NÓNG:
ÔNG TRÙM ĐẤT CẢNG BỊ BẮT
Sáng sớm, ngày 05 tháng 01 năm 2012, tại Tiên
Lãng, Hải Phòng, lợi dụng sương mù, một lực lượng hơn cả trăm người được trang
bị vũ khí hiện đại, dưới sự chỉ huy của ông trùm đất cảng, đã mở cuộc tổng tiến
công vào lãnh thổ hơn 40ha của nông dân Đoàn Văn Vươn. Đó là 40ha của hàng chục
năm quai đê lấn biển để nuôi thủy sản, không chỉ bằng mồ hôi và nước mắt của một
gia đình bé nhỏ mà còn trả giá bằng tính mạng người con gái của người nông dân
có tên Đoàn Văn Vươn.
Tay chân của ông trùm đất cảng muốn đoạt lấy mảnh
đất ấy, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đã biến nông dân Đoàn Văn Vươn, từng cầm
súng giữ biên cương của đất nước, thành tên “thù địch”, “phản động”.
Trấn thủ mảnh đất của tên “thù địch”, “phản động”
Đoàn Văn Vươn khi ấy chỉ có 6 người nấp trong một ngôi nhà rệu rã với trang bị
vũ khí tự tạo thô sơ, gồm rơm và súng bắn đạn chì. Kết quả, 6 người trong lực
lượng vũ trang của ông trùm đất cảng bị thương, 6 người nhà của tên nông dân
“thù địch”, phản động” Đoàn Văn Vươn bị bắt.
Ông trùm đất cảng tuyên bố chiến thắng nhanh gọn,
xem đây là “trận đánh đẹp nhất” và trở thành “giáo trình tác chiến hoàn hảo” cho
lực lượng vũ trang toàn quốc học tập.
Có lẽ, ông trùm đất cảng muốn nói, trong lịch
sử tranh chấp đất đai của nhân loại, cuộc tấn công trên đẹp hơn cả những bản
anh hùng ca từ thời cổ đại đến hiện đại. Thậm chí đẹp hơn cuộc tấn công của
quân đội Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và của Polpot ở biên giới Tây Nam. Ông
trùm Đặng Tiểu Bình khi lệnh rút quân về nước cũng từng tuyên bố chiến thắng đẹp
như vậy, sự chiến thắng mà ông ta nói là “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Có lẽ ông trùm đất cảng cũng nghĩ chiến thắng ấy
đã dạy cho Đoàn Văn Vươn, và không chỉ Đoàn Văn Vươn, tất cả những người dân
đang có quyền sở hữu sử dụng đất đai, một bài học!
Cầm súng trấn giữ biên cương thì ông trùm
không chấp, nhưng tấn công nông dân tay lấm chân bùn nuôi ông thì ông trùm rất
tự hào.
Từng phục vụ ở quân đội trong thời chiến tranh
bảo vệ biên giới, không biết cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn có tâm phục khẩu phục
khi chính nhà đất của mình bị tấn công như vậy không?
Không tâm phục khẩu phục thì Đoàn Văn Vươn và
người nhà của anh ta vẫn phải đi tù. Và “giáo trình tác chiến hoàn hảo” của ông
trùm đất cảng vẫn được nhiều nơi học tập. Có nơi như Đăk Nông còn lập chiến
công vang dội hơn bằng cuộc tấn công tạo ra cái án tử hình tên nông dân “thù địch”,
“phản động” Đặng Văn Hiến.
Bây giờ thì ông trùm đất cảng đã bị bắt!
Không biết công lao to lớn trong “trận đánh đẹp”
và “giáo trình tác chiến hoàn hảo” như vậy, ông trùm đất cảng khi bị tòa kết án
trốn thuế, chạy án hay lừa đảo gì đó, có được giảm án không?
Chu Mộng
Long
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=6730002117013974&set=pcb.6730013090346210
https://www.facebook.com/photo?fbid=6730002080347311&set=pcb.6730013090346210
https://www.facebook.com/photo?fbid=6730408740306645&set=pcb.6730013090346210
.
========================================
.
.
Thật bất ngờ, hôm nay đọc tin thiếu tướng Đỗ Hữu
Ca, cựu Giám đốc CA Hải Phòng bị CA Quảng Ninh bắt vì tội chạy án. Tay này,
than ôi lại là học trò cũ của mình ở Đại học ANND. Nhưng, từ hơn 10 năm trước
khi xẩy ra vụ Đoàn Văn Vươn nổi tiếng, mình đã ghét nó. Hồi đó mình đã viết bài
"Đại Ca viết sách dạy ai?" đăng Bolog Tạp hóa Faxuca.
Nhân dịp này bèn đăng lại vậy.
“ĐẠI CA” VIẾT SÁCH DẠY AI?
Mấy tuần trước đọc tin tức về vụ Tiên Lãng, thấy
cái tin Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng không hài lòng về
vụ cưỡng chế, tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Làm sao mà hài lòng cho được
với cuộc vây ráp phi nhân, phi pháp ấy. Thế nhưng, hôm nay đọc lại toàn văn bài
trả lời phỏng vấn của ông đại tá Ca (từ đây tôi gọi tắt là “Đại Ca” cho tiện)
thì tôi thật sự kinh hoàng. Đại Ca đã kể lại cuộc vây ráp của lực lượng vũ
trang với một thái độ hoan hỉ khác thường. Hãy trích một đoạn: “Vụ việc hôm ấy
tuy không bắt được đối tượng, nhưng trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc
hợp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo không có cuộc diễn tập nào thành công
như cuộc diễn tập lần này. Một là anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là
chưa bao giờ có trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp
sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến
vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”
(vov.vn).
Rất nhiều người đã phê phán thái độ vô cảm, thậm
chí tàn nhẫn của ông đối với dân khi mô tả cuộc cưỡng chế như là một trường đoạn
trong phim hành động Mỹ như vậy. Tôi không bàn về chuyện đó nữa, chỉ xin hỏi một
điều: Đại Ca định viết sách về cái gì vậy? để dạy ai vậy?
Ông định viết về những sáng tạo chiến thuật “rất
hay”, “chưa có trong giáo án”, về sự “hợp đồng tác chiến cực kỳ hay” trong cuộc
vây ráp này ư? Cứ cho là đội quân hùng hậu của ông đã tác chiến với một lực lượng
đối địch thực sự, thì cuộc tập kích đó cũng đã thất bại. Trước hết các ông đã
đánh nhầm mục tiêu, ngôi nhà bị tập kích và phá không nằm trong khu vực giải tỏa.
Người Nghệ chúng tôi gọi cái “nhầm” này là “cứt ga (gà) một nơi, bỏ mun (tro) một
nơi”. Thứ hai, các ông không bắt được đối tượng. Thứ ba, các ông để sáu cán bộ,
chiến sĩ bị thương một cách không đáng có. Với ba cái dở như vậy thì mọi thứ
chiến thuật ông nói là hay, cực kỳ hay, chưa có trong giáo án trở nên vô nghĩa,
thậm chí vớ vẩn!
Thế nhưng, điều tệ hại nhất nằm ở chủ trương
cưỡng chế và sự sử dụng lực lượng vũ trang một cách tùy tiện. Nhiều chuyên gia
bậc cao đã phân tích rõ ràng các sai phạm của chính quyền trong vụ giao đất,
thu hồi, cưỡng chế này. Tôi không bình luận thêm nữa, chỉ muốn nói thêm một điều
về hành động của Công an trong vụ này. Trong thể chế chính trị hiện nay Công an
có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Chừng nào thể chế chưa thay đổi
thì đó vẫn là sứ mệnh của Công an. Ông giám đốc Công an thành phố Hải Phòng có
trách nhiệm lãnh đạo đơn vị thực thi nhiệm vụ đó. Thế nhưng, tất cả mọi sách vở,
lý luận xưa này đều nói rằng Công an không phải là thứ công cụ vô tri, vô giác.
Công an bảo vệ Đảng và Nhà nước không phải theo lối Thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy.
Ngay từ thời cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Công an đã được xác định có chức năng
tham mưu và chức năng trực tiếp chiến đấu. Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền
trước hết Công an phải tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền có chủ trương, chính
sách, giải pháp hợp lòng dân, vì lợi ích chính đáng của dân. Đặc biệt trong thực
thi pháp luật thì Công an luôn luôn được coi là một trong những tham mưu đắc lực
cho Đảng và chính quyền. Chắc ông cũng biết rằng việc sử dụng lực lượng Công an
trong thực thi các biện pháp quản lý hành chính của nhà nước được quy định chặt
chẽ như thế nào. Không có sách vở nào, lí luận nào cho phép đưa lực lượng Công
an ra đối đầu, trấn áp nhân dân!
Nếu Đại Ca thật sự có ý định viết sách về vụ
cưỡng chế này, tôi chân thành khuyên Đại Ca hãy từ vụ việc đau xót này để đúc
rút kinh nghiệm, để không lặp lại sai lầm nghiêm trọng này một lần nữa. Hãy từ
vụ việc này để suy nghĩ sâu xa hơn về trách nhiệm và phương thức bảo vệ dân, bảo
vệ Đảng, bảo vệ chính quyền của Công an. Ngay cả khi chưa tổng kết được điều gì
sâu sắc, to lớn, thì cũng xin ông đừng bao giờ đưa những “thành tích” hành dân
ra làm điều đắc ý. Đừng coi những cuộc vây ráp như vừa qua là “rất hay”, “rất đẹp”,
“cực kỳ hay”. Ông đã bao giờ đọc câu thơ rất hay, rất sâu sắc của nhà thơ Việt
Phương viết về Cụ Hồ chưa? Đó là câu này: “ Bác không bằng lòng gọi trận đánh
chết nhiều người là “đánh đẹp”/ Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong
lòng con”. Mà, đó là đánh giặc ngoại xâm thật đấy ông ạ, không phải đánh…dân
đâu! Ông có định xóa mấy chữ “hay”, chữ “đẹp” ấy đi không?
Nếu không nghiêm túc rút kinh nghiệm, mà vẫn với
lối nói cực kỳ “vô tư” như ông thì tôi e rằng những “sáng tạo chiến thuật” kiểu
Tiên Lãng sẽ tiếp tục được “nhân rộng”. Khi đó thì nhân dân chắc lại phải “rút
kinh nghiệm” hộ cho các ông thôi!
.
No comments:
Post a Comment