Friday 24 February 2023

23/02/2023, TỔNG QUAN TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ UKRAINE MỘT NĂM QUA (Phan Châu Thành)

 



23/02/2023, TỔNG QUAN TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ UKRAINE MỘT NĂM QUA    

Phan Châu Thành 

23-2-2023  18;02  

https://www.facebook.com/chau.t.phan/posts/pfbid0Aosb71JyAkqHVD2kvmbYozF66S5AhhzJaSADNCzxMkH7a9k3xQc2iDYG3W5wN6e4l

 

Hôm nay là ngày cuối cùng đánh dấu 1 năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraina, thay vì đưa bản tin, mình làm 1 tổng hợp ngắn cả năm qua để mọi người có thể hình dung lại toàn bộ cuộc chiến này:

 

1. Giai đoạn bắt đầu: xâm lược.

 

Rạng sáng ngày 24-02-2022, lúc 5h, quân Nga bất ngờ ào ào vượt qua biên giới, tấn công không báo trước vào Ukraina. Dưới chiêu bài „giải trừ quân bị và xóa bỏ nạn phát xít mới”, quân đội Nga tuyên bố thực thi „chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm „bảo vệ người dân và đem lại hòa bình cho Ukraina”. Theo kế hoạch, truyền thông Nga - dẫn lời tổng thống Nga Putin - công bố: „sẽ chiếm Kyiv trong 36h và khuất phục toàn bộ Ukraina trong vòng 7 ngày”. Với tương quan lực lượng, hỏa lực 10 chọi 1, quân Nga hoàn toàn tự tin rằng chiến thắng sẽ đến dễ dàng. Các đoàn xe cơ giới của Nga mở đường bằng xe tăng, ùn ùn lao vào trung tâm các thành phố ven biên, không thèm để ý tới các lực lượng phòng thủ của Ukraina, cho rằng „quân đội Ukraina sẽ chạy như vịt” còn người dân Ukraina sẽ đổ ra đường „chào đón với cờ và hoa”. Nhưng họ đã nhầm.

 

Cuộc đổ bộ thất bại của lính dù Nga vào sân bay Hostomel ở ngoại ô Kyiv là một dấu hiệu đầu tiên cho thấy „có điều gì đó không ổn” trong kế hoạch của Nga. Các trực thăng Ka-52, niềm tự hào của quân đội Nga, được cử tới yểm trợ cuộc đổ bộ bị bắn rụng bởi các tên lửa vác vai Stingers khiến lực lượng đổ bộ ban đầu bị cô lập rồi tiêu diệt hoàn toàn. Sân bay không chiếm được.

 

Tiếp theo là phát biểu cứng rắn của tổng thống Zelensky trên truyền hình: „Tổng thống vẫn ở đây, Bộ trưởng Bộ quốc phòng vẫn ở đây. Chúng tôi không đi đâu cả. Chúng ta sẽ cùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”. Từ một diễn viên hài – một thằng hề theo cách gọi khinh miệt của những kẻ ủng hộ Nga – ông Zelensky trở thành một điểm tựa vững chắc cho toàn bộ quân dân Ukraina trong những ngày đen tối đó, sau khi từ chối đề nghị di tản của phía Mỹ. Câu nói của ông: „Tôi không cần một cuộc đi nhờ. Chúng tôi cần đạn !” trở thành một câu nói được nhắc tới nhiều nhất sau này. Không chỉ bản thân, vợ con ông cũng ở lại Kyiv. Cùng với quốc gia, ông Zelensky đem đặt cược tính mạng của bản thân và cả gia đình mình.

 

Sau cú sốc ban đầu, quân đội Ukraina nhanh chóng tổ chức phòng ngự. Quân Nga bị chặn lại ở xung quanh Kyiv, tại các vùng phía bắc: Irpin, Bucha, Hostomel. Hình ảnh những người lính Ukraina ẩn nấp, dùng tên lửa chống tăng vác vai Javelin tiêu diệt hàng loạt các đội hình xe tăng Nga, biến chúng thành những đống sắt vụn thành biểu tượng của giai đoạn này, đến mức có những lúc, lính Nga cứ thấy bóng lính Ukraina là vứt bỏ xe tăng mà chạy, bởi không thể nào chống nổi. Tức tối vì thất bại, quân Nga trút giận lên đầu dân thường, gây ra những cuộc thảm sát cực kỳ tàn bạo, bao gồm cả tra tấn lẫn cực hình tại Bucha, Irpin.

Không chỉ ở Kyiv, việc quân Nga bị chặn đứng tại thành phố Chernihiv khiến cho „gọng kìm” tấn công vào phía đông Kyiv không tiến lên được. Cả Sumy lẫn Kharkiv đều đứng vững cho thấy quân Ukraina không hề yếu ớt như phía Nga dự trù.

 

Thành công của Nga đến được từ mặt trận phía nam, khi từ Crimea, quân Nga nhanh chóng chiếm hàng loạt thành phố: Berdyansk, Enerhodar, Melitopol, vượt qua sông Dnipr dễ dàng rồi chiếm được Kherson. Mariupol, hải cảng quan trọng nhất của Ukraina ở biển Azov cũng bị bao vây. Nhưng khi mũi tấn công chủ lực theo hướng Odessa bị chặn lại ở gần Mykolaiv, tại khu vực Voznesenskyi, thì quân Nga chựng hẳn lại, tuy đã chiếm được phần lớn tỉnh Zaporizhzhia.

 

2. Giai đoạn hai: bảo vệ Kyiv.

 

Trong suốt tháng 3-2022, quân Nga tìm cách tấn công, bao vây Kyiv, sử dụng một lực lượng cơ giới khổng lồ. Hẳn chúng ta còn nhớ tới đoàn xe quân sự dài đậu rồng rắn 64 km từ biên giới Nga tới phía bắc thành phố - đến bây giờ thực sự vẫn không hiểu mục đích là gì ? Phô trương lực lượng, dọa hàng hay không thể tập hợp ? Không ai rõ cả, nhưng ngay cả với lực lượng khổng lồ đó, Nga cũng không sao vào gần được Thủ đô.

 

Sau nhưng phút bàng hoàng, cả thế giới bắt đầu lên tiếng phản đối Putin về cuộc xâm lược. Các viện trợ quân sự, dân sự, các trừng phạt kinh tế đối với Nga bắt đầu được thực hiện, thể hiện rõ rằng Ukraina sẽ không đơn độc và thế giới văn minh không để cho Putin thích làm gì thì làm, bất chấp sự đe dọa của truyền thông và chính phủ Nga.

 

Hơn 2 triệu phụ nữ, trẻ em, người già… đã phải bỏ nhà cửa, công việc bồng bế nhau đi di tản. Nhưng hơn 200.000 thanh niên trai tráng Ukraina lại bỏ công việc, bỏ nơi an toàn để trở về từ nước ngoài, gia nhập quân đội, dân quân địa phương, làm tình nguyện viên…, miễn là làm gì đó để bảo vệ Tổ quốc.

 

Điểm nhấn của giai đoạn này phải nói tới việc soái hạm Moscow của Hạm đội biển Đen bị đánh chìm, các âm mưu đổ bộ bằng đường biển vào Odessa thấy bại, cùng việc quân Nga phải bỏ chạy khỏi đảo Rắn do không chịu nổi tên lửa của phía Ukraina. Thuật ngữ chữa thẹn nổi tiếng của Nga: „rút lui để thể hiện thiện chí” ra đời.

 

Nhưng thành công lớn nhất của quân đội Ukraina trong thời gian này lại là trận chiến chặn đứng cánh quân phía đông bắc của Nga ở Chernihiv, khiến quân Nga không thể tấn công Kyiv dọc theo con sông Dnipr, về phía đông. Thiếu sự chuẩn bị và tiếp tế cho một cuộc chiến lâu dài, hết đạn, lương thực, quân Nga bắt buộc phải rời bỏ chiến trường Chernihiv, rồi Kyiv. Đó là thất bại lớn nhất của Nga cho tới lúc này, khi phải bỏ lại khoảng 25% lãnh thổ đã từng chiếm được.

 

Thuật ngữ „rút lui chiến thuật” - được truyền thông Nga sử dụng - ra đời

 

3. Giai đoạn ba: bảo vệ Kharkiv.

 

Rút khỏi Kyiv, quân Nga tập trung tấn công vào một mục tiêu „dễ” hơn: Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, chỉ cách biên giới Nga có chưa đầy 50km, rồi sửa lại „mục tiêu” cuộc xâm lược là vùng Donbass. Hàng loạt các thành phố trong tỉnh thất thủ, bị quân Nga chiếm được, trong đó có Izium, nơi mà quân Nga có kế hoạch sử dụng làm bàn đạp, tạo ra những „gọng kìm” từ phía bắc đánh xuống phía nam.

 

Nhưng thành phố Kharkiv, trái với mong đợi của phía Nga, không chịu đầu hàng. Bất chấp lực lượng yếu hơn hẳn, có nhiều khi quân Nga đã tràn tới phía nam, tưởng như thành phố bị bao vây, Kharkiv vẫn kiên cường đứng vững. Không những thế, quân Nga còn bị chặn lại trên sống Severodonetsk và những mũi tấn công vào Slovyansk đều bị vô hiệu hóa, khiến quân Nga ở phía bắc gần như kiệt quệ.

 

Thành công của phía Nga giai đoạn này nằm ở chiến trường Donbass. Phía Nga dần dần chiếm được Rubizne rồi Popasna, ép quân Ukraina phải rút khỏi Severodonetsk rồi bỏ chạy khỏi Lysychank, nơi mà cho tới giờ, truyền thông Nga vẫn ca ngợi „là chiến công lớn nhất !”. Tuy nhiên sau khi lùi về Seversk, cách Lysychansk chừng 30 km, quân Ukraina lại thành lập được một phòng tuyến mới và lần này, chặn đứng được quân Nga.

 

Nhưng Mariupol thất thủ sau nhiều ngày cầm cự „còn hơn cả sức chịu đựng của những anh hùng”, những người bảo vệ Ukraina hết đạn, bắt buộc phải ra hàng. Hàng ngàn dân thường không di tản kịp bị giết hại, đỉnh điểm là vụ máy bay Nga bất chấp cảnh báo, ném bom vào nhà hát Mariupol, khiến khoảng 600 phụ nữ, trẻ em trú ẩn bên trong thiệt mạng.

 

4. Giai đoạn bốn: quân Ukraina phản công.

 

Bắt đầu từ tháng 4, quân Ukraina nhận được các hỗ trợ về huấn luyện cũng như vũ khí mới của phương Tây, bao gồm các loại xe quân sự hạng nhẹ và hơn 20 hệ thống tên lửa HIMARS, mà sau đó nhanh chóng trở thành thứ vũ khí quan trọng nhất trên chiến trường bởi tầm xa và độ chính xác của chúng, gieo rắc kinh hoàng cho phía Nga.

 

Cuối tháng 7, khi các đạo quân mới này được huấn luyện và trang bị theo tiêu chuẩn NATO trở về và ra tới chiến trường, tuy mới chỉ có các loại vũ khí hạng nhẹ, nhưng cũng bắt đầu khiến cục diện trở nên thay đổi: quân Ukraina tiến hành tổ chức các cuộc phản công ở Kharkiv, Kherson và Izium. Thành công bước đầu được nhìn thấy là khi quân Nga bị đẩy lùi ra cách Kharkiv khoảng 30km.

 

10-09-2022, quân Ukraina bất ngờ tái chiếm Izium, lực lượng Nga ở phía bắc không còn tinh thần chiến đấu, bỏ chạy như vịt, vứt lại rất nhiều vũ khí, khí tài. Trong thời gian ngắn, quân Ukraina giải phóng được một vùng rộng lớn, khiến quân Nga phải rút về tận phòng tuyến Svatove-Kreminna mới có thể trụ lại được. Một loạt thành phố trong vùng được quân Ukraina giải phóng mà không tốn phát đạn nào. Quân Nga chỉ lo cắm đầu chạy. Đây có lẽ là cuộc bỏ chạy nhục nhã nhất trong cuộc chiến này của phía Nga.

 

Giữa tháng 11-2022, quân Nga phải rút khỏi Kherson, sau nhiều tháng cố gắng trụ lại, nhưng không thể. HIMARS phá nát các kho hậu cần, cầu, phà… khiến việc tiếp tế trở nên ngoài khả năng đối với phía Nga. Không còn cách nào, quân Nga bỏ bờ tây sông Dnipr, chuyển về bờ đông. Kherson được giải phóng.

 

Một lần nữa, Nga lại tuyên bố: „rút lui về các vị trí thuận lợi hơn” khi nói tới thất bại này.

 

5. Giai đoạn năm: Nga tấn công Bakhmut.

 

Nhận thấy không thể chiến thắng trên chiến trường, chính quyền Nga hèn hạ chuyển sang tấn công các mục tiêu dân sự: nhà máy điện, nước, các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng… hủy hoại đời sống cũng như nền kinh tế hòng gây sức ép lên dân chúng Ukraina, qua đó bắt chính phủ Ukraina phải đàm phán hòa bình theo các điều kiện của Nga – nhưng đến giờ này vẫn không thể ép buộc nổi.

 

Cuối tháng 10-2022, Putin ra lệnh tổng động viên, bắt thêm 450.000 lính để đưa ra bù đắp những thiệt hại, cùng khoảng 40.000 tù nhân bổ sung cho lực lượng lính đánh thuê Wagner. Hơn 700.000 đàn ông Nga bỏ chạy ra nước ngoài để khỏi phải đi lính. Một bộ phận lính tổng động viên được điều ngay lập tức ra chiến trường, không hề được huấn luyện và chở thành bia thịt, số còn lại, đầu tháng 2-2023 vừa qua đã tập trung về Bakhmut, với quyết tâm chiếm được thành phố 70.000 dân này tại vùng Donbass làm „thành tích”, hy vọng thay đổi được phần nào cục diện cuộc chiến.

 

Hơn 6 tháng trời ròng rã, Bakhmut bị đạn Nga phá nát, các làng mạc xung quanh thành bình địa. Nhưng thành phố vẫn chưa bị bao vây và phía Ukraina vẫn hoàn toàn làm chủ, với cái giá phải trả về người là khổng lồ cho cả hai bên.

 

Một năm trôi qua, Putin chưa thể thực hiện được bất kỳ một mục tiêu nào đề ra, ngược lại, còn phơi bày cho thế giới bộ mặt thật: xảo trá, nói dối không ngượng mồm, độc ác, bất chấp tất cả chỉ để củng cố quyền lực. Chủ nào tớ nấy – vây quanh ông ta là một lũ phét lác, tham nhũng, bất tài, còn quân đội Nga – quân đội số hai thế giới như họ tự phong – chỉ là một lực lượng ô hợp, huấn luyện kém và mạnh ở trên giấy. Vũ khí Nga thì… ôi thôi.

 

Những tính toán của Putin về châu Âu cũng phá sản hàng loạt: EU không thiếu năng lượng, không chết rét khi ngừng mua dầu khí từ Nga, cũng không khủng hoảng trầm trọng, cũng không ép Ukraina phải đàm phán với Nga, mà ngược lại, sự ủng hộ cho Ukraina ngày càng mạnh mẽ hơn.

 

Tuy chịu rất nhiều mất mát, quân và dân Ukraina vẫn đang anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình. Lúc này, lại tiếp tục những đội quân Ukraina lên đường sang phía tây để đi huấn luyện, để mùa xuân tới, họ sẽ trở về cùng vũ khí hạng nặng nhận được từ NATO: xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống tên lửa tầm xa…

 

Lúc đó, xem Putin chống đỡ kiểu gì.

 

Viva Ukraina

 

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10222621135092171&set=a.1730530418183

Bản đồ chiến sự Ukraine

 

.

134 BÌNH LUẬN   

 

 

·         

Vo Bill

Phóng sự cực hay về cuộc chiến này và sự lớn dần của con quỷ trong người Putin.

https://youtu.be/aJI8XTa_DII

YOUTUBE.COM

Putin and the Presidents (full documentary) | FRONTLINE

 

 

Plam Nguyen

https://www.bbc.co.uk/news/world-europe-64664944

BBC.COM

How Russia's 35-mile armoured convoy ended in failure




No comments:

Post a Comment

View My Stats