Biển
Đông, "chìa khóa" tự chủ về kinh tế của Trung Quốc
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 02/11/2021 - 11:17
Trong nỗ lực kiểm soát các vùng biển, các đường
biên giới trên bộ vì lợi ích kinh tế, Biển Đông sớm là mục tiêu để Bắc
Kinh nhắm tới. Sự tự chủ về kinh tế càng lúc càng trở thành « nỗi ám ảnh »
của các lãnh đạo Trung Quốc. Đó là nhận định của giáo sư địa chính trị Hugo
Billard, trường Saint Michel Picpus – Paris, đồng tác giả cuốn Atlas des
frontières - Tập Bản Đồ Những Đường Biên Giới - Nhà Xuất Bản Autrement.
https://s.rfi.fr/media/display/21635300-3a69-11ec-a957-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/HugoBillard.webp
Giáo sư địa chính
trị Hugo Billard, đồng tác giả Tập Bản Đồ Những Đường Biên Giới- NXB Autrement
© Thanh Hà/RFI
Trong phần mở đầu cuốn sách, hai đồng tác
giả Hugo Billard và chuyên gia địa chính trị trường Khoa Học Chính Trị
Paris, Frédéric Encel lưu ý độc giả một vài điểm như sau : Thứ
nhất, khái niệm « biên giới » ở đây bao gồm cả các lằn ranh
trên bộ, trên biển và trên không giữa những quốc gia có chủ quyền bất luận chế
độ chính trị của các bên liên quan. Thứ hai thế giới càng « toàn cầu
hóa, » thì lại càng có nhiều lằn ranh chia cách. Từ những năm 2000, những
đường biên giới có khuynh hướng trở thành những « bức tường thành, khi
thì để ngăn ngừa khủng bố, lúc thì để tự vệ trước các làn sóng di dân
(…) Thế còn những đường biên giới tự nhiên thì luôn là kết quả của
những cuộc đọ sức về mặt chính trị hay quân sự ».
Về khu vực Biển Đông, RFI Việt ngữ mời
giáo sư Hugo Billard phân tích về đường biên giới trên biển và trên không, mà
Trung Quốc liên tục áp đặt với các nước chung quanh vì lợi ích kinh tế.
*
RFI: Kính chào giáo sư Hugo
Billard, hiện tại Biển Đông đang là một điểm nóng, nơi Trung Quốc căn cứ
trên bản đồ 9 đoạn để khẳng định chủ quyền với hơn 80% diện tích vùng biển này.
Xung khắc bắt nguồn từ đâu ?
Hugo
Billard: « Cuộc đọ sức với
5 nước trong khu vực - Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã
có từ lâu. Ngược thời gian, từ thế kỷ 18, Trung Quốc đã cho phổ biến nhiều bản
đồ ra thế giới, nhất là sang châu Âu, với những vùng lãnh thổ, lãnh hải được
ghi chú bằng tiếng Hoa để chứng minh rằng những khu vực đó thuộc về Trung Quốc.
Nhưng từ thế kỷ 18 cho đến giai đoạn 1945-1949, Âu- Mỹ đã chinh phục hoặc mở rộng
ảnh hưởng tại châu Á. Năm 1949 khi đảng Cộng Sản giành được quyền lực, Trung Quốc
đã trở nên khép kín. Phải đợi đến thập niên 1970 chính quyền Bắc Kinh mới quan
tâm trở lại đến Biển Đông. Chính xác hơn là vùng biển này trở thành một khu vực
để Trung Quốc phô trương thanh thế ».
*
RFI: Trung Quốc đặt hai
căn cứ quân sự ngay trên đảo Hải Nam. Những yếu tố nào khiến Mao Trạch Đông, rồi
Đặng Tiểu Bình đều xem Biển Đông là « chìa khóa » nắm giữ một
phần lớn tương lai kinh tế quốc gia ?
Hugo Billard: «
Trước hết đây là một vùng biển lớn hơn Địa Trung Hải đến 1 phần 3. Đây cũng là
một vùng biển có mật độ giao thông rất lớn, 30 % thương mại toàn cầu phải đi
qua Biển Đông và 80 % dầu hỏa, khí đốt cung cấp cho châu Á phải đi qua ngả
này. Do vậy mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc là làm thế nào để bảo đảm các nguồn
cung cấp nguyên liệu, năng lượng, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tôi muốn
nói đến Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 ký kết tại Montego Bay-
Jamaique. Văn bản này ấn định những đường biên giới trên biển giữa các quốc
gia. Cũng UNCLOS quy định thế nào là các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ
đường cơ sở… Chính khái niệm vùng đặc quyền kinh tế này khiến hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa trở nên hấp dẫn trong mắt Bắc Kinh và kể cả với nhiều quốc
gia trong vùng.
Hoàng Sa bao gồm khoảng 130 hòn đảo với những kích cỡ
khác nhau nhưng cụm đảo này lại nằm ở phía bắc Biển Đông và vì vậy được Trung Quốc
quan tâm trước tiên. Năm 1974 Bắc Kinh xâm chiếm cụm đảo này và đã có giao
tranh với Việt Nam. Khi đó Việt Nam còn đang trong giai đoạn cuối chiến tranh,
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không có phương tiện để bảo vệ chủ quyền ở Hoàng
Sa. Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Bắc Kinh liên tục bồi đắp các đảo này, để
những bãi đá trở thành những hòn đảo thực thụ và với quy định 200 hải lý của
Công Ước Biển Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh có thể kiểm soát một phần lớn khu vực
phía bắc của Biển Đông.
Xích xuống phía nam Biển Đông là quần đảo Trường Sa
với 14 đảo nhỏ và cả trăm bãi đá. Nhưng chỉ cần bồi đắp, cải tạo, thì những bãi
đá đó cũng có thể trở thành những hòn đảo không bị ngập nước và đó là tiêu chuẩn
để lại áp đặt quy định 200 hải lý quanh thực thể này.
Qua đó chúng ta thấy, từ những năm 1990 Trung Quốc
muốn kiểm soát cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các quốc
gia khác, từ Việt Nam đến Philippines, hay Brunei, Malaysia ... Bắc Kinh muốn
kiểm soát hai quần đảo này bởi vì Trung Quốc luôn bị yếu tố kinh tế ám ảnh. Đối
với Trung Quốc, kiểm soát Biển Đông đồng nghĩa với việc làm chủ các con đường
đưa nguyên, nhiên liệu vào Hoa Lục, bảo đảm cho cỗ máy sản xuất của công xưởng
thế giới, đồng thời bảo đảm rằng hàng sản xuất từ Trung Quốc đến được các thị
trường quốc tế. Để làm chủ được các tuyến đường giao thông đó, Trung Quốc chủ
trương kiểm soát cả các tuyến đường hàng hải và hàng không, để xăng dầu, hàng
hóa, và các quyền tự do đi lại đều tuân thủ các quy định của Trung Quốc và phải
được Bắc Kinh kiểm soát ».
*
RFI: Bên cạnh khía cạnh kiểm
soát các tuyến đường hàng hải, còn có yếu tố năng lượng để phục vụ cho cỗ
máy công nghiệp tại của nước này ?
Hugo
Billard: « Bản thân Trung Quốc cũng là một nguồn sản xuất
năng lượng nhưng không đủ để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ to lớn của quốc gia
này. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua vào nguyên liệu của thế giới, trước
cả Hoa Kỳ. Trung Quốc có dầu hỏa, nhưng vẫn phải nhập khẩu đến hơn 80% vàng đen
của nước ngoài.
Kiểm soát tuyến đường đưa dầu hỏa của Trung Đông vào
Hoa Lục là điều tuyệt đối quan trọng. Bắc Kinh đã đàm phán với Iran, cũng như với
Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Qatar … để mua dầu hỏa của những quốc
gia này, đó là chưa kể đến các nguồn cung cấp khác, từ Nga đến Phi Châu, Nam Mỹ
… Trong khu vực, Brunei cũng là một nguồn cung cấp dầu hỏa nhưng không đủ để hạ
cơn khát dầu của Trung Quốc. Tất cả các tàu chở dầu để tiếp liệu cho Trung
Quốc đều phải đi qua eo biển Malacca, rồi vào đến Biển Đông, thành thử Biển
Đông là một yếu tố sống còn để cỗ máy công nghiệp có thể vận hành ».
Tàu của Việt Nam hay Philippines thường xuyên bị
khám xét, sách nhiễu ngay cả trong những khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh
tế của Trung Quốc. Đó là bằng chứng về thái độ hung hăng của Trung Quốc, thậm
chí là có thể xem đấy là những hành vi chiến tranh
*
RFI: Giới phân tích cho rằng
Trung Quốc không an tâm với bất kỳ một đường biên giới nào, nhưng có thể nói Biển
Đông là điểm nhậy cảm nhất đối với tính sống còn của nền kinh tế thứ hai toàn cầu ?
Hugo
Billard: « Bảo đảm nhu cầu tiêu thụ được đáp ứng và còn hơn
thế nữa. Bảo đảm cho thế cân bằng về mặt kinh tế là nỗi ám ảnh trong chính sách
của Trung Quốc. Biển Đông là một vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có trữ lượng
tiềm tàng lớn về dầu hỏa, khí đốt. Tuy nhiên đó là kết luận của giới chuyên gia
từ 10 năm về trước. Nhưng càng lúc giới trong ngành càng thận trọng. Không chắc
là có nhiều dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên đối với nhiều nước Đông Nam Á như Việt
Nam, Philippines, hay Malaysia thì việc khai thác tài nguyên dưới lòng biển là
điều hết sức quan trọng và những quốc gia này cần làm chủ được các nguồn tài
nguyên chôn sâu dưới lòng biển đó.
Nhưng quan trọng hơn nữa là gần đây nhiều công trình
khảo cứu cho thấy Biển Đông có thể là một tụ điểm của nhiều loại đất hiếm, còn
được gọi là những kết hạch đa kim. Đó là những khoáng chất cần thiết cho công
nghệ bán dẫn, cho ngành công nghiệp sản xuất đồ điện tử từ máy vi tính đến điện
thoại thông minh … Có lẽ là các kết hạch đa kim mới là nguồn tài nguyên có giá
trị trong tương lai và chúng tập trung ở vài khu vực như là ở phía Nam Thái
Bình Dương, trong vùng thuộc chủ quyền của Pháp, ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây
là một cuộc chạy đua giữa các nước công nghiệp ».
*
RFI: Liệu những phát hiện mới
có là động lực giải thích thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc để khẳng
định chủ quyền ở Biển Đông thưa giáo sư ?
Hugo
Billard: « Thái độ hung hăng của Trung Quốc vốn có từ lâu rồi.
Từ năm 1994 Trung Quốc đã lao vào cuộc chạy đua để kiểm soát Trường Sa. Mục
đích của Bắc Kinh là áp đặt sự hiện diện của mình ở Biển Đông. Mục tiêu đó đã đạt
được khi mà hải quân Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam thường xuyên tuần tra Biển
Đông. Tàu của Việt Nam hay Philippines thường xuyên bị khám xét, sách nhiễu
ngay cả trong những khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Đó là bằng chứng về thái độ hung hăng của Trung Quốc,
thậm chí là có thể xem đấy là những hành vi chiến tranh nếu căn cứ vào các văn
bản pháp lý, bởi vì Trung Quốc hành xử ngoài khuôn khổ pháp lý của Công Ước Biển
Liên Hiệp Quốc năm 1982. Bắc Kinh đặt cộng đồng quốc tế trước sự đã rồi và hơn
thế nữa, Trung Quốc bắt các nước láng giềng phải chấp nhận luật chơi mà ông khổng
lồ châu Á này áp đặt như trong trường hợp vùng nhận diện phòng không.
Khi mà một chiếc máy bay của Philippines hay Việt Nam chẳng hạn phải thông báo
bay qua khu vực mà Bắc Kinh nhận là của Trung Quốc, tức là hãng hàng không đó mặc
nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng không phận này… cho dù là
không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào cả. Đó là cách để Trung Quốc áp đặt với
phần còn lại của thế giới chủ quyền của mình trên không và cả trên biển.
Trong hoàn cảnh đó tôi nghĩ rằng các nước trong
vùng, tôi muốn nói đến Việt Nam, Philippines hay Malaysia cần có một tiếng nói
chung, cần có một điểm tựa - điểm tựa đó có thể là Mỹ - để tự vệ. Câu hỏi còn lại
là Hoa Kỳ có thực sự muốn trực diện đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông hay
không. Từ 30 năm qua, Bắc Kinh liên tục lấn lướt để thử xem phản ứng của cộng đồng
quốc tế khi nào thì bắt Trung Quốc phải dừng lại. Tuy nhiên nếu Trung Quốc kiểm
soát toàn bộ Biển Đông, giới chuyên gia không chắc Hoa Kỳ sẽ để yên cho Bắc
Kinh đi đến cùng ».
*
RFI: Tiềm năng về khoáng sản,
nhu cầu bảo đảm an ninh cho các kênh tiếp vận về nguyên liệu và năng lượng có
thể không giải thích tất cả những nước cờ chiến lược của Trung Quốc tại Biển
Đông nhưng là một trong những động lực khiến Bắc Kinh liên tục duy trì áp lực với
các quốc gia liên quan và sẵn sàng thách thức cộng đồng quốc tế.
RFI xin chân thành cảm ơn giáo sư Hugo
Billard, chuyên gia về địa chính trị, đồng tác giả cuốn Tập Bản Đồ về Những
Đường Biên Giới- Nhà Xuất Bản Autrement. Sách vừa ra mắt công chúng tháng
9/2021.
No comments:
Post a Comment