Tuesday, 14 February 2023

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG, THẦN TƯỢNG MỘT THỜI TUỔI TRẺ (Lê Nguyễn)

 



NỘI DUNG :

 

Vũ Hoàng Chương

Mạnh Kim

.

Bắc kỳ xứ Nam kỳ

Võ Khánh Tuyên

.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, thần tượng một thời tuổi trẻ

Lê Nguyễn

 

===============================================

.

.
Vũ Hoàng Chương

Mạnh Kim

12-02-2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/02/manh-kim-vu-hoang-chuong.html#more

 

Theo danh sách được Ủy ban Nobel vừa được công bố sau 50 năm giữ kín do quy định, thi bá Vũ Hoàng Chương là một trong 100 nhân vật được đề cử giải Nobel Văn chương năm 1972. Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi rõ rằng Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam và người giới thiệu là Thanh Lãng.

 

Kể về những ngày cuối đời của Vũ Hoàng Chương, nhà văn Mai Thảo thuật lại trong bài “Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương”:

 

Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh.

 

Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương.

 

Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố Tháng Tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến.

 

Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.

 

Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: "Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa." (…)

 

Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa. Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh (…)

 

Sống với cộng sản, trường hợp của miền Nam là ở lại, là vẫn có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, kẻ sĩ, nhà thơ, nhà văn thất thế, khi mọi phương tiện lên tiếng đã bị triệt hủy hoàn toàn, chỉ còn một cách thế biểu hiện nhân phẩm duy nhất là giữ vững bản ngã, giữ vững nhân cách giữa bi thảm, không cho sa đọa. Và như vậy, đối diện với nghịch cảnh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết. Bi thảm này tên là Định Mệnh.

 

Hàng ngàn nhà văn nhà thơ trên khắp mọi phần đất thế giới đã đứng trước định mệnh khốc liệt như thế, trên tổ quốc đất nước họ, trước bạo lực quân phiệt và chuyên chính vô sản. Anh em văn nghệ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền (...)

 

Ngày một thăng hoa khiến vị thế đại diện tồn tại nguyên vẹn trước đào thải nhiều mặt, khiến ông vừa là người khai sáng vừa là người chuyển tiếp, khiến ông là một gia tài thơ cho cả một thế hệ thơ sau được kế thừa, chỉ có Vũ Hoàng Chương trong thơ chúng ta. Chỉ có Vũ Hoàng Chương mà thôi. Có nhìn Vũ Hoàng Chương trên trình tự thời gian khá dài của thơ, có đặt ông vào cuộc vận động cực kỳ lớn lao của thơ Việt từ 50 năm trở lại đây, mới nhận thức được trên mọi chiều hướng kích thước của nó, cái tài thơ phi thường ấy, nhà thơ vĩ đại của thơ Việt chúng ta. Tôn vinh ông là đệ nhất đương thời thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ lớn nhất của một dòng thơ khác, đã không đi theo một xô đẩy tình cảm nào. Chỉ là Thanh Tâm Tuyền nhìn nổi ông, bằng một cái nhìn lớn.

 

Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá.

 

Bởi vậy mà với một chế độ tử thù với thơ, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Vũ Hoàng Chương phải bị giết chết. Ngày bắt ông, 13 Tháng Tư 1976. Ngày ông mất 19 Tháng Tám  cùng năm. Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất.

 

Buổi sáng ngày 13 Tháng Tư 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút.

 

Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Sau này tôi được biết là đến bắt các anh Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, vợ chồng Trần Dạ Từ và tôi, an ninh đỏ chỉ điều động một lực lượng từ 4 đến 6 đứa, trên một hoặc hai xe Jeep là cùng.

 

Thường thường điều động thế này, như trường hợp đến vây bắt tôi: hai đứa đứng ở vỉa hè đối diện, bên kia đường, hai đứa đứng sát hai bên cửa ra vào, hai đứa vào. Bắt được người rồi, bốn đứa ở ngoài mới vào theo, cùng lục soát tịch thu tài liệu. Vây bắt công khai nhưng tránh gây náo động.

 

Trường hợp Vũ Hoàng Chương khác hẳn. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: "Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại."

 

Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi.

 

Suốt thời bọn Khuyển Ưng Khuyển Phệ tới làm tan hoang Gác Bút với sự hôi tanh kinh tởm toát ra từ con chó chết xã hội chủ nghĩa chúng mang theo (tôi dùng lại danh từ của Soljenitsyne), tâm thức phóng thoát rời đứt với thân thế ô trọc ở thi sĩ thể hiện một lần nữa. Lần cuối cùng. Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín.

 

Bọn quỷ dữ ở lại trên Gác Bút hơn hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: "Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?", thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ ấy.

 

Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa (…)

 

Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa.

 

Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: "Tôi còn sống đây." Rồi nói đùa: "Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ." Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: "Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?" Ông trả lời: "Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết." Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 Tháng Chín 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời, lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm (...)

 

Mãi hơn hai tháng sau, một đêm mưa lớn, từ một chỗ ẩn mới bên quận Bình Thạnh vùng xa lộ Biên Hòa lặn lội trở lại khu Cao Thắng Bàn Cờ thăm H., cũng là để có tin tức về bạn từ bài thơ từ biệt, tôi mới được H. ngậm ngùi cho biết tin thi sĩ đã qua đời (…) Và nghe tin bạn mất, tôi không còn một phản ứng nào hết. Chỉ lẳng lặng ngồi xuống, hơ hai bàn tay lạnh lên ngọn đèn, nhìn đăm đăm những ngón tay ấm dần, hồng dần trên lửa. Một đêm cộng sản, tin dữ về thiên tài thơ, một tri kỷ được đón nhận như thế. Trong thờ ơ nhân thế, trong hiu quạnh cõi đời, trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng vô tận. Trên một sàn gác xép hiu quạnh.

 

Một lát thật lâu. Mưa ào ạt trên mái. Rồi H. hỏi:

 

- Anh không biết gì sao?

 

Tôi lắc đầu, nói nơi ẩn náu lần này xa khuất, ra ngoài gần như không được, tôi đứt hết mọi liên lạc, kể từ gặp H. lần trước.

 

Rất ít người biết. Chúng tôi cũng không biết. Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè.

 

Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm. Thành ra đưa anh Chương tới nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có mấy người trong nhà đi sau linh cữu. Bọn Phường Khóm được lệnh còn cấm cả hàng xóm láng giềng phường Cây Bàng không cho tới chia buồn và phúng viếng. Nhà không còn một đồng một chữ, chị Chương cuống cuồng không biết xoay sở thế nào. May được Thầy Thích Đức Nhuận và Từ Mẫn tới, lo liệu mọi chuyện. Từ áo quan tới xin đất nghĩa trang.

 

- Anh Chương nằm ở đâu?

 

- Xa lắm. Một nghĩa trang làng mới có từ sau 30 Tháng Tư. Hết vùng Chí Hòa, Lê Văn Duyệt còn phải đi một quãng nữa. Năm mươi ngày của anh Chương cũng không được làm ở nhà, sợ Phường, Khóm gây khó dễ. Mà ở chùa Giác Minh.

 

- Có những ai tới?

 

- Chừng mươi mười lăm người, trong số đó có Nguyễn Hoạt, Bàng Bá Lân, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển. Mọi người đều yên lặng cả. Chỉ có Nguyễn Hiến Lê, trước lúc ra về, nắm lấy tay chị Chương, an ủi: "Chị đừng đau buồn nhiều. Anh mất thế là thoát. Bọn chúng tôi bây giờ sống cũng như chết, muốn được như anh mà không được."

 

MẠNH KIM 12.02.2023

Publié par Thụy My RFI à 20:43 

 

 

==========================================

.

.

Bắc kỳ xứ Nam kỳ

Võ Khánh Tuyên

12/02/2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/02/vo-khanh-tuyen-bac-ky-xu-nam-ky.html

 

Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố toàn bộ danh sách nhà thơ, nhà văn được đề cử giải Nobel Văn học từ năm 1901 đến 1972. Bất ngờ là thi sĩ Vũ Hoàng Chương có tên trong danh sách đề cử năm 1972.

 

VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1915-1976) là một nhà thơ. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.

 

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Vũ Hoàng Chương bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

 

Trong gia tài thi ca của Ông, người yêu thơ không thể không nhớ đến bài "Đời vắng em rồi" sau được sửa thành "Đời vắng em rồi say với ai"...với hai câu thơ thuộc nằm lòng nơi cửa miệng:

 

"Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu

 Đời vắng em rồi, say với ai?"

 

Tương truyền, có thêm hai câu đối (với nhiều dị bản) được cho là do Vũ Hoàng Chương ngẫu hứng viết ra, được dân Saigon biết đến sau khi hai con đường Trung tâm Saigon bị đổi tên:

 

"Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý.

Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!"

 

VÕ KHÁNH TUYÊN 12.02.2023

Publié par Thụy My RFI à 20:32 

 

 

=================================================

.

.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, thần tượng một thời tuổi trẻ

Lê Nguyễn

14/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/14/thi-si-vu-hoang-chuong-than-tuong-mot-thoi-tuoi-tre/

 

Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-19.jpeg

          Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thời trẻ (1915-1976). Ảnh tư liệu

 

Mấy ngày qua, bỗng nhiên tên tuổi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở thành một trong những sự kiện “hot” nhất trên mạng xã hội. Những người yêu văn học cảm thấy vui và tự hào khi tên tuổi nhà thơ được ghi nhận trong danh sách những người được đề cử giải Nobel văn học năm 1972. Đó lại là thông tin chính thức trên tờ báo Tuổi Trẻ!. Bên cạnh đó, không ít giọt nước mắt đã nhỏ xuống khi trang Facebook Mạnh Kim và nhiều phương tiện truyền thông khác đăng lại bài viết của nhà văn Mai Thảo kể về những ngày tháng cuối đời của ông, những ngày tháng tăm tối và bất hạnh nhất!

 

Thời khoảng đó, không chỉ riêng ông, mà nhiều văn nghệ sĩ khác: Doãn Quốc Sỹ, Trần Dạ Từ, Trần Thy Nhã Ca, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh… đều trải qua những số phận khắc nghiệt nhất. Nhưng họ còn đủ sức chịu đựng, chí ít cũng vài năm như Hồ Hữu Tường hay Nguyễn Mạnh Côn, còn ông, sức khỏe suy kiệt, ông đã đầu hàng chỉ sau 5 tháng tù đày!

 

Bài viết của Mai Thảo gợi lên cho mỗi chúng ta những cảm xúc khác nhau, song có lẽ cảm nghĩ chung là sự thương cảm mênh mang, là nỗi tiếc nhớ một tài hoa đã mất đi khi còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội.

 

Còn nhớ sau cuộc di cư vĩ đại vào những năm 1954-1955, trong số gần một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam, có nhiều văn nghệ sĩ: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Bằng, Vũ Khắc Khoan… Chỉ sau mấy năm, họ tạo nên một dòng văn học mới lạ, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với các tầng lớp sinh viên – học sinh và giới trí thức miền Nam. Tạp chí Sáng Tạo là một tiêu biểu cho nỗ lực khai phá của họ.

 

Không những thế, những nhà văn, nhà thơ đó đã gián tiếp gầy dựng nên một phong trào văn nghệ học sinh trong sáng và đầy nhiệt huyết mà kẻ viết bài này vì lòng yêu mến họ, cũng tập tễnh làm thơ từ năm mới 14 tuổi.

 

Riêng với Vũ Hoàng Chương, năm 1959 là thời điểm “huy hoàng” bậc nhất của ông. Ông được trao giải Văn học nghệ thuật toàn quốc với tập thơ Hoa Đăng và được cử đi dự Hội nghị thơ ca quốc tế tổ chức tại Bỉ. Tại đây, sự tình cờ đưa đẩy, ông quen với nữ sĩ người Bỉ Simone Kuhnen de La Cœuillerie (1905-1993) và tình bạn của họ kéo dài đến những năm 1960. Năm 1960, ông xuất bản tập thơ Cảm Thông được giáo sư Anh ngữ Nguyễn Khang dịch ra tiếng Pháp là Communion, gồm một số bài ông sáng tác sau chuyến đi Bỉ và những bài khác. Bà Simone cũng dịch ra tiếng Pháp một số sáng tác của ông.

 

Năm 1963, nhà văn Nhất Linh chọn cái chết để bày tỏ chính kiến chống lại chính quyền đương thời miền Nam, còn Vũ Hoàng Chương thì sáng tác và xuất bản tập thơ mỏng Lửa Từ Bỉ, cổ xúy và ca ngợi phong trào đấu tranh của các nhà sư và Phật tử chống lại chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

 

Trong đời sống văn học-nghệ thuật tại miền Nam những năm 1960, Trung tâm văn bút Việt Nam (Pen Club Vietnam), thành viên của Trung tâm văn bút quốc tế (PEN International) là ngọn cờ đầu, trong đó Nhất Linh và Vũ Hoàng Chương là hai cây đại thụ nhận được sự kính trọng và yêu mến của các văn nghệ sĩ khác. Điều này thể hiện qua các bài tường thuật của tạp chí Bách Khoa về các buổi sinh hoạt của tổ chức này.

 

Năm 1972, một lần nữa Vũ Hoàng Chương được trao tặng giải thưởng văn chương của Tổng thống VNCH. Về điều này, có một giai thoại không biết thật đến mức nào. Nhiều người kể rằng lúc đó ông nghèo lắm. Theo điều lệ của việc xét cấp giải thưởng, thành viên hội đồng chấm giải không được dự thưởng, mà ông lại thường xuyên là Trưởng ban xét chấm giải bộ môn thơ. Mọi người cho rằng tiếp tục duy trì hiện trạng là một thiệt thòi lớn cho ông. Vì thế trong năm 1972 đó, ông “bị loại” khỏi vai trò thành viên của Hội đồng xét duyệt giải thưởng Tổng thống VNCH, để được Hội đồng xét trao giải thưởng văn học xứng đáng với những đóng góp của ông.

 

Giai thoại này không rõ thực hư ra sao, xin chất chính nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Tien Dang), người đang sở hữu một “bảo vật” do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao tặng, đó là bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu do thi sĩ thực hiện và chính tay chép tặng anh.

 

Hình : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/2-5.jpeg

          Bản dịch bài Hoàng hạc lâu (Thôi Hiệu) của Vũ Hoàng Chương được thi sĩ tự tay chép lại và đề

          tặng nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đặng Tiến. Ảnh tư liệu

 

Song điều mình nhớ khá rõ là trị giá giải thưởng văn chương toàn quốc của Tổng thống VNCH lúc đó lên đến 1 triệu đồng, mà thời giá một lượng vàng chưa đến 30.000 đồng!

 

Năm 1976, những gì xảy đến cho cuộc đời thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ai đọc bài viết của nhà văn Mai Thảo đều biết rõ. Song sau ngày ông mất, có sự loan truyền là lúc bị giam ở khám Chí Hòa, ông có làm một số thơ, trong đó có hai câu: Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa, Cũng chẳng làm phai một tấm son… Tất nhiên, đây cũng chỉ là tin truyền miệng, vậy lại một lần nữa xin chất chính anh Đặng Tiến và những người am hiểu khác.

Vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, đối với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mình là kẻ hậu sinh một lòng yêu kính. Chẳng những thế, năm 1963, chàng trai trẻ 19 tuổi còn bạo gan gửi mấy bài thơ (với bút danh Hoàng Điệp) cho mục Thơ và Thi nhân do ông phụ trách trên nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Thơ được ông chọn đăng 2 bài với những lời khích lệ chí tình. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời tuổi trẻ. Sau đúng 60 năm (1963-2023), bài thơ và những lời bình của ông vẫn còn được gìn giữ với lòng trân quý, xin được đăng lên ở đây như một nén hương lòng tưởng nhớ ông, một tài hoa bậc nhất trong hàng trăm ngàn cuộc đời bất hạnh trên đất nước này.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/3-1.jpeg

Bài thơ của chàng trai 19 tuổi được thi sĩ Vũ Hoàng Chương chọn đăng và có lời bình trên mục Thơ và Thi nhân, nhật báo Tự Do, cách nay đúng 60 năm. Ảnh tư liệu

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats