Monday, 20 May 2024

NGA - TRUNG TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC ĐỂ CHỐNG LẠI ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ (VOA News)

 



Nga-Trung tăng cường hợp tác để chống lại ảnh hưởng của Mỹ  

VOA News

18/05/2024

https://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-tang-cuong-hop-tac-den-chong-lai-anh-huong-cua-my/7616895.html

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc chuyến đi hai ngày tới Trung Quốc hôm 17/5 sau khi Bắc Kinh và Moscow tái khẳng định “mối quan hệ chiến lược” bằng cách ký một tuyên bố chung và cam kết hợp tác chống lại áp lực “thù địch và phá hoại” từ Washington.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-a1ac-08dc7646a199_w1023_r1_s.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tham dự lễ ký các thoả thuận tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 16/5/2024.

 

Trong cuộc gặp giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga cho biết Moscow sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh và các nước phía nam toàn cầu khác hướng tới “một thế giới đa cực”, trong khi ông Tập nói hai nước cam kết điều hành quản trị toàn cầu “theo đúng hướng”.

 

Một số nhà phân tích cho rằng ông Putin và ông Tập đang cố gắng nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow “là một lực lượng có lợi cho hệ thống toàn cầu”.

 

Ông Philipp Ivanov, nhà phân tích Trung-Nga và là người sáng lập công ty tư vấn Geopolitical Risks + Strategy Practice, nói: “Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn nhấn mạnh rằng họ đang tạo ra một môi trường bình đẳng hơn và hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu toàn diện hơn”.

 

Ngoài việc thách thức trật tự thế giới hiện có do Hoa Kỳ lãnh đạo, ông Putin và ông Tập còn chỉ trích Mỹ và NATO đã tạo ra những tác động tiêu cực đến hòa bình và ổn định khu vực ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách tạo ra “các nhóm khép kín và độc quyền” cũng như mở rộng sự hiện diện quân sự.

 

“Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, cần phải nghiên cứu việc thiết lập một hệ thống an ninh bền vững trong không gian Á-Âu dựa trên nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt”, theo tuyên bố chung được ông Tập và ông Putin ký.

 

Một số chuyên gia cho rằng ông Putin và ông Tập coi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Washington và NATO ở châu Á “như một trò chơi kẻ thắng người thua”. Ông Mathieu Duchatel, giám đốc nghiên cứu quốc tế tại nhóm chính sách Pháp Institut Montaigne nói: “Lý lẻ về cân bằng quân sự rất quan trọng trong quan điểm của họ về trật tự quốc tế và mục tiêu của họ là mạng lưới các liên minh quân sự của Hoa Kỳ”.

 

Ông nói với đài VOA rằng một trong những mục tiêu của ông Tập và ông Putin nhằm duy trì quan hệ đối tác là “phá hoại” mạng lưới liên minh của Washington ở châu Á.

 

 

Giới hạn của Bắc Kinh

 

Khi Thụy Sĩ chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình dành riêng cho cuộc chiến Ukraine vào tháng tới, ông Tập và ông Putin cũng trao đổi quan điểm về cuộc xung đột đang diễn ra trong cuộc gặp hôm 16/5.

 

Họ tin rằng chiến tranh nên được giải quyết thông qua một giải pháp chính trị. Trong một bài viết do Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc công bố, ông Tập cho biết giải pháp cơ bản cho cuộc chiến là thiết lập “một kiến trúc an ninh mới, cân bằng, hiệu quả và bền vững”.

 

Ông nói thêm rằng Trung Quốc ủng hộ một hội nghị hòa bình quốc tế “được Nga và Ukraine công nhận vào thời điểm thích hợp với sự tham gia bình đẳng và thảo luận công bằng về tất cả các lựa chọn”.

 

Ông Putin cho biết Moscow “đánh giá cao” quan điểm khách quan, công bằng và cân bằng của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine và tuyên bố rằng Nga “cam kết giải quyết vấn đề Ukraine thông qua đàm phán chính trị”.

 

Ông Ivanov nói những nỗ lực hiện tại của Trung Quốc nhằm giúp giải quyết Chiến tranh Ukraine, bao gồm kế hoạch hòa bình 12 điểm được công bố vào tháng 2 năm ngoái, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng tránh đưa ra bất kỳ cam kết nào. Ông nói với VOA rằng kế hoạch hòa bình “là một văn kiện ngoại giao chứ không phải là bất kỳ chiến lược thực chất nào để Trung Quốc tham gia giải quyết cuộc chiến này”.

 

Vì cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng đàm phán, ông Ivanov nghĩ rằng Trung Quốc không thể làm gì nhiều để giúp chấm dứt chiến tranh. “Tôi chưa thấy bất kỳ bước đi cụ thể nào từ Trung Quốc trong việc cố gắng giải quyết cuộc chiến. Tôi nghi ngờ về hội nghị hòa bình của Thụy Sĩ và kế hoạch hòa bình của Trung Quốc”, ông nói.

 

 

Thiếu áp lực hiệu quả đối với Trung Quốc

 

Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin diễn ra sau chuyến đi 5 ngày của Tập Cận Bình tới châu Âu, trong đó một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng lợi dụng sự mất đoàn kết trong Liên hiệp châu Âu.

 

Chuyến đi này cũng tiếp theo những cảnh báo lặp đi lặp lại từ Hoa Kỳ về những hậu quả tiềm tàng của việc Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

 

Trong cuộc họp báo hôm 16/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel nói với các nhà báo rằng Trung Quốc không thể hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga đồng thời cố gắng cải thiện quan hệ với phương Tây.

 

Ông nói: “Họ không thể có cả hai cách và muốn có mối quan hệ [tốt hơn] với châu Âu và các nước khác, đồng thời tiếp tục gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu trong một thời gian dài”.

 

Một số chuyên gia cho rằng quyết định của Trung Quốc duy trì quan hệ đối tác với Nga phản ánh niềm tin của Bắc Kinh rằng những cảnh báo của phương Tây về các chế tài tiềm tàng đối với các thực thể Trung Quốc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga có thể không thành hiện thực.

 

Ông Ja Ian Chong, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với VOA qua điện thoại: “Tôi nghĩ Bắc Kinh tin rằng châu Âu không thể làm được gì nên họ đang yêu cầu châu Âu tiết lộ kế hoạch”.

 

Theo quan điểm của ông, Mỹ có vẻ nghiêm túc hơn trong việc áp đặt các chế tài thứ cấp tiềm tàng đối với các thực thể Trung Quốc trong khi Liên hiệp châu Âu đang nỗ lực xác định phản ứng của họ trước sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho Moscow.

 

 

Một lộ trình đi lên của quan hệ đối tác

 

Xem xét những cảnh báo liên tục của Washington về việc chế tài các thực thể Trung Quốc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga, ông Ivanov nói ông Putin sẽ cố gắng bảo vệ mối quan hệ kinh tế của Nga với Trung Quốc thông qua chuyến thăm của ông.

 

Ông nói với đài VOA: “Tôi khá tin tưởng rằng sẽ có một cuộc thảo luận tích cực về cách né tránh các biện pháp trừng phạt, và chúng ta có thể sẽ thấy nhiều giao dịch và hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra qua các nước thứ ba, chẳng hạn như các nước ở Trung Á”. Ông nói thêm là mục tiêu của Trung Quốc và Nga là xây dựng một hệ thống địa kinh tế “miễn nhiễm với các chế tài và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây”.

 

Bất chấp nỗ lực của các nước phương Tây nhằm gây áp lực hoặc thuyết phục Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga, hai ông Ivanov và Duchatel cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Moscow.

 

Ông Duchatel nói với VOA: “Không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng của Nga tiếp cận công nghệ lưỡng dụng của Trung Quốc đã bị giảm sút nghiêm trọng và không có hành động nào từ Trung Quốc cho thấy cam kết hỗ trợ Nga giảm sút”.

 

Ông Ivanov cho biết mặc dù có thể có một số bất đồng giữa Trung Quốc và Nga, nhưng định hướng chung cho mối quan hệ đối tác của họ đang “có xu hướng đi lên”. Ông nói: “Tôi không nghĩ Mỹ hay châu Âu có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình quan hệ đối tác Trung-Nga vào lúc này”.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats