Friday, 17 February 2023

CHUYỆN KỂ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở UKRAINE MỘT NĂM SAU CHIẾN TRANH (RFA)

 



Chuyện kể của người Việt ở Ukraine một năm sau chiến tranh

RFA

2023.02.15

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-lives-of-vietnamese-in-ukraine-a-year-after-the-war-02152023125611.html

 

Gần một năm sau ngày Nga mở cuộc tấn công Ukraine, người Việt ở Ukraine hiện đang sinh sống tản mác khắp nơi, phần đông là ở các nước Châu Âu láng giềng như Đức, Ba Lan, Cộng Hoà Séc, Anh, Pháp…; cũng có người chọn ở lại cùng chiến đấu với người dân Ukraine.

 

Họ chia sẻ với RFA về cuộc sống của mình hiện nay, cũng như lý do vì sao không chọn quay về Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-lives-of-vietnamese-in-ukraine-a-year-after-the-war-02152023125611.html/@@images/94cab5df-de26-48bf-9937-ca6507dab90d.jpeg

Người Ukraine đến Đức tị nạn hồi tháng 3/2022.   Reuters

 

.

Phần đông đã tạm ổn định

 

Chị Vũ Hải Yến định cư ở Ukraine đã gần 20 năm đến khi chiến sự nổ ra vào ngày 24/2/2022. Lúc đó cả gia định chị dắt díu nhau chạy nạn mà không kịp mang theo mảnh giấy tờ tuỳ thân nào. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ của người dân nhiều địa phương, gia đình chị Yến cuối cùng cũng đến được nước Đức.

 

Sau một năm xin tị nạn ở Đức, hiện cuộc sống gia đình chị cũng đã tạm ổn định. Cả nhà được cấp thẻ định cư hai năm, các con được đi học còn người lớn được cấp phép đi làm. Nhà nước Đức hỗ trợ và giúp đỡ người Ukraine và người Ukraine gốc Việt rất nhiều. Họ giúp đỡ nhà ở, tiền điện nước, tiền ăn hàng tháng, họ đóng tiền cho mình đi học tiếng Đức và giúp đỡ đóng tiền học cho trẻ em đi học mẫu giáo. Nhờ đó, cuộc sống cũng không đến nỗi quá chật vật:

 

“Tôi chỉ mất thêm một ít tiền ăn cho con hàng tháng khoảng 1% thôi, còn hầu như là 99% là họ giúp đỡ. Tiền bảo hiểm y tế, hưu trí họ cũng trả cho mình. Nói chung là có bệnh tật gì đi khám bệnh thì có bảo hiểm trả, mình không mất chi phí gì cả.”

 

Tất nhiên, để làm quen với một môi trường mới, công việc mới không thể tránh khỏi nhiều khó khăn, trở ngại. Chị Yến kể thử thách lớn nhất của những người Ukraine gốc Việt tạm lánh nạn chiến tranh là ngôn ngữ. Cho nên, họ thường có xu hướng làm việc cho chủ là người gốc Việt. Nếu gặp được chủ người Việt tốt, có lòng trắc ẩn, thương người thì là cả một sự may mắn:

 

“Còn nếu không may rơi vào những chủ sống không có tình người thì rất khổ. Họ chèn ép tiền lương, bóc lột sức lao động của mình, nói một đằng làm một nẻo. Thật sự thì tôi vẫn cảm thấy không ở đâu bằng nhà mình.”

 

Với chị Yến, điều chị mong muốn nhất là Ukraine sẽ chiến thắng, chiến tranh sẽ kết thúc để gia đình chị có thể trở về ngôi nhà của mình. Do đó, chị cùng với cộng đồng người Việt tị nạn đã cố gắng làm việc, gởi tiền về hỗ trợ cho quân đội Ukraine:

 

“Họ cố gắng làm việc và gửi tiền về giúp quân đội, giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Ukraine vì họ thật sự yêu và biết ơn đất nước Ukraine trước kia đã cho họ định cư và bao dung họ bao nhiêu năm qua.”

 

.

Vẫn còn số ít bám trụ ở Ukraine

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-lives-of-vietnamese-in-ukraine-a-year-after-the-war-02152023125611.html/pola.png/@@images/7e3f56a5-5fe3-4829-81c9-b00dd49166e2.png

Một trại tị nạn ở biên giới Ukraine và Ba Lan. Ảnh: Reuters

 

Ông Đông (yêu cầu được đổi tên vì lý do an toàn), hiện vẫn đang bám trụ tại Ukraine chia sẻ với RFA rằng ông coi Ukraine như là tổ quốc, là nhà, là nơi để quay về. Do đó, thay vì rời đi như số đông, ông chọn ở lại, tiếp tục làm việc và giúp đỡ quân đội Ukraine chống giặc.

 

Sau khi chiến tranh xảy ra chừng hai tháng, nhà máy sản xuất bao bì của ông hoạt động trở lại nhưng công suất chỉ bằng 40% so với bình thường do giao thông cách trở bởi các vùng chiến sự, và nhiều phụ nữ, trẻ em Ukraine đã rời đất nước đi lánh nạn:

 

“Trong thời gian xảy ra chiến tranh tất nhiên có rất nhiều khó khăn ở các thời kỳ khác nhau. Đầu tiên là số lượng đơn đặt hàng giảm, các mặt hàng tiêu dùng thì người Ucraina họ cũng mua ít hơn bởi vì người ta cũng phải tiết kiệm. Phần lớn phụ nữ và trẻ em đã ra nước ngoài cho nên tôi chỉ có đơn hàng bằng 40% trước khi chiến tranh.”

 

Nhưng như vậy cũng đủ để ông Đông nuôi gia đình và trả lương cho hơn 150 công nhân. Trong gian đoạn khó khăn của đất nước, ngoài những nam thanh niên phải ra trận, số còn lại thất nghiệp cũng nhiều. Do đó, giúp cho người dân có được công ăn việc làm trong lúc này cũng là góp phần ủng hộ Ukraine chiến đấu chống lại Nga - ông Đông cho biết.

 

Ngoài ra, khi chọn ở lại, ông Đông còn có thể giúp quân đội bằng nhiều cách thiết thực khác:

 

“Những người ở lại Ukraine giúp được rất nhiều cho quân đội. Ví dụ như là tôi đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn cả năm ngoái. Thứ hai là tôi còn mua máy phát điện, mình mua ô tô hỏng về sửa lại để cho nó chạy thật tốt rồi gửi cho quân đội để họ dùng. Những việc như vậy tôi ở Ukraine thì giúp dễ dàng hơn.”

 

.

Vì sao không về Việt Nam lánh nạn?

 

Ông Đông cho biết, hiện nay, số người Việt còn ở lại Ukraine chỉ khoảng 500 người, trong số tầm hơn 7000 người Việt sinh sống ở đất nước này. Phần đông còn lại đã di tản sang các nước Châu Âu khác chứ không chọn quay về Việt Nam:

 

“Phần đông tất nhiên là họ chọn di tản sang Châu Âu, bởi vì ở Châu Âu họ sống quen hơn, môi trường tốt hơn.

Hơn nữa khi sang Châu Âu thì họ được các nước lo cho chỗ ăn ở và tạo điều kiện để đi làm. Cho nên những người nào đi làm những công việc đơn giản thì cũng đã kiếm được tiền, không nhiều nhưng cũng đủ để tích lũy và có thể bay về Việt Nam chơi.”

 

Chị Hải Yến cũng nói rằng cả gia đình mình chọn sang Đức mà không về vì Việt Nam không có các chính sách hỗ trợ cho người tị nạn Ukraine:

 

“Lí do tôi không thể đưa con về sinh sống ở quê hương Việt Nam mình là do tôi cũng đi từ lâu rồi nên bây giờ về Việt Nam thấy rất bỡ ngỡ, cũng không biết làm gì để sống.

Vả lại, Chính phủ Việt Nam cũng không có chính sách gì giúp đỡ cho những người Ukraine gốc Việt như bọn tôi, rồi chuyện làm giấy tờ, nhập học cho con cái cũng là cả một vấn đề. Ở đâu cũng vậy thôi, không có tiền, không có công việc làm sao mà sống.”

 

Theo công bố của Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 3/2022, Việt Nam đã đưa khoảng 1000 người Việt tại Ukraine về nước. Sau đó,  Việt Nam không thông tin thêm rằng có chương trình nào hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn Ukraine về nước tạm lánh nạn hay không.

 

-----------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Hình đoàn Ukraine tham dự cuộc thi chạy ở Hà Nội bị xóa: khó tin hay dễ hiểu?

 

Việt Nam rơi vào thế khó xử khi Nga thất bại ở Ukraine

 

Doanh nhân người Việt tại Ukraine chung tay giúp đồng hương trong cuộc chiến

 

Mục sư người Việt tại Ukraine: xót thương người Việt di tản năm xưa

 

Mặt trận tuyên truyền: Khi cái loa của Đảng chuyển sang phát sóng cho Nga

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats