Tuesday 21 February 2023

PHẢN ĐỐI ZERO COVID, NHIỀU NGƯỜI BIỂU TÌNH MẤT TÍCH Ở TRUNG QUỐC (Tessa Wong & Grace Tsoi / BBC News)

 



Phản đối Zero Covid, nhiều người biểu tình mất tích ở TQ

Tessa Wong & Grace Tsoi

BBC News, Singapore

20 tháng 2 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/64659268

 

Khi Trung Quốc tuyên bố chiến thắng đại dịch, các cuộc biểu tình mang tính bước ngoặt vào tháng 11/2022 đánh dấu sự kết thúc của chính sách Zero Covid đã bắt đầu mờ dần trong ký ức.

 

Nhưng khi đất nước mở cửa trở lại, nhiều người trong số những người tham gia biểu tình đã mất tích. Họ bị chính quyền bắt giữ trong một cuộc đàn áp thầm lặng những người bất đồng chính kiến.

 

Trung Quốc đang dọn đi 'di sản thời Zero Covid' tốn hàng chục tỷ USD

 

Cuối năm ngoái, hàng nghìn người đã họp lại phản đối các chính sách Covid của Trung Quốc, bằng cách giơ cao những tờ giấy trắng trong bóng tối. Các cuộc biểu tình 'Giấy Trắng' này là một sự chỉ trích hiếm hoi đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1741A/production/_128585259_gettyimages-1445031651.jpg

Biểu tình giấy trắng

 

Cảnh sát tiến hành vài vụ bắt giữ vào thời điểm đó. Giờ đây, nhiều tháng sau, rất nhiều người biểu tình trong số đó vẫn đang bị cảnh sát giam giữ, các nhà hoạt động Trung Quốc cho biết. Một nhóm các nhà hoạt động cho rằng đã có hơn 100 vụ bắt bớ.

 

Các nhóm nhân quyền quốc tế và các trường đại học nước ngoài đã kêu gọi trả tự do cho họ. Các nhóm hoạt động đã công bố danh sách tên những người được cho là đang bị giam giữ - bao gồm những người biểu tình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Nam Kinh.

Chính quyền Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi về các vụ giam giữ. Nhưng thông qua các cuộc phỏng vấn với bạn bè và luật sư, BBC đã có thể xác minh tên của 12 người bị bắt ở Bắc Kinh.

 

Ít nhất năm người trong số họ đã được tại ngoại. Trong số những người vẫn đang bị giam giữ, 4 phụ nữ - Cao Zhixin, Li Siqi, Li Yuanjing và Zhai Dengrui - đã chính thức bị bắt vì tội "gây rối". Đây là một cáo buộc khét tiếng mơ hồ với mức án tối đa là 5 năm, và là tội danh mà giới chỉ trích cho rằng thường được sử dụng để bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến.

 

.

'Họ không phải là nhà hoạt động'

 

Nhiều người trong số những người bị bắt có trình độ học vấn cao - một số đã theo học các trường đại học ở Anh và Mỹ - và họ bao gồm các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, giáo viên và chuyên gia trong ngành tài chính.

 

Hầu hết những người bị giam giữ ở Bắc Kinh là bạn của nhau - những người có chung tình yêu với nghệ thuật và thường gặp mặt tại các câu lạc bộ sách, chiếu phim và thảo luận.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B0CA/production/_128585254_gettyimages-1445011259-1.jpg

Cuộc biểu tình ở Bắc Kinh bắt đầu như một buổi cầu nguyện để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ cháy chung cư ở Urumqi

 

Nhiều người trong số này là phụ nữ, và theo các báo cáo, cảnh sát đã thẩm vấn họ về việc liệu họ có phải là nhà hoạt động nữ quyền hay tham gia vào "các hoạt động nữ quyền" hay không. Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đàn áp hoặc kiểm duyệt các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trong những năm gần đây.

 

Mặc dù nhóm có ý thức xã hội và một số thành viên đã thể hiện sự ủng hộ đối với nhân vật Xianzi #MeToo, nhưng họ không phải là nhà hoạt động, bạn bè của họ khẳng định.

 

"Họ chỉ là một nhóm thanh niên quan tâm đến xã hội... bạn tôi không chỉ quan tâm đến nữ quyền, mà còn cả nhân quyền và quyền của những người yếu thế. Điều này không liên quan gì đến các hoạt động nữ quyền", một người bạn của một người biểu tình đang bị giam nói.

 

Vào ngày 27/11, một số phụ nữ trong nhóm đã tham gia một buổi cầu nguyện công khai tại sông Liangma ở Bắc Kinh.

 

Sự kiện này là một trong nhiều sự kiện được tổ chức tự phát trên khắp Trung Quốc vào đêm hôm đó để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ cháy chung cư ở Urumqi đã gây chấn động Trung Quốc - nhiều người tin rằng các nạn nhân không thể thoát ra vì các lệnh phong tỏa liên quan đến Covid, mặc dù giới chức phản đối điều này.

 

Buổi cầu nguyện trở thành một cuộc biểu tình ôn hòa. Những người biểu tình cầm những mảnh giấy trắng đã trở thành biểu tượng cho sự thất vọng của họ.

 

"Môi trường ngột ngạt quá lâu rồi. Khi đi các bạn ấy không nghĩ mình tham gia phong trào. Các bạn chỉ nghĩ đó là cách để trút bầu tâm sự," một bạn khác nói.

 

"Họ không đụng độ với cảnh sát hay bày tỏ các ý kiến quá cấp tiến. Vì vậy, họ không nghĩ đó là chuyện nghiêm trọng."

 

Những người bạn nói nhiều người biểu tình gần như không làm gì để bảo vệ danh tính của mình, trong khi Trung Quốc nổi tiếng là đã dập tắt các cuộc biểu tình nhanh chóng như thế nào.

 

Không rõ điều gì đã đưa cảnh sát tới nhóm bạn này, nhưng cảnh sát được cho là đã theo dõi những người biểu tình bằng cách sử dụng camera giám sát và phần mềm nhận dạng khuôn mặt, đồng thời lục soát điện thoại của những người bị bắt.

 

Một trong những người bị giam giữ đã tạo một nhóm Telegram hơn 60 thành viên. Nhiều người trong số họ dùng số điện thoại được đăng ký dưới tên thật của mình. Hai ngày sau, một số người trong số họ đã bị cảnh sát thẩm vấn.

 

Bạn trai của một người biểu tình đang ngồi tù biết: "Chúng tôi đang nói chuyện điện thoại thì cô ấy bị bắt đi. Cô ấy nói với tôi rằng một số người bạn của cô ấy đã bị đưa đi và mất liên lạc. Cô ấy đang cố xóa mọi thứ trên điện thoại di động của mình. Cô ấy đã bị bắt đi trước khi xóa sạch mọi thứ."

 

Theo các nhà hoạt động, các vụ bắt giữ dường như tăng tốc trong suốt tháng 12 và tháng 1 khi nhiều bạn bè hơn bị giam giữ.

 

Cao Zhixin, đoán trước việc cô sẽ bị bắt, đã gửi cho bạn bè một đoạn video cô nói trước máy quay kèm với hướng dẫn đăng nó trong trường hợp cô bị bắt.

 

"Những gì chúng tôi đã làm là thể hiện cảm xúc của mình một cách hợp lý", Cao nói trong đoạn clip hiện đang lan truyền chóng mặt. "Chúng tôi không muốn biến mất… nếu tham dự một sự kiện tỏ lòng tiếc thương là một tội ác, thì chúng tôi biết bày tỏ cảm xúc ở đâu?"

 

.

Quan ngại và lên án

 

Một số nhóm nhân quyền và tổ chức giáo dục hiện đang kêu gọi trả tự do cho những người biểu tình bị bắt giữ này - một dấu hiệu cho thấy mối quan ngại của quốc tế ngày càng tăng. Đại học Goldsmiths, Anh quốc, xác nhận với BBC rằng Li Siqi là một cựu sinh viên và nói rằng họ "quan tâm sâu sắc" đến tình hình của cô.

 

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất việc đàn áp tự do ngôn luận và kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả ngay lập tức tất cả những người đang bị giam giữ liên quan đến buổi cầu nguyện," một phát ngôn viên của Goldsmiths cho biết.

 

Người này nói thêm rằng giám thị của trường đại học đã gửi thư cho đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, Trịnh Trạch Quang. Đại sứ quán Trung Quốc vẫn chưa trả lời các câu hỏi từ BBC.

 

Đại học Chicago và Đại học New South Wales (UNSW) cũng xác nhận rằng các sinh viên cũ của họ đã bị bắt. Một tuyên bố của UNSW với BBC kêu gọi giải quyết vấn đề với "sự tôn trọng chính đáng đối với các luật pháp và quyền con người phổ quát".

 

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho hay bốn trong số những người bị giam giữ có cả Li Siqi là nhà báo.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ việc cho thấy "những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang phải trả giá đắt vì dám lên tiếng vì tự do và nhân quyền".

 

.

'Giết gà'

Các nhà quan sát tin rằng chính quyền muốn gửi một tín hiệu qua các vụ bắt giữ, hay điều mà nhà hoạt động nhân quyền Teng Biao gọi là "giết gà dọa khỉ".

 

"Họ muốn có được những người mà họ tin là lãnh đạo và tổ chức, và những người đóng vai trò lãnh đạo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc," ông nói và thêm rằng bản năng của chính quyền Trung Quốc sẽ là tìm hiểu xem liệu "các thế lực thù địch phương Tây" có đứng đằng sau các cuộc biểu tình hay không.

 

Thực tế là một số lượng đáng kể những người bị giam giữ là phụ nữ, và đã được cho là đã bị thẩm vấn về việc ủng hộ các hoạt động nữ quyền, cũng nhấn mạnh sự không tin tưởng của các quan chức đối với phong trào nữ quyền.

 

Trung Quốc trong những năm gần đây đã bị chấn động bởi một số vụ án nổi tiếng liên quan đến các nạn nhân nữ bị bạo lực và tấn công tình dục. Những điều này đã gây ra sự chỉ trích gay gắt bất thường đối với chính quyền và kêu gọi ủng hộ quyền của phụ nữ.

 

Nhưng khi phong trào phát triển, phản ứng của chính phủ đã cứng rắn hơn. Vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp một nhóm phụ nữ được gọi là Nhóm Năm Nữ quyền. Kể từ đó, các nhà hoạt động nói rằng họ ngày càng bị kiểm duyệt và tấn công trực tuyến. Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã lên án "chủ nghĩa nữ quyền cực đoan" là một "khối u ác tính".

 

"Duy trì 'sự hài hòa xã hội' luôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và các phong trào nữ quyền luôn được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống chính trị", Altman Peng, trợ lý giáo sư tại Đại học Warwick, người nghiên cứu về quyền lực giới của Trung Quốc, cho biết.

 

Không rõ những gì ở phía trước cho những người biểu tình.

 

Những người được tại ngoại vẫn có khả năng bị buộc tội. Theo ông Teng, những người đang bị giam giữ có thể sẽ tiếp tục ở tù trong vài tuần khi các công tố viên quyết định có buộc tội họ hay không - nhưng điều đó có thể kéo dài hàng tháng, nếu không nói là hàng năm, trong các vụ án chính trị.

 

Gia đình của họ cho đến nay vẫn giữ im lặng, và một số đã cắt đứt liên lạc với bạn bè của những người bị giam giữ. BBC được biết một gia đình cũng đã từ chối luật sư mà họ thuê để tranh tụng cho vụ kiện của con gái họ, dù không rõ tại sao.

 

Nhà hoạt động nhân quyền kỳ cựu Yang Zhanqing cho biết gia đình của những người bị giam giữ có thể sẽ giữ im lặng trước áp lực to lớn mà họ phải chịu.

 

"Giới chức sẽ nói với các gia đình rằng những người bị bắt sẽ được trả tự do sớm nếu họ giữ im lặng. Nếu không tuân thủ, họ sẽ bị mất việc làm và lương hưu."

 

Nhưng việc tăng cường giám sát quốc tế đối với các vụ giam giữ cũng có thể hỗ trợ những người bị giam giữ. Trong những trường hợp nhạy cảm về mặt chính trị như vậy, những người bị giam giữ có thể được trả tự do sớm hoặc được đối xử tốt hơn trong tù vì áp lực từ bên ngoài, ông Yang nói.

 

Trong khi đó, bạn bè của những người bị giam giữ lo lắng cho sự an toàn cá nhân của chính họ, tiếp tục theo dõi tình hình và chia sẻ thông tin.

 

Nhiều người trong số họ sống ở nước ngoài và không tham gia các cuộc biểu tình vào tháng 11, nhưng họ sợ rằng dù sao họ cũng có thể bị nhắm đến vì có liên hệ với những người bị giam giữ - và những nỗ lực của họ nhằm nâng cao nhận thức quốc tế về tình cảnh của bạn bè họ.

 

Gần đây, họ đã trao đổi một tin nhắn từ một trong những người bị giam giữ, được chuyển cho họ từ nhà tù. Người phụ nữ đang ngồi tù tìm cách trấn an bạn bè, nói rõ rằng những người bị giam giữ đang giữ vững tinh thần.

 

"[Những người thẩm vấn chúng tôi] cứ khiến chúng tôi cảm thấy xung quanh mình là những người bạn phản bội hoặc đã phản bội chúng tôi," cô nói. "Nhưng tôi vẫn tin rằng chúng ta sát cánh cùng nhau."

 

-----------------------------------------

Tên một số nhân vật không được nêu trong bài để bảo vệ danh tính của những người sợ bị các quan chức trả thù.

 

.

TIN LIÊN QUAN

 

Trung Quốc đang dọn đi 'di sản thời Zero Covid' tốn hàng chục tỷ USD

8 tháng 2 năm 2023





No comments:

Post a Comment

View My Stats