Tuesday 21 February 2023

TRUNG QUỐC và VIỆT NAM LIỆU CÓ QUÊN ĐƯỢC CUỘC CHIẾN 17/2/1979? (Mai Luân, RFA)

 



Trung Quốc và Việt Nam liệu có quên được cuộc chiến 17/2/1979?

Phân tích của Mai Luân
2023.02.19

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/do-china-and-vietnam-forget-border-war-02192023093101.html

 

Một nghịch lý lớn nhất của bang giao Trung – Việt là, cũng có lúc nền chính trị đại bá Trung Hoa lại trùng phùng với nền chính trị “tay co tay duỗi” xứ Đông Lào. Ở chỗ, kể cả kẻ bị cho là đã thất bại lẫn người được coi là bên thắng cuộc – cả hai – đôi lúc đều muốn lãng quên cuộc chiến đẫm máu 17/2/1979.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/do-china-and-vietnam-forget-border-war-02192023093101.html/@@images/443e5dce-46d9-45c8-9f10-b2ce3020e0de.jpeg

Những người lính ở một đơn vị pháo của Việt Nam đang chống trả các cuộc tấn công của Trung Quốc trên biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn hôm 23/2/1979.  AFP

 

Nhưng Trung Quốc không nhất quán

 

Cho đến nay, nhìn chung, lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa nuốt trôi thảm bại trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Trung Quốc giải thích mục tiêu của cuộc chiến tàn khốc ấy là để “thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam”. Trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi và đẫm máu ấy, Trung Quốc đã huy động đến 60 vạn quân cùng với chín quân đoàn chủ lực, hơn 2.500 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. 

 

Số quân nói trên vượt xa cả số quân của Pháp và Mỹ huy động suốt trong thời gian dài của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Ấy vậy mà, sau 25 – 27 ngày giao tranh của thời kỳ đầu, theo ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 lính Trung Quốc thương vong, trong khi phía Việt Nam, khoảng từ 35 nghìn đến 50.000. Cuộc xung đột ban đầu xảy ra trong thời gian ngắn, mà đã gây ra con số thương vong cao như vậy cho mỗi bên đủ nói lên sự ác liệt và man rợ của cuộc chiến biên giới (1)

 

Phải nhìn nhận thảm bại của Trung Quốc không chỉ là số thương vong cao nói trên, mà còn ở chỗ suốt thời kỳ đầu, Việt Nam chỉ mới dùng đến địa phương quân để đối phó với chiến thuật “biển người” của Trung Quốc, quân chính quy chỉ nhập cuộc muộn hơn. Ấy vậy mà Trung Quốc không tiến sâu được vào đất Việt Nam. (Chỗ vào sâu nhất là Bảo Thắng, Lào Cai cách biên giới hơn 50km. Thị xã Lạng Sơn cách biên giới khoảng 10km). Đấy vừa nỗi đau, vừa nỗi nhục của “quân giải phóng nhân dân” PLA mà Trung Quốc không muốn sử sách nhắc đến. Tại hội nghị Quân chính tháng 3/1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích tướng lĩnh Trung Quốc: “Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp nhiều lần Việt Nam. Ở Cao Bằng gấp 5 – 6 lần. Ở Lạng Sơn, Lào Cai gấp 6 – 7 lần nhưng thương vong của chúng ta gấp bốn lần so với Việt Nam. Uy tín của chúng ta đã bị hủy diệt”.

 

Tuy nhiên, thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc không nhất quán. Không phải lúc nào họ cũng hoàn toàn quên dư vị cay đắng do thảm bại về các mặt gây ra. Năm 2021, trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh với “500 đảng anh em” (ngày 6/7) và ăn mừng sinh nhật ĐCSTQ (ngày 1/7), Bắc Kinh vẫn liệt kê các cuộc xâm lược trong lịch sử cận đại chống lại Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988 như là những thành tựu nổi bật. Những sự kiện đau lòng này được Tổng bí thư Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ấy vậy mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự buổi lễ mà không dám có bất cứ một phản ứng nào đối với ĐCSTQ cả (2). Vậy là mỗi lúc có nhu cầu tuyên truyền để kích động dư luận trong nước, Trung Quốc vẫn không ngần ngại nhắc lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/do-china-and-vietnam-forget-border-war-02192023093101.html/000_hkg10255401.jpg/@@images/a3eb4628-23cd-45a6-a521-a23460987102.jpeg

Người dân tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc nhân ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới lần thứ 37 ở Hà Nội hôm 17/2/2016. AFP

 

.

Còn Việt Nam thì “tay co tay duỗi”

 

Mặc dầu Việt Nam tuyên bố chiến thắng trong cuộc đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, nhưng cuộc chiến đã để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Khác với Trung Quốc là bên được cho là thua cuộc nhưng khi cần, ĐCSTQ vẫn ngợi ca chiến thắng “trong tưởng tượng” đối với cuộc chiến 17/2. Tuy là bên thắng cuộc nhưng ĐCSVN lại có nhiều lý do hơn để thật sự muốn lãng quên cuộc chiến 17/2. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là do tâm lý “thuộc quốc” trong một bộ phận lãnh đạo. Tâm lý ấy đẻ ra chính sách “tay co tay duỗi” – thò ra thụt vào, không đường đường chính chính – đối với các di sản của cuộc chiến.

 

Nhưng “nỗi sang chấn tinh thần” lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam chính là sự hụt hẫng khi cảm thấy mất chỗ dựa về ý thức hệ trong thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”; nên vẫn không dám chọc vào sỹ diện của Trung Quốc, vẫn muốn vớt vát từ mối quan hệ “vừa yêu vừa ghét” ấy. TBT Nguyễn Văn Linh sinh thời đã từng chạy đôn chạy đáo trong gió tuyết Berlin (tháng 10/1989) để vận động một số nước xã hội chủ nghĩa nên có hội nghị tăng cường đoàn kết giữa các đảng để cứu CNXH, nhưng đa số các đảng cộng sản hồi ấy đều làm ngơ. Hội nghị Thành Đô một năm sau đó (tháng 9/1990) đã tạo cơ sở để lập lại hòa bình trên biên giới Việt – Trung. “Một biên giới chiến trường bắt đầu có cơ hội chuyển sang biên giới thị trường” (Huy Đức). Những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao giữa ĐCSTQ với ĐCSVN về việc không nhắc lại những “góc khuất” của quá khứ, trong đó có cuộc chiến tranh 17/2, có thể đã ra đời trong bối cảnh ấy.

 

Vẫn biết hàng năm, ĐCSVN không chỉ cấm tiệt báo chí và các phương tiện truyền thông khác viết bài nhắc lại cuộc chiến tranh vệ quốc 17/2, cấm hẳn việc tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi lễ tưởng niệm. Đảng còn đi xa hơn bằng cách trong nhiều năm đã bắt bớ, đàn áp, thậm chí là bỏ tù một số người tham gia các hoạt động nói trên. ĐCSVN biết rằng hành động chống lại nhân dân như thế tức vô hình chung Đảng đang đánh mất tính chính danh của mình trong lòng dân tộc. Năm 2023 này, mọi chuyện lại càng phải im ắng hơn, vì TBT Nguyễn Phú Trọng vừa mới đi thăm chính thức Trung Quốc về.

 

So sánh tuyên bố chung giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với Campuchia, thấy có sự khác nhau khá cơ bản. Đó là, tuy cam kết “chia sẻ tương lai chung” với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Hun Sen không hưởng ứng đối với “Sáng kiến Phát triển toàn cầu” (GDI) và “Sáng kiến An ninh toàn cầu” (GSI) như TBT Nguyễn Phú Trọng đã cam kết. Điều này quan trọng ở chỗ: GDI, GSI cùng với BRI sẽ là những trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” mà Trung Quốc đang thiết kế để thay thế Trật tự hiện nay của Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác.

 

Khi “chiếc xe ngựa” Đông Lào bị “bịt mắt” để nối chuyến với “đầu tàu” Bắc Kinh, như Tuyên bố chung Tập – Trọng, dĩ nhiên từ nay, ĐCSVN càng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” (3). Nghĩa là những người dân thật sự muốn quan tâm đến vận mệnh và tương lai đất nước, sẽ không còn nhiều cơ hội để được nhắc lại những ký ức bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc ngày 17/2/1979. Và năm này qua năm khác, chúng ta lại sẽ được nghe lời giải thích giả dối của Đảng và Nhà nước: Không nên nhắc lại cuộc chiến năm xưa, vì làm như thế, “các thế lực thù địch” sẽ lợi dụng để xuyên tạc và phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung.

___________

Tham khảo: 

 

1. https://www.bbc.com/vietnamese/39029505

 

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-remains-after-two-events-of-chinese-communist-party-in-beijing-07182021100019.html 

 

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/decipher-nguyen-phut-trong-recent-visit-to-china-11042022122337.html

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats