Trung
Quốc vẫn gia tăng sản xuất than mặc dù đã cam kết đạt trung hòa carbon
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 02/11/2021 - 15:07
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đích thân
đến dự hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow. Nếu có mặt ở hội nghị, hôm nay chắc
là ông sẽ bị vặn hỏi: Vì sao đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060,
Trung Quốc vẫn cứ gia tăng sản xuất than đá, nguồn năng lượng “bẩn” nhất?
Ảnh minh họa: Một
nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Bao Đầu vùng Nội Mông, Trung Quốc, ngày
31/10/2010. REUTERS - David Gray
Theo hãng tin AFP, đúng vào lúc các lãnh đạo
thế giới đang nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu để tránh một
thảm họa cho hành tinh của chúng ta, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất
thế giới, lại tăng mức sản xuất than thêm hơn một triệu tấn mỗi ngày.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi
phục dần dần từ cơn đại dịch Covid-19, cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc đang
phải đối đầu với tình trạng giá nguyên liệu tăng vọt, nhất là than đá, chiếm đến
60% các nguồn nghiên liệu cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện của nền kinh tế
đứng hàng thứ hai thế giới.
Tình trạng này khiến các nhà máy điện phải hoạt
động cầm chừng, trong khi nhu cầu điện năng ở Trung Quốc lại đang tăng cao, khiến
chính phủ Bắc Kinh đã buộc khống chế lượng điện tiêu thụ. Giá nguyên liệu tăng
cao còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Để giảm nhẹ áp lực đó, chính quyền Trung Quốc
trong những tuần qua đã cho phép mở lại các mỏ than, một quyết định trái ngược
với cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình là nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí
phát thải CO2 trước năm 2030.
Kể từ giữa tháng 10, sản lượng than trung bình
mỗi ngày của Trung Quốc đã vượt quá 11,5 triệu tấn, theo số liệu chính thức do Ủy
Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, tức là tăng
1,1 triệu tấn so với cuối tháng 9. Vào tháng trước, ủy ban này cũng đã
tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp để làm giảm giá than xuống mức “hợp
lý”, nhưng không nói rõ sẽ làm cách nào.
Theo nhà nghiên cứu Francis Perrin, Viện Quan
Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được trang TV5Monde trích dẫn ngày 11/08/2021, phải
tính đến trọng lượng của than đá trong sự cân đối kinh tế của Trung Quốc. Ông
Perrin cho biết, năm ngoái, than đá đã chiếm tới 56% tiêu thụ năng lượng của
Trung Quốc và đóng góp đến 63% khối lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất điện.
Với một tỷ trọng lớn như vậy, rất khó cho các lãnh đạo của cường quốc kinh tế
thứ hai thế giới chuyển ngay sang một nguồn năng lượng khác.
Là nước sản xuất than hàng đầu thế giới và là
quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tuy vậy Trung Quốc là nước đầu tư nhiều
nhất vào việc phát triển các năng lượng sạch. Nhưng vấn đề đang được đặt ra đó
là Bắc Kinh phải đưa ra những cam kết cụ thể về việc nâng tỷ trọng của các năng
lượng sạch trong sản xuất điện.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa,
Bắc Kinh, nếu muốn đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ đây đến
năm 2050, thì 90% sản xuất năng lượng của Trung Quốc phải từ hạt nhân và các
nguồn năng lượng sạch, nhưng hiện giờ tỷ lệ này chỉ mới là 15%.
Chính vì vậy mà trước khi diễn ra hội nghị
COP26, thủ tướng Boris Johnson của nước chủ nhà Anh Quốc đã thúc giục chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình là cần phải có những biện pháp cụ thể để giảm lượng khí
phát thải cũng như đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang các năng lượng sạch, nhất là
qua việc từ bỏ dần dần sử dụng than đá.
***
Các nội dung liên
quan
Trung
Quốc: Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống
Trung
tâm EPR Đài Sơn : Giữa tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và công nghệ Pháp
Cơn
khát năng lượng của Trung Quốc
No comments:
Post a Comment