Saturday, 11 May 2024

NỖI SẦU SINH THÁI LAN KHẮP TOÀN CẦU (Tạp Chí Nature Số 628)

 



Nỗi sầu sinh thái lan khắp toàn cầu

Nature 628, 256-258 (2024)

Bảo Như lược dịch

02/05/2024

https://tiasang.com.vn/van-hoa/noi-sau-sinh-thai-lan-khap-toan-cau/

 

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã đẩy hàng trăm triệu người vào những trạng thái tâm lý tiêu cực.

 

https://s3-hn-2.cloud.cmctelecom.vn/tia-sang/2024/04/noi-sau-sinh-thai-toan-cau-a1-1170x700.jpg

Báo cáo “Hạn hán qua các con số năm 2022” cho thấy, hạn hán chiếm đến 50% các thảm họa thời tiết cực đoan và chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển.

 

Suốt sáu năm, Laureen Wamaitha đều mong chờ những cánh đồng ở Kenya sẽ sum sê, tươi tốt. Nhưng rồi, điều chị thấy lại là, năm này qua năm khác hạn hán làm khô héo mùa màng và sau đó lại tới lũ lụt khiến chị thường lo âu và “rơi vào cảnh hoang mang vì bạn luôn lo lắng về điều gì đó”.

 

Trong khi đó, cô sinh viên y khoa Vashti-Eve Burrows đã chứng kiến cơn bão Dorian hoành hành khắp Bahamas vào năm 2019 và giờ đây lo sợ về sự tồn tại của nơi mình sinh sống, một quần đảo đang bị nước biển dâng và bão đe dọa sự tồn tại. “Liệu trong 20 đến 30 năm nữa có còn Bahamas không?”

 

Wamaitha và Burrows là hai trong số ngày càng nhiều người lên tiếng về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tinh thần. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần, vốn đã ảnh hưởng đến gần một tỷ người và là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật lớn nhất thế giới.

 

Một cuộc khảo sát toàn cầu vào năm 2021 cho thấy hơn một nửa số người trong độ tuổi 16–25 cảm thấy buồn, lo lắng hoặc bất lực hoặc có những cảm xúc tiêu cực khác về biến đổi khí hậu. Nhìn chung, hàng trăm triệu người đang trải qua những trạng thái tâm lý tiêu cực khi phải đối diện với cuộc khủng hoảng khí hậu. Những trạng thái đó được gọi là “Nỗi sầu sinh thái” (eco-anxiety) – khái niệm được các nhà chuyên môn định danh để nói về nỗi lo sợ ăn sâu vào cá nhân và xã hội về sự sụp đổ của môi trường sống. 

 

Các nhà khoa học cho biết, vấn đề nghiêm trọng này từng không được quan tâm nhưng giờ đây đang được đưa vào chương trình nghiên cứu. “Chắc chắn tôi đã chứng kiến bùng nổ nghiên cứu trong năm năm qua. Điều đó thật thú vị,” Alison Hwong, nhà tâm thần học và nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học California, San Francisco, cho biết. Nắng nóng, bão và hiện tượng thời tiết cực đoan khác ngày càng nghiêm trọng đã tác động tới sức khỏe tinh thần con người khiến giới nghiên cứu “không thể lờ đi” được nữa.

 

Nghiên cứu đã cho thấy những sự khác biệt, cảm giác bất công về khí hậu ở các nhóm khác nhau. Những người trẻ tuổi có khả năng phải gánh chịu gánh nặng tinh thần lớn nhất do biến đổi khí hậu mà các thế hệ trước đã gây ra. Các nhóm vốn đã trải qua nghèo đói, bệnh tật hoặc bất bình đẳng có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần cao nhất. “Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế hiện tại, trong đó người nghèo hơn cảm thấy tồi tệ hơn”, Jennifer Uchendu, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động khí hậu và người sáng lập SustyVibes, một nhóm vì môi trường có trụ sở tại Lagos, Nigeria, nhận xét.

 

 

Gánh nặng chi phí 

 

Đối với giới khoa học, có lẽ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần là điều không đáng ngạc nhiên, điều mới là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và các thảm họa tự nhiên có thể gây ra chấn thương tinh thần ngay lập tức – cũng như một loạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần lâu dài như rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, lo lắng, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, Emma Lawrance, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học Imperial College London cho biết. Những chấn thương về sức khỏe tinh thần ở các quốc gia dễ bị chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu thường không xảy ra đột ngột – nhưng vẫn có tính tàn phá – chẳng hạn như tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đến việc phải di cư, mất sinh kế, mất an ninh lương thực và phá vỡ cộng đồng.

 

Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy phải chịu đựng nhiệt độ gia tăng sẽ làm sức khỏe tinh thần trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu năm 2018 về dữ liệu tự tử ở Mỹ và Mexico trong hơn thập niên cho thấy tỷ lệ tự tử ở hai nước tăng lần lượt 0,7% và 2,1%, trong quãng thời gian này nhiệt độ trung bình tháng tăng 1°C. Các nhà nghiên cứu dự báo sẽ có thêm 9.000 – 40.000 vụ tự tử vào năm 2050 ở hai nước nếu không kịp thời có các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phân tích ngôn ngữ trầm cảm trong hơn 622 triệu trạng thái (tweet) được đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy sức khỏe tinh thần tệ đi trong thời kỳ nóng hơn. Nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nhiệt độ cao hơn có liên quan đến giấc ngủ kém – góp phần dẫn tới tình trạng căng thẳng tinh thần.

 

Các nghiên cứu cũng cho thấy những người đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ tử vong cao hơn khi nắng nóng cực độ, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa “hiểu được cơ chế tại sao lại như vậy và từ đó có cách phòng trừ”, Lawrance nói. Có khả năng là một số loại thuốc điều trị các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với nhiệt độ. 

 

 

Giới trẻ âu sầu hơn

 

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của nó dẫn đến lo lắng hoặc đau khổ như thế nào. Trong một cuộc khảo sát năm 2018, 72% người trong độ tuổi 18–34 nói rằng những câu chuyện, tin tức tiêu cực về môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như gây lo lắng, suy nghĩ dồn dập hoặc khó ngủ. Một cuộc khảo sát năm 2020 tại Anh cho thấy những người trẻ tuổi từ 16–24 cho biết, so với COVID, họ cảm thấy lo lắng về biến đổi khí hậu nhiều hơn.

 

Lawrance cho biết, một vài năm trước, những “cảm xúc sinh thái” như vậy đôi khi bị coi là tình trạng “bệnh tưởng” (worried-well) – lo lắng thái quá, ở các nước có thu nhập cao. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng này xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Một cuộc khảo sát năm 2021 – cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất cho đến nay về nỗi lo lắng về khí hậu – với 10.000 trẻ em và thanh thiếu niên ở 10 quốc gia đã cho thấy điều đó. Hơn 45% số người trả lời cho biết lo lắng về biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến việc ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ hoặc các khía cạnh khác trong cuộc sống hằng ngày. Các báo cáo về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động của con người cao nhất ở Philippines, Ấn Độ và Nigeria và thấp nhất ở Mỹ và Vương quốc Anh đã cho thấy những bằng chứng mới, khác với quan điểm trước đây cho rằng nỗi lo lắng về sinh thái chỉ là vấn đề của các nước giàu.

 

Đối với một số người, nỗi sầu sinh thái có thể liên quan đến những ký ức trực tiếp về sự tàn phá do khí hậu. Việc những người trẻ ở Philippines có mức độ lo lắng cao nhất không có gì đáng ngạc nhiên đối với John Jamir Benzon Aruta, nhà tâm lý học môi trường tại Đại học De La Salle ở Manila. Năm 2013, anh tận mắt nhìn thấy cơn bão Hải Yến – một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận ở Philippines hoành hành. “Bạn nhìn thấy những ngôi nhà, những khu dân cư bị tàn phá. Thi thể mọi người ở khắp mọi nơi”, anh nói. “Chỉ chứng kiến hậu quả thôi cũng đủ đau khổ rồi.”

 

Nhưng cuộc khảo sát năm 2021 đã ghi nhận nỗi sầu sinh thái đã lan rộng không chỉ khu trú trong những người chịu ảnh hưởng ngay lập tức bởi các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Khoảng 75% số người được hỏi cho biết, biến đổi khí hậu khiến họ thấy rằng tương lai thật đáng sợ và 56% nói rằng điều đó khiến họ nghĩ rằng nhân loại sẽ bị diệt vong. Những người cảm thấy chính phủ không hành động để giải quyết các vấn đề khí hậu có nhiều khả năng đau khổ về sinh thái hơn.

 

Biến đổi khí hậu không phải là cuộc khủng hoảng hiện sinh (existential crisis) đầu tiên mà nhân loại phải đối mặt. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nó khác với những mối đe dọa khác: nó đang xảy ra ngay bây giờ chứ không phải là một nguy cơ xa xôi trong tương lai; nó ảnh hưởng đến toàn thế giới trong cùng một lúc; và nhiều người bức xúc vì phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu do người khác gây ra.

 

Năm 2023, Kelton Minor, nhà khoa học tại Viện Khoa học Dữ liệu của Đại học Columbia ở New York và Nick Obradovich, cũng là nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần về khí hậu tại Viện Nghiên cứu Não Laureate ở Tulsa, Oklahoma, đã phân tích hơn 8 tỷ bài đăng trên mạng xã hội Twitter từ năm 2015 đến năm 2022 từ những người đã chọn chia sẻ dữ liệu vị trí địa lý của họ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter (tweet) bằng những từ tích cực (như “tốt”, “mới mẻ” và “yêu thích”) và những từ tiêu cực (“xấu”, “sai”, “ghét” và “tổn thương”), và liên kết các dữ liệu này với dữ liệu khí hậu từ vị trí của người viết. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các đợt nắng nóng và mưa lớn làm tăng cảm xúc tiêu cực và giảm cảm xúc tích cực so với những ngày không phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt ở cùng một địa điểm và thời điểm trong năm. Họ cũng phát hiện ra rằng những phản ứng tiêu cực ngày càng tệ hơn theo thời gian.

 

Khó có thể đo lường được toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu gây áp lực lên sức khỏe tinh thần của các cá nhân và cộng đồng như thế nào. Vì cho đến nay, các vấn đề về sức khỏe tinh thần thường ít khi được chẩn đoán, do thiếu các dịch vụ về sức khỏe tinh thần, cũng như vấn đề sức khỏe tinh thần vẫn còn bị xem nhẹ. Khi Wamaitha nói chuyện với gia đình cô ở Kenya về những nỗi lo lắng của mình, gia đình cô thường bảo rằng: “Đó không phải là vấn đề lớn, đó là một phần của cuộc sống,”. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn ít và những người thuộc thế hệ lớn tuổi thường chỉ nghĩ là “nhạy cảm quá”, trong khi chính họ vẫn còn sống sót sau những đợt hạn hán trước đây. 

 

Thực tế các nghiên cứu cũng cho thấy giới trẻ và thế hệ trước đây có nỗ lo về sinh thái khác nhau, giới trẻ thường lo lắng hơn nhiều. Cũng trong cuộc khảo sát về “nỗi sầu sinh thái” vào năm 2021, gần 40% thanh niên trên toàn thế giới cho biết những lo lắng của mình về biến đổi khí hậu đã bị lờ đi hoặc bác bỏ. 

 

Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến các quốc gia và khu vực chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cũng là nơi ít thực hiện nghiên cứu về việc các áp lực tinh thần do do khí hậu nhất. Trong các nghiên cứu của mình, Jennifer Uchendu nhận thấy rằng hầu hết các nghiên cứu đều lấy phương Tây làm trung tâm. Cô nói: “Không mấy người nói về những vấn đề này ở châu Phi”. Vào năm 2022, cô bắt đầu Dự án nghiên cứu nỗi sầu sinh thái ở châu Phi, phối hợp với Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, để ghi nhận những nắng nóng và thời tiết bất thường đã gây ra những vấn đề sức khỏe tinh thần của người dân ở năm thành phố ở châu Phi.

 

Một câu hỏi khác mà các nhà nghiên cứu đặt ra là bối cảnh và văn hóa ảnh hưởng đến sự lo lắng về khí hậu như thế nào. Michelle Dickson, người nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, cho biết: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng “sự kết nối với xứ sở” – thông qua các hoạt động văn hóa như săn bắn, tìm kiếm thức ăn – rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của một số cộng đồng ở Úc. Nhưng mực nước biển dâng cao, hạn hán và cháy rừng đe dọa những hoạt động này. 

 

Giải quyết tình trạng sức khỏe tinh thần do khí hậu gây ra sẽ là một vấn đề lớn trên toàn cầu khi việc chăm sóc sức khỏe tâm thần vốn đã rất tốn kém: chỉ có khoảng 3% người bị trầm cảm được điều trị đầy đủ ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, và 23% ở các quốc gia có thu nhập cao. 

 

Một số bằng chứng cho thấy hành động chống biến đổi khí hậu có thể giúp các cá nhân kiểm soát “nỗi sầu sinh thái”. Hàm ý ở đây là mọi người “cùng có các hành động tập thể”, chẳng hạn như tham gia các nhóm vận động với những người cùng quan tâm đến môi trường. Điều quan trọng là “những cảm xúc về khí hậu này thực sự là điều phải xem trọng chứ không đáng bị bỏ qua.” Còn những người đang cảm thấy đau khổ về sinh thái thì khi xem tin tức cũng nên hạn chế phần “đọc thêm tin tức khác” để tiếp tục ngập trong tin tức về khí hậu.

 

Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu cùng hành động dần. Tháng ba 2024, dự án Kết nối tinh thần về Khí hậu, một trong những nỗ lực nghiên cứu tham vọng nhất trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần liên quan đến khí hậu, đã đưa ra một loạt ưu tiên ‘nghiên cứu và hành động’ chẳng hạn như để hiểu biến đổi khí hậu tác động đến căng thẳng chiến tranh, tình trạng bạo lực và dịch bệnh ở châu Phi cận Sahara như thế nào. Dự án bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và những người có kinh nghiệm trực tiếp về biến đổi khí hậu. Uchendu nói rằng trong một cuộc họp online, có những người tham gia từ xa đã đứng họp ngay trong căn phòng đang ngập nước. “Thật sự choáng váng,” cô nói. 

 

Wamaitha là một trong số nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong dự án này, đã biến mối quan tâm thành hành động thực tiễn. Năm ngoái, sau khi cố gắng trồng các loại cây chịu hạn nhưng không thành công, chị đã bỏ nghề nông và giờ đây làm việc tại một tổ chức phi chính phủ ở Bura, Kenya, chuyên về xóa đói giảm nghèo. Chị kiếm tiền để lấy bằng thạc sĩ về y tế công cộng và nâng cao nhận thức về sức khỏe toàn cầu trên trang mạng xã hội LinkedIn. Nhưng chị lại lo lắng cho tương lai và không biết có nên sinh con hay không. Chị nói: “Tôi không nghĩ mình ở trong một môi trường đủ tốt để có thể mang con đến nơi này”. “Đó là điều buồn nhất khi nghĩ về điều đó.”

 

Burrows, đang theo học ngành y ở Saint Augustine, Trinidad và Tobago, cho biết mình chọn lối sống tích cực và làm những việc nhỏ để giúp ích cho môi trường, chẳng hạn như đi bộ thay vì lái xe. Cô nói rằng cô cầu mong các quốc gia và tập đoàn giàu có “sẽ thực sự, thực sự hiểu những gì đang xảy ra và không chỉ nói suông để cố gắng xoa dịu chúng tôi”. Họ nên hành động để “giúp đỡ các quốc gia nhỏ hơn và thế giới nói chung”. □

 

Bảo Như lược dịch

 

Nature 628, 256-258 (2024)

 

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-00998-6

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats