Viện
Kiểm sát Nhân dân Tối cao muốn tăng quyền cho công an xã: Bạn có nên yên tâm?
THANH
NGỌC - Luật Khoa
03/11/2021
Nguy cơ công an lạm
quyền càng tăng với dự thảo trao thêm quyền cho công an xã.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/CAX-1024x536.jpg
Trái: Viện trưởng
VKSND Lê Minh Trí. Phải: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nền: Minh họa công an xã.
Ảnh: Dân Trí, Báo Đầu tư, VnExpress
Trong tháng 10/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân
(VKSND) Tối cao và Bộ Công an đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 Bộ
luật Tố tụng Hình sự để tăng quyền cho công an xã. [1] Theo đó, công an xã sẽ
có thêm thẩm quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” các tin báo, tố giác tội
phạm.
Theo quy định hiện có, khi nhận thông tin tố giác tội phạm, công
an xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, lập biên bản, lấy lời khai ban đầu rồi chuyển
ngay cho cấp trên chứ không thực hiện điều tra. [2] Thay đổi theo hướng này đồng
nghĩa là công an xã sẽ có thẩm quyền tương đương với công an phường, thị trấn,
đồn công an.
Khi năng lực của lực lượng công an xã chưa được
đánh giá đầy đủ, việc tăng quyền nếu được Quốc hội đồng ý có thể dẫn đến những
hậu quả khó lường.
Vào cuối tháng 9/2021, một người đàn ông ở Lâm
Đồng đã tử vong sau khi được công an xã mời đến trụ sở làm
việc vì trước đó có tranh cãi với lực lượng công an đang làm nhiệm vụ chống dịch
COVID-19. [3] Gia đình của người đàn ông này khẳng định trên thi thể nạn nhân
có nhiều thương tích.
Công an xã là một lực lượng rất đông đảo. Họ
là những người sẽ chạm mặt bạn đầu tiên khi sự việc nào đó xảy ra với bạn. Việc
sửa đổi tưởng chừng như đơn giản này trên thực tế phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Yên tâm khi tăng
quyền vì công an xã đang ngày càng chính quy?
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/A.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm
sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Báo Đầu Tư.
Vào ngày 20/10/2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, người trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
Tố tụng Hình sự trước Quốc hội, cho rằng tăng quyền cho công an xã sẽ góp phần ổn định
trật tự, an toàn xã hội, những vụ việc tại cơ sở sẽ được xử lý ngay lập tức.
[4] [5]
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng khẳng định: “Nếu chúng ta không tổ chức việc này [tăng
quyền cho công an xã] thì dân sẽ chưa được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về an
ninh trật tự, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện
thì càng xa… Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng”. [6]
Đề nghị này nghe còn có vẻ hợp lý hơn nữa khi
đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam của tỉnh Quảng Bình phát biểu rằng 100% xã hiện nay có công an chính quy,
trên 50% có trình độ đại học. [7]
Bộ trưởng Tô Lâm cũng xác nhận bộ đã điều động khoảng 45.000 công an
chính quy xuống 100% các xã trong hai năm qua. [8]
Những thông tin trên có thể làm cho bạn nghĩ rằng
lực lượng công an xã đang ngày càng được đào tạo bài bản hơn hẳn so với trước
đây. Tuy nhiên, một thông tin bạn cần biết là công an ở nhiều tỉnh, thành
như Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Bình Thuận, Lai Châu, Quảng Bình, Long An, v.v. đang tuyển công an xã bán chuyên trách đã hết
nhiệm vụ vào lực lượng công an xã chính quy. [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15]
Công an xã bán chuyên trách là những người làm
việc bán thời gian, không phải lực lượng chính thức của Công an Nhân dân. Họ chỉ
cần tốt nghiệp trung học phổ thông đối với vị trí trưởng và phó công an xã, và
chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở đối với vị trí công an viên, theo Nghị định 73/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một
số điều của Pháp lệnh Công an xã năm 2008. [16]
Điều này có nghĩa là “bình mới nhưng rượu cũ”,
công an xã sắp tới là một lực lượng trộn lẫn giữa những người được đào tạo bài
bản và lực lượng bán chuyên trách trước kia.
Vì sao lại tuyển
công an xã bán chuyên trách vào lực lượng chính quy?
Việc tăng quyền cho công an xã đang được diễn
giải là nhằm đảm bảo an ninh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có thể có một lý do khác,
liên quan đến một đề nghị của Bộ Công an đã bị Quốc hội bác bỏ vào năm 2020.
Vào tháng 7/2020, Bộ Công an đề xuất ban hành Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An
ninh, Trật tự ở Cơ sở nhằm thống nhất và tổ chức lại ba lực lượng là bảo vệ dân
phố, dân phòng, và công an xã bán chính thức đã hết nhiệm vụ. [17] Tổng số người
thuộc ba lực lượng lên đến gần 750.000. Tính trung bình, với 10.603 đơn vị hành chính cấp xã, mỗi xã, phường, thị trấn
có khoảng 71 người tham gia lực lượng này. [18] Ngoài ra, theo số liệu của Bộ
Công an, tính đến ngày 30/9/2020, bộ đã bố trí lực lượng công an xã chính quy với
số lượng 43.175 người đến 8.621 xã, trung bình 5 công an trên một
xã. [19]
Khi đề xuất dự luật, Bộ Công an cũng cho biết
trong lực lượng hùng hậu kể trên có 126.084 công an xã bán chính thức đã hết nhiệm vụ, cần
phải bố trí để họ làm việc tiếp. [20] Tuy nhiên, Quốc hội đã bác bỏ đề xuất này vào tháng 11/2020. [21] Nhiều đại
biểu cho rằng dự thảo luật có thể làm tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân
sách, trong khi chức năng của lực lượng này chưa rõ ràng.
Như vậy, nếu muốn giải quyết công ăn việc làm
cho hơn 126.000 công an xã bán chính thức, Bộ Công an cần tìm cách khác.
Từ tháng 8/2021, công an ở nhiều tỉnh, thành đồng
loạt thông báo về việc tuyển chọn công an xã bán chính thức đã hết nhiệm vụ vào
lực lượng công an xã chính quy với hình thức xét tuyển (nộp hồ sơ sẽ được xét
duyệt). Việc tuyển dụng này dường như rất có liên quan đến đề nghị tăng quyền
cho công an xã.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn
Tám đã đề nghị nếu tăng quyền cho công an xã thì Chính phủ,
Bộ Công an cần tăng số lượng cán bộ công an xã, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ
sở vật chất. [22]
Có thể thấy, nếu đề nghị tăng quyền cho công
an xã được thông qua, lực lượng công an xã sẽ có lý do để gia tăng nhanh chóng,
nhiều quyền hơn đồng nghĩa với nhiều việc hơn. Việc này sẽ giải quyết được công
ăn việc làm cho lực lượng công an xã bán chính thức đã hết nhiệm vụ.
Băn khoăn về việc
tăng quyền cho công an xã theo trình tự rút gọn
Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, bao gồm việc tăng quyền cho công an xã, đang
được xem xét theo trình tự rút gọn. [23]
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An
đồng tình tăng quyền cho công an xã, nhưng cho rằng dự luật này cần phải được xem xét theo trình
tự xây dựng luật thông thường chứ không phải là trình tự rút gọn. [24]
Trình tự xây dựng luật rút gọn đơn giản hóa tối
đa về thời gian và quy trình, trong đó sẽ không có sự tham gia của nhiều cơ
quan khác nhau trong việc thẩm tra, đánh giá, cho ý kiến.
“Việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét,
đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính
khả thi. Thậm chí, nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay còn cần phải
có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ về trang bị cơ sở vật chất”,
đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An nhận xét.
Theo đề nghị của đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc
Thịnh, số lượng người, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ và những điều kiện cần
thiết khác khi tăng quyền cho công an xã cần phải được giải trình thêm. Hiện
nay, những thông tin này không có trong hồ sơ dự thảo. [25]
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an
hoàn thành hồ sơ dự thảo vào tháng 9/2021. Chỉ một tháng sau, họ
đã trình Quốc hội để xem xét thông qua. [26]
Công an xã là một lực lượng đông đảo với vai
trò quan trọng. Tuy nhiên, việc tăng quyền cho lực lượng hùng hậu này lại được
tiến hành gấp rút, bỏ qua các thủ tục thẩm tra, đánh giá của các cơ quan. Điều
này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro cho người dân. Thực tế cho thấy đó có
thể là những rủi ro chết người.
Rủi ro nào chưa được
nói đến khi tăng quyền cho công an xã?
Khi đề nghị tăng quyền cho công an xã, VKSND Tối
cao viết trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo rằng
việc tăng quyền không có tác động tiêu cực nào đối với xã hội. [27]
Tuy nhiên, ai cũng biết tăng quyền đồng nghĩa
với rủi ro về lạm dụng quyền lực. Nhiều năm qua, hàng loạt vụ việc công an xã lạm
quyền đã được báo chí phản ánh.
Năm 2014, theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, một công an viên xã Vạn
Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã đuổi bắt và dùng mũ bảo hiểm đánh một học
sinh lớp 9 rồi đưa về công an xã. Sau đó, em học sinh này đã tử vong. [28]
Năm 2015, Lê
Minh Nhựt, 16 tuổi, cùng với hai người bạn của mình bị công an xã Lý Văn
Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, bắt giữ vì tình nghị cả ba tham gia một vụ
cướp điện thoại. [29] Sau hơn một năm bị tạm giam để điều tra vụ án, VKSND huyện
Cái Nước kết luận “tài liệu thu thập trong hồ sơ chưa đủ căn cứ” để buộc tội cướp
tài sản. Dù được về nhà và bồi thường do oan sai, công an xã Lý Văn Lâm vẫn
không buông tha Lê Minh Nhựt. Công an xã liên tục sách nhiễu Nhựt, thu giữ chứng
minh nhân dân, buộc chủ nhà không cho gia đình Nhựt thuê trọ.
Lê Minh Nhựt và mẹ
phải chuyển khỏi Cà Mau do sự sách nhiễu liên tục của công an xã Lý Văn Lâm,
ngay cả khi Nhựt được giải oan sau hơn một năm bị tạm giam. Trong ảnh, Nhựt và
mẹ trong một căn nhà trọ tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Luật Khoa Tạp chí.
Năm 2020, theo báo Dân Sinh, một gia đình ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng
Nam mang xác người thân của mình lên trụ sở ủy ban nhân dân xã yêu cầu làm rõ
vì sao người nhà của họ chết sau khi giằng co với lực lượng công an xã. [30]
Tình trạng công an lạm dụng quyền lực là vấn đề
rất nghiêm trọng. Ở các vùng sâu, vùng xa với điều kiện thông tin hạn chế, lực
lượng này lại càng có điều kiện để lạm quyền. Đề nghị tăng quyền cho công an xã
có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn nữa.
Năm 2020, Chính phủ ra quyết định phải thống nhất việc ghi âm, ghi hình
khi hỏi cung bị can trên toàn quốc từ ngày 1/1/2020. [31] Tuy nhiên, đến tháng
7/2021, Bộ Công an mới thành lập một đơn vị thực thi việc này, và chỉ ở
giai đoạn “thí điểm một số thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung
bị can”. [32]
Việc đảm bảo an ninh tại cơ sở là rất cần thiết
đối với người dân. Tuy nhiên, đảm bảo lực lượng công an xã không lạm quyền cũng
quan trọng không kém. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân khi công an lạm
dụng quyền lực.
Chú thích:
1. Công an Nhân dân. (2021b, October
26). Tăng quyền cho công an xã để phòng, chống tội phạm hiệu quả hơn.
2. Xem Khoản 3, Điều 146, Bộ Luật Tố tụng
Hình sự 2015.
3. Thanh Niên. (2021b, September
25).
4. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí
Minh. (2021). Hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
Hình sự số 101/2015/QH13.
http://www.dbnd.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/luat-dat-dai-sua-doi
5. Xem [1]
6. Xem [1]
7. Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. (2021,
October 26).
8. Pháp Luật. (2021, October 22). Có
nên giao công an xã quyền xác minh tin tố giác tội phạm?
9. Công an tỉnh Đắk Lắk. (2021, August
17). Thông báo tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên trách vào
Công an nhân dân.
10. Công an tỉnh Hà Nam. (2021, August
4). Thông báo chủ trương tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên
trách vào Công an nhân dân.
11. Công an tỉnh Kon Tum. (2021, August
13). Thông báo chủ trương tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên
trách vào Công an nhân dân.
12. Công an Bình Thuận. (2021, August
17). Công an tỉnh thông báo chủ trương tuyển chọn công dân là Công an
xã bán chuyên trách vào Công an nhân dân.
13. Công an tỉnh Lai Châu. (2021, August
24). Thông báo: Tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên trách vào
CAND.
14. Công an tỉnh Quảng Bình. (2021,
August 2). Thông báo tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên trách
vào Công an nhân dân.
15. Công an tỉnh Long An. (2021, August
5). Thông báo tuyển chọn công dân là Công an xã bán chuyên trách vào
Công an nhân dân năm 2021.
16. Chính phủ. (2009, September
7). Nghị định 73/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Pháp lệnh Công an xã.
https://thukyluat.vn/vb/nghi-dinh-73-2009-nd-cp-huong-dan-phap-lenh-cong-an-xa-1708b.html
17. Tuổi Trẻ. (2020, July 7). Gần
750.000 dân phòng, công an bán chuyên trách sẽ thành 1 lực lượng mới.
18. Bộ Nội vụ. (2021). Lĩnh vực
chính quyền địa phương, địa giới hành chính.
https://www.moha.gov.vn/danh-muc/linh-vuc-chinh-quyen-dia-phuong-dia-gioi-hanh-chinh-26074.html
19. Công an Nhân dân. (2020, October
8). Lực lượng CAND đã tinh giản hơn 30.500 biên chế trong 5 năm qua.
20. An ninh Thủ đô. (2020, September
11). Hơn 126.000 công an xã bán chuyên trách có thể được bố trí tham
gia bảo vệ an ninh trật tự.
21. Tuổi Trẻ. (2020b, November
17). Quốc hội thấy “chưa cần thiết” xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh
trật tự cơ sở.
22. Xem [1]
23. Quốc hội. (2021, October 20). Chính
phủ đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
Hình sự theo trình tự rút gọn.
https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=59652
24. Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. (2021b,
October 26). Tăng thẩm quyền cho công an xã: Những điều băn khoăn.
25. Xem [23]
26. Xem [4]
27. Xem [4]
28. Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. (2014,
February 22). Hàng loạt vụ công an xã lạm quyền.
29. Luật Khoa. (2019, January 15). Cà
Mau oan án – Kỳ 2: Sách nhiễu và kỳ thị sau ngày giải oan.
https://www.luatkhoa.org/2019/01/ca-mau-oan-an-ky-2-sach-nhieu-va-ky-thi-sau-ngay-giai-oan/
30. Dân Sinh. (2020, April 18). Điều
tra vụ người dân đưa thi thể đến trụ sở uỷ ban xã yêu cầu làm rõ cái chết.
31. Chính phủ. (2019, September
11). Phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ
thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo
quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Thư Viện Pháp Luật.
32. Bộ Công an. (2021, July 28). Thành
lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện ghi
âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can.
No comments:
Post a Comment