lựa chọn đầu tiên và gia tăng thêm dầu thô để xuất khẩu.
Dữ
liệu từ những tháng gần đây xác nhận rằng, như dự đoán, Nga đang xuất khẩu nhiều
dầu thô hơn cùng lúc với việc xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của họ giảm xuống gần
mức thấp nhất trong lịch sử. Moscow chỉ xuất khẩu hơn 712.000 tấn dầu diesel và
các sản phẩm dầu mỏ khác trong tuần cuối cùng của tháng 4, giảm từ hơn 844.000
tấn trong cùng tuần của năm 2023. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dầu thô hàng
tháng đã tăng 9% từ tháng 2 sang tháng 3, đạt mức cao nhất trong 9 tháng và là
mức cao thứ ba kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu thô của
Nga có hiệu lực vào tháng 12 năm 2022. Các cuộc tấn công không có tác động rõ
ràng đến giá dầu thô quốc tế, vốn vẫn ổn định cho đến cuối tháng 3, khi Nga cắt
giảm sản lượng theo thỏa thuận trước đó với OPEC.
Các
thị trường phương Tây có thể không bị ảnh hưởng, nhưng Nga đang cảm thấy khó
khăn. Kể từ khi các cuộc tấn công của Ukraine bắt đầu, sản lượng diesel đã giảm
16% và sản lượng xăng giảm 9%. Giá bán buôn trung bình theo tuần của xăng và
diesel ở miền tây nước Nga đã tăng lần lượt 23% và 47% trong khoảng thời gian từ
cuối năm 2023 đến giữa tháng 3. Vào tháng 4, giá xăng chạm mức cao nhất trong 6
tháng, tăng hơn 20% so với đầu năm. Nga đã nhập khẩu 3.000 tấn nhiên liệu từ
Belarus trong nửa đầu tháng 3 – tăng từ con số 0 vào tháng 1 – và Điện Kremlin
buộc phải yêu cầu Kazakhstan chuẩn bị 100.000 tấn xăng để cung cấp trong trường
hợp thiếu hụt.
Cho
đến nay, người tiêu dùng Nga phần lớn được bảo vệ trước những đợt tăng giá bán
này. Nhưng trong tuần cuối cùng của tháng 4, giá bán lẻ diesel đã tăng vọt 10%.
Sự chậm trễ này cho thấy các công ty dầu mỏ đang có lợi nhuận thấp hơn, ảnh hưởng
đến các chủ sở hữu là các nhà tài phiệt, hoặc Điện Kremlin đã tăng trợ cấp
nhiên liệu công cộng, chuyển hướng tiền vốn có thể được chi cho chiến tranh ở
Ukraine. Theo một số báo cáo, chính phủ Nga cũng có thể cân nhắc việc dỡ bỏ các
hạn chế đối với việc sử dụng xăng chất lượng thấp để tránh thiếu hụt nhiên liệu,
một động thái có nguy cơ làm hỏng động cơ, gây thêm căng thẳng cho khả năng bảo
trì phương tiện quân sự vốn đã yếu và khiến các chính sách bảo hành của các loại
xe máy sản xuất ở nước ngoài trở nên vô giá trị. Nhìn chung, các chi phí chính
trị, kinh tế và quân sự đang gia tăng đối với Điện Kremlin khi các cuộc tấn
công vào các nhà máy lọc dầu vẫn đang tiếp tục.
Chiến
lược hiệu quả
Chiến
dịch của Ukraine đang có hiệu quả. Chiến dịch này đang gây ra thiệt hại cho thị
trường năng lượng của Nga và tạo áp lực lên Moscow theo đúng hướng mà chế độ trừng
phạt do Mỹ dẫn đầu được thiết kế nhưng chỉ đạt được thành công hạn chế.
Trong
những tháng đầu của cuộc chiến, chính quyền Biden đã tập hợp một liên minh các
quốc gia để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, bao gồm cả việc giới
hạn giá đối với dầu thô xuất khẩu của Nga. Ý tưởng đằng sau việc giới hạn giá
là đặt nó ở mức đủ cao để Nga tiếp tục xuất khẩu dầu, giúp tránh suy thoái toàn
cầu, nhưng đủ thấp để giảm thu nhập xuất khẩu của Nga. Trong thực tế, việc thực
thi và giám sát không nhất quán đã làm suy yếu hiệu quả của việc giới hạn giá:
thu ngân sách liên bang của Nga đạt mức kỷ lục 320 tỷ USD vào năm 2023. Giới hạn
giá cũng có thể được đặt quá cao. Một đánh giá gần đây của Trung tâm Nghiên cứu
Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn của Phần Lan, cho rằng mức trần
giá thấp hơn có thể cắt giảm 25% doanh thu xuất khẩu dầu của Nga từ tháng 12
năm 2022 đến tháng 3 năm 2024 mà không buộc các công ty Nga phải đóng van.
Trong khi đó, ngành vận tải biển của EU và G-7 vẫn gắn bó chặt chẽ với hoạt động
xuất khẩu của Nga. Vào tháng 3 năm nay, 46% lượng dầu của Nga được vận chuyển
trên các tàu do các nước G-7 và EU sở hữu hoặc bảo hiểm, và một số tàu chở dầu
của phương Tây vẫn tiếp tục vận chuyển dầu với giá cao hơn mức giới hạn.
Các
cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga hiện đang làm điều mà
chế độ trừng phạt không làm được. Không gây tổn hại đến nguồn cung năng lượng
toàn cầu hoặc đẩy giá lên cao, các cuộc tấn công đang làm giảm doanh thu của
Nga và hạn chế khả năng chuyển đổi dầu thô của Nga thành các loại nhiên liệu cần
thiết để vận hành xe tăng và máy bay. Miễn là các lực lượng Ukraine tránh tấn
công các đường ống dẫn dầu thô hoặc các bến xuất khẩu dầu thô lớn, họ có thể
duy trì sự cân bằng này.
Chiến
lược hiện tại đi kèm với rủi ro hạn chế. Drone của Ukraine thường tấn công mục
tiêu vào ban đêm, gây ra ít thương vong cho dân thường, nếu có. Miễn là Ukraine
tiếp tục cân nhắc những thiệt hại tiềm ẩn đối với những dân thường mỗi khi phê
duyệt một cuộc tấn công, họ có thể đứng vững trên nền tảng của luật pháp quốc tế.
Nhắm mục tiêu vào một ngành công nghiệp trực tiếp đóng góp cho sức mạnh quân sự
của Nga là một biện pháp hợp lý thời chiến – một biện pháp mà các bên tham chiến
trong quá khứ, chẳng hạn như Mỹ, đã từng sử dụng trước đây, bao gồm cả các hoạt
động gần đây chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Các
cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga dường như cũng khó có
thể mở rộng cuộc xung đột. Ít nhất, Nga sẽ khó khăn để leo thang theo cách
tương tự, xét tới các chiến dịch kéo dài và quy mô hơn nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng
năng lượng của Ukraine: các lực lượng của họ đã phá hủy nhà máy lọc dầu
Kremenchuk của Ukraine chỉ vài tuần sau cuộc xâm lược năm 2022, và bộ trưởng
năng lượng Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga đầu năm nay đã gây thiệt
hại tới 80% các nhà máy nhiệt điện thông thường của Ukraine. Thay vì đe dọa leo
thang để đáp lại các cuộc tấn công của Ukraine, Điện Kremlin có xu hướng giảm
nhẹ tác động của chúng để tránh bối rối.
Để
giảm thiểu rủi ro, Mỹ không nên giúp Ukraine tiến hành các cuộc tấn công này và
cũng không nên khuyến khích chúng một cách công khai. Nhưng Mỹ cũng không nên cố
gắng thuyết phục Kyiv từ bỏ hướng đi này. Bất chấp việc Quốc hội Mỹ gần đây phê
duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD, Ukraine đang ở thời điểm mong
manh nhất trong hơn hai năm qua. Chỉ riêng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc
dầu của Nga sẽ không buộc Moscow phải đầu hàng, nhưng chúng khiến chiến tranh
trở nên khó khăn và tốn kém hơn đối với Nga – và do đó, nếu không có gì khác,
khi thời điểm đàm phán đến, chúng có thể thúc đẩy Điện Kremlin nhượng bộ.
------------------------
MICHAEL
LIEBREICH là Người sáng lập và chuyên gia cấp cao Bloomberg New Energy Finance.
Ông là cựu cố vấn cho Ủy ban Thương mại Anh và sáng kiến Năng
lượng bền vững cho tất cả mọi người của Liên hợp
quốc; LAURI MYLLYVIRTA là Nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu
Năng lượng và Không khí Sạch; SAM WINTER-LEVY là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại
Đại học Princeton và là Giám đốc Sáng kiến Chiến tranh Phi chính quy.
Nguồn: Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta,
và Sam Winter-Levy, “Why
Ukraine Should Keep Striking Russian Oil Refineries”, Foreign
Affairs, 08/05/2024
No comments:
Post a Comment