Thursday 7 December 2023

CÓ GÌ MÀ HOANG MANG (Mạc Văn Trang)

 



Có gì mà hoang mang

Mạc Văn Trang

Posted on 07/12/2023 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=86878#more-86878

 

Hai hôm nay tôi nhận được nhiều tin nhắn của giáo viên, nói họ hoang mang về Quyết định QĐ số 4119 /BGDĐT, đưa sách giáo khoa dạy tiếng Trung Quốc vào dạy từ lớp 3 – 4 tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

 

Có lẽ, một là, như phản xạ bản năng, cứ cái gì đụng đến Trung Quốc là dân ta lo ngại, cảnh giác; hai là, Đề án Dạy và Học tiếng Anh giai đoạn 2017 – 2025 của Bộ GD ĐT đang được triển khai từ giáo dục Mầm non đến hết Phổ thông, Đại học, sợ bị ảnh hưởng…

 

Tôi nghĩ chuyện nào ra chuyện ấy, không có gì phải hoang mang. Nhưng chỉ sợ sự nhập nhèm.

 

Thực ra, Việt Nam giáp Trung Quốc, đất nước hơn một tỷ dân, lại có nhiều mối quan hệ về kinh tế, văn hoá, xã hội nên người Việt biết tiếng Trung Quốc để làm ăn, giao lưu là rất cần thiết.

 

Nhưng tiếng Anh mới là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất trong mọi lĩnh vực. Cho nên theo chủ trương của Nhà nước, Bộ Giáo dục đã xây dựng Đề án dạy và học ngoại ngữ, lấy tiếng Anh làm ngoại ngữ số 1. Đề án này nghe nói chi nhiều tiền lắm.

 

Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành kế hoạch triển khai “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Trong đó có kế hoạch chi tiết việc thử nghiệm, triển khai, tổng kết, đánh giá… từ giáo dục Mầm non đến Đại học. Ví dụ có các mục:

 

- “Hướng dẫn xây dựng và thực hiện lộ trình triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh”… (2017 – 2025)

 

- “Triển khai chương trình làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 theo lộ trình”… (2017 – 2025)

 

- “Hoàn thiện và ban hành chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3 – 12)”…(2017 – 2025)

 

- “Hướng dẫn xây dựng và thực hiện lộ trình triển khai chương trình các môn Ngoại ngữ 2”… (2017 – 2025)

 

- “Triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo theo lộ trình”… (2017 – 2025).

 

(https://ngoainguquocgia.moet.gov.vn/quyet-dinh-so-2658qdbgddt-ngay-2372018-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-ve-viec-ban-hanh-ke-hoach-trien-khai-de-a)

 

Như vậy Tiếng Anh là ngoại ngữ số 1; tiếng Trung, Pháp, Nga, Đức… là ngoại ngữ 2.

 

Mà ngoại ngữ 2-3… thì không bắt buộc, giáo dục ở các nước đều thế.

 

Khi ngoại ngữ 2-3… là tự chọn, thì học sinh nào thích thì học, không thích thì thôi, không bắt buộc.

 

Ví dụ, một trường có 5 lớp 3, những em thích học tiếng Trung gom lại được 30 em, thì đó là một lớp tiếng Trung.

 

Tôi có gặp một cô giáo dạy tiếng Việt tại một trường Trung học ở Pháp, cô nói cả trường có 20 em thích học tiếng Việt, mỗi tuần dạy có 1 tiết. Nhưng khi các em đã tự chọn thì học hào hứng lắm. Hè sẽ đưa các em sang Việt Nam 2 tuần để trải nghiệm…

 

Nếu dạy và học tiếng Trung với phương thức tự chọn ngoại ngữ thứ 2 thì là chuyện bình thường, không phá vỡ Dự án tiếng Anh đang triển khai.

 

Chỉ sợ nhập nhèm, lại biến tiếng Trung thành ngoại ngữ số 1 thì sẽ gây ra hoang mang, rắc rối…

 

6/12/2023

 

M.V.T.

 

Tác giả gửi BVN





No comments:

Post a Comment

View My Stats