Sunday, 12 February 2023

ĐIỀU GÌ ĐANG KHIẾN QUAN HỆ ĐỨC - BA LAN BỊ RẠN NỨT? (The Economist)

 



Điều gì đang khiến quan hệ Đức – Ba Lan rạn nứt?

The Economist

Phạm Tuấn Đạt, biên dịch

12/02/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/02/12/dieu-gi-dang-khien-quan-he-duc-ba-lan-ran-nut/

 

Quan hệ Đức-Ba Lan đáng ra hết sức hòa hảo. Hai nước không chỉ có mối quan hệ cá nhân hết sức mật thiết mà còn là đối tác lớn trong giao thương, với hơn 150 tỷ Euro (159 tỷ Đô la Mỹ) mỗi năm. Ngoài ra, Đức và Ba Lan còn là thành viên chủ chốt của NATO và Liên minh châu Âu. Trong cuộc xâm lược của Nga, thời điểm mà an ninh châu Âu bị đặt trong tình thế nguy hiểm nhất từ thời Chiến tranh Lạnh, hai nước chỉ xếp sau Mỹ và Anh trong vai trò là đồng minh chiến lược của Ukraine. Ba Lan là kênh vận chuyển vũ khí chính cho Ukraine, đồng thời là nơi tiếp đón hàng triệu người tị nạn do ảnh hưởng chiến tranh. Lịch sử không mấy tốt đẹp với Nga đã khiến Ba Lan trở thành nước ủng hộ hăng hái, kịp thời và hào phóng nhất cho Ukraine. Đức, dù là nước phản ứng chậm hơn, cho đến nay lại cung cấp nhiều vũ khí hơn so với các nước châu Âu khác.

 

Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 1 năm 2023, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Arkadiusz Mularczyk lại có những lời lẽ tiêu cực dành cho Đức. Ông chỉ trích nước hàng xóm “thiếu tôn trọng” và “không thân thiện”, đồng thời cáo buộc Berlin đang có những động thái nhằm biến Ba Lan thành “chư hầu” của Đức. Ông còn kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp và ủng hộ các tuyên bố của Ba Lan về Đức.

 

Bản thân ông Mularczyk đã đưa ra những cáo buộc này nhiều lần; ông từng đóng góp cho một nghiên cứu được in thành ba cuốn sách để tính chi phí thiệt hại Đức gây ra cho Ba Lan trong Thế chiến II. Được ủng hộ bởi đảng Pháp luật và Công lý (viết tắt là PiS trong tiếng Ba Lan) và xuất bản vào tháng 9 năm 2022, nghiên cứu đã đặt tổng thiệt hại lên đến con số 1,3 nghìn tỷ Euro, gấp đôi GDP của Ba Lan. Vào ngày 3/10/2022, Ba Lan chính thức nêu bản yêu cầu này với Đức, tuy nhiên Đức đã dứt khoát bác bỏ nó.

 

Không ai phủ nhận những tội ác của Phát xít Đức tại Ba Lan, nhưng tất cả đều thuộc về quá khứ hơn 8 thập kỷ trước. Đức sau Thế chiến II đã nhường một phần lãnh thổ lớn cho Ba Lan, đồng thời ký một số thỏa thuận với chính quyền Ba Lan để chấm dứt các cuộc tranh cãi xung quanh cuộc chiến. Vì vậy, thời điểm và thái độ chống Đức của Ba Lan, trong đó yêu cầu đòi bồi thường chỉ là một phần, đã làm dấy lên sự thắc mắc từ nhiều người.

 

Câu trả lời đơn giản cho hiện tượng này chính là hệ thống chính trị bị phân cực của Ba Lan. Các cuộc điều tra dư luận đã chỉ ra lượng ủng hộ dần giảm sút của Liên minh Cánh hữu, vốn cầm quyền từ năm 2015. Liên minh này bị chi phối bởi đảng PiS theo chủ nghĩa dân tộc và có xu hướng bảo thủ về mặt xã hội. Kể từ khi thắng nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019, rạn nứt đã dần xuất hiện giữa các đảng thuộc liên minh. Các đảng nhỏ với quan điểm cực hữu than phiền về đường lối mềm yếu của các đảng lớn hơn khiến Ba Lan không đủ khả năng chống lại sự bắt nạt của Liên minh Châu Âu. Do đó, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 8 năm nay, PiS đã đưa ra những động thái này để tập hợp và đoàn kết các thành phần trong liên minh.

 

“Quan hệ đi xuống với Đức nên được đặt trong bối cảnh chính sách đối ngoại với châu Âu của Ba Lan”, ông Piotr Buras thuộc Viện nghiên cứu của Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế phát biểu. Việc Brussels gây sức ép với Ba Lan liên quan đến những nỗ lực của chính phủ Ba Lan trong việc xóa bỏ nền độc lập tư pháp và đề cao các “giá trị gia đình” khiến lãnh đạo đảng, Jaroslaw Kaczynski, nhận định Đức là tác nhân đằng sau những vấn đề trên. Vào tháng 12/2021, ông tuyên bố rằng mục đích thật của Đức là biến châu Âu thành “Đệ tứ đế chế”. (Đáng chú ý, cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đưa ra lập luận trên trong thông điệp năm mới.) Dù cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã diễn ra hàng tháng trời, ông Kaczynski vẫn tin rằng Đức đang hợp tác với Moscow để “nô dịch hóa” Ba Lan.

 

.

Hai hàng xóm với lịch sử thăng trầm

 

Những nghi ngờ độc địa không phải lí do duy nhất đằng sau những thái độ chỉ trích của Ba Lan dành cho Đức. Đối thủ cánh tả chính của ông Kaczynski, Donald Tusk – thủ tướng Ba Lan từ năm 2007 đến năm 2014 – có một phần gốc Đức (điều khá thường gặp ở tây Ba Lan) và từng làm chủ tịch Hội đồng châu Âu. PiS và đồng minh, vốn có lượng ủng hộ tập trung chủ yếu tại vùng nông thôn phía Đông, đã không ít lần bôi nhọ danh tiếng ông Tusk như một kẻ thân Đức phản bội. “Điều này có thể nghe điên rồ, nhưng xét trong hoàn cảnh của Ba Lan thì lại hết sức hợp lý”, Wojciech Przybylski thuộc Wes Publica, một nhóm nghiên cứu trụ sở tại Ba Lan, chia sẻ.

 

Đức cũng phạm một số sai lầm đáng chỉ trích, và nó không chỉ dừng lại ở việc thiếu sự tôn trọng dành cho Ba Lan so với Israel hoặc Pháp trong việc thừa nhận tội ác của chế độ Phát xít. Ông Kaczynski không phải là đại diện nước đông Âu đầu tiên chỉ trích một thế hệ lãnh đạo Đức tin tưởng mù quáng vào tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến nước này chỉ có một quân đội yếu và phải phụ thuộc hết sức nguy hiểm vào năng lượng Nga.

 

Ông Kaczynski đã tận dụng lợi thế về đạo đức, theo lời ông Butas. Trớ trêu thay, thời điểm ông chọn để kích bác lại trùng hợp với lúc Đức đã nhận ra những sai sót trong quan hệ với Nga, và đường lối ngoại  giao của Đức và Ba Lan đang tương hợp hơn bao giờ hết. Mặc dù có những hành động hào hiệp với Ukraine, Ba Lan lại đang là nước gây ra rắc rối cho liên minh phương Tây nói chung.

 

Khi Đức phát hiện rằng các khí tài gửi cho Ukraine được sử dụng nhiều đến mức chúng bị hỏng, Ba Lan đã ngần ngại trong việc cho phép Đức xây trạm sửa chữa trên lãnh thổ của mình. Cơ sở sửa chữa này sau đó được xây dựng tại Slovakia. Khi một tên lửa Ukraine đi lạc và rơi xuống Ba Lan vào tháng 11 khiến 2 người chết, Đức đã nhanh chóng đề nghị cung cấp cho Ba Lan một hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ban đầu chính phủ Ba Lan đồng ý với lời đề nghị này, thế nhưng ông Kaczynski lại từ chối, cho rằng dù gì binh sĩ Đức thiếu dũng khí cũng không muốn bắn hạ máy bay Nga. Chỉ sau một tuần đầy xấu hổ và lộn xộn thì Ba Lan mới cho phép hệ thống được triển khai.

 

Trước thềm cuộc bầu cử, thái độ bất nhất của PiS sẽ càng trở nên thường gặp hơn. Một ví dụ khác xảy ra ngay trước thềm Giáng sinh, khi chính phủ Ba Lan đưa ra một thỏa hiệp, qua đó cho phép giải phóng 36 tỷ Euro tiền viện trợ và khoản vay của EU vốn bị trì hoãn bởi tranh cãi giữa Brussel và Liên minh Cánh hữu về vấn đề độc lập tư pháp. Thế nhưng, sau đó quyết định lại bị đảo ngược, do PiS chịu áp lực từ các thành viên dân tộc cực đoan trong liên minh cầm quyền. Vấn đề đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

 

Thông điệp chống Đức của Liên minh Cánh hữu, được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông nhà nước, đã có ảnh hưởng lớn tới dư luận Ba Lan. Dữ liệu thu thập hàng năm chỉ ra rằng năm ngoái, lần đầu tiên hơn một nửa người dân Ba Lan thừa nhận rằng quan hệ với Đức không tích cực, và 35% mô tả là “rất tồi tệ”. Vào tháng 12, như để kiểm soát thiệt hại, Andrzej Duda, tổng thống Ba Lan (một vị trí chủ yếu mang tính lễ nghi), cựu nghị sĩ của đảng PiS và là người thường xuyên đóng vai trò “cảnh sát tốt” để cân bằng lại sự thẳng thừng của ông Kaczynski, đã có chuyến thăm người đồng cấp Đức, ông Frank-Walter Steinmeier. Tuy nhiên, những cử chỉ ngoại giao thân thiện, mà ông Kaczynski nhạo báng là “chuyện cổ tích”, là không đủ để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước hiện nay

 

 

NGUỒN :  Why Poland loves to hate Germany”, The Economist, 05/01/2023

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats