Thursday, 9 February 2023

THẾ ĐỨNG CỦA VIỆT NAM KHI PHILIPPINES THẮT CHẶT LIÊN MINH QUÂN SỰ VỚI HOA KỲ (RFA)

 



Thế đứng của Việt Nam khi Philippines thắt chặt liên minh quân sự với Hoa Kỳ

RFA
2023.02.08

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-position-when-philippines-tightens-its-military-alliance-with-the-us-02082023084343.html

 

Việc Mỹ và Philippines thắt chặt liên minh quân sự để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông có thể mang lại lợi ích nhất định cho Việt Nam nhưng chính quyền Việt Nam sẽ rất cẩn trọng vì không muốn làm mất lòng người láng giềng phương Bắc. Đó là nhận xét của một số chuyên gia về an ninh liên quan đến thoả thuận mới đây giữa Mỹ và Philippines.

 

Trong chuyến thăm Philippines vào đầu tháng này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, hai bên đã thoả thuận cho phía Mỹ được tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự trên đất Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gọi đây là một nỗ lực nhằm hiện đại hoá mối liên minh giữa hai nước và là một nỗ lực quan trọng vào khi Trung Quốc đang gia tăng các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông.

 

Hình : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-position-when-philippines-tightens-its-military-alliance-with-the-us-02082023084343.html/@@images/e44ccab3-9818-47ec-a5b6-f95cf173a909.png

 

 

Cả Việt Nam và Philippines cũng như Malaysia, Brunei, Indonesia đều đang phải đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cùng sức mạnh quân sự và công nghệ ngày càng lớn của Trung Quốc ở vùng biển này.

 

Trao đổi với RFA qua email, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, nhận xét rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines cũng gián tiếp mang lại lợi ích cho Việt Nam. 

Việt Nam sẽ vui mừng khi thấy tất cả các bên yêu sách khác cùng đẩy lùi hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi khi thấy các đối tác quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và châu Âu lên tiếng và áp đặt cái giá ngoại giao đối với Bắc Kinh vì những yêu sách phi pháp và hành xử nguy hiểm của họ. 

Cuối cùng, Việt Nam có thể hưởng lợi từ những áp lực mà các đối tác quốc tế đó đặt lên Bắc Kinh mà không cần phải lên tiếng quá nhiều trước công luận.”

 

Việt Nam là nước tích cực trong việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông mà bằng chứng là bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội vào năm 2010 khẳng định Hoa Kỳ có quyền lợi về tự do hàng hải ở Biển Đông.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tau-hau-can.webp/@@images/9b85f8f4-bfc9-4859-bdcd-e32e65f43429.jpeg

Tàu hậu cần Hải quân Mỹ The USNS John Ericsson đậu ở cảng Subic, tây bắc thủ đô Manila của Philippines. Ảnh: AP

 

Hiện Chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng gì về thoả thuận mới giữa Philippines và Mỹ, nhưng theo ông Vũ Khang - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh quốc tế tại Trường Đại học Boston (Boston College) - thì khả năng "Việt Nam vẫn sẽ kêu gọi duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, và điều này có nghĩa Hà Nội sẽ chỉ ủng hộ sự thắt chặt quan hệ Philippines-Hoa Kỳ nếu quan hệ này không tăng khả năng xung đột trên biển với Trung Quốc.”

 

.

Ưu tiên của Hà Nội

 

Theo ông Vũ Khang, Biển Đông chỉ là một phần trong mối lo ngại về an ninh của Hà Nội với người láng giềng phương Bắc:

 

An ninh của Việt Nam không chỉ nằm ở Biển Đông mà còn nằm ở biên giới phía Bắc, và có thể nói thẳng rằng biên giới phía Bắc quan trọng với sự tồn vong của Việt Nam hơn là biển Đông. 

Ưu tiên của Hà Nội từ xưa đến nay luôn là duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong hòa bình.”

 

Điều này khác với Philippines, quốc gia không chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Trong khi đó, Hà Nội đã từng phải chịu một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi một tháng với Trung Quốc hồi năm 1979 và căng thẳng biên giới giữa hai nước đã kéo dài nhiều năm trời sau đó cho đến khi hai nước có những cải thiện về quan hệ vào đầu những năm 1990.

Vào năm 1988, Trung Quốc đã đem quân chiếm đá Gạc Ma do Việt Nam kiểm soát khiến 64 chiến sĩ Việt Nam tử trận.

 

Trung Quốc trong những năm qua đã gia tăng các hoạt động xây lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hoá khu vực này bất chấp những phản đối của các quốc gia láng giềng và Phương Tây.

 

Đỉnh điểm của căng thẳng Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây nhất là vào tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 ra khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước. Căng thẳng chỉ lắng dịu sau khi Trung Quốc rút giàn khoan về nước vào tháng 7 cùng năm.

 

Một báo cáo mới đây của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC cho biết, trong năm 2022 “Trung Quốc tăng cường hiện diện lực lượng hải cảnh ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

 

Báo cáo cho biết số ngày Hải cảnh Trung Quốc tuần tra tại Bãi Tư Chính, một khu vực thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, đã tăng hơn gấp đôi, tăng từ 142 ngày vào năm 2020 lên 310 ngày vào năm 2022. 

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Khang, Hà Nội và Bắc Kinh đã khá thành công trong việc giải quyết các bất đồng trên bộ và trên biển thời gian qua:

 

“Bất chấp việc Biển Đông đang là điểm nóng trong quan hệ Việt-Trung, Hà Nội và Bắc Kinh đã thành công giải quyết tranh chấp trên bộ và Vịnh Bắc Bộ trong hòa bình. Biển Đông chỉ là một bất đồng trong tổng thể mối quan hệ Việt-Trung ổn định và cả hai nước đều không mong muốn phá vỡ sự ổn định đó.”

 

.

Quan hệ tay ba

 

Thoả thuận mới giữa Philippines và Mỹ đã gặp phải những chỉ trích từ phía Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi đây là "hành động làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định của khu vực”, đồng thời kêu gọi các quốc gia trong khu vực phải cảnh giác về hành động này, tránh không bị Mỹ lợi dụng.

 

Theo chuyên gia Vũ Khang“Việt Nam hoàn toàn không muốn bị liên đới nếu Trung Quốc và Philippines có đụng độ trên Biển Đông.”

Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ sau chiến tranh Lạnh luôn tuân theo nguyên tắc bốn không, và nguyên tắc này dựa trên hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam là láng giềng trên bộ lẫn trên biển của Trung Quốc. Sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách này chỉ vì Philippines thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.” - Ông Vũ Khang viết trong email trả lời phỏng vấn của RFA.

 

Hiện Trung Quốc là một trong bốn nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, tức là mức cao nhất. Ba quốc gia còn lại là Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

 

Hoa Kỳ và Việt Nam nâng quan hệ hai nước thành đối tác toàn diện vào năm 2013. Ttừ đó đến nay, Hoa Kỳ đã vài lần đề nghị Việt Nam đưa mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện nhưng Hà Nội vẫn chưa đồng ý. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn lo ngại Trung Quốc tức giận.

 

Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Hà Nội sẽ hoàn toàn nhượng bộ Trung Quốc, theo nhận xét của chuyên gia Vũ Khang.

 

“Trung Quốc chắc chắn sẽ đặt áp lực lên Việt Nam để tránh Việt Nam tiến gần với Mỹ, nhưng quá nhiều áp lực có thể sẽ chỉ đẩy mạnh quan hệ Việt-Mỹ. Nếu Mỹ thực sự muốn tăng cường lòng tin chính trị với Hà Nội,  Mỹ nên tuyệt đối tôn trọng chính quyền hiện thời do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.” - Ông Vũ Khang viết trong email trả lời RFA.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats