Saturday, 9 December 2023

UKRAINA BỊ CÔ LẬP : PHƯƠNG TÂY TRƯỚC BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ (Trọng Thành / RFI)

 



Ukraina bị cô lập: Phương Tây trước bước ngoặt lịch sử

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 08/12/2023 - 15:45

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20231208-ukraina-b%E1%BB%8B-c%C3%B4-l%E1%BA%ADp-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%E1%BA%B7t-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD

 

Ukraina và xung đột Cận Đông tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp. ‘‘Ukraina ngày càng bị cô lập trong cuộc chiến chống xâm lược Nga’’, tựa lớn trang nhất của Le Figaro nêu bật vấn đề. Không khí lo sợ tại Mỹ trước viễn cảnh Donald Trump trở lại nắm quyền, và lần đầu tiên đa số dân Pháp chấp nhận đảng cực hữu RN tham gia chính phủ là chủ đề lớn trang nhất của Le Monde. Les Echos giới thiệu ‘‘cuộc cách mạng’’ thể chế, của tổng thống Pháp, nhằm thúc đẩy khoa học.

 

https://s.rfi.fr/media/display/dd7627c4-8ba9-11ed-afb7-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP22067576509377.webp

Ảnh minh họa : Cờ Ukraina tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, ở Strasbourg, Pháp, ngày 08/03/2022, hai tuần kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraina. AP - Pascal Bastien

 

Về Ukraina, lý do trực tiếp khiến Le Figaro một lần nữa lên tiếng cảnh báo là việc Thượng Viện Mỹ chặn kế hoạch trợ giúp 50 tỉ đô la cho Ukraina của chính quyền Biden. Tin xấu nói trên với Ukraina không phải là duy nhất. Trợ giúp của phương Tây nhìn chung rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu chiến tranh. Cam kết cấp một triệu đạn pháo mới chỉ thực hiện được một phần ba. Nội bộ Ukraina bắt đầu rạn nứt.

 

Xã luận Le Figaro nhan đề ‘‘Không khí thất bại’’ ghi nhận có một tâm lý đáng lo ngại đang âm thầm lan tràn khắp nơi. Đó là Ukraina không tránh khỏi thất bại, trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Tình hình đặc biệt đáng lo khi tổng thống Ukraina Zelensky công khai tỏ ra nghi ngờ tư lệnh quân đội, tướng Valeri Zaloujny. Le Figaro tố cáo việc một số lãnh đạo phương Tây có thể đã muốn thúc đẩy tổng thống Ukraina ‘‘thương lượng’’ với kẻ xâm lược.

 

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Liên Âu và Hoa Kỳ với Ukraina trong thời điểm hệ trọng này. ‘‘Vài tuần lễ tới có ý nghĩa quyết định’’, ‘‘sẽ cho thấy là Hoa Kỳ và châu Âu có đủ khả năng vượt qua các chia rẽ để tiếp tục hỗ trợ Ukraina giành lại chủ quyền hay không. Trong trường hợp ngược lại, phương Tây sẽ cho Nga thấy là Matxcơva có thể hoàn toàn rảnh tay hành động trước một phương Tây bất lực’’.

 

Tuần lễ quyết định của Liên Âu

Nhà báo Laure Mandeville của Le Figaro, trong bài ‘‘Vì sao nói phương Tây đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử’’, ghi nhận tình hình đang đảo ngược, chuyển sang thế có lợi cho tổng thống Nga : kinh tế Nga vẫn trụ được nhờ khả năng lách các trừng phạt, tổng thống Nga bắt đầu cuộc phản công ngoại giao với chuyến công du vùng Vịnh, sau một thời gian ‘‘bị chế giễu’’, bị tòa án quốc tế truy nã. Nhà báo Le Figaro nhấn mạnh đến trách nhiệm của tổng thống Mỹ đạt được một thỏa hiệp với đối lập Cộng Hòa để mang lại một ‘‘hệ thống an ninh mới’’, thay thế cho ‘‘trật tự thế giới hậu Thế chiến Hai’’ đã đổ vỡ, như nhận định của chủ tịch Quỹ German Marshall Fund, bà Heather Conley.

 

Liên Âu đang đứng trước thời điểm lịch sử. Trong một tuần tới, Liên Âu họp thượng đỉnh về Ukraina. 27 nước châu Âu ‘‘không thể chờ đợi Mỹ để hành động’’. Điểm mấu chốt là liệu Liên Âu có quyết định mở ra các thủ tục đàm phán kết nạp ‘‘nước Ukraina bất khuất’’ hay không, cũng như một kế hoạch hỗ trợ quân sự lớn. Theo Le Figaro, nếu làm được điều này, Liên Âu sẽ đặt được nền móng đầu tiên cho một châu Âu mới, sẽ phải ra đời để chống lại đe dọa xâm lăng của Nga. Châu Âu ‘‘có đủ tầm nhìn và dũng cảm hay không để hành động như vậy ?’’

 

 

Liên Âu hỗ trợ Ukraina: Thỏa hiệp khó đạt giữa Đức và Hungary

‘‘Chia rẽ dai dẳng trong nội bộ Liên Âu’’ về việc hỗ trợ Ukraina là chủ đề trang nhất của Le Monde. Theo Le Monde, cuộc thượng đỉnh hai ngày 14 và 15/12 tới ‘‘rất rủi ro’’ cho Kiev. Ba quyết định của Liên Âu, mở thương lượng kết nạp, hỗ trợ tài chính 50 tỉ eurro, hỗ trợ quân sự 20 tỉ euro, đều cần có được sự đồng thuận tuyệt đối. Hiện tại chưa có bất kỳ một thỏa hiệp nào của khối 27 nước trước thềm thượng đỉnh. Thủ tướng Hungary đe dọa sử dụng ‘‘quyền phủ quyết’’. Về phía nước Đức, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz đang sa lầy trong hàng loạt vấn đề chính trị nội bộ, khó mang lại các thỏa hiệp cần thiết. Theo Le Monde, không loại trừ là cuộc thượng đỉnh này sẽ rơi vào bế tắc. Các thảo luận giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức hôm 06/12 không mang lại kết quả. Tình hình thêm bất lợi khi trong xã hội Hungary khi dư luận ngày càng ít ủng hộ Ukraina hơn.

 

Cho đến nay, tuy chỉ có Hungary phản đối công khai việc mở thủ tục kết nạp Ukraina, nhưng một số quốc gia khác như Áo, Đức tỏ ra dè dặt, dù không phản đối. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, về vấn đề hỗ trợ tài chính cho Kiev, ‘‘tất cả phụ thuộc vào khả năng thỏa hiệp giữa Đức và Hungary’’. Le Monde kết luận : Nếu Liên Âu không thoát khỏi bế tắc hiện nay thì đây sẽ là ‘‘một tín hiệu chính trị tồi tệ’’ với tổng thống Ukraina.

 

 

Xung đột Gaza đe dọa thế giới: Lãnh đạo LHQ gia tăng áp lực với Mỹ với ‘‘điều 99’’

Tình hình không chỉ tồi tệ với Ukraina và phương Tây. Cuộc chiến tranh Israel chống Hamas ở Gaza đang trở thành mối đe dọa với hòa bình thế giới. Le Monde chú ý đến việc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres, hôm 06/12, lần đầu tiên viện dẫn ‘‘điều 99 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’’, báo động chiến sự hiện nay ở Gaza đang thách thức nghiêm trọng ‘‘hòa bình và an ninh quốc tế’’.

 

Cuộc chiến kéo dài hai tháng nay, bùng lên sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel, ngày 07/10, khiến hơn 16.000 người thiệt mạng, trong đó có 130 nhân viên Liên Hiệp Quốc. Tình hình được coi là lâm vào ngõ cụt, khi chiến tranh tiếp diễn. Hội Đồng Bảo An chỉ đưa ra được một nghị quyết yêu cầu ‘‘các đợt ngừng bắn nhân đạo’’, do Mỹ - ủng hộ cuộc tấn công trả đũa của Israel - đe dọa phủ quyết. 

 

Vì sao việc viện ra ‘‘điều 99’’ lại là một quyết định ‘‘rất nghiêm trọng’’ ? Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ 1953 đến 1961, Dag Hammarskjold, điều khoản này cho phép ‘‘biến tổng thư ký từ chỗ một quan chức hành chính trở thành một con người có thẩm quyền chính trị đặc biệt’’. Điều 99 cho phép tổng thư ký trực tiếp gây áp lực để Hội Đồng Bảo An có quyết định xứng tầm với cuộc xung đột trầm trọng hiện nay ở Gaza.

 

Theo một nhà ngoại giao, thành viên Hội Đồng Bảo An, việc kích hoạt điều 99 sẽ không dẫn đến kết quả gì, trong một thế giới phân cực cao độ như hiện nay, và điều này sẽ gây thất vọng. Tuy nhiên, Le Monde cũng ghi nhận việc, quyết định của tổng thư ký đẩy Hoa Kỳ, đồng minh của Israel, vào thế bị cô lập. Trả lời Le Monde, một nhà ngoại giao Trung Đông hy vọng quyết định này của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc buộc cộng đồng quốc tế phải ‘‘đối diện với sự thật’’, với tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng này.

 

 

Lo ngại Trump trở lại nắm quyền

Nguy cơ Donald Trump trở lại và phục thù là chủ đề chính khác của Le Monde. 11 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, nhiều nhà lãnh đạo chính trị bày lo ngại về tương lai nước Mỹ, nếu Trump đắc cử. Kết quả nhiều thăm dò dư luận cho thấy ‘‘không khí lo hãi’’ đã bắt đầu. Cựu tổng thống Mỹ ra tái tranh cử, đe dọa sẽ tiến hành một sự thay đổi triệt để về ‘‘Nhà nước pháp quyền’’. ‘‘Đe dọa sống còn’’, ‘‘Độc tài’’… hàng loạt cảnh báo được đưa ra. Cũng Le Monde có bài của nhà báo Alain Frachon giải thích vì sao hai lãnh đạo Nga và Israel lại đặt hy vọng vào việc Donald Trump đắc cử.

 

 

Nước Mỹ cần có quyết định đột phá như năm 1949

Cũng Le Figaro có bài phỏng vấn đáng chú ý với bà Heather Conley, chủ tịch Quỹ German Marshall Fund. Vị chuyên gia về Nga này rất lo ngại trước viễn cảnh cựu tổng thống Trump trở lại nắm quyền có thể đi đến quyết định nguy hiểm, rút Mỹ khỏi NATO, cho dù đều này là rất khó thực hiện, vì phải cần đến 2/3 Thượng Viện phê chuẩn. Điều đáng lo là, phần nào do các tuyên truyền của Donald Trump, đông đảo dân Mỹ mất niềm tin vào NATO.

 

Vị chuyên gia về Nga này so sánh thời điểm hiện nay với thời điểm khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO thành lập, năm 1949, để chống lại các tham vọng của Liên Xô thời Staline. Quỹ German Marshall Fund, được chính phủ Đức lập ra cách nay nửa thế kỷ, để tri ân chương trình Marshall tái thiết châu Âu của Mỹ, nhờ nỗ lực của tổng thống đảng Dân Chủ Harry Truman, và thượng nghị sĩ Cộng Hòa Arthur Vanderberg. Cả hai đã đi khắp đất nước để thuyết phục dân chúng Mỹ ủng hộ kế hoạch đầu tư khổng lồ này, với lý do ‘‘nếu ngoảnh mặt với châu Âu, nước Mỹ sẽ mất không các đầu tư bỏ ra trong chiến tranh’’. Khối NATO, được thành lập vào thời điểm đó, là một dự án táo bạo, tạo lập lá chắn an ninh, để bảo vệ nền dân chủ. Với chủ tịch Quỹ German Marshall Fund, chính quyền Mỹ giờ đây cũng cần có nỗ lực tương tự.

 

 

Kế hoạch chấn hưng khoa học Pháp: Nguy cơ ‘‘hành chính hóa’’ khoa học

Tách hẳn khỏi không khí chính trị quốc tế căng thẳng, với nhiều bế tắc, nhật báo kinh tế Les Echos dành chủ đề chính cho kế hoạch chấn hưng khoa học của tổng thống Pháp, với hàng tựa ‘‘Nghiên cứu khoa học : Kêu gọi đột phó’’. Les Echos cho biết, tổng thống Pháp tuyên bố lập ra 7 cơ quan quản lý chuyên môn để ‘‘phối hợp tốt hơn’’ các nỗ lực thúc đẩy khoa học. Đây là một quyết định có ý nghĩa ‘‘cách mạng’’ của chính quyền Pháp, với mục tiêu khắc phục tình trạng ‘‘phân tán’’ hiện nay. Gần một tỉ euro được giải ngân để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Pháp. Các trường đại học cũng được trao thêm nhiều quyền tự trị.

 

Les Echos cũng cho biết, các nghiệp đoàn trong giới khoa học tỏ ra lo ngại về ‘‘những điểm thiếu chính xác’’ trong dự án lớn này. Xã luận Les Echos về chủ đề này cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ ‘‘hành chính hóa’’, làm phức tạp hơn các thủ tục, có thể làm nản lòng các nhà nghiên cứu. Les Echos ủng hộ việc chính quyền đầu tư cho khoa học, nhưng chê trách việc lập thêm một Hội đồng phụ trách lĩnh vực này, bên cạnh khoảng một tá hội đồng khác, dưới quyền điều hành trực tiếp của tổng thống, được lập ra kể từ khi ông Macron cầm quyền, với hệ quả là ‘‘tăng cường ảo tưởng là cách tân khoa học có thể được thực hiện với sự chỉ đạo của giới chính trị’’.

 

 

Nhà thờ Đức Bà tái sinh

‘‘Nhà thờ Đức Bà Paris tái sinh’’ là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo Công giáo báo tin vui là Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại trong một năm nữa. Tuy nhiên, từ đây đến đó, việc trùng tu di tích sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ cao. Ngày 15/04/2019, Nhà thờ Đức Bà bốc cháy, để lại ‘‘những tình cảm đau đau buồn, hoang mang, khôn tả trên khắp thế giới’’. Bài xã luận của La Croix, với tựa đề ‘‘Nghệ thuật tái xây dựng’’, đã ca ngợi các nỗ lực không mệt mỏi từ hơn bốn năm nay để tái thiết công trình cho thấy ‘‘bản sắc của nước Pháp’’, với khoảng 250 doanh nghiệp có tay nghề cao, thuộc đủ loại ngành nghề, đã được tuyển chọn tham gia công trình, hơn 350.000 nhà tài trợ trên khắp thế giới, cùng hàng triệu tín đồ cầu nguyện, đặt niềm tin vào sự thành công của cuộc tái thiết.

 

 

Động vật với con người: ‘‘Âu yếm, vuốt ve, trìu mến’’

Libération ra ngày cuối của tuần làm việc hôm nay dành gần trọn số báo đặc biệt thường niên cho chủ đề Thế giới động vật. Từ trường học đến bệnh viện, hay trong quân đội, động vật đang mang lại cho cuộc sống của con người biết bao điều. ‘‘Một chút âu yếm’’ là tựa đề bài xã luận của số báo đặc biệt ‘‘Libé des animaux’’, với hình ảnh cụ bà Bernadette 94 tuổi vuốt ve trìu mến chú lừa Vagabond, với đôi mắt yên ả.

 

‘‘Âu yếm, vuốt ve, trìu mến’’ là những xúc cảm mà Libé muốn chuyển đến độc giả vào thời điểm cuối năm với ‘‘hai cuộc chiến tranh không hồi kết’’. Libé cũng nhắc nhở, nếu như các động vật đem lại bao điều tốt lành cho con người, con

 

Điều tra về tình cảnh động vật bị ngược đãi tại nơi chăn nuôi gia súc lấy sữa.

 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

HUNGARY - UKRAINA - CHÂU ÂU

Thượng đỉnh EU : Hungary đặt điều kiện để thông qua hỗ trợ cho Ukraina

 

UKRAINA - PHƯƠNG TÂY - VIỆN TRỢ

Viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraina rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu cuộc chiến

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - VIỆN TRỢ

Thượng Viện Mỹ chặn khoản viện trợ cho Ukraina và Israel

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats