Monday, 20 May 2024

NHIỀU BÁO CHÍ VIỆT NAM ĐƯA TIN CÓ 'THIỆN CẢM' VỚI SƯ THÍCH MINH TUỆ (Người Việt Online)

 



Nhiều báo Việt Nam đưa tin có ‘thiện cảm’ với sư Thích Minh Tuệ  

Người Việt Online

May 18, 2024

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bao-tien-phong-dua-tin-co-thien-cam-voi-su-thich-minh-tue/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bất chấp hai văn bản cảnh báo của Giáo Hội Phật Giáo CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ, nhiều báo Việt Nam được ghi nhận đưa tin với “thiện cảm” dành cho nhà sư Thích Minh Tuệ, thay vì chỉ trích ông này theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.

 

Trong bài “Quá khứ chưa biết về sư Thích Minh Tuệ” đăng hôm 18 Tháng Năm, báo Tiền Phong dẫn lời ông Lê Xuân, 84 tuổi, thân phụ của nhà sư, sống tại xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, xác nhận, Lê Anh Tú (tên tục của nhà sư Thích Minh Tuệ), 43 tuổi, là người con thứ hai trong bốn đứa con của mình, ba trai, một gái.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/VN-Bao-chi-Thich-Minh-Tue-1.webp

Ông Lê Anh Tú, tên tục của nhà sư Thích Minh Tuệ, lúc chưa đi tu. (Hình: Tiền Phong)

 

Ông Xuân nói: “Gần 10 năm về trước, Tú có đọc sách về Phật pháp nên phát nguyện đi tu. Lúc ấy, tôi nói đi tu rất khó khăn nhưng đã quyết thì phải tu trọn vẹn, không được phá giới, phải chân cứng đá mềm, không tham lam sân si. Lúc đi, Tú để lại cho tôi một cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh, 8 mét vải màu vàng.”

 

“Vợ tôi đẻ rơi Tú ngoài đường, do lúc ấy đi làm ruộng nên về nhà không kịp. Từ nhỏ, Tú đã có lòng từ bi với mọi người, không bao giờ muốn làm ai buồn lòng. Ai em nó cũng xem là cha mẹ, phải học hỏi. Tú đi cả chục năm nay chưa về rồi nhưng thời gian này mọi người mới để ý nhiều,” ông Xuân cho biết thêm.

 

Cũng theo lời ông Xuân, trước khi phát nguyện đi tu, ông Minh Tuệ làm nhân viên đo đạc cho một công ty tư nhân ở tỉnh Đắk Lắk.

 

Một ngày trước, cũng báo Tiền Phong đăng bài “Có duyên gặp Thích Minh Tuệ” với dụng ý chỉ trích các nhà sư thuộc quyền quản lý của Giáo Hội Phật Giáo CSVN.

 

Bài báo viết: “…Có thể gây chú ý trong một số lĩnh vực nào đó là không nên, nhưng riêng trong Phật Giáo lúc này có khi lại hay. Là một dịp tốt để mọi người quan tâm đến một khía cạnh chính yếu của Phật pháp là sự tự mình tu tập chứ không phải chỉ xin tài trợ xây chùa, nhận cúng dường hay làm ‘dịch vụ’ dâng sao giải hạn…”

 

“Những gì khiến một người bình thường thấy bất an thì Thích Minh Tuệ đều chủ động sống với nó. Và có vẻ ông sẵn sàng đón nhận mọi điều sẽ gặp trên đường du hành. Dù có bị đấm chảy máu hay được quét đường cho đi, lúc nào cũng giữ một nụ cười. Trả lời câu hỏi: ‘Thầy định đi tới đâu’ (ý muốn hỏi về địa danh), ông nói: ‘Đi tới chết,’” theo báo Tiền Phong.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/VN-Bao-chi-Thich-Minh-Tue-0-1585x2048.jpg

Từng bước chân của nhà sư Thích Minh Tuệ đang được nhiều Phật tử dõi theo. (Hình: Tiền Phong)

 

Hôm 17 Tháng Năm, báo VNExpress có bài viết về sư Thích Minh Tuệ, khi ông dừng chân nghỉ ngơi tại bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện. Khi nói chuyện, ông Tú luôn xưng là “con.”

 

“Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật Giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…),” VNExpress viết.

 

Từ năm 2017 ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước. “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình,” ông Tú được trích lời nói.

 

Ông Tú chia sẻ, khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép cha mẹ lên đường.

 

“Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông Tú luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng,” báo VNExpress kể.

 

Suốt quãng đường ông đi, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo, nhưng “ông Tú nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.”

 

“Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý,” báo VNExpress thuật lời ông Tú nói.

 

Phản hồi việc Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định ông Tú không phải là tu sĩ Phật Giáo, ông Tú nói từng đi tu, nhưng chưa có duyên ở chùa và “từ lâu nay ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng ‘cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó,’” theo báo VNExpress.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/VN-Bao-chi-Thich-Minh-Tue-2.jpg

Đám đông theo chân nhà sư Thích Minh Tuệ trên đường ông đi khất thực. (Hình: Tiền Phong)

 

Sau khi Giáo Hội Phật Giáo CSVN ra văn bản, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Hoàng Đình Chung, trưởng Phòng Nghiên Cứu Lý Luận Và Chính Sách Tôn Giáo, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, cho biết giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà giáo hội quản lý. Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.

 

“Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật Giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo Hội Phật Giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật Giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,” Tiến Sĩ Chung bày tỏ.

 

Báo Pháp Luật TP.HCM viết: “Tiến Sĩ Chung cũng cho rằng bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.”

 

“Theo tôi, văn bản của giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong giáo hội của mình,” ông Chung được dẫn lời nói.

 

Hiện chưa rõ các báo này có phải chịu áp lực gỡ bài của Ban Tuyên Giáo hoặc Bộ Thông Tin Truyền Thông vì đưa tin không theo tuyên truyền về nhà sư Thích Minh Tuệ hay không. (N.H.K) [qd]










No comments:

Post a Comment

View My Stats