Đến
thăm Kiev, « thành công ngoại giao » của Biden
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 21/02/2023 - 14:14
Chuyến thăm của Biden đến thủ đô Ukraina hôm qua,
20/02/2023, là chủ đề bao trùm khắp các mặt báo Pháp lớn số ra hôm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt vòng hoa tại bức tường tưởng niệm bên ngoài
Tu viện Mái vòm Vàng Thánh Michael, Kiev, Ukraina, ngày 20/02/2023. via
REUTERS - POOL
Vì lý do an ninh nên tất cả thông tin đều được
bảo mật đến giờ chót. Libération mô tả chuyến thăm « đầy nắng » của
Biden tại thủ đô Ukraina, đầy chủ ý. Hôm qua, 20/02 không phải là một ngày mà
Biden tình cờ chọn đến Ukraina. Đầu tiên là vì cận kề ngày đánh dấu một năm Nga
xâm lược Ukraina 24/02/2022, và trên hết, đó cũng là ngày cao trào của cuộc
cách mạng Maidan vào năm 2014, khiến hàng trăm người thiệt mạng dưới lệnh đàn
áp của cựu tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovytch và cũng là thời điểm mà cựu
lãnh đạo thân Nga bị lật đổ.
Hành động của Biden không chỉ là để tái khẳng
định sự ủng hộ người dân Ukraina trong cuộc chiến chống lại Matxcơva, « nếu
tấn công Ukraina thì chẳng khác nào tấn công vào Hoa Kỳ ». Theo
Libération, chuyến thăm của Biden có thể tác động đến tinh thần chiến đấu của
Ukraina nhưng cũng có thể là hành động khiêu khích Nga, như là « cái
tát vào mặt Putin », trong lúc mà cuộc giao tranh rất căng thẳng
diễn ra tại Bakhmut và nguy cơ các cuộc tấn công mới. Thêm vào đó, chuyến thăm
này diễn ra một ngày trước khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về những
mục tiêu của cuộc chiến bước sang năm thứ hai.
Trang nhất nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa « Tại
Kiev, Biden bày tỏ sự ủng hộ không thể lay chuyển». Nhân đây, tổng thống
Hoa Kỳ cũng đã thông báo khoản hỗ trợ quân sự mới lên đến 500 triệu đô la, gồm
các loại vũ khí đạn được, tên lửa Javelin hay radar « để bảo vệ
người dân Ukraina khỏi các vụ oanh tạc », nhưng lại không đề cập
đến các loại tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu mà Kiev xin viện trợ. Nhật báo
thiên hữu cho biết, an ninh được siết chặt ở Kiev, hầu hết các tuyến đường đều
bị cấm lưu thông. Các đường dây điện thoại được kiểm tra cẩn thận.
Theo Nhật báo thiên tả, đây là lần thứ bảy Joe
Biden đến Ukraina, những lần trước đó, ông đến trên cương vị là phó tổng thống
dưới thời Barack Obama. Thế nhưng lần này, chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ, được bảo
vệ nghiêm ngặt bởi nhân viên an ninh cùng chiếc xe chống đạn, tổng thống Hoa Kỳ
không thể nhìn thấy cuộc sống thường nhật với tiếng còi báo động, những lần mất
điện, mất nước những cảnh sống trong thời chiến của người dân Kiev.
Les Echos gọi đây là chuyến đi mang tính lịch
sử và chưa từng có tiền lệ. Le Figaro trong một bài đăng khác, thì nhận định rằng
tổng thống Hoa Kỳ đến một nước có chiến tranh mà ở đó không có đơn vị
quân đội nào của Hoa Kỳ được triển khai thì quả là một hành động hiếm hoi. Phải
nói rằng từ một năm qua, những ủng hộ của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Ukraina
là rất lớn, từ quân sự, kinh tế đến ngoại giao. Theo nhật báo thiên hữu, chuyến
thăm đến Kiev được ví như là một thành công về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ,
nhất là đối với vị tổng thống 80 tuổi, thường xuyên bị đánh giá thấp.
Còn về đối nội, đây cũng là dịp để Joe Biden thể hiện rằng mình không bị các cố
vấn dắt mũi theo như chỉ trích của cựu tổng thống Donald Trump. Vào năm 2024,
có khả năng Joe Biden sẽ tái ứng cử tổng thống và đối đầu với ông Trump, một
người luôn bày tỏ ái mộ với Vladimir Putin và coi thường Vododymyr Zelensky.
Nhiều báo cũng quan tâm đến lập trường của
Trung Quốc về cuộc chiến từ một năm qua ở Ukraina. Le Figaro nhắc lại vào cuối
tuần trước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết có thể đề xuất một con
đường dẫn đến hòa bình trong khi mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây không ngừng
gia tăng áp lực với Bắc Kinh. Trong mục tranh luận trên báo La Croix, nhà
nghiên cứu Antoine Bondaz, tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược cho rằng Trung Quốc « thực
dụng và cơ hội ». Trung Quốc chưa từng lên án cuộc chiến xâm
lược của Nga, bỏ phiếu ủng hộ Nga ở Liên Hiệp Quốc nhưng không hỗ trợ điện
Kremlin vũ khí. Trên thực tế Trung Quốc muốn tạo hình ảnh mình là một cường quốc
có trách nhiệm nhưng lại không tách rời khỏi Matxcơva.
Vẫn về chiến tranh Ukraina, Les Echos đưa ra tổng
kết về những hậu quả của chiến tranh đối với nền kinh tế thế giới, như là lạm
phát phi mã, các ngân hàng trung ương buộc phải thay đổi chính sách lãi suất,
khủng hoảng năng lượng do lệnh cấm vận dầu khí Nga… Thế nhưng, bức tranh về
kinh tế Nga một năm qua lại không quá đen tối bất chấp các lệnh trừng phạt từ
phương Tây. Le Figaro có tựa « nghệ thuật xoay sở ngoạn mục của
Nga sau một năm bị trừng phạt ». Quỹ Tiền Tệ Thế Giới đưa ra dự
báo rằng kinh tế Nga vào năm 2023 có thể còn năng động hơn châu Âu.
Theo Les Echos, Matxcơva đã đưa ra những chính
sách hỗ trợ sản xuất trong nước để thay thế các sản phẩm nhập khẩu, giữ tỷ lệ lạm
phát ở mức 12 %. Lệnh cấm vận dầu hỏa Nga của châu Âu và khối G7 chỉ chính thức
có hiệu lực từ tháng 12/2022. Với lệnh cấm xuất khẩu, Nga vẫn có thể trông cậy
vào các « nước bạn » như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc,
hay Iran và Ấn Độ. Trước việc bị loại bỏ bởi hệ thống thanh toán quốc tế Swift,
Matxcơva thiết lập các thỏa thuận liên ngân hàng với Trung Quốc hay Iran. Xã luận
Les Echos kết luận rằng điều này không có nghĩa là các trừng phạt không có hiệu
lực và Nga không phải trả giá khi nhìn vào số liệu thâm hụt ngân sách của Nga
vào tháng Giêng vừa qua.
Le Monde cũng dành hồ sơ lớn về chiến tranh
Ukraina với tựa lớn trang nhất « Những gì đã thay đổi từ một năm
qua ». Về lĩnh vực kinh tế, theo nhật báo Pháp, chiến tranh là một
cú sốc lớn đối với kinh tế châu Âu vì các hậu quả, nhưng cũng là một bước ngoặt
lịch sử đối với Lục địa già khi đã tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí
Nga và chú ý nhiều hơn đến quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Le Figaro và Libération dành sự chú ý tới Ba
Lan, một nước từ lâu đã có quan hệ căng thẳng với Liên Hiệp Châu Âu vì vấn đề
liên quan tới Nhà nước pháp quyền thì nay trở thành một đồng minh thân thiết của
Liên Âu và Hoa Kỳ do chiến tranh Ukraina. Từ một năm qua, Ba Lan là nước tiếp
nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất, là nơi trung chuyển vũ khí đến Ukraina,
và cũng là điểm đến mà tổng thống Hoa Kỳ chọn lựa để đánh dấu ngày 1 năm Nga
xâm lược Ukraina. Vacxava cũng là bên mạnh mẽ thúc đẩy Liên Âu đưa ra các lệnh
trừng phạt Nga. Libération cho rằng nỗi lo về Matxcơva đã hằn sâu khiến Vacxava
nhanh chóng bày tỏ ủng hộ Kiev, dù cho nước này có bị chia rẽ, nhưng đứng trước
vấn đề Nga, thì cả tầng lớp chính trị và xã hội đều chung lập trường. Le Figaro
nhắc lại cuộc xâm lược của Liên Xô vào Ba Lan năm 1939, một nửa lãnh thổ Ba Lan
đã bị chiếm đóng đến năm 1941, có những người Ba Lan bị hành quyết hoặc bị lưu
đày.
Ba Lan cũng là đồng minh hàng đầu của Hoa Kỳ.
Theo nhật báo thiên hữu, một căn cứ quân sự gồm 10 000 binh lính Mỹ được đặt
gần biên giới chung với Ukraina, như là lực lượng răn đe đối với Nga.
Về thời sự quốc tế, tại Israel, theo
Libération, hàng ngàn người xuống đường biểu tình ngày hôm qua, 20/02, phản đối
cải cách tư pháp của chính phủ mới của tổng thống Benyamin Nétanyahou, « chính
phủ độc tài ». Theo cải cách, quyền hạn của các thẩm phán tại Tòa
án tối cao Israel sẽ bị hạn chế đối với các luật cũng như quyết định của chính
phủ cực hữu hiện hành. Về chủ đề này, Le Monde đề cập đến một viện tư vấn –
think tank Kohelet Policy Forum gây tranh cãi tại Israel. Viện tư vấn này
được cho là đứng đằng sau các cải cách khiên dân tình phẫn nộ. Tổ chức này hoạt
động gồm 25 người với ngân sách hàng năm lên đến 6,8 triệu euro. Một trong những
nhà tài trợ hào phóng của thinh tank này là Arthur Dantzig và Jeffrey S.Jass,
các nhà tỷ phú người Mỹ, nhà sáng lập công ty Susquehena và cũng là nhà tài trợ
quan trọng của đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ.
Nhìn sang châu Á, La Croix có tựa « Bắc
Triều Tiên gia tăng các đợt phóng tên lửa gây hấn ». Trong vòng 48 giờ
Bình Nhưỡng đã cho bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm ngắn, và một tên lửa liên lục
địa (ICBM). La Croix trích dẫn phát biểu của Kim Jo-Jong, chị gái lãnh đạo Kim
Jong-un, nhấn mạnh rằng tần suất sử dụng Thái Bình Dương như là một trường bắn
phụ thuộc vào hành động của lực lượng Hoa Kỳ . Hành động gân hấn này của
Bình Nhưỡng diễn ra vài ngày trước thông báo Hàn Quốc và Hoa Kỳ tổ chức tập trận
chung. Trước tình hình này, Nhật Bản đã yêu cầu Hội đồng Bảo An của Liên Hiệp
Quốc họp khẩn cấp ngay ngày hôm nay, tại New York, Hoa Kỳ.
Về thời sự nước Pháp, vấn đề sức mua và khủng
hoảng kinh tế bao trùm khắp các mặt báo Pháp. Trong khi La Croix thì nói đến bất
cập trong việc tiếp cận các hỗ trợ xã hội, lên đến hàng tỷ euro, đôi khi đơn giản
chỉ là vì thiếu thông tin thì Les Echos đặt câu hỏi « người Pháp
có phải đang chết đói ? » khi mà từ một năm qua, tiêu dùng
thực phẩm đã giảm xuống 9 %. Một trong những nguyên nhân là lạm phát giá thực
phẩm lên đến 13 %. Tuy nhiên thực tế thì không phải vì vậy mà người dân Pháp thắt
lưng buộc bụng. Thay vào đó, người tiêu dùng chọn các mặt hàng tương tự nhưng
giá thành rẻ hơn, hoặc giảm những thứ không cần thiết. Ví dụ như thay vì uống
rượu Champagne thì uống rượu sủi bọt Crémant, thay vì ăn gan ngỗng thì ăn các
loại paté.
Theo La Croix, gần đây, nhiều thương hiệu thời
trang của Pháp đã phải đóng cửa. Hôm qua, tòa thương mại Marseille đã ra quyết
định thanh lý đối với thương hiệu giày San Marina. 163 cửa hàng của hãng này tại
Pháp đã chính thức đóng cửa. San Marina không phải là thương hiệu đầu tiên cũng
như cuối cùng phải đối mặt với phá sản thời hậu Covid. Vào tháng 10 năm ngoái,
thương hiệu thời trang may sẵn của Pháp Camaieu cũng đã phải đóng cửa hơn 500 cửa
hàng. Sắp tới, các thương hiệu như Go Sport, Pimkie hay Kookai cũng phải đối mặt
với nguy cơ thanh lý. Không chỉ vì lạm phát khiến sức mua giảm, nhiều doanh
nghiệp thời trang nhanh với mức giá tầm trung ở Pháp, đang gặp phải cạnh tranh
từ các doanh nghiệp bán hàng qua mạng như Shein, với giá thành rẻ và mẫu mã đa
dạng. Bên cạnh đó là sự phát triển của thị trường đồ cũ, trị giá 7 tỷ euro,
tăng nhiều so với năm 2018, chỉ khoảng 1 tỷ euro.
No comments:
Post a Comment