Ukraine: Tổng thống Pháp Macron nói Nga phải bị đánh bại nhưng 'không bị
nghiền nát'
Phelan Chatterjee & Matt Murphy
BBC News
19 tháng 2 năm 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmlvzgl7xmvo
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông không
muốn thấy Nga bị nghiền nát bằng một thất bại tại Ukraine.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/833c/live/3b3f2d60-b003-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg
Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron không ngại đề cập các cuộc hội đàm Nga-Ukraine là mục tiêu cuối cùng
Phát biểu trước truyền thông Pháp, ông Macron
hối thúc các nước Phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv và cho biết ông
đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài.
"Tôi muốn Nga bị đánh bại tại Ukraine, và
tôi muốn Ukraine có thể bảo vệ vị thế của mình," ông nói.
Nhưng ông cũng đáp trả những người mà ông nói
là muốn kéo dài cuộc chiến tranh đến chính nước Nga trong một nỗ lực nhằm
"nghiền nát" quốc gia này.
Bình luận của ông Macron được đưa ra khi các
lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Hội nghị An ninh Munich, nơi chứng kiến các
cam kết tăng tốc hỗ trợ vũ khí cho Kyiv và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng
rắn hơn nhằm vào Moscow.
"Tôi không nghĩ, nhưng một số người khác,
rằng chúng ta nên nhắm đến sự thất bại hoàn toàn cho Nga, tấn công Nga trên
chính lãnh thổ của họ," ông Macron nói với báo Le Journal du Dimanche.
"Những người quan sát đó muốn, trên tất cả,
là nghiền nát Nga. Điều này chưa bao giờ là lập trường của Pháp và sẽ không bao
giờ là lập trường của chúng ta."
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm thứ
Sáu 17/02, ông Macron cũng khẳng định lúc này không phải là thời điểm đối thoại
với Moscow.
Nhưng ông cũng không ngần ngại đề cập những cuộc
hoà đàm là mục tiêu cuối cùng.
Tổng thống Pháp cũng gợi ý rằng các nỗ lực
quân sự của Ukraine, được các đồng minh hỗ trợ, là cách duy nhất "để đưa
Nga trở lại bàn đàm phán và thiết lập một nền hòa bình lâu dài".
Ông cũng bác bỏ viễn cảnh thay đổi chế độ tại
Nga, và cho biết các nỗ lực tương tự trên thế giới là "một thất bại hoàn
toàn".
Mặc cho những bình luận từ ông Macron, đàm
phán là một viễn cảnh xa vời đối với các lãnh đạo Ukraine.
Hôm thứ Sáu 17/02, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro
Kuleba đã hoan nghênh quyết định không mời Moscow đến tham dự Hội nghị An ninh
Munich.
Các lãnh đạo Nga không nên được mời đến đây khi
mà "nhà nước khủng bố này còn giết chóc, khi mà còn sử dụng bom, tên lửa
và xe tăng như một lập luận cho nền chính trị quốc tế", ông nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã
loại trừ có các cuộc hội đàm ngay lập tức với người đồng cấp Nga, Vladimir
Putin, và khẳng định là "không có niềm tin" giữa các bên. Trong một
cuộc phỏng vấn với BBC hồi đầu tuần này, ông đã bác bỏ ý nhượng lãnh thổ để đổi
lấy một thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Ông Macron trước đó đã bị một số đồng minh
Nato chỉ trích về điều mà họ cho là các thông điệp không thống nhất về Ukraine.
Hồi tháng Sáu, ông Macron bị ông Kuleba lên án
vì nói rằng điều quan trọng là Nga "không bị sỉ nhục liên quan đến cuộc
xâm lược".
Ông Kuleba vào thời điểm đó đáp trả rằng Nga -
đang chỉ đang sỉ nhục chính mình - cần phải được đặt vào đúng vị trí của quốc
gia này.
Bốn cách cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm thay đổi thế giới
Nga tuyên bố những thắng lợi trên chiến trường, Nato tăng viện trợ vũ
khí cho Ukraine
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7b36/live/ab9dcf30-b003-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg
"Chúng
ta hãy cùng đồng ý rằng: nhân danh tất cả các nạn nhân, xác định và không được
xác định, công lý phải được thực thi," bà Harris tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich
Mỹ cũng đã "chính thức khẳng định"
Nga phạm tội ác chống lại loài người tại Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ Kamala
Harris tuyên bố.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, bà
Harris cáo buộc nga "về những hành động giết người, tra tấn, hãm hiếm và
trục xuất cực kỳ ghê tởm" kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Các lãnh đạo thế giới tại hội nghị đã kêu gọi
hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói lúc này là thời
điểm "tăng cường hơn nữa" hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Thủ tướng Anh cũng lập luận rằng các đồng minh
Phương Tây phải bắt đầu lên kế hoạch cho nền an ninh tương lai của Ukraine,
cũng như gửi vũ khí mà họ cần có để tự vệ vào thời điểm này.
Hội nghị tại Đức diễn ra khi gần đến thời điểm
tròn một năm Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine
(24/02/2022).
Bà Harris phát biểu tại hội nghị là những thủ
phạm gây nên tội ác bị cáo buộc của Nga tại Ukraine phải lãnh chịu trách nhiệm.
"Những hành động của họ là sự tấn công
vào các giá trị chung và nhân loại chung của chúng ta," bà tuyên bố.
Liên Hiệp Quốc định nghĩa những tội ác chống
loại loài người là "cuộc tấn công có kế hoạch và rộng khắp" nhằm vào
khu vực dân thường cụ thể.
Moscow đã thường xuyên bác bỏ nhắm vào dân thường
trong suốt cuộc xâm lược.
"Trong trường hợp về những hành động của
Nga tại Ukraine chúng tôi đã xem các bằng chứng, chúng tôi biết những tiêu chuẩn
pháp lý, và không nghi ngờ gì nữa; đây là những tội ác chống lại loài người,"
bà Harris, từng là một công tố viên, phát biểu tại hội nghị.
Bà Harris nêu những tội ác "dã man và vô
nhân tính" trong suốt cuộc chiến tranh tại Ukraine, bao gồm các thi thể bị
phát hiện tại Bucha chỉ không lâu sau cuộc xâm lược, và ném bom vào một nhà hát
ở Mariupol.
"Chúng ta hãy cùng đồng ý rằng: nhân danh
tất cả các nạn nhân, xác định và không được xác định, công lý phải được thực
thi," bà Harris tuyên bố.
Tội ác chống lại loài người sẽ được xét xử tại
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Nhưng ICC không có thẩm quyền để bắt giữ nghi
phạm và chỉ thực thi pháp lý đối với những quốc gia ký thỏa thuận tiến hành
phiên toà.
Nga không ký vào thỏa thuận này, vì vậy việc dẫn
độ bất kỳ nghi phạm nào là điều không thể.
Hội nghị kéo dài ba ngày tại Munich là phép thử
quan trọng đối với sự hậu thuẫn của các quốc gia Phương Tây dành cho Kyiv khi cả
hai phía đang chuẩn bị cho những cuộc phản công mùa xuân.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói Moscow
đã "tiến hành một cuộc chiến tranh diệt chủng" bởi vì không nghĩ rằng
người dân Ukraine "xứng đáng tồn tại như một quốc gia có chủ quyền".
Hàng chục ngàn người đã mất mạng và hàng triệu
người đã phải rời bỏ nhà cửa sau cuộc xâm lược của Vladimir Putin tại Ukraine.
Bốn cách cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm thay đổi thế giới
Chiến tranh Ukraine: Nga bỏ tù một nhà báo
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2b9b/live/93364030-b003-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói lúc này là thời điểm "tăng cường hơn nữa"
hỗ trợ quân sự cho Ukraine
.
Phân tích của James Landale, Phóng viên Ngoại giao
Hội nghị này phần lớn là lúc các lãnh đạo Mỹ
và châu Âu nhóm họp. Đây là cơ hội để họ khẳng định lại sự hậu thuẫn dành cho
Ukraine và thể hiện quyết tâm của mình.
Ông Rishi Sunak đã kêu gọi một hiến chương
Nato mới nhằm đảm bảo nền an ninh lâu dài của Ukraine. Bà Kamala Harris đã
chính thức cáo buộc Nga thực thi tội ác chống lại loài người.
Thế nhưng xét về bên lề thì cũng có những tiếng
nói ngờ vực.
Như Thủ tướng Namibia, Saara
Kuugongelwa-Amadhila. Bà đã phản đối việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine và kêu gọi
một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Bà tuyên bố, quốc gia của mình đã gánh
chịu suy thoái, giá cả tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Có các ý kiến giống như vậy trên khắp châu
Phi, châu Á và Nam Mỹ, những suy nghĩ xuyên Đại Tây Dương.
Các nhà thực thi chính sách Phương Tây cũng nhận
ra rằng trong gần một năm sau khi cuộc xâm lược nổ ra, họ cần phải viết lại câu
chuyện bảo vệ Ukraine.
VIDEO :
Hệ tư tưởng
‘Đại Nga’ là động lực đằng sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Putin?
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmlvzgl7xmvo
No comments:
Post a Comment