Tuesday 9 November 2021

TRUNG QUỐC TRƯỚC HỘI NGHỊ 6 : "NHỮNG NHÂN NHƯỢNG và THẤT BẠI" của TẬP CẬN BÌNH (Trọng Thành - RFI)

 


Trung Quốc trước Hội nghị 6: ‘‘Những nhân nhượng và thất bại’’ của Tập Cận Bình 

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 08/11/2021 - 15:56

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211108-trung-quoc-truoc-hoi-nghi-6-nhung-nhan-nhuong-va-that-bai-cua-tap-can-binh

 

Chủ tịch và tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách thâu tóm toàn bộ quyền lực trước Đại hội Đảng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, chặng đường từ đây đến đó còn xa. Để khẳng định quyền uy tuyệt đối, ông Tập Cận Bình sẽ phải vượt qua được « nhiều kháng cự lớn trong nội bộ », để tiếp tục vị thế lãnh đạo tối cao trong 5 năm, hoặc 10 năm tới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2a055f68-1652-11ea-be41-005056bf7c53/w:1024/p:16x9/2012-11-12T152203Z_24843195_GM1E8BC1SUY01_RTRMADP_3_CHINA-CONGRESS-REFORM.webp

Ảnh minh họa : Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18, ngày 08/11/2012, Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ thời điểm này. REUTERS/Jason Lee

 

Trang mạng Pháp ngữ chuyên về châu Á Asialyst có bài phân tích của chuyên gia chính trị quốc tế Alex Peyette, giới thiệu một số địa bàn đọ sức chính giữa các phe phái trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bài viết mang tựa đề « Chine : Xi Jinping entre concessions et revers pour s'imposer en 2022 » (tạm dịch là « Trung Quốc: Những nhân nhượng và thất bại của Tập Cận Bình trên con đường hướng đến khẳng định quyền lực năm 2022 »). Mục Theo dòng thời sự của RFI giới thiệu một số ý chính của bài phân tích.

 

                                                ***

 

1/ Đâu là những nhân nhượng căn bản của phe Tập Cận Bình với các đối thủ trong nội bộ, theo chuyên gia Alex Payette ?

 

Theo ông Alex Payette, nhân vật số một của chế độ cộng sản Trung Quốc cho dù rất mong muốn bỏ sau lưng các cuộc đấu đá nội bộ để khẳng định vị thế của nhà lãnh đạo tối cao thứ ba trong lịch sử chế độ cộng sản Trung Quốc. Hai người trước là Mao Trạch Đông, người lập ra chế độ cộng sản Trung Quốc, và Đặng Tiểu Bình, người đã cải cách chế độ cộng sản, đưa Trung Quốc vào con đường hiện đại hóa. Tuy nhiên trong hiện tại, ông Tập Cận Bình buộc phải chấp nhận ba thỏa hiệp chính với đối thủ trong nội bộ đảng, theo chuyên gia Alex Payette.

 

Thỏa hiệp thứ nhất, và cũng là một thất bại đối với ông Tập, liên quan đến cuộc cải cách về thuế đất. Kể từ năm 2016, chủ tịch Trung Quốc đã cổ vũ cho việc không để cho nhà ở trở thành đối tượng đầu cơ. Ngày 15/10/2021 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã có một bài viết trên một tạp chí của Đảng (Qiushi – Cầu Thị), mang tiêu đề « Cổ vũ mạnh mẽ cho thịnh vượng chung », mục tiêu là hướng đến một cuộc cải cách về hệ thống thuế đất. Tuy nhiên, dự án cải cách này đã bị chính phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), phụ trách kinh tế, ngăn lại. Lý do là, dự án cải cách sẽ gây những bất bình lớn trong nội bộ đảng. Một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã đệ đơn kiện chống lại cuộc cải cách này. Nếu tiếp tục tiến hành, cải cách có thể sẽ « gây bất ổn lớn » trong nội bộ đảng và thị trường bất động sản. Theo Alex Payette, ông Tập Cận Bình ắt hẳn sẽ phải gạt dự án cải cách này sang một bên trước kỳ Đại hội 2022, để tránh những ảnh hướng xấu đến việc tái đắc cử.

 

Nhân nhượng thứ hai của Tập Cận Bình là để cho tỉ phú Jack Ma (Mã Vân) được rời khỏi Trung Quốc. Nhà sáng lập tập đoàn Alibaba đầy quyền lực bị thất sủng từ tháng 11/2020, tuy nhiên đến ngày 20/10 vừa qua, Jack Ma đã xuất hiện tại Tây Ban Nha như thể không có gì xảy ra. Sự hiện diện lần đầu tiên của nhà tỉ phú Jack Ma tại một nước phương Tây đã phần nào trấn an giới đầu tư nước ngoài. Theo Alex Payette, rất có thể cũng chính phó thủ tướng Hàn Chính đã đạo diễn vụ này, đích thân yêu cầu ông Tập Cận Bình, để chuyến đi của Jack Ma được quảng bá rầm rộ.

 

Nhân nhượng thứ ba là một nhân nhượng rất quan trọng. Để giúp cho việc ông Tập tiếp tục tại vị có thể diễn ra ổn thỏa, chủ tịch, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc có nhiều khả năng phải chấp nhận để Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) có mặt trong số các lãnh tụ được vinh danh trong « Nghị quyết thứ ba về lịch sử » của đảng Cộng Sản Trung Quốc, dự kiến sẽ được đưa ra trong Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khai mạc hôm nay, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong bốn ngày. Để « giảm bớt » các đối kháng trong nội bộ Đảng và khẳng định vị thế của bản thân, Tập Cận Bình phải chấp nhận chia sẻ ngôi vị lãnh tụ với hai lãnh đạo tiền nhiệm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tập Cận Bình không thể được coi là người có vị thế ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, điều mà cho đến nay dường như ông Tập và những người ủng hộ ông ta cố gắng khẳng định.

 

Nhà nghiên cứu Alex Payette cũng nhấn mạnh đến « một thất bại quan trọng khác » của Tập Cận Bình tại hội nghị lần thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc, diễn ra ngày 23/10. Thật bại là vì hoàn toàn không có thay đổi nào trong thành phần chính phủ. Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), người của ông Tập, đã phải đối mặt với sự bất đồng của ít nhất 9 thành viên trong số 15 thành viên của cơ quan tối cao của Quốc Hội Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc đã được mở rộng quyền hạn từ hồi tháng 3, để chuẩn bị cho các can thiệp nhằm thay đổi thành phần chính phủ. Theo các quy định này, Quốc Hội có quyền bổ nhiệm hay bãi miễn các bộ trưởng, và thậm chí các phó thủ tướng.

 

 

2/ Bản thân phe cánh của chủ tịch, tổng bí thư Đảng Cộng Sản phản ứng ra sao với các kháng cự từ phía các thế lực đối lập trong nội bộ ?

 

Theo chuyên gia Alex Payette, sau khi bị các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngăn chặn dự án cải tổ thành phần chính phủ, chủ tịch Quốc Hội Lật Chiến Thư đã tuyên bố thẳng thừng là Đảng cần « chống lại và ngăn chặn các ảnh hưởng sói mòn phương Tây với cái gọi là ‘‘nền hiến trị’’, bầu cử đa đảng, phân chia quyền lực, của hệ thống Quốc hội lưỡng viện, và của sự độc lập tư pháp ». Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc tái khẳng định việc Đảng tập trung thâu tóm toàn bộ quyền lãnh đạo, và duy trì sự thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, đồng nghĩa với việc Quốc Hội chỉ là nơi thông qua một cách hình thức các quyết định đã được ban lãnh đạo Đảng đưa ra.

 

Theo chuyên gia Payette, trước thềm Hội nghị Trung ương 6, phe Tập Cận Bình đăng một số bài báo đáng chú ý, cho thấy có nhiều căng thẳng và tranh luận mở ra trên thượng đỉnh của bộ máy quyền lực, đặc biệt giữa phe Giang Trạch Dân vẫn còn rất mạnh và « quân » của Tập Cận Bình. Alex Payette chú ý nhiều đến một bài viết trên nhật báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, dùng chuyện từ thời vua chúa nhà Minh (thế kỷ 15) để nói về các mưu toan soán đoạt quyền lực. Bài viết đăng tải chỉ ít ngày sau khi cựu bộ trưởng Tư Pháp Phó Chánh Hoa (Fu Zhenghua) bị điều tra. Hoàng đế nhà Minh bị soán ngôi là Minh Anh Tông, người lật đổ là Chu Kỳ Ngọc. Hoàng đế bị soán ngôi sau đó được phục hồi. Căng thẳng như trên không chỉ xuất hiện trên nhật báo của Quân Đội Trung Quốc, mà cả trên nhiều phương tiện truyền thông quan trọng khác của hệ thống chính trị Trung Quốc.

 

 

3/ Viễn cảnh cuộc chiến nội bộ ở thượng đỉnh của chế độ chính trị Trung Quốc ra sao ?

 

Về mặt nhân sự, theo chuyên gia của Asialyst, căn cứ trên việc bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo tại các tỉnh từ 19 đến 22/10, nhiều khả năng là danh sách nhân sự sẽ được bầu vào ban lãnh đạo tương lai đã được chốt. Theo thông lệ, Hội nghị trung ương 6 là kỳ họp quan trọng cuối cùng trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thông qua danh sách của dàn lãnh đạo cho kỳ Đại hội năm tới, cụ thể là danh sách ủy viên Bộ Chính Trị, trước cuộc bỏ phiếu mang tính lễ nghi vào khoảng tháng 10 năm 2022. Hiện tại theo ông Payette, có hai vấn đề đề ngỏ, có thể sẽ được quyết định tại Hội nghị 6, đó là « nghị quyết thứ ba về lịch sử » đảng Cộng Sản Trung Quốc, và thứ hai là nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập.

 

Hiện tại Tập Cận Bình coi như chắc chắn sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc sau 2022. Trong phần kết của bài phân tích, chuyên gia Payette đặc biệt lưu ý đến việc, để đánh giá được các xu thế nội bộ hiện nay của chế độ Trung Quốc, cần theo dõi sát các tài liệu của Hội nghị trung ương 6, liên quan đến « nghị quyết lịch sử » nói trên, về khả năng ông Tập tiếp tục đảm nhiệm quyền lực ra sao. Alex Payette không loại trừ khả năng Hội nghị 6 chưa ra được một nghị quyết liên quan nhiệm kỳ tiếp theo của ông Tập. Rất có thể là những người bất mãn, và những đại diện của « chế độ Cũ » (tức người thời Giang Trạch Dân, hay Hồ Cẩm Đào) không ủng hộ ngay một nghị quyết như vậy. Nghị quyết về vấn đề này có thể sẽ được gác lại đến Hội nghị 7, tổ chức ngay trước Đại hội XX.

 

Trong giai đoạn hiện tại, điều quan trọng cần chú ý là, lãnh đạo tối cao Trung Quốc sẽ mang lại cho những người dưới quyền của ông những lợi ích gì để bảo đảm có được sự ủng hộ đủ mạnh từ những người dưới quyền, nhằm khẳng định chắc chắn vị thế vào năm 2022.

 

Chiến dịch chống tham nhũng, các cuộc tấn công nhắm vào các lĩnh vực mang lại nguồn lợi phi chính thức đối với các thành viên trong bộ máy của đảng sẽ được tiến hành đến mức độ nào, để có thể vừa duy trì được sự kiểm soát tối cao của đảng, vừa bảo đảm được sự trung thành của đông đảo thành viên của hệ thống chính quyền, mà một bộ phận lớn sống dựa vào các nguồn lợi phi chính thức. Liệu chế độ cộng sản Trung Quốc có thể cải cách triệt để hệ thống tiền lương của những người làm việc trong lĩnh vực công hay không, để bảo đảm công chức có thể sống bằng đồng lương ?... Theo Alexe Payette, đây chính là thời điểm mà ông Tập Cận Bình phải nghe ngóng kỹ để xác định rõ đâu là những mặt trận mới. Nếu xác định không đúng, ông Tập « sẽ phải đối mặt với các kháng cự lớn hơn từ phía những người dưới quyền ».

 

------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Trung Quốc: Tập Cận Bình dùng lịch sử để củng cố quyền lực

 

Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc họp để thông qua « nghị quyết về lịch sử »




No comments:

Post a Comment

View My Stats