Saturday, 11 February 2023

TÌM THẾ CÂN BẰNG GIỮA TRUNG QUỐC và HOA KỲ : NHẬT BẢN CÓ LÀ ĐỒNG MINH CỦA PHILIPPINES? (Thanh Hà / RFI)

 



Tìm thế cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ : Nhật Bản có là đồng minh của Philippines ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 10/02/2023 - 13:54

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230210-t%C3%ACm-th%E1%BA%BF-c%C3%A2n-b%E1%BA%B1ng-gi%E1%BB%AFa-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0-m%E1%BB%B9-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-c%C3%B3-l%C3%A0-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-c%E1%BB%A7a-philippines

 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr công du Nhật Bản trong 5 ngày, từ 08 đến 13/02/2023. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất thể hiện tầm mức quan trọng của Tokyo đối với Manila. Chính quyền Marcos Jr. trông cậy nhiều vào Nhật Bản để giữ thế cân bằng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/7c1964ce-a93f-11ed-8906-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23040404817168.webp

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 09/02/2023 AP - Kimimasa Mayama

 

Tokyo cam kết viện trợ 600 tỷ yen (tương đương với hơn 4,5 tỷ đô la) cho Manila trong hai năm, tiếp tục đẩy mạnh đối thoại song phương về quốc phòng và ngoại giao, tăng tốc đàm phán Hiệp Định Tiếp Cận Tương Hỗ - RAA, cho phép triển khai quân trên lãnh thổ của đôi bên trong các chương trình tập luyện … : đó là những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm ngày 09/02/2023 giữa thủ tướng Fumio Kishida và tổng thống Marcos Jr.

 

Trong cuộc họp báo chung, thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản và Philippines là « hai nước láng giềng có biển bao quanh, là hai đối tác chiến lược cùng chia sẻ một số giá trị », ngụ ý cả hai cùng là những nền dân chủ và cùng là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Về phía Philippines, tổng thống Marcos Jr. ghi nhận quan hệ đối tác song phương « mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi mà đôi bên cùng hội cùng thuyền ». Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng trong thông cáo chung, lãnh đạo hai nước cùng bày tỏ « quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông », Tokyo và Manila mạnh mẽ chống lại « mọi hành vi sử dụng sức mạnh hay mang tính hù dọa làm dấy lên căng thẳng » tại Ấn Độ -Thái Bình Dương.

 

Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu Tokyo và Manila đang xích lại gần nhau. Từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền, sang trang 6 năm thời đại Rodrigo Duterte, vốn có lập trường thân Bắc Kinh, cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ cùng nắm bắt lấy cơ hội này để cải thiện quan hệ với Philippines.

 

.

Trung Quốc : Mối đe dọa chung

 

Tuần trước Manila đã đồng ý để Washington sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines, tăng quân số để bảo đảm cho sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trong khu vực. Bài toán này dễ hiểu do căng thẳng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan càng lúc càng gia tăng trước những tham vọng của Bắc Kinh.

 

Đối với Nhật Bản, Manila có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, Nhật Bản và Philippines là hai quốc gia duyên hải do vậy vấn đề phòng thủ trên biển chiếm một vai trò quan trọng trong chính sách an ninh của hai nước. Philippines hồi tháng Giêng vừa qua đã đề nghị Tokyo hỗ trợ để trang bị thêm 5 tàu, bổ sung tuần tra loại lớn cho đội tàu 12 chiếc hiện nay, tăng cường khả năng phòng thủ cho các lượng lực tuần duyên Philippines ở Biển Đông.

Thứ hai, cả Manila lẫn Tokyo cùng rất quan ngại về tình hình ngày càng nóng lên ở eo biển Đài Loan. Thứ ba, mỗi bên đều có tranh giành chủ quyền biển đảo với Trung Quốc : quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng biển Hoa Đông là cái gai trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo. Còn về phía Philippines, thì tranh chấp chủ quyền tại các bãi đá cho đến sự kiện tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép, uy hiếp ngư dân Philippines … trong các vùng biển Manila gọi là biển Tây Philippines, gần như thách thức hàng ngày chính quyền Manila.

 

.

Hai đồng minh của Hoa Kỳ

 

Điểm tương đồng thứ tư khiến Nhật Bản và Philippines dễ đối thoại là đôi bên đều là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, cùng là những mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Washington. Tuy trông cậy nhiều vào Mỹ về mặt an ninh, nhưng về ngoại giao, cả Nhật Bản lẫn Philippines cùng khéo léo tìm một thế cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh. Đơn giản bởi vì Trung Quốc là một đối tác kinh tế và thương mại quá lớn của cả Tokyo lẫn Manila.

 

Điểm thứ năm, chính trong mục tiêu tìm thế đứng cân bằng giữa Bắc Kinh với Washington mà Manila và Tolyo xích lại gần nhau hơn. Chuyên gia địa chính trị Philippines, Justin Baquisal trên báo Nhật The Diplomat, ghi nhận Marcos « phò » Mỹ nhưng không quá đáng như cố tổng thống Benigno Aquino. Đương kim lãnh đạo Philippines cũng không quá thân thiện với Trung Quốc như người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Lập trường này cho thấy Manila « có cùng một tần sóng » với Tokyo.

 

Sau cùng, một số nhà quan sát cho rằng, có thể hiểu chuyến công du Nhật Bản 5 ngày của tổng thống Marcos Jr nhằm bảo đảm là trong trường hợp tình hình khu vực « nóng thêm » và trong kịch bản xấu nhất, thì Manila cũng có được một điểm tựa nặng ký là Tokyo. Còn thủ tướng Kishida thì không quên rằng Philippines có một vị trí chiến lược và cần phải chạy đua với Bắc Kinh để tranh thủ cảm tình của chính quyền Marcos.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NHẬT BẢN - DÂN SỐ

Nhật Bản cấp tốc tìm cách chặn đứng đà sụt giảm dân số

 

PHÂN TÍCH

Nhật Bản : Sự lựa chọn thực dụng nguồn dầu khí Nga





No comments:

Post a Comment

View My Stats