Thursday, 9 February 2023

CA SĨ BỊ KÊU GỌI TẨY CHAY VÌ GỐC GÁC VIỆT NAM CỘNG HÒA (RFA)

 



Ca sĩ bị kêu gọi tẩy chay vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà

RFA

2023.02.09

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-singer-boycotted-because-her-family-follow-the-republic-of-vietnam-02082023132043.html

 

Câu chuyện cộng đồng fan Kbiz Việt Nam đồng loạt tấn công, tẩy chay cô ca sĩ Hanni Pham phơi bày nhiều khía cạnh đáng lo ngại đang tồn tại trong xã hội Việt Nam: đó là nền giáo dục định hướng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cho đến khả năng hòa giải dân tộc...

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-singer-boycotted-because-her-family-follow-the-republic-of-vietnam-02082023132043.html/@@images/a1a44ac6-9a4c-4355-95f7-07201dc6d072.jpeg

Ca sĩ Hanni Pham.  Photo: RFA

 

.

Hứng bão tẩy chay vì gốc gác Việt Nam Cộng Hoà

 

Hanni Pham, sinh năm 2004, là người Úc mang dòng máu Việt, hiện là thành viên của nhóm nhạc Idol Hàn Quốc New Jeans. Cô ca sĩ này hiện đang bị cộng đồng fan Kpop Việt Nam kêu gọi tẩy chay mạnh mẽ vì có ông bà, cha mẹ là người có tư tưởng theo chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

 

Từ ngày 6/2, trên các diễn đàn cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam như K CRUSH ĐỘNG với gần 589 ngàn thành viên, K Flower có hơn 418 ngàn người theo dõi… đều đồng loạt đăng tải các bài viết về xuất thân, gia thế của Hanni.

 

Tác giả truy tìm tất cả tài khoản Facebook người thân của Hanni, từ ông bà, cha mẹ cho đến người thân của ca sỹ này đã từng chụp hình dưới lá cờ vàng. Từ đó suy ra rằng Hanni được nuôi dạy trong một gia đình theo Việt Nam Cộng Hoà nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

 

Những bài viết này thu hút hàng ngàn bình luận. Cộng đồng fan Việt, mà đa phần là học sinh, sinh viên, cho rằng gia đình Hanni thuộc thành phần “phản động, ba que, bán nước”… cần phải tẩy chay cô ca sĩ này.

 

Một Facebooker tên Ngọc Ánh, là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Hàn, đang sống tại Hà Nội viết trên Facebook về vụ việc này rằng:

 

“Không thể nói là gia đình không ảnh hưởng đến tư tưởng con bé được. Hanni có thể quay lưng lại với cả gia đình và bày tỏ quan điểm chính trị của mình không? Chắc chắn bạn đã có câu trả lời…

Đừng xem nhẹ vấn đề chính trị. Bác Hồ đã từng nói: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Việc ủng hộ một idol theo phản động ít nhiều cũng góp phần cho phát triển của hệ tư tưởng này.”

 

Một loạt cư dân mạng còn ùa vào tấn công trang Facebook “Võ đường Thần Phong”, đây là võ đường do ông ngoại của Hanni thành lập ở Úc.

 

Người quản lý võ đường này, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng  cha mẹ của Hanni hiện đã đóng Facebook, còn ông thì không quan tâm đến những lời tấn công, mạt sát trên Fanpage của võ đường:

 

“Cái chuyện này mình thấy cũng hơi bá láp một chút xíu. Chuyện người ai làm thì người đó chịu. Con cháu bây giờ nó đã lớn rồi, nó có những sinh hoạt, hoạt động riêng, con đường tiến thân của nó. 

Bây giờ mình cứ lấy những chuyện cũ ra để đè đầu, bóp cổ, vùi dập những nhân tài đi thì tôi thấy rất là đau buồn cho đất nước của mình, cho những người Việt nói chung.”

 

.

“Hồng vệ binh” thế hệ mới?

 

Bình luận về sự kiện này, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng phản ứng điên cuồng, sử dụng đám đông để hò hét là phương thức của “hồng vệ binh” (tầng lớp thanh thiếu niên Trung Quốc bị đảng cộng sản tẩy não tôn sùng Mác-Lê nin và Mao Trạch Đông). Họ luôn đòi hỏi tất cả những ai mà họ yêu thích đều phải quy phục họ, nhưng mà thế giới này không có trò trao đổi như vậy:

 

“Thái độ của những người điên cuồng khi nghĩ rằng khi tôi thích bạn thì bạn phải nô lệ về tinh thần của tôi nhưng có những người họ mạnh hơn rất nhiều.

Họ muốn cô ca sĩ này phải từ bỏ truyền thống gia đình, từ bỏ cội nguồn để gia nhập vào cái sự tự hào chung của họ. Nhưng mà nói thì nói tội nghiệp, chứ thực sự thì cô bé đó cũng đã được tự hào được hâm mộ bởi hàng triệu người khác không cần những người lúc nào cũng rơi vào bàn phím chính trị.

Cái giá trị tình cảm mà bị pha trộn bởi chính trị bao giờ nó cũng mong manh dễ vỡ giống như một đứa con gái mới yêu mà ngu xuẩn vậy đó.”

 

Theo quan điểm của nhạc sĩ Tuấn Khanh, đám đông đó rất tội nghiệp, bởi vì họ chỉ chống lại những người không đủ khả năng để chiến đấu lại với họ mà thôi. Bây giờ họ chửi những người của chế độ trước đều là “ba que, bán nước” nhưng mà khi con gái của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy con trai của một viên chức nhà nước Việt Nam Cộng Hòa thì không ai nói một lời nào cả.

 

.

Hậu quả của nền giáo dục tuyên truyền?

 

Khoa (yêu cầu chỉ nêu tên), đến Mỹ du học từ năm lớp 11 và hiện đang làm việc ở Mỹ, cho rằng những phản ứng thái quá, mang tính đám đông này của giới trẻ hiện nay là bởi một chế độ giáo dục tuyên truyền, định hướng ngay từ nhỏ, mà chính anh cũng đã từng trải qua.

 

Bằng trải nghiệm của mình, Khoa nói anh cảm nhận được thái độ hằn học của giới trẻ trong nước đối với lớp trẻ là con em gia đình Việt Nam Cộng Hoà, mà Hanni là một điển hình. Chứ ở chiều ngược lại, anh không thấy có sự ghét bỏ của nhóm người trẻ gốc Việt ở Mỹ đối với lớp trẻ lớn lên trong gia đình Cộng sản ở trong nước. 

 

“Cái chính vẫn là do giáo dục bằng tuyên truyền của nhà nước Việt Nam. Nếu họ không bưng bít, nói đầy đủ sự thật ra thì có thể vẫn có những bất đồng, nhưng không thù hận đến mức dữ dội như vậy.

Thế hệ bên này (Mỹ - PV) họ cũng có nghe nói về sự hận thù của cha ông nhưng mà họ không có bị ảnh hưởng nhiều mà họ còn cởi mở hơn. Thế hệ trẻ con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba không phải tiếp nhận chế độ giáo dục tuyên truyền một chiều nên họ có cái nhìn về Việt Nam tương đối là cởi mở và thông cảm hơn.

 

.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan?

 

Một fan Kpop yêu cầu được dùng nickname là Yun bình luận với RFA qua email cho rằng hiện tượng tấn công tập thể (ném đá, witch hunt) này không chỉ xuất hiện trong cộng đồng fan K-pop.

 

Nếu nhìn lại các sự kiện trước đây từng lan truyền trên mạng xã hội, từ bệnh nhân COVID số 19 đến những tranh cãi liên quan đến bánh mì, bóng đá,…yếu tố “yêu nước” đã bị lạm dụng để dẫn dắt và định hướng dư luận. Ai cũng có thể dự phần vào hành vi này, bất kể họ được trang bị kiến thức như thế nào.

 

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được các nhóm dư luận viên với sự ủng hộ của nhà nước sử dụng khá bài bản để định hướng hành động của người dùng mạng. Những yếu tố như “lòng yêu nước”, “Tổ quốc”, “anh hùng dân tộc”, “hy sinh”, “chúng ta (phe chính nghĩa) với chúng nó (phe chống phá)”… được dùng làm chất liệu cho những cuộc đấu tố online và khơi gợi cảm xúc mạnh từ người nhận thông tin. 

 

Kết hợp với hệ thống tuyên truyền đã được tiếp xúc từ cấp tiểu học đến đại học, không khó để thanh thiếu niên liên hệ những lời kêu gọi đó với tinh thần ái quốc của mình. Vậy nên, tôi không hướng toàn bộ chỉ trích vào các học sinh sinh viên, mà quan trọng hơn, chính là các nhóm đứng sau những cuộc đấu tố online như vậy.

 

Nếu quan sát thêm, bạn sẽ thấy hệ thống dư luận viên và tình nguyện viên này có rất nhiều trong các group giải trí, hóng drama, học hành, CLB sở thích, phim ảnh và thường sẽ tổng vận động khi có những sự kiện, tranh cãi (thậm chí do chính họ tự tạo ra mâu thuẫn) trong xã hội.

 

Công thức chung thường là họ kêu gọi săn lùng thông tin cá nhân, cắt ghép thông tin, báo cáo các bài viết, tài khoản trái ý kiến, và sử dụng ngôn từ thù ghét để phi nhân hoá, khiến đối tượng bị nhắm đến không được nhìn như những con người bình đẳng, mà là một “loài” khác, đáng bị loại bỏ khỏi xã hội.

 

Việc kích động và chia rẽ này cuối cùng vẫn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của nhà quản lý, khiến vai trò của họ trở nên quan trọng và có ý nghĩa bảo đảm sự bình yên của xã hội. 

 

.

Hoà giải dân tộc ngày càng mong manh

 

Trước đây, khi nói đến hoà hợp hoà giải dân tộc, người ta chỉ thường nghĩ rằng đối tượng hoà giải là những người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh.

 

Tuy nhiên, qua sự kiện này, anh Khoa cho rằng bằng hệ thống tuyên truyền định hướng của nhà nước Việt Nam, lòng thù hận chế độ Việt Nam Cộng Hoà, “Nguỵ quân, Nguỵ quyền”… đã ăn sâu vào tiềm thức của phần đông giới trẻ Việt Nam. Do đó, Khoa nhận xét khả năng hòa giải giữa hai phía là ngày càng mong manh:

 

“Muốn hòa giải thì cả hai bên đều phải có thiện chí. Tuy nhiên, cần phải có thiện chí lớn hơn từ bên làm tổn thương bên còn lại.

Hồi đầu mình còn nghĩ về chuyện này, mình mong muốn về sự hòa giải dân tộc, nhưng mà bây giờ càng ngày mình càng cảm thấy chuyện này về hiện tại rất khó khăn,

Bây giờ với thế hệ thứ hai này, mặc dù bây giờ họ không trải qua chiến tranh nhưng họ đã ngấm cái chiêu bài tuyên truyền khá là nặng rồi.”

 

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, “Hoà hợp- hoà giải” là một chủ trương của nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay lời nói thì nhiều chứ hành động không có bao nhiêu. Nó như là chiếc áo mặc đối phó thời thế của chính quyền. Một khi đã thực sự muốn điều đó thì họ sẽ buộc mọi tầng lớp mặc áo hòa giải nhũn nhặn cho đồng bộ. Khi ấy mọi kiểu hung hăng làm trò yêu nước như câu chuyện nêu trên cũng sẽ ngả màu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats