Tuesday 21 February 2023

TRANH CÃI VỀ VIỆC ĐỔI 400 TÊN ĐƯỜNG Ở TP.HCM - BÀI 1 (BBC News Tiếng Việt)

 



Tranh cãi việc đổi 400 tên đường ở TP HCM – Bài 1

BBC News Tiếng Việt

21 tháng 2 2023, 19:58 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c7263jy1mpgo

 

Một tuần gần đây, đề xuất đổi tên 400 con đường ở một đô thị bậc nhất có lịch sử hơn 300 năm như TP HCM là đề tài nóng trên các mặt báo Việt Nam.

 

Mỗi tờ báo lớn như VNExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... dành nhiều đất đăng một chùm bài nêu ý kiến của các chuyên gia sử học, quy hoạch đô thị cũng như người dân bàn luận về việc nên hay không nên sửa tên đường.

 

Có ý kiến do Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa đô thị học, Đại học KHXH&NV ĐHQG TP HCM nêu ra tại hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM” diễn ra sáng 14/2.

 

Theo thống kê của ông Trương, tại TP HCM có 311 đường trùng với 132 tên; 38 tên đường đặt không chính xác nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, và nhiều đường khác được đặt tên chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến...

Trong số đó, 38 tên đường không chính xác như như Lê Thánh Tôn (đổi sang Lê Thánh Tông), Hồ Huấn Nghiệp (đổi sang Hồ Huân Nghiệp), Ký Hoà (Chí Hoà)... cần được ưu tiên cập nhật.

 

Những đường mang các tên khác nhau của cùng một nhân vật có thể kể đến là Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh, Hoàng Hoa Thám – Đề Thám... Còn đường Kênh Nước Đen là một ví dụ cho tên đường không mang tính thẩm mỹ.

 

Sao không đem các nhân vật văn học đặt tên phố ở Việt Nam?

VN: Có nên đặt tên đường phố ở Đà Nẵng theo hai Giáo sĩ Công giáo?

 

.

Vấn đề không mới

 

Đây không phải là một vấn đề mới, thậm chí đã được đưa ra cách đây tận 25 năm, tới nay lại được nêu ra..

 

Một bài viết trên báo Lao Động đăng năm 2019 cho biết ngay từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương về việc chấn chỉnh lại công tác đặt tên đường.

 

Theo nội dung bài viết, tại công văn số 541 ngày 11.3.1998, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã đưa ra những yêu cầu trong việc đặt mới và sửa đổi các tên đường bị sai, trùng lặp hoặc không có ý nghĩa...

 

Sau đó, TP HCM đã thành lập ra "Hội đồng Đặt tên đường" có cố Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu là Chủ tịch Hội đồng.

 

Năm 2016, một đề án dài 2.000 trang với kinh phí hơn một tỷ đồng được rót bằng tiền ngân sách của thành phố, quy tụ hàng chục nhà khoa học đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay đề án này vẫn “đắp chiếu”.

 

Đến tháng 9-2020, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản đề xuất UBND TP HCM xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác, theo thông tin từ hội thảo sáng 14/2.

 

.

Ý kiến của chuyên gia

 

Từ Hà Nội, kiến trúc sư, tiến sĩ Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng nói với BBC rằng việc sửa lại các tên đường bị sai chính tả là hợp lý.

 

Theo quan điểm cá nhân, ông Lân cho rằng: “Các tên sai thì cần sửa cho đúng, nhưng cũng nên thận trọng để xác định xem tên đó có đúng là do sai chính tả hay là do cách phát âm địa phương, ví dụ như “nhân” thành “nhơn” hay “hoa” thành “huê”, hoặc do một giai đoạn lịch sử nào đó phải kiêng húy của các vị vua mà người ta đọc chệch đi...”

 

Ngược lại, tiến sĩ Lân cho rằng những tên đường của cùng một người nhưng là những danh hiệu khác nhau như Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh thì không cần thiết phải đổi mà cân nhắc về những hệ lụy có thể gây ra. nên

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d77e/live/dcf91f80-b1e3-11ed-84ca-e3fdd87e5979.jpg

Kiến trúc sư, tiến sĩ Trương Ngọc Lân

 

.

Bất cập vì giấy tờ hành chính “không được sai một từ”

 

Tuy khuyến khích việc cập nhật những tên đường bị sai chính tả, nhưng ông Lân cũng cảnh báo về những nguy cơ rắc rối hành chính kèm theo việc này.

 

“Có những tên đường đã thành ký ức của người dân nên thời gian đầu có lẽ hơi mất phương hướng khi tìm đường, và sẽ có một số vấn đề liên quan tới hành chính. Đặc biệt là trong bối cảnh đặc thù hành chính ở Việt Nam, nhiều loại giấy tờ thiết yếu như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, thông tin địa chỉ cá nhân... phải chính xác từng từ, không được sai lệch một từ nào cả”, kiến trúc sư trăn trở.

 

Nhiều ý kiến lo lắng rằng những thay đổi này sẽ gây ra xáo trộn lớn cho người dân khi phải làm thủ tục xin cấp lại giấy tờ tùy thân, nhà đất, kinh doanh...

 

Tiến sĩ Lân cũng nhắc đến ở Hà Nội thì ngược lại, tên một số đường bị người dân gọi sai hoặc ghi sai trong văn bản vì nhầm lẫn do thuận miệng. Còn tên phố chính thức thì không sai. Ví dụ phố Tạ Hiện hay bị gọi nhầm là Tạ Hiền, phố Báo Khánh hay bị gọi nhầm là Bảo Khánh, phố Tố Tịch hay bị nhầm là Tô Tịch... Nhưng theo ông, số lượng này không nhiều như thống kê ở TP HCM và cũng không gây ra ảnh hưởng quá lớn trong xã hội.

 

Theo truyền thông Việt Nam, ban đầu, con phố Tạ Hiện có tên là Rue Géraud vào thời Pháp thuộc. Người Hà Nội khi đó biết đến con phố này với tên gọi Quảng Lạc, dựa theo rạp hát nổi tiếng vốn thu hút rất nhiều giới thượng lưu thời bấy giờ.

 

Cái tên Tạ Hiện xuất hiện sau năm 1945, theo từ điển đường phố Hà Nội thì con phố này được đặt tên theo tên của một vị lãnh tụ trong phong trào Cần Vương ở địa phận tỉnh Thái Bình - Tạ Quang Hiện.

 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng và gọi thành Tạ Hiền, bởi thế, nếu đến phố Tạ Hiện người ta sẽ thấy sự lộn xộn trong cách đặt tên địa chỉ ở các biển hiệu, chỗ này ghi Tạ Hiện, chỗ khác ghi Tạ Hiền...

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/565d/live/fa9d9a60-b1d0-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Các biển hiệu có chỗ ghi Tạ Hiện, chỗ khác ghi Tạ Hiền trên cùng một con đường ở Hà Nội

 

.

Bài học nào khi đặt tên cho các đường mới?

 

Hiện nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, đi kèm với việc xuất hiện những đường phố mới cần phải đặt tên, nên việc tránh các trường hợp đặt tên bị trùng hoặc bị sai chính tả như hiện tại là rất cần thiết.

 

“Ở Việt Nam, người ta thường lựa chọn tên gọi các nhân vật hay sự kiện lịch sử - văn hóa hoặc người có công với đất nước để đặt tên đường. Nhưng số lượng danh nhân thì có hạn và nhiều trường hợp còn gây tranh cãi, có những nhân vật ở trong giai đoạn này được xếp là người có công, nhưng ở giai đoạn khác lại không được thừa nhận”, ông Lân nói với BBC.

 

Ông cũng đưa ra một giải pháp là nên ưu tiên đặt tên mới theo tên gốc, tên cổ của vùng đất mà đường phố ấy tọa lạc.

 

“Ví dụ như sân vận động quốc gia ở Hà Nội hiện nay được đặt tên là Mỹ Đình vì nó nằm trên đất của thôn Mỹ Đình ngày xưa. Như vậy vừa lưu giữ được ký ức về địa phương vừa tiện cho người dân xác định được đường phố đó nằm ở đâu”.

 

Còn trong trường hợp đặt theo tên danh nhân thì theo tiến sĩ, nên chọn những người con của vùng đất đó để tạo ra sự kết nối với lịch sử cũng như giúp thế hệ sau này dễ dàng nhận diện, hình dung về các vùng ở một trong thành phố.

 

---------------------

BBC sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này, mời quý vị đón đọc.

 

TIN LIÊN QUAN

 

Những ai xứng đáng để đặt tên đường ở Việt Nam?

2 tháng 12 năm 2019

.

Đi tìm bản chất vụ tranh cãi về Alexandre de Rhodes

8 tháng 12 năm 2019

.

Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm

19 tháng 2 năm 2019

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats