Nga là một đế quốc đang giải
thể
Hubertus Volmer trò chuyện với Jan C. Behrends
Vũ Ngọc
Chi chuyển ngữ
22/02/2023
https://baotiengdan.com/2023/02/22/nga-la-mot-de-quoc-dang-giai-the/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-18.png
Đam mê với chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ
hai và với sự thống trị Đông Âu: Putin – hình vào tháng 12 trong một cuộc triển lãm về trận chiến giành lại
Moscow – ăn mừng “Stalin của năm 1945, người chiến thắng ở Berlin, vị tướng
lĩnh vĩ đại”. Nguồn: IMAGO/ SNA
Nhà sử học Đông Âu Jan Behrends không coi bản
tuyên ngôn Wagenknecht-Schwarzer (1) ra gì cả. “Cầm súng để chống lại chế độ
chuyên chế, chống lại sự xâm lược từ nước ngoài và tranh đấu cho quyền tự quyết
quốc gia là một điều hiển nhiên hơn nhiều ở các quốc gia khác. Ở Đức, nó hoàn
toàn chính đáng đối với một số nhóm nào đó để nghi vấn điều này”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-19.png
Jan C. Behrends dạy lịch sử
Đức và Đông Âu tại đại học châu Âu Viadrina ở Frankfurt(Oder) Nguồn: ZFF
Putin tranh đấu để có lại trật tự của Jalta,
nhà sử học nói. “Trật tự này quy định quyền bá chủ của Liên Xô được mở rộng
cho tới bờ sông Elbe”, Behrends cho biết. “Putin viết và nói một cách
công khai là ông ấy muốn khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng của Nga không chỉ ở
Ukraine, mà còn trên khắp Đông Âu”.
.
NTV.DE:
Nhà sử học Timothy Snyder gọi Chiến tranh Nga chống lại Ukraine là một cuộc chiến
tranh giành thuộc địa. Điều đó có đúng không?
Jan C. Behrends: Là
một nhà sử học, tôi nói cuộc chiến này là một cuộc chiến giành thuộc địa
bởi vì tôi thấy đó là một phần của quá trình giải thể của Đế quốc Nga. Sự phát
triển này bắt đầu vào năm 1917 và đang tiếp tục. Nga và Ukraine là trung tâm và
ngoại vi, đó chắc chắn là một câu chuyện về thuộc địa. Tuy nhiên, nó không phải
là một cuộc chiến giành thuộc địa cổ điển của loại chiến tranh như các cường quốc
châu Âu làm trong thế kỷ 19, mà là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia có chủ
quyền.
Mục tiêu của Nga là một cuộc khống chế mới, đối
với Ukraine là làm sao thoát ra khỏi cái ách đế quốc của Nga. Putin viết và nói
một cách công khai rằng ông muốn khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng của Nga không
chỉ ở Ukraine, mà còn trên khắp Đông Âu. Ông ta quan tâm đến việc trở lại trật
tự của Jalta.
.
NTV.DE: Nga
có phải là một đế quốc thực dân?
Jan C. Behrends: Tất
nhiên rồi. Đế quốc Nga là một đế chế, từ thế kỷ 16, thời của Ivan Khủng Khiếp.
Đó không phải là một đế chế có thuộc địa ở các đại lục khác như Pháp hay Vương
quốc Anh, mà là một cường quốc có thuộc địa ở chung quanh nó, một đế chế đa dân
tộc, và như vậy, nó luôn có các mối quan hệ thực dân với các dân tộc khác – từ
Tatars đến Ba Lan hoặc Phần Lan đến các dân tộc Siberia, Trung Á hoặc Vùng
Caucasus. Nga ứng xử như một đế quốc ở khắp mọi nơi và cả ở Ukraine. Nhưng kể từ
năm 1917, nó là một đế quốc trong tình trạng giải thể.
.
NTV.DE:
Kể từ năm 1917? Đó không phải là một khoảng thời gian rất dài để phân rã?
Jan C. Behrends: Các
đế chế dần tan biến, chúng ta có thể thấy rằng tại các đế chế lớn trong lịch sử
từ Rome đến Đế quốc Anh. Điều này không xảy ra với một phát nổ, nhưng phải mất
hàng thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ. Trong trường hợp của Đế chế Nga, chúng
ta đang xem xét một quá trình mà chúng ta đã có thể quan sát kể từ Thế chiến thứ
nhất: Giải thể dần dần các vùng ngoại vi bắt đầu từ Petersburg, sau đó từ
Moscow và phản ứng chống lại với những nỗ lực khôi phục lại Đế chế. Một trong
những nỗ lực này là Liên Xô, một đế quốc Nga theo chế độ Cộng sản, sau đó bị
phân hủy vào năm 1991. Dưới thời Putin, bây giờ có một nỗ lực khác của Trung
tâm để khôi phục các mối quan hệ cũ. Nhưng ở Ukraine, chúng ta thấy sức mạnh của
ý tưởng quốc gia và sự sẵn lòng của người Ukraine để đấu tranh cho chủ quyền của
họ và chống lại những nỗ lực để khống chế của Moscow.
.
NTV.DE:
Ông gọi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là việc nổi dậy của thế hệ Liên Xô cuối
cùng. Ý ông là như thế nào?
Jan C. Behrends: Thế
hệ của Putin là thế hệ cuối cùng được xã hội hóa hoàn toàn trong Đế quốc Liên
Xô. Đối với thế hệ này, trật tự của Jalta là trật tự tự nhiên của châu Âu.
Tại Hội nghị Jalta ở Crimea, Roosevelt,
Churchill và Stalin đã quyết định chia xẻ châu Âu vào tháng 2 năm 1945.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-20.png
Từ trái qua phải: Churchill, Roosevelt và Stalin ở
Jalta. Nguồn: imago images / Photo12
Trật tự này quy định quyền bá chủ của Liên Xô
được mở rộng tới bờ sông Elbe. Nó kết thúc ở châu Âu vào năm 1989 hay năm 1991
với sự giải thể của Liên Xô. Theo quan điểm của Putin, phương Tây đã sử dụng một
khoảnh khắc ngắn vị thế yếu kém của người Nga để phá hủy thế đứng của Liên Xô
được thiết lập sau Thế chiến thứ hai. Nếu bạn nhìn vào các đòi hỏi của ông ta từ
các bản thảo hợp đồng mà Nga trao cho Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2021, thì thấy rõ
ràng ông ta muốn gì: Nga đang yêu cầu khối NATO trở về thời điểm 1997, tức là
trước thời điểm mở rộng về phía Đông đầu tiên. Trên thực tế, đó là một tối hậu
thư cho phương Tây. Nếu bạn đọc kỹ các bản nháp của hợp đồng, bạn có thể thấy rằng
họ có ý muốn khôi phục trật tự Jalta, một trật tự địa chính trị mà thế hệ Liên
Xô cuối cùng muốn đạt được. Về một phương diện nào đó, đây cũng là tin tốt.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/02/1-21-1068x502.png
Bản đồ Âu - Á
.
NTV.DE: Như
thế nào?
Jan C. Behrends: Các
thế hệ sau đó của Nga, cuối cùng sẽ lên nắm quyền, không chia sẻ nỗi đam mê này
với chiến thắng trong Thế chiến II và với sự thống trị đối với Đông Âu.
.
NTV.DE: Chính
phủ Nga tuyên truyền hình ảnh lịch sử nào?
Jan C. Behrends: Bức
tranh lịch sử chính thức của Nga luôn là một nước Nga vĩ đại và đầy quyền
lực. Đế chế có thể có các hình thức khác nhau: Đế chế Sa hoàng, Liên Xô dưới thời
Stalin hoặc Liên bang Nga dưới thời Putin. Tính liên tục được nhấn mạnh là Nga
là một cường quốc lớn trên trường quốc tế. Dân chúng Nga được tuyên truyền rằng
vị thế cường quốc quan trọng hơn sự thịnh vượng chung hoặc một hệ thống xã hội
có hiệu quả. Đây là một sự khác biệt quan trọng giữa đế quốc này và Ukraine. Mục
tiêu chính trị của nước sau là để cải thiện tình trạng ở đất nước của họ. Kyiv
không có tham vọng trở thành cường quốc. Giới tinh hoa Nga và Putin muốn đất nước
của họ được quốc tế sợ hãi. Họ thậm chí còn sẵn sàng dám mạo hiểm sự thịnh vượng
và tương lai của Nga.
.
NTV.DE: Stalin
đóng vai trò gì trong tuyên truyền chính thức?
Jan C. Behrends: Putin
đã phóng đại hơn nữa sự sùng bái chiến thắng. Có sự sùng bái này trước đây, nó
đã được Leonid Brezhnev, Từ năm 1964 đến 1982 Tổng thư ký của Đảng Cộng
sản Liên Xô, đưa vào.
Như dưới thời Brezhnew, bạn chỉ có thể thực hiện
một sự sùng bái chiến thắng như vậy nếu bạn phục hồi danh tiếng Stalin một
chút, bởi vì ông ta là người chỉ huy quân đội trong năm 1945. Hơn nữa,
tôi tin rằng Vladimir Putin ngưỡng mộ Stalin. Ông ta xem ông ấy là người đã tạo
ra phạm vi ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu. Qua ví dụ của Stalin, người ta cũng có
thể chỉ ra rằng chính sách lịch sử Nga không chỉ là một tôn thờ sự tưởng nhớ,
mà còn thực hành sự lãng quên: Tuyên truyền của Putin kỷ niệm Stalin từ năm
1945, người chiến thắng ở Berlin, Vị tướng vĩ đại. Thời kỳ Đại Khủng bố (2), trại
tù đầy Gulag (3) và hiệp ước Hitler-Stalin (4) không
được nhắc đến-Stalin của những năm 1930 biến mất đằng sau người chiến thắng năm
1945.
.
NTV.DE: Chế
độ của Putin thường được mô tả là một chế độ đạo tặc, như một quốc gia mafia
phi ý thức hệ. Điều đó có sai không?
Jan C. Behrends: Khía
cạnh phi ý thức hệ chắc chắn là sai. Nhà nước Mafia chỉ sự tương đồng, mô
tả các mối quan hệ không chính thức với các nhà tài trợ và các mối đe dọa bằng
bạo lực là quan trọng hơn các mối quan hệ thể chế. Cho đến nay, thật là chính
xác. Nhưng cuộc chiến này cho thấy hệ tư tưởng đế quốc quan trọng hơn, ít nhất
là đối với cốt lõi của giới thượng lưu Nga, hơn là việc làm giàu cho bản thân,
mà tất nhiên cũng được thực hiện rộng rãi. Họ chấp nhận các biện pháp trừng phạt
và chấp nhận rằng họ không còn có thể đến Cannes hay Miami. Ưu tiên của họ là
cuộc chiến chống lại Ukraine. Họ đã sẵn sàng để trả một giá cao cho việc mở rộng
đế quốc.
.
NTV.DE: Điều
gì sẽ xảy ra nếu Nga chiến thắng trong cuộc chiến này – vì phương Tây ngừng hỗ
trợ cho Ukraine hoặc vì sự hỗ trợ này không đủ mạnh?
Jan C. Behrends: Trước
hết, nó sẽ là một thảm họa cho Ukraine. Nó có nghĩa là lại bị khống chế. Điều
đó có nghĩa là các dự án đế quốc ở châu Âu một lần nữa lại có tương lai,
nó làm cho trật tự của các quốc gia có chủ quyền từ 1989/91 lung lay. Nó có
nghĩa đó là một mối đe dọa cụ thể đối với các quốc gia Baltic và Đông Âu. Nhưng
nó cũng sẽ là một thất bại cho phương Tây. Sự tự tin, cái mà phương Tây đã đạt
được sau thảm họa Afghanistan thông qua phản ứng đồng loạt đối với cuộc xâm lược
của Nga, một lần nữa sẽ là một nghi vấn. Điều đó có thể gây ra một cuộc khủng
hoảng mới ở phương Tây.
.
NTV.DE: Ông
nghĩ gì về “Tuyên ngôn hòa bình” của Sahra Wagenknecht và Alice Schwarzer (1)?
Jan C. Behrends: Không
có ý nghĩa gì cả.
.
NTV.DE: Có
những kêu gọi như vậy ở các nước Đông Âu không?
Jan C. Behrends: Tôi
không nghe nói gì hết.
.
NTV.DE: Tại
sao cuộc tranh luận công khai ở Đức rất khác với Ba Lan?
Jan C. Behrends: Tôi
nghĩ rằng điều này có liên quan đến những trải nghiệm lịch sử khác nhau. Sau
hai cuộc chiến tranh thế giới thua cuộc, nhiều người ở Đức không còn có thể tưởng
tượng rằng họ có thể chiến thắng các cuộc chiến – sau năm 1871, nhiều người ở Đức
vẫn còn nghĩ rằng, Đức sẽ chiến thắng mọi cuộc chiến. Nó đã thay đổi từ cực
đoan này sang cực đoan khác. Ngoài những trải nghiệm tiêu cực với chiến tranh,
có những trải nghiệm ít tiêu cực hơn với những người đến chiếm đóng. Điều này
thường không được nhìn thấy ở Đức: Những người chiếm đóng Ukraine thì hoàn toàn
khác so với người Mỹ hoặc người Anh đóng quân ở Tây Đức sau năm 1945. Đối với
Ukraine, việc chiếm đóng không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc, mà là khởi đầu
của cuộc khủng bố chống lại người dân thường.
Ngoài ra, tôi cũng sợ rằng chúng ta không có
khái niệm về tự do như Ba Lan, Pháp, Ukraine hay Hoa Kỳ. Đức đã được giải thoát
khỏi chủ nghĩa Quốc gia Xã hội (Đảng Quốc Xã của Hitler) từ nước ngoài. Cầm
súng chống lại một chế độ chuyên chế, chống lại sự xâm lược của nước ngoài và
tranh đấu cho quyền tự quyết quốc gia được xem là một việc hiển nhiên hơn ở các
quốc gia khác. Ở Đức, mặt khác, nó hoàn toàn được chấp nhận trong một số phe
nhóm nào đó để nghi ngờ chính điều này.
------------
Chú thích:
(1) “Tuyên ngôn hòa bình” của Sahra
Wagenknecht (từng là lãnh tụ nhóm đại biểu quốc hội Đức của Đảng Cánh
Tả) và Alice Schwarzer (chủ bút tạp chí phụ nữ Emma
tranh đấu cho nữ quyền) kêu gọi Đức và châu Âu ngưng cung cấp vũ khí cho
Ukraine và nỗ lực để 2 bên ngưng chiến cũng như đàm phán hòa bình, được hơn
500.000 người ký tại trang mạng change.org. “Manifest für den Frieden“: Mehr als 500.000
Unterschriften
(2) Đại Khủng bố hay Đại
thanh trừng là phong trào trấn áp ở Liên Xô từ mùa thu 1936 đến cuối
năm 1938, theo lệnh của Josef Stalin và được Bộ chính trị đảng Cộng sản Liên Xô
chấp thuận, được thực hiện bởi Bộ nội vụ Liên Xô (NKVD). Theo một nghiên cứu,
từ cuối năm 1936 tới đầu năm 1938, trung bình mỗi ngày có 1.000 người Liên Xô bị
kết án tử hình. Theo các tài liệu Liên Xô được giải mật, trong khoảng thời gian
từ năm 1937 tới năm 1938, có 1.548.367 người bị bắt giữ, trong đó 681.692 bị xử
bắn. Đại thanh trừng – Wikipedia tiếng Việt
(3) Trại tù đày Gulag: Vào
ngày 1 tháng 1 năm 1939, các trại Gulag, di dân và nhà tù giam giữ gần
1,990,000 tù nhân. Đã có 1,290,000 người (bao gồm 107,000 phụ nữ và khoảng
440,000 người bị kết án về các hoạt động gián điệp, chống đối chính trị) trong
các trại cải tạo lao động. Trại cải tạo lao động của Liên Xô – Wikipedia tiếng Việt
(4) Hiệp ước Hitler-Stalin được
ký kết ngày 23 tháng 8 năm 1939 quy định các nước Phần Lan, Estonia, Latvia,
Litva và Romania thuộc “vùng ảnh hưởng của Liên Xô”. Ngoài ra, Đức chấp thuận
việc Liên Xô thu hồi lại Tây Ukraine và Tây Belorussia. Ngày 1 tháng 9 năm 1939
Đức xâm chiếm Ba Lan, và ngày 17 tháng 9 quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba
Lan theo lệnh của Stalin. Việc phân chia lãnh thổ của Ba Lan giữa Liên Xô và Đức
đã được hoàn thành. Ngày 28 tháng 9 năm 1939, Đức và Liên Xô ký kết Hiệp ước hữu
nghị về biên giới. Sau đó, Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic (Estonia,
Latvia, Litva), Bessarabia và Bắc Bukovina, và một phần của Phần Lan vào lãnh
thổ của mình. Hiệp ước Xô-Đức – Wikipedia tiếng Việt
No comments:
Post a Comment