Saturday, 11 February 2023

NGA ĐÃ SAI CHỖ NÀO (Dara Massicot  |  Foreign Affairs)

 



Nga đã sai chỗ nào

Dara Massicot  |   Foreign Affairs

Trần Giao Thủy dịch thuật

POSTED ON FEBRUARY 10, 2023   

https://dcvonline.net/2023/02/10/nga-da-sai-cho-nao/

 

Moscow có thể học được bài học nào từ những thất bại ở Ukraine?

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/07/Massicot_Russia_Ukraine_2023.jpg.webp?itok=_DKDJWh9

Hình : Álvaro Bernis

 

Ba tháng trước khi Nga xâm lăng Ukraine vào năm 2022, Giám đốc CIA William Burns và Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan đã gặp Nikolai Patrushev một cố vấn cực kỳ diều hâu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. Burns và Sullivan báo cho Patrushev là họ biết kế hoạch xâm lăng của Nga và phương Tây sẽ đáp trả với những hậu quả khốc liệt nếu Nga tiếp tục. Theo Burns, Patrushev không nói gì về cuộc xâm lăng. Thay vào đó, ông nhìn thẳng vào mắt họ, truyền tải thông điệp mà Burns coi là: quân đội Nga có thể đạt được những gì họ muốn.

 

Khi trở lại, hai người Mỹ thông báo với Tổng thống Joe Biden rằng Moscow đã quyết định [đánh]. Không lâu sau, Washington bắt đầu công khai cảnh cáo thế giới rằng Nga sẽ tấn công Ukraine. Ba tháng trước cuộc xâm lăng, Điện Kremlin biết rằng Hoa Kỳ đã phát giác những kế hoạch chiến tranh của họ và thế giới đã sẵn sàng đợi một cuộc tấn công ‒ nhưng Putin đã quyết định phủ nhận ý định xâm lăng ngay cả với quân đội Nga và hầu hết giới lãnh đạo cao cấp của nước này. Họ không biết gì về cuộc xâm lăng cho đến vài ngày hoặc thậm chí vài giờ trước khi nó bắt đầu. Bí mật là một sai lầm. Bằng cách dàn dựng cuộc tấn công chỉ với một nhóm cố vấn nhỏ, Putin đã đánh mất nhiều lợi thế mà lẽ ra đất nước ông phải có.

 

Đó là những điểm mạnh đáng kể. Trước khi mở cuộc xâm lăng, quân đội Nga lớn hơn và trang bị tốt hơn Ukraine. Quân đội của họ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn binh lính Ukraine, mặc dù cả hai đều từng tham chiến ở vùng lãnh thổ phía đông của Ukraine. Do đó, hầu hết người trong giới phân tích phương Tây đều cho rằng nếu quân đội Nga dùng lợi thế của họ một cách khôn ngoan, thì Ukraine sẽ không thể chống chọi lâu dài lại cuộc tấn công của Nga.

 

Như vậy tại sao Nga không thắng thế – tại sao quân Nga lại bị chặn đứng, bị đánh bật ra ngoài các thành phố lớn và bị đặt vào thế phòng thủ – đã trở thành một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong cả chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và an ninh quốc tế nói chung. Câu trả lời có nhiều phần. Việc giữ bí mật nội bộ quá mức khiến quân đội và chỉ huy có ít thời gian chuẩn bị, dẫn đến tổn thất nặng nề. Nga đã lập kế hoạch xâm lăng với đầy rẫy những giả định sai lầm, hướng dẫn chính trị độc đoán và những lỗi lập kế hoạch trái với các nguyên tắc quân sự then chốt của Nga. Cuộc xâm lăng ban đầu có nhiều đường tấn công mà không có lực lượng hậu thuẫn, buộc quân Nga phải thực hiện những cuộc hành quân có mục tiêu quá nhiều tham vọng so đối với tầm cỡ quân đội của họ. Và Điện Kremlin đã sai lầm khi tin rằng kế hoạch chiến tranh của họ là hợp lý, rằng Ukraine sẽ không kháng cự nhiều và sự hỗ trợ của phương Tây sẽ không đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt. Kết quả là, Nga đã bị sốc khi quân đội của họ đụng độ với một Ukraine quyết tâm, được bởi tình báo và vũ khí phương Tây yểm trợ. Quân Nga sau đó đã liên tục bị đánh bại.

 

Nhưng khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ hai, giới phân tích không nên chỉ tập trung vào những thất bại của Nga. Câu chuyện về hiệu năng quân sự của Nga có nhiều sắc thái hơn so với những nhiều hiểu biết ban đầu khi suy nghĩ về cuộc chiến. Quân đội Nga không hoàn toàn kém cỏi hoặc không có khả năng học hỏi. Họ có thể mở một số những cuộc hành quân phức tạp ‒ chẳng hạn như các cuộc tấn công hàng loạt, vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine ‒ điều mà họ đã tránh trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng, khi Moscow hy vọng chiếm được một Ukraine phần lớn còn nguyên vẹn. Quân đội Nga đã học hỏi từ những sai lầm của họ và có những điều chỉnh lớn, chẳng hạn như thu hẹp mục tiêu và điều động nhân sự mới, cũng như các chiến thuật, chẳng hạn như dùng đến vũ khí tác chiến điện tử làm nhiễu liên lạc của quân đội Ukraine mà không ảnh hưởng đến quân đội của họ. Quân của Nga cũng có thể duy trì cường độ chiến đấu cao hơn hầu hết những quân đội khác; tính đến tháng 12, họ đã bắn 20.000 phát đạn hoặc hơn mỗi ngày (mặc dù, theo CNN, vào đầu năm 2023, con số đó đã giảm xuống còn 5.000). Và họ đã hoạt động nhất quán và ổn định hơn kể từ khi chuyển sang thế phòng thủ vào cuối năm 2022, khiến quân đội Ukraine khó tiến lên hơn.

 

Nga vẫn chưa thể bẻ gãy ý chí chiến đấu của Ukraine hay cản trở sự hỗ trợ về vật chất và tình báo của phương Tây. Khó có thể đạt được mục tiêu ban đầu là biến Ukraine thành một quốc gia bù nhìn. Nhưng Nga có thể tiếp tục điều chỉnh chiến lược và củng cố ở những lãnh thổ đã chiếm đóng ở phía nam và phía đông, cuối cùng giành lấy một biến thể chiến thắng giảm dần từ gọng kìm thất bại.

 

.

QUÁ NHIỀU VÀ KHÔNG ĐỦ

 

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, quân đội Nga đã có một số vấn đề đã biết về cấu trúc, mỗi vấn đề đều có thể làm suy yếu khả năng mở một cuộc xâm lăng lớn. Hơn mười năm trước, Moscow đã cố tình giải thể quân đội và biến nó thành một lực lượng nhỏ hơn, điều chỉnh cho hợp những cuộc hành quân ứng biến nhanh. Sự chuyển đổi đó đòi phải có những thay đổi lớn. Sau Thế chiến thứ hai, Liên Xô duy trì một quân đội khổng lồ để tiến hành những cuộc xung đột lớn, kéo dài ở châu Âu bằng cách động viên hàng triệu binh lính và tạo ra một ngành kỹ nghệ quốc phòng khổng lồ để đe dọa NATO và thực thi chế độ cộng sản ở những nước đồng minh. Quân đội Liên Xô phải gánh chịu nạn tham nhũng tràn lan, và phải vất vả để sản xuất quân cụ bằng với phương Tây. Nhưng kích cỡ và vùng hoạt động rộng lớn khiến nó trở thành một thách thức ghê gớm trong Chiến tranh Lạnh.

 

Khi chế độ Xô Viết sụp đổ, giới lãnh đạo Nga không thể quản lý hay biện minh cho việc duy trì một quân đội lớn như vậy. Viễn cảnh về một trận chiến trên bộ với NATO đã lùi vào dĩ vãng. Để đối phó, bắt đầu từ đầu những năm 1990, giới lãnh đạo Nga bắt đầu tiến trình cải cách và hiện đại hóa quân đội. Mục tiêu là tạo ra một quân đội nhỏ hơn nhưng chuyên nghiệp và nhanh nhẹn hơn, sẵn sàng nhanh chóng trấn áp các cuộc bùng phát ở ngoại vi của Nga.

 

Tiến trình này tiếp tục lặp đi lặp lại trong thiên niên kỷ mới. Năm 2008, quân đội Nga đã công bố một chương trình cải cách toàn diện mang tên “Bộ mặt mới” nhằm tái cấu trúc quân đội bằng cách giải tán nhiều đơn vị, cho sĩ quan nghỉ hưu, đại tu các chương trình huấn luyện và giáo dục quân sự, đồng thời phân bổ thêm ngân sách ‒ gồm cả việc mở rộng hàng ngũ quân nhân chuyên nghiệp và để có được vũ khí mới hơn. Là một phần của tiến trình này, Nga đã thay thế các sư đoàn lớn của Liên Xô thanh lập để chiến đấu trong các cuộc chiến tranh lớn trên bộ bằng các lữ đoàn và các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) ít cồng kềnh hơn. Moscow cũng nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào tân binh quân dịch.

 

Những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga đã thất bại trong việc loại bỏ tham nhũng.

Đến năm 2020, có vẻ như quân đội đã đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của nó. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố 70% quân cụ của nước ông là mới hoặc đã được hiện đại hóa. Đất nước này có kho vũ khí quy ước chính xác ngày càng tăng, và quân đội có nhiều quân nhân chuyên nghiệp hơn lính quân dịch. Nga đã mở hai cuộc hành quân thành công, một ở Syria ‒ để ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ‒ và một là để chiếm lãnh thổ ở miền đông Ukraine.

 

Nhưng cuộc xâm lăng toàn diện vào Ukraine năm 2022 đã cho thấy những cải cách này là không đủ. Ví dụ, nỗ lực hiện đại hóa đã bỏ qua hệ thống động viên. Những nỗ lực của Nga trong việc chế tạo vũ khí tốt hơn và cải thiện hoạt động huấn luyện đã không chuyển thành việc nâng cao khả năng chiến đấu trên chiến trường. Một số quân dụng bề ngoài mới rời khỏi các nhà máy ở Nga bị nhiều lỗi nghiêm trọng. Tỷ lệ thất bại của hỏa tiễn của Nga cao và nhiều xe tăng của nước này thiếu quân cụ tự vệ phù hợp, khiến chúng rất dễ bị tấn công bằng vũ khí chống xe tăng. Trong khi đó, có rất ít bằng chứng cho thấy Nga đã sửa đổi những chương trình huấn luyện trước cuộc xâm lăng vào tháng 2 năm 2022 để chuẩn bị cho các binh sĩ thực hiện các nhiệm vụ mà họ sẽ phải đối diện ở Ukraine. Trên thực tế, những bước mà Nga đã thực hiện để chuẩn bị khiến việc huấn luyện phù hợp trở nên khó khăn hơn. Bằng cách đưa nhiều đơn vị đến gần biên giới Ukraine gần một năm trước chiến tranh và giữ quân cụ và vũ khí tại hiện trường, quân đội Nga đã tước đi khả năng thực hành những năng khiếu phù hợp của binh lính và việc bảo trì quân cụ rất cần thiết.

 

Những nỗ lực hiện đại hóa của Nga cũng thất bại trong việc loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng, vẫn đang ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống quân đội Nga. Quân đội Nga thường xuyên thổi phồng số binh sĩ trước chiến tranh trong các đơn vị riêng lẻ để đáp ứng hạn ngạch tuyển dụng, cho phép một số chỉ huy ăn cắp tiền thặng dư (lương và chi phí cho lính ma). Quân đội bị ảnh hưởng vì thiếu nguồn quân nhu. Nó thường có những báo cáo không đáng tin cậy và không rõ ràng lên xuống dọc theo chuỗi chỉ huy, điều này có thể khiến giới lãnh đạo Nga tin rằng lực lượng của họ tốt hơn, cả về  lượng và phẩm, so với thực tế khi bắt đầu cuộc xâm lăng.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/07/RTSD94MI.jpg.webp?itok=tHEgyPvF

Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy phía ngoài Kherson, Ukraine, tháng 11 năm 2022. Ảnh: Valentin Ogirenko / Reuters

 

Việc hiện đại hóa có thể đã giúp Nga trong cuộc xâm lăng nhỏ hơn vào Ukraine năm 2014 và những cuộc oanh kích ở Syria. Nhưng Nga  dường như không học được kinh nghiệm hành quân  trong cả hai cuộc xung đột đó. Ví dụ, trong cả hai lần, Nga có nhiều đội đặc công ở mặt trận để hướng dẫn những cuộc tấn công sắp xẩy ra, đó là yếu tố còn thiếu trong cuộc xâm lăng của Nga  hiện nay. Nga đã có một bộ chỉ huy tác chiến thống nhất mà họ không có khi bắt đầu cuộc xâm lăng năm 2022 cho đến vài tháng sau đó.

 

Trong ít nhất một trường hợp, nỗ lực hiện đại hóa quân đội hoàn toàn không thích hợp với chiến tranh cường độ cao. Là một phần trong kế hoạch xây dựng lòng tin với người dân Nga sau các cuộc chiến ở Chechnya, Điện Kremlin phần lớn cấm tân binh quân dịch phục vụ trong các vùng chiến sự. Như vậy có nghĩa là Nga đã rút các binh sĩ chuyên nghiệp từ hầu hết các đơn vị trên cả nước và đưa họ ra trận dưới dạng lữ đoàn và các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) để tham gia vào cuộc xâm lăng Ukraine. Đây chính là một quyết định đáng ngờ: ngay cả một BTG có đủ quân số và trang bị đầy đủ cũng không có khả năng chiến đấu kéo dài, dữ dội dọc theo một chiến tuyến mở rộng, như nhiều chuyên gia, kể cả những người trong giới phân tích của Quân đội Hoa Kỳ như Charles Bartles và Lester Grau, đã lưu ý. Ngoài ra, theo các tài liệu quân đội Ukraine thu được về cuộc xâm lăng, rất nhiều đơn vị trong số này đã bị thiếu quân số khi họ xâm lăng Ukraine. Sự thiếu hụt nhân sự cũng có nghĩa là khối quân cụ hiện đại hơn và có khả năng kỹ thuật cao hơn của Nga đã không phát huy hết khả năng của nó, vì nhiều quân dụng chỉ được vận hành một phần. Và Nga không có đủ bộ binh hoặc đội quân tình báo, giám sát và trinh sát để dọn đường và tránh phục kích một cách hiệu quả.

 

Những kết quả thất bại có thể khiến nhiều người trên thế giới ngạc nhiên. Nhưng chúng không gây sốc cho nhiều chuyên gia theo dõi quân đội Nga. Từ việc đánh giá cấu trúc quân đội của nước này, họ biết rằng việc gửi một lực lượng gồm 190.000 binh sĩ vào một quốc gia láng giềng lớn bằng nhiều đường tấn công là không phù hợp. Do đó, họ đã rất ngạc nhiên khi Kremlin ra lệnh cho quân đội làm đúng những chiến thuật đó.

 

.

KỲ VỌNG LỚN

 

Để hiểu kế hoạch quá kém của Nga đã làm suy yếu hoạt động và lợi thế của nước này như thế nào, sẽ có ích nếu hình dung được cuộc xâm lăng Ukraine sẽ bắt đầu như thế nào nếu Moscow tuân theo chiến lược quân sự đã định sẵn. Theo học thuyết của Nga, một cuộc chiến giữa các quốc gia như cuộc chiến này sẽ bắt đầu bằng nhiều tuần tấn công bằng hỏa tiễn và không quân nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng và quân sự của đối phương trong giai đoạn mà các chiến lược gia gọi là “giai đoạn đầu của chiến tranh”. Giới hoạch định của Nga coi đây là giai đoạn quyết định của cuộc chiến, với các hoạt động của không quân và các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, kéo dài từ 4 đến 6 tuần, để xói mòn khả năng quân sự và khả năng kháng cự của đối phương. Theo lý thuyết của Nga, các lực lượng bộ binh thường được đưa đến bảo vệ các mục tiêu chỉ sau khi không quân và các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã đạt được nhiều mục tiêu của chúng.

 

Binh chủng Hàng không Nga (VKS) đã mở những cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của Ukraine khi bắt đầu chiến tranh. Nhưng VKS đã không tấn công một cách có hệ thống vào cơ sở hạ tầng quan trọng, có thể vì người Nga tin rằng họ sẽ cần phải nhanh chóng quản lý Ukraine và muốn giữ các cơ sở chính yếu, mạng lưới điện nguyên vẹn và người dân Ukraine thờ ơ. Oan nghiệt thay, quân đội Nga đã dùng bộ binh ngay từ ngày đầu tiên thay vì chờ cho đến khi họ dọn đường và trấn áp xong những đơn vị Ukraine. Kết quả thật thảm khốc. Quân Nga, gấp rút đáp ứng những gì họ tin là mệnh lệnh phải đến các khu vực nhất định theo thời biểu đã định, vượt quá khả năng hậu cần và thấy mình bị quân dội Ukraine bao vây trên những huyết mạch cụ thể. Sau đó, họ bị pháo binh và vũ khí chống xe tăng bắn phá không ngừng.

 

Moscow cũng quyết định đưa gần như tất cả quân chính quy, chuyên nghiệp dưới đất và trên không  vào một cuộc tấn công đa trục, đi ngược lại truyền thống của quân đội Nga là giữ lực lượng ở Siberia và Viễn Đông Nga như một bậc thứ hai hoặc lực lượng trừ bị chiến lược. Quyết định này không có  ý nghĩa gì về mặt quân sự. Bằng cách cố gắng tấn công đồng loạt vào 16 khu vực của Ukraine, Nga đã trải mỏng hệ thống hậu cần và hỗ trợ của chính họ đến điểm giới hạn. Nếu Nga mở những cuộc oanh kích và phóng hỏa tiễn vài ngày hoặc vài tuần trước khi đưa bộ binh vào mặt trận, tấn công dọc theo một chiến tuyến nhỏ hơn và duy trì một lực lượng trừ bị lớn hơn, thì cuộc xâm lăng của họ có thể đã khác. Trong trường hợp này, Nga sẽ có hậu cần đơn giản hơn, hỏa lực tập trung và giảm khả năng để những đơn vị tấn công của họ bị hở sườn. Nếu được thế họ thậm chí có thể áp đảo các nhóm phòng không địa phương của Ukraine.

 

.

Moscow đã trải mỏng hệ thống hậu cần và yểm trợ của họ đến điểm có thể vỡ tung.

 

Rất khó để biết chính xác lý do tại sao Nga lại đi lệch hướng quá nhiều so với học thuyết quân sự của chính họ (và so với lẽ thường). Nhưng có một lý do có vẻ rõ ràng: đó là sự can thiệp chính trị của Điện Kremlin. Theo thông tin mà các phóng viên của The Washington Post có được, cuộc xâm lăng Ukraine chỉ được chính Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận nhất của ông trong các cơ quan tình báo, quân đội và Điện Kremlin lập kế hoạch. Theo những nguồn tin này, nhóm đầu não của Putin ủng hộ một cuộc xâm lăng đánh nhanh trên nhiều mặt trận, một cuộc tấn công điên cuồng vào Kyiv để vô hiệu hóa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bằng một vụ ám sát hoặc bắt cóc, và cài đặt một mạng lưới cộng tác viên (nằm vùng) để điều hành một chính phủ mới—các chiến thuật mà cả một tập hợp những quân sư chiến trận lớn hơn, có kinh nghiệm hơn có thể đã giải thích là chúng sẽ không đạt được hiệu quả.

 

Kế hoạch của Điện Kremlin rõ ràng là vô hiệu. Tuy nhiên, họ đã trì hoãn những điều chỉnh quan trọng, có thể là vì tin rằng chúng sẽ không được ưa chuộng về mặt nội chính. Ví dụ, Điện Kremlin đã cố gắng lôi kéo những quân nhân tình nguyện cho mục đích xâm lăng vào đầu mùa hè để lấp lỗ hổng vì tổn thất nghiêm trọng trên chiến trường gây ra, nhưng nỗ lực này đã thu hút quá ít tân binh. Chỉ sau sự sụp đổ của mặt trận Kharkiv vào tháng 9, Moscow mới ra lệnh động viên. Sau đó, Điện Kremlin không cho phép quân Nga rút lui khỏi thành phố Kherson cho đến nhiều tháng sau khi vị trí của họ không còn có thể chống giữ được nữa, gây nguy hiểm cho hàng ngàn binh lính.

 

.

NGA ĐàTỰ LỪA CHÍNH MÌNH NHƯ THẾ NÀO

 

Trước và trong các cuộc chiến tranh, mọi quốc gia đều dựa vào bí mật hành quân, hay OPSEC, để giữ bí mật những mặt quan trọng trong kế hoạch và giảm thiểu những điểm yếu của quân đội của chính họ. Trong một số trường hợp, việc đó kéo theo những mánh khoé đánh lừa. Ví dụ, trong Thế chiến thứ hai, quân Đồng minh đóng quân thực và ảo trên một loạt bãi biển ở miền nam nước Anh khiến Đức quốc xã bối rối không biết vị trí nào sẽ được dùng để mở một cuộc tấn công. Trong những trường hợp khác, OPSEC liên quan đến việc hạn chế phổ biến nội bộ những kế hoạch chiến tranh để giảm nguy cơ chúng bị lộ. Ví dụ, để chuẩn bị cho Cuộc hành quân Bão Sa mạc, phi công Hoa Kỳ, những người sau này được giao nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng phòng không của Iraq, đã được huấn luyện trong nhiều tháng để mở những cuộc tấn công như vậy nhưng không được thông báo trước mục tiêu cụ thể của họ ở đâu cho đến vài ngày trước khi cuộc tấn công bắt đầu.

 

Tất nhiên, những kế hoạch chiến tranh của Điện Kremlin đã được công khai nhiều tháng trước cuộc xâm lăng. Như một số hãng thông tấn đã đưa tin, trong đó có cả The New York Times và The Washington Post, những cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã phát giác được những phác thảo chi tiết và chính xác về những kế hoạch hành quân của Nga và sau đó chia sẻ chúng với giới truyền thông, cũng như với các đồng minh và đối tác quốc tế. Thay vì hủy bỏ cuộc xâm lăng, Điện Kremlin nhấn mạnh với các nhà báo và nhà ngoại giao rằng số quân đông đảo tập trung ở biên giới Ukraine là để huấn luyện và họ không có ý định xâm lăng nước láng giềng. Những tuyên bố này không đánh lừa được phương Tây, nhưng chúng đã đánh lừa được hầu hết người Nga ‒ kể cả những người trong quân đội. Điện Kremlin giữ kín kế hoạch chiến tranh của mình đối với nhiều thành phần quân sự ở các cấp, từ những cá nhân binh sĩ và phi công cho đến những sĩ quan cấp tướng, và nhiều quân nhân cũng như sĩ quan đã rất ngạc nhiên khi nhận được lệnh xâm lăng. Một báo cáo gần đây của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một nhóm chuyên gia cố vấn về quốc phòng và an ninh của Anh, dựa trên nghiên cứu thực địa rộng rãi và các cuộc phỏng vấn với các giới chức chính phủ Ukraine, đã phát giác ra rằng ngay cả các thành viên cao cấp của Bộ Tổng tham mưu Nga cũng không biết gì về kế hoạch xâm lăng cho đến một thời gian ngắn trước khi nó bắt đầu.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/07/RTSFIKGR.JPG.webp?itok=rizmyk4C

Trước một hệ thống hỏa tiễn phòng không của Nga ở vùng Luhansk, Ukraine, tháng 1 năm 2023.   Ảnh: Alexander Ermoshenko / Reuters

 

Vì hầu hết giới lãnh đạo quân sự không được tham dự vào việc lập kế hoạch cho đến phút cuối cùng, họ không thể điều chỉnh những sai lầm lớn. Chính phủ dường như đã đốt giai đoạn mà trong chiến lược của Nga gọi là “thời kỳ đặc biệt” ‒ thời điểm phân loại, dự trữ và tổ chức tài nguyên cho một cuộc chiến lớn ‒ vì giới lập kế hoạch của chính phủ không biết rằng họ cần phải sẵn sàng cho một cuộc chiến. Việc giữ bí mật quá mức cũng có nghĩa là Moscow đã bỏ lỡ một số cơ hội quan trọng để chuẩn bị cho ngành kỹ nghệ quốc phòng sản xuất và lưu trữ các loại đạn dược cần thiết. Ngay cả sau khi họ đóng quân gần Ukraine, các đơn vị Nga đã không có đủ quân số và quân dụng ở mức độ thích đáng, có thể là do giới lập kế hoạch tin rằng quân đội đang tiến hành các cuộc tập trận. Và vì quân đội không có thời gian để điều hợp những hệ thống tác chiến điện tử của mình, nên khi quân Nga cố ngăn sóng thông tin liên lạc của Ukraine, họ cũng đã vô tình làm nhiễu thông tin liên lạc của chính họ.

 

Bí mật trước chiến tranh dẫn đến những vấn đề đặc biệt rõ ràng trên không. Trước cuộc xâm lăng, các phi công Nga đã có kinh nghiệm chiến đấu ở Syria, nhưng những cuộc hành quân đó diễn ra trên lãnh thổ không bị kiểm soát, thường là trên sa mạc. Phi công Nga hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu trên không phận của một quốc gia rộng lớn hơn, nhiều rừng rậm, chứ chưa nói đến việc chống lại một kẻ thù có khả năng bắn máy bay phản lực của họ bằng nhiều lớp phòng không. Họ đã được huấn luyện rất ít hoặc không được huấn luyện về những chiến thuật như vậy trước cuộc xâm lăng. Sự thiếu kinh nghiệm đó là một phần lý do tại sao, mặc dù đôi khi đã thực hiện hàng trăm phi vụ mỗi ngày, Nga vẫn không thể phá hủy binh chủng không quân hoặc hệ thống phòng không của Ukraine. Một yếu tố khác là cách Nga quyết định sử dụng quân đội của mình. Theo phân tích của RUSI, do bộ binh của Nga đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng trong vài ngày tới, nên VKS nhanh chóng được phân công lại từ việc trấn áp những căn cứ phòng không Ukraine sang việc yểm trợ trên không tầm gần. Sự điều chỉnh này đã gây cản trở không cho Nga thiết lập ưu thế trên không, và nó buộc phi công Nga phải bay ở độ cao thấp, trong tầm bắn của hỏa tiễn Stinger của Ukraine. Kết quả là họ bị mất nhiều máy bay trực thăng và chiến đấu cơ.

 

Bí mật trước chiến tranh và những lời dối trá không phải là cách duy nhất mà Điện Kremlin tự hại mình. Khi quân đội Nga bắt đầu ồ ạt tiến về Kyiv, Moscow không còn có thể phủ nhận sự thật về cuộc xâm lăng của họ. Nhưng trong nhiều tháng, Nga tiếp tục che đậy xung đột hoặc trì hoãn những quyết định quan trọng theo một cách làm thiệt hại cho cuộc hành quân của chính họ. Ở mức cơ bản, Nga đã từ chối gọi cuộc xâm lăng là một cuộc chiến, thay vào đó gọi đó là một “hành quân đặc biệt”. Quyết định này, đưa ra hoặc để xoa dịu người dân Nga hoặc vì Điện Kremlin cho rằng xung đột sẽ kết thúc nhanh chóng, đã ngăn cản Nga thực hiện nhữg quy tắc hành chính cho phép họ tiếp cận nhanh chóng với mọi loại tài nguyên từ pháp lý, kinh tế đến vật chất mà nước này cần để yểm trợ cho cuộc xâm lăng. Trong ít nhất sáu tháng đầu tiên, việc phân loại sai cũng khiến binh lính dễ dàng từ nhiệm hoặc từ chối chiến đấu mà không phải đối phó với cáo buộc là đào ngũ.

 

.

KHÔNG QUAN TÂM

 

Chính phủ Nga dường như đã cho rằng người dân Ukraine sẽ không kháng cự, rằng quân đội Ukraine sẽ tan rã và phương Tây sẽ không thể giúp đỡ Kiev kịp thời. Những kết luận này không phải hoàn toàn không có cơ sở. Theo The Washington Post, những cơ quan tình báo Nga đã có cuộc thăm dò bí mật trước chiến tranh của riêng họ cho thấy rằng chỉ có 48% dân số “sẵn sàng bảo vệ” Ukraine. Xếp hạng chấp thuận của Zelensky là dưới 30 % vào đêm trước chiến tranh. Những cơ quan tình báo của Nga đã có một mạng lưới gián điệp và nằm vùng lớn bên trong Ukraine để thành lập một chính phủ sẵn sàng hợp tác. (Ukraine sau đó đã bắt giữ và buộc 651 người tội phản quốc và hợp tác với kẻ thù, kể cả một số viên chức trong cơ quan an ninh của nước này.) Giới lập kế hoạch của Nga cũng có thể đã cho rằng quân đội của Ukraine sẽ không sẵn sàng vì chính phủ Ukraine đã không chuyển sang tư thế ứng chiến cho đến vài tuần sau khi bị xâm lăng. Họ có thể nghĩ rằng đạn đại bác của Ukraine sẽ sớm cạn kiệt. Dựa trên phản ứng của phương Tây đối với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và các khoản vũ khí dự phòng tương đối nhỏ của nước này trong thời gian trước cuộc chiến vào năm 2022, Moscow có thể đã giả định một cách hợp lý rằng Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ không viện trợ mạnh cho Ukraine, hoặc tại ít nhất là không kịp thời.

 

Nhưng Điện Kremlin chỉ đánh giá dữ liệu để cho họ thấy những gì họ muốn thấy. Chẳng hạn, các cuộc thăm dò tình báo của cùng cơ quan cho thấy 84% người Ukraine được hỏi sẽ coi lính Nga là quân xâm lăng, không phải là quân giải phóng. Hoa Kỳ và đồng minh đã công bố những kế hoạch của Nga và nhiều nỗ lực khác để tạo cớ xâm lăng, đồng thời cảnh cáo Nga cả trong riêng tư và công khai rằng Nga sẽ phải đối phó với hậu quả to lớn nếu khai chiến. Tuy nhiên, rõ ràng là không ai trong giới thân cận của Putin thuyết phục được ông ta rằng ông ấy nên xét lại cách ứng xử của Nga và chuẩn bị cho một cuộc chiến khác, khó khăn hơn: một cuộc chiến mà người Ukraine sẽ chống trả và nhận được sự viện trợ đáng kể của phương Tây.

 

.

Putin ngoan cố duy trì cuộc chiến.

 

Một cuộc xung đột như vậy chính xác là những gì đã xảy ra. Người Ukraine đoàn kết lại để bảo vệ chủ quyền đất nước, gia nhập quân đội và thành lập những đơn vị bảo vệ lãnh thổ đã chống lại quân Nga. Zelensky, không được ưa chuộng trong nước trước cuộc xâm lăng, đã thấy tỷ lệ ủng hộ của ông tăng vọt và trở thành một người lãnh đạo thời chiến được khắp nơi trên thế giới công nhận. Và chính phủ Ukraine đã thành công trong việc nhận được số tiền viện trợ lịch sử từ phương Tây. Tính đến cuối tháng 1 năm 2023, Hoa Kỳ đã viện trợ 26,8 tỷ đô la yểm trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lăng và các quốc gia châu Âu đã đóng góp thêm hàng tỷ đô la khác. Người Ukraine đã được trang bị áo giáp, hệ thống phòng không, máy bay trực thăng, đại bác M777 và Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao (HIMARS). Họ đang nhận xe tăng của phương Tây. Những nguồn cung cấp vũ khí khổng lồ và đa dạng cho phép quân đội Ukraine giành được lợi thế về phẩm chất so với quân đội của Moscow về mặt chiến thuật. nhận thức về chiến trường trong thời gian đầu Nga đưa quân tới Kyiv, và nó cho phép Ukraine mở những cuộc tấn công chính xác vào các kho hậu cần và trung tâm chỉ huy của Nga ở những khu vực phía đông.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/images/2023/02/07/map2.png.webp?itok=nNML1xyL

Hình : Khu vực chiến tranh Ukraine

 

Washington cũng bắt đầu cung cấp một luồng thông tin tình báo mà Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks mô tả là “quan trọng” và “cao cấp” cho Kiev. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố rằng việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine về bản chất là “một cuộc cách mạng”, và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tư lệnh Mạng Hoa Kỳ đã điều trần rằng ông chưa bao giờ thấy một ví dụ nào tốt hơn về việc chia sẻ thông tin tình báo trong suốt 35 năm ông phục vụ trong chính phủ. (Theo Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ không cung cấp thông tin tình báo về các địa điểm của lãnh đạo cao cấp hoặc tham gia vào các quyết định định mục tiêu của Ukraine.)

 

Việc chia sẻ thông tin tình báo này có ý nghĩa quan trọng tại một số thời điểm then chốt trong cuộc chiến. Trong phiên điều trần trước quốc hội, giám đốc CIA Burns cho biết ông đã thông báo cho Zelensky về cuộc tấn công vào Kyiv trước chiến tranh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã cảnh cáo Zelensky về những mối đe dọa của Nga đối với chính cá nhân ông. Những cảnh cáo này đã cho Ukraine đủ thời gian chuẩn bị phòng thủ cần thiết để bảo vệ cả thủ đô và Zelensky. Theo những viên chức quốc phòng cao cấp, Hoa Kỳ cũng giúp lập kế hoạch và chiến thuật ở mặt trận cho những cuộc phản công vào tháng 9 của Ukraine ở Kharkiv và Kherson, cả hai đều kết thúc với thành công vang dội.

 

.

CON GẤU ĐANG HỌC BÀI

 

Những người ủng hộ Ukraine có nhiều lý do để ăn mừng trong năm 2022, và những cảnh hân hoan đã xuất hiện trên những vùng đất Ukraine vừa được giải phóng. Nhưng những hình ảnh đau khổ  đã theo sau ngay đó. Giới điều tra Ukraine và quốc tế đã phát giác được những bằng chứng về tội ác chiến tranh tại các thành phố mới được giải phóng như Bucha, Izyum và Kherson. Và bất chấp những hy vọng ngược lại, vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc xâm lăng của Nga sẽ sụp đổ. Putin chắc chắn đang ngoan cố duy trì cuộc chiến, và mặc dù bị tổn thương, quân đội Nga vẫn có khả năng tác chiến phức tạp, học hỏi thích ứng và chịu được mức độ chiến đấu mà ít quân đội nào trên thế giới có thể làm được. Chiến tranh vũ khí kết hợp cường độ cao, tiêu hao cao được duy trì là điều rất khó khăn và Nga và Ukraine hiện có nhiều kinh nghiệm về nó hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

 

Lấy VKS làm ví dụ. Mặc dù phi công của họ đã thất bại trong việc triệt tiêu hệ thống phòng không của Ukraine, nhưng giới phân tích phải nhớ rằng những phi vụ như vậy rất tốn thời gian và khó khăn, như những phi công Mỹ đã cho biết. VKS đang học hỏi, và thay vì tiếp tục lãng phí máy bay bằng cách bay những phi vụ bảo thủ hơn và kém hiệu quả hơn, họ đang cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách dùng hỏa tiễn rỗng từ thời Liên Xô và máy bay không người lái Shaheed mua của Iran.

 

Quân đội Nga dường như cũng đang giỏi hơn trong việc thực hiện một trong những mục tập trận nguy hiểm nhất: vượt sông dưới làn đạn. Những chuyến bay như vậy đòi phải rút lui có kế hoạch, kỷ luật, kế hoạch bảo vệ được lực lượng và diễn trình chặt chẽ mà ít phi vụ khác cần có. Nếu những phi vụ loại này thực hiện kém có thể khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng; vào tháng 5 năm 2022, quân đội Ukraine đã tiêu diệt một BTG của Nga khi họ cố  vượt qua sông Donets. Nhưng cuộc rút lui vào tháng 11 của quân Nga qua sông Dnepr tương đối suôn sẻ, một phần vì nó đã được lên kế hoạch tốt hơn. Mặc dù bị pháo kích, hàng ngàn binh sĩ Nga đã rút lui thành công về phía đông Ukraine. 

 

Nga cũng đã học cách sửa những sai lầm trong quá khứ trong những lĩnh vực khác. Vào cuối mùa xuân, quân đội Nga cuối cùng đã thành công trong việc gây nhiễu thông tin liên lạc của Ukraine mà không gây nhiễu cho chính họ. Hồi tháng 9, Điện Kremlin tuyên bố động viên một phần để bù đắp cho sự thiếu hụt quân số, gọi được 300.000 tân binh quân dịch vào quân đội. Chương trình này rất hỗn loạn và những tân binh này đã không được huấn luyện bài bản. Nhưng giờ đây, những đơn vị lính mới này đang ở trong miền đông Ukraine, nơi họ củng cố các vị trí phòng thủ và giúp đỡ những đơn vị bị suy kiệt với có những nhiệm vụ cơ bản nhưng quan trọng. Chính phủ cũng đang từng bước đặt nền kinh tế Nga vào tình trạng chiến tranh, giúp nhà nước sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài.

 

Những thay đổi này đang bắt đầu cho thấy kết quả. Cơ sở kỹ nghệ quốc phòng của Nga có thể đang căng thẳng vì lệnh trừng phạt và hạn chế nhập cảng, nhưng công xưởng của nước này vẫn nguyên vẹn và làm việc suốt ngày đêm để cố gắng đáp ứng nhu cầu. Mặc dù Nga đang cạn kiệt hỏa tiễn nhưng nước này đã tăng số vũ khí bằng cách dùng lại hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không. Quân đội Nga vẫn chưa cải thiện quy trình đánh giá thiệt hại chiến trường hoặc khả năng tấn công các mục tiêu di động, nhưng hiện tại họ đang tấn công chính xác vào lưới điện của Ukraine. Tính đến tháng 1 năm 2023, các cuộc oanh kích của Nga đã làm hư hại khoảng 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, có lúc gây mất điện cho hơn 10 triệu người.

 

Lộ trình người Ukraine đang kinh qua cũng rất dốc và qua nhiều thí nghiệm, họ đã có thể khiến các quân đội Nga mất thăng bằng. Quân đội Ukraine đã thể hiện sự sáng tạo trong những kế hoạch hành quân và đã tấn công vào những các căn cứ không quân của Nga và Hạm đội Biển Đen. Phi công và binh lính của Ukraine, giống như của Nga, đã gặt hái  kinh nghiệm chiến trường đáng kể và độc đáo. Ukraine đã đạt lợi thế hơn Nga nhờ có ngoại viện.

 

.

Điện Kremlin muốn có kết quả nhiều hơn là chỉ giữ được những vùng đất mà họ đã chiếm.

 

Nhưng quân của Nga đã thích nghi với hoàn cảnh và thí nghiệm thành công khi họ rút về thế phòng thủ. Sau nhiều tuần bị tấn công tàn khốc vào mùa hè năm 2022 bằng hỏa tiễn HIMARS của Mỹ, Nga đã di chuyển những địa điểm chỉ huy và nhiều kho hậu cần ra khỏi tầm bắn của hỏa tiễn. Quân đội Nga đã chứng tỏ có khả năng phòng thủ nhiều hơn là tấn công, đặc biệt là ở phía nam, nơi họ tạo ra nhiều lớp phòng thủ khiến cho quân Ukraine khó có thể vượt qua. Tướng Sergey Surovikin, người được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh chiến trường của Nga vào tháng 10, trước đây là chỉ huy của nhóm tác chiến phía nam, và ông đã mang kinh nghiệm này đến các khu vực mà Nga đang chiếm đóng một phần. Quân đội Nga đã đào nhiều chiến hào và tạo ra các vị trí phòng thủ khác.

 

Đáng chú ý, Nga đã rút khỏi thành phố Kherson và chỉ chuyển sang thế phòng ngự sau khi Surovikin được bổ nhiệm làm chỉ huy mặt trận. Putin cũng bắt đầu thừa nhận rằng cuộc xung đột sẽ đầy thách thức một khi Surovikin nhận trách nhiệm. Những thay đổi này cho thấy rằng Putin có thể đã nhận được những đánh giá thực tế hơn về tình hình ở Ukraine trong nhiệm kỳ của Surovikin.

 

Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 2023, Surovikin đã bị hạ tầng công tác để nhường chỗ cho Tướng Valeriy Gerasimov. Mặc dù lý do của sự thay đổi tư lệnh này không rõ ràng, nhưng âm mưu cung điện và chủ nghĩa bè phái có thể đứng sau nó hơn là bất kỳ thất bại cụ thể nào của ban tham mưu của Surovikin. Và không một chỉ huy Nga nào có thể bẻ gãy ý chí chiến đấu của Ukraine mặc dù Nga vẫn tiếp tục phóng hỏa tiễn gây đau khổ cho người dân Ukraine. Nhưng các vụ oanh tạc và cố thủ có thể làm giảm khả năng của Ukraine, khiến nước này khó đòi lại nhiều đất đai hơn.

 

.

NHỮNG BÍ SỐ ĐÃ BIẾT

 

Tuy nhiên, Điện Kremlin mong làm được nhiều chuyện lớn hơn là chỉ giữ lại những vùng đất mà họ đã chiếm đóng. Putin đã nói rõ rằng ông muốn có cả bốn tỉnh mà Moscow đã sáp nhập bất hợp pháp vào tháng 9—Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia—và trong một cuộc họp trên truyền hình vào tháng 12 năm ngoái, ông đã nói rõ rằng ông sẵn sàng chấp nhận “một tiến trình lâu dài” để chiếm bốn tỉnh miền đông Ukraine. Những mục tiêu thu hẹp của Putin và sự thẳng thắn đột ngột về độ dài của cuộc chiến cho thấy Điện Kremlin có thể đã thích ứng với vị thế suy yếu của họ và tạo điều kiện cho người dân sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến trường kỳ. Khi đó, Nga hoặc phải biến dổi hoặc câu giờ cho đến khi nước này có thể tái tạo quân đội của họ. Câu hỏi đặt ra là liệu những thay đổi như vậy có đủ hay không.

 

Có nhiều lý do để nghĩ rằng sự thay đổi sẽ không cứu vãn được chiến tranh cho Nga, một phần vì có quá nhiều thứ cần phải thay đổi; không có riêng một yếu tố nào giải thích tại sao cuộc chiến lại diễn ra quá tồi tệ cho Nga cho đến nay. Những lời giải thích gồm những vấn đề không dễ giải quyết vì chúng là những phần khó giải quyết của hệ thống Nga, chẳng hạn như sự lừa dối tự chuốc lấy thất bại được minh họa băng quyết định của Điện Kremlin ưu tiên giữ bí mật và ổn định trong nước hơn là lập kế hoạch cẩn thận. Và Moscow, nếu có, đã tăng cường bóp nghẹt những thảo luận thẳng thắn về cuộc xung đột, thậm chí còn đi xa đến mức hình sự hóa những đánh giá về số binh sĩ tử thương và dự báo về cuộc chiến có thể diễn biến ra sao. Mặc dù giới chức chính phủ Nga có thể an toàn thảo luận về một số vấn đề ‒ ví dụ, giới lãnh đạo quân sự Nga đã kêu gọi tăng quân số ‒ nhưng những vấn đề khác vẫn bị cấm bàn đến, kể cả những vấn đề lớn hơn, về sự bất tài và môi trường chỉ huy tồi tệ đã dẫn đến những tội phạm khủng khiếp quân đội Nga gây ra ở Ukraine. Việc kiểm duyệt này khiến Điện Kremlin khó có được thông tin chính xác về những gì đang xảy ra trong cuộc chiến, làm phức tạp những nỗ lực điều chỉnh hướng đi.

 

Một số vấn đề lớn cho Nga phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của Moscow. Quyết tâm của Ukraine như thép đã tôi trong cuộc kháng chiến chống Nga, điều mà quân đội Nga, với tất cả sự tàn bạo của nó cũng không thể đảo ngược. Nga cũng không thể hoặc không muốn ngăn chặn nguồn vũ khí viện trợ hoặc thông tin tình báo của phương Tây tới Ukraine. Chừng nào hai yếu tố này – quyết tâm của Ukraine và sự yểm trợ của phương Tây – vẫn còn, Điện Kremlin không thể biến Ukraine thành một quốc gia bù nhìn, như họ đã tìm cách làm ban đầu.

 

.

Như phương Tây đã từng đánh giá quá cao người Nga, nay họ có thể đánh giá Nga quá thấp.

 

Tuy nhiên, quân đội Nga đã điều chỉnh một số vấn đề quan trọng. Để khắc phục một kế hoạch tồi, Nga đã thay đổi cơ cấu chỉ huy và nhiều chiến thuật. Họ đã củng cố các vị trí của mình ở Ukraine sau những tổn thất nặng nề đồng thời tăng quân số, những thay đổi này sẽ khiến các cuộc phản công của Ukraine trở nên tốn kém hơn. Giới lãnh đạo quân đội Nga tuyên bố ý định đưa nhiều sư đoàn lớn hơn từ trước cuộc cải cách năm 2008 trở lại để khắc phục một phần những vấn đề về cơ cấu quân đội. Khi nền kinh tế Nga huy động, cơ sở quốc phòng có thể sản xuất nhiều quan dụng hơn để bù đắp cho những tổn thất trong thời chiến. Trong khi đó, những ngành kỹ nghệ quốc phòng phương Tây đang căng thẳng vì nhu cầu tiếp tế cho Ukraine. Nga có thể tính toán rằng họ có thể củng cố vị thế của mình trong khi chờ đợi đến khi nguồn cung của phương Tây cạn kiệt hoặc thế giới vẫn tiếp tục.

 

Nhưng giới phân tích nên cẩn thận về kết quả dự báo. Câu ngạn ngữ cổ điển vẫn đúng: trong chiến tranh, những báo cáo đầu tiên thường sai hoặc rời rạc. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu Nga có thể cứu vãn cuộc xâm lăng của họ hay liệu quân đội Ukraine sẽ thắng thế hay không. Cuộc xung đột đã đi theo một diễn biến không thể đoán trước, và vì vậy phương Tây nên tránh đưa ra những đánh giá vội vàng về những gì đã xảy ra với cuôc xâm lăng của Nga, để họ học những bài học sai lầm, dùng sai chiến lược hoặc mua nhầm vũ khí. Giống như phương Tây đã đánh giá quá cao khả năng của Nga trước cuộc xâm lăng, nay  họ có thể đánh giá thấp Nga quá thấp. Và họ có thể đánh giá quá cao một hệ thống kín tương tự, chẳng hạn như quân đội Trung Hoa. Giới phân tích cần có thời gian để tìm hiểu cách một chiến binh thích nghi và thay đổi chiến thuật của mình.

 

Tuy nhiên, giới chuyên gia không nên vứt bỏ các công cụ mà họ hiện đang dùng để đánh giá sức mạnh quân sự. Nhiều thước đo tiêu chuẩn—chẳng hạn cấu trúc quân đội, chi tiết kỹ thuật của vũ khí và phẩm chất của những chương trình huấn luyện—vẫn còn hiệu lực. Nhưng mặc dù những yếu tố này, cùng với học thuyết quân sự và các chiến dịch trước đó, là quan trọng, chúng không nhất thiết có thể dự đoán tương lai. Như cuộc chiến này và các cuộc xung đột khác gần đây đã cho thấy, giới phân tích cần có những cách tốt hơn để đo lường những yếu tố vô hình của sức mạnh quân sự—chẳng hạn như văn hóa của quân đội, khả năng học hỏi, độ tham nhũng và ý chí chiến đấu của quân đội—nếu họ muốn dự báo chính xác về sức mạnh và lập kế hoạch cho các cuộc xung đột trong tương lai.

 

Thật không may, giới phân tích có thể sẽ có nhiều thời gian để phát triển và trau dồi những cách đo lường như vậy. Bởi vì dù với tất cả sự không chắc chắn, điều này rất rõ ràng: khi Nga tiếp tục động viên và Kiev và những người ủng hộ họ quyết tâm, chiến tranh sẽ tiếp tục.

 

------------------------

Tác giả | DARA MASSICOT là chuyên viên nghiên cứu chính sách cao cấp tại RAND Corporation. Trước khi gia nhập RAND, bà từng là chuyên viên phân tích  cao cấp về khả năng quân sự của Nga tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

 

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: What Russia Got Wrong | Dara Massicot | Foreign Affairs | March/April 2023

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats