Việt
Nam học nhìn từ ngành xuất bản
Nguyễn
Quang Diệu
09/11/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/11/09/viet-nam-hoc-nhin-tu-nganh-xuat-ban/
Những công trình nghiên cứu về văn hóa – lịch sử Việt
Nam nhìn từ bên ngoài được tổ chức dịch sang Việt ngữ và xuất bản trong 30 năm
qua không nhiều, thiếu vắng sự hiện diện của nhiều nhà Việt Nam học lớn và các
tuyến đề tài quan trọng.
Những công trình
nghiên cứu của giới Việt Nam học quốc tế đã được dịch
Thời gian gần đây, độc giả trong nước ngày
càng quan tâm nhiều hơn đến dòng sách khoa học nhân văn và lịch sử, đặc biệt là
dòng sử Việt. Các cơ sở xuất bản (gồm nhà xuất bản và công ty sách) ở Việt Nam
đã cố gắng khai thác dịch mới, hoặc tái bản, một số công trình nghiên cứu của
các nhà Việt Nam học liên quan đến Việt Nam.
Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến: Đỉnh
cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp của Eric T.
Jennings, Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của Philippe M.F. Peycam, Công
giáo Việt Nam: Từ đế chế đến quốc gia của Charles Keith;[1] Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng
(1820-1841): Chính sách của triều đình và phản ứng của địa phương của Choi
Byung Wook, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam của Emmanuel Poisson, Cuộc
nổi dậy của nhà Tây Sơn của George Dutton, De Gaulle và Việt Nam
(1945-1969) của Pierre Journoud, Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên
vùng đồng bằng sông Cửu Long của David Biggs, Liên minh sai lầm: Ngô
Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam của Edward Miller; Rút quân – Nhìn
lại những năm cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam của Gregory A. Daddis, Việt
Nam thời dựng nước của Keith Weller Taylor, Lịch sử Hà Nội của
Philippe Papin, Xứ Đàng Trong: Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ
17-18 của Li Tana, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa của
Tsuboi Yoshinaru, Đề Thám (1846-1913): Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại thuộc
địa Pháp của Claude Gendre, Buổi đầu quan hệ Mỹ-Việt (1787-1941) của
Robert Hopkins Miller, Từ điển lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh của
Justin Corfield, Paul Doumer: Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), bàn đạp thuộc
địa của Amaury Lorin. Trong đó, một số sách được phát triển từ luận án tiến
sĩ của tác giả, 2/3 là sách dịch mới.
Ngoài ra, các cơ sở xuất bản cũng tổ chức dịch
những công trình nghiên cứu của các nhà Việt Nam học thời kỳ trước, họ là những
nhà nghiên cứu tiên phong và đã gặt hái được không ít thành tựu trong quá khứ.
Những nghiên cứu ấy đến nay ít nhiều vẫn còn giá trị, là tài liệu tham khảo,
trích dẫn cần thiết, như: Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam
thế kỷ XV,[2] Tiểu luận về dân Bắc kỳ và Nghi
thức tang lễ của người An Nam của Gustave Dumoutier, Kỹ thuật của người
An Nam của Henri Oger, Người nông dân châu thổ Bắc kỳ của Pierre
Gourou, Vương quốc Champa của Georges Maspero, Văn hóa, tín ngưỡng và
thực hành tôn giáo người Việt của Léopold Cadière, Những người châu Âu ở
nước An Nam của Charles Maybon, Phù thuật và tín ngưỡng An Nam và Tâm
lý dân tộc An Nam của Paul Giran, Hội kín xứ An Nam của Georges
Coulet, Đế quốc An Nam và người dân An Nam do Jules Silvestre cập nhật
và chú thích, Đời Tổng giám mục Puginier của Louis-Eugène Louvet, Lịch
sử Nam kỳ thuộc Pháp của Prosper Cultru, Nghệ thuật xứ An Nam của
Henri Gourdon, Làng xã của người An Nam ở Bắc kỳ của Paul Ory, Đường
sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam của Frédéric Hulot, Điện thần và nghi
thức hầu đồng Việt Nam của Maurice Durand.
Một số tác phẩm khác được viết theo lối du ký,
hồi ký, ký sự hành trình nhưng ít nhiều có giá trị sử liệu về con người, xã hội
và phong tục Việt Nam một thời cũng được dịch sang Việt ngữ gần đây: Hồi ký
Xứ Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer, Hồi ký của một ông già Việt
học của Cố Cả Léopold Cadière, Một chiến dịch ở Bắc kỳ của bác sĩ
Hocquard, Du ký Trung kỳ theo đường cái quan của Camille Paris, Nam kỳ
viễn chinh ký 1861 của Léopold Pallu, Đông Dương ngày ấy của Claude
Bourrin, Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức
Chaigneau, Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn của nhóm tác giả, Nam biều
ký của Shihōken Seishi… Trước đó nữa là các ghi chép, hồi ức của Châu Đạt
Quan (周達觀), Christoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Samuel Baron, William
Dampier, Chu Thuấn Thủy (朱舜水), Thích Đại Sán (釋大汕), Pierre Poivre, John
Barrow…
Cũng không quên nhắc đến những công trình
nghiên cứu có giá trị đã xuất bản từ lâu nhưng đến nay đã tuyệt bản, hoặc vì in
lưu hành nội bộ với số lượng hạn chế, nên độc giả rất khó tiếp cận như: Việt
Nam 1946: Chiến tranh bắt đầu như thế nào? của Stein Tønnesson, Diễn tiến
câu chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn
chương Việt Nam của Charles Benoit, Người Mường: Địa lý nhân văn và xã hội
học của Jeanne Cuisinier, Người Pháp và người An Nam bạn hay thù
của Philippe Devillers, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông của
Georges Cœdès, Hiểu biết về Việt Nam của Pierre Huard và Maurice Durand,
Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV của A.B. Pôliacốp, Những
cứ liệu mới về việc chép sử Việt Nam của A.L. Fedorin, Thế giới Hán hóa
mới của Léon Vandermeersch, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII của
Insun Yu, Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương
(1859-1939) của Jean-Pierre Aumiphin, Thừa sai Công giáo Pháp và các
chính sách của đế quốc tại Việt Nam (1857-1914) của Patrick J.N. Tuck, Tư
tưởng của Phan Bội Châu về cách mạng và thế giới (bộ 2 tập) và Quan hệ
Nhật Bản – Việt Nam (1951-1987) của Masaya Shiraishi, An Tĩnh cổ lục
của Hippolyte Le Breton, Tỉnh Thanh Hóa của Charles Robequain, Lịch sử
một thế kỷ nghiên cứu – Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam của Olivier
Tessier và Pascal Bourdeaux, Thuốc phiện và chính quyền thuộc địa ở châu Á
của Philippe Le Failler, Hà Nội: Tiểu sử một đô thị của William Logan…
Tây Nguyên là mảng tư liệu riêng khác, ở đó
các nhà truyền giáo, nhân học, dân tộc học người Pháp đã đến định cư, định đô
và để lại những di sản đồ sộ về văn hóa – lịch sử một vùng đất đặc biệt mà đến
nay muốn tìm hiểu chúng ta buộc phải đọc các nghiên cứu, ghi chép của họ. Kể từ
khi công trình kinh điển Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai
Đông Dương của Jacques Dournes được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2013,
mãi đến năm 2021 mới có một nghiên cứu khác về Tây Nguyên được dịch mới, đó là Tọa
độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai.[3]
Các công trình
nghiên cứu của học giả người Việt
Bên cạnh những công trình của giới Việt Nam học
quốc tế được liệt kê ở trên, các cơ sở xuất bản cũng đã tổ chức dịch những công
trình nghiên cứu của các học giả người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài.
Họ chủ yếu viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, mới nhất có hợp tuyển Việt
Nam vận hội[4] của sử gia
Nguyễn Thế Anh được in ở Việt Nam.
Một số luận án tiến sĩ được bảo vệ ở nước
ngoài như: Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam của Nguyễn Văn
Huyên, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam
(1858-1897) của Nguyễn Xuân Thọ, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII
và XVIII của Nguyễn Thanh Nhã, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp củng cố
cơ sở tại Nam kỳ (1862-1874) của Trương Bá Cần, Giáo sĩ Thừa sai và
chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914) của Cao Huy Thuần, Giáo
dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen (phần 1
của luận án) của Nguyễn Thụy Phương… đều đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam
trong nhiều năm qua.
Vài công trình nghiên cứu khác của các thế hệ
học giả người Việt sống và làm việc ở nước ngoài như: Lịch sử Việt Nam: Từ
nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi, Nhà trường Pháp ở Đông
Dương và Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954): Nghiên cứu lịch sử
xã hội của Trịnh Văn Thảo, Thiếu tiền: Văn hóa tiêu tiền trong các gia
đình xuyên quốc gia với mức thu nhập thấp của Thái Cẩm Hưng,[5] Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính
luận của Vĩnh Sính đã có bản dịch Việt ngữ. Trong đó, công trình của Lê
Thành Khôi và Nhà trường Pháp ở Đông Dương của Trịnh Văn Thảo vẫn luôn
được xem là những nghiên cứu nền tảng.
Một số công trình được xuất bản dưới dạng hợp
tuyển, hoặc hợp tác nghiên cứu giữa các học giả người Việt với giới Việt Nam học
quốc tế, có thể kể đến: Từ Đông sang Tây: Tập biên khảo về khoa học xã hội
và nhân văn (hợp tuyển), Sư tử và rồng: Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan – Việt
Nam (hợp tuyển), Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc, người mở đường cho nước
Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) của Phan Thị Minh Lễ và
Pierre Ph. Chanfreau, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam của Văn Tạo và Furuta
Moto, mới đây nhất là ấn phẩm Phật bà bể Nam: Truyên Quán Âm Diệu Thiện tại
Việt Nam của Nguyễn Tô Lan và Rostislav Berezkin.
Ngoài ra, còn một số bản dịch, hoặc trích dịch,
của các nhà nghiên cứu người Việt liên quan đến sử liệu Việt Nam, như: Minh
thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV-XVII và Thanh thực lục:
Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX của Hồ Bạch Thảo,
Khâm định An Nam kỷ lược của Nguyễn Duy Chính, An Nam truyện do
Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa của
Cao Tự Thanh, Xiêm La quốc lộ trình tạp lục do Phạm Hoàng Quân dịch,
chú.
Nhìn chung, trong nhiều năm qua, ngành xuất bản
trong nước có xu hướng tập trung dịch thuật những công trình khảo cứu lịch sử
chuyên sâu của giới nghiên cứu quốc tế, mang đến cho học giới và độc giả trong
nước những góc nhìn mới từ bên ngoài, quan điểm tiếp cận mới, nhiều nguồn tài
liệu sơ cấp cũng như phương pháp viết sử mới. Song song đó là tổ chức dịch thuật
những sử liệu cũ liên quan đến Việt Nam từ nhiều nguồn giúp bổ sung, bổ khuyết
cho chính sử. Ngoài ra, nguồn sử liệu về hình ảnh gần đây cũng được chú trọng
khai thác.
Những tiềm năng và
triển vọng còn bỏ ngỏ
Nhìn vào danh sách ấn phẩm đã xuất bản, chúng
ta thấy thiếu vắng nhiều tác giả, sử gia uy tín: Philippe Langlet, Charles
Fourniau, Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Georges Taboulet, Étienne François
Aymonier, Henri Parmentier, Jean Przyluski, Paul Pelliot, John Whitmore, David
Marr, William J. Duiker, Alexander Woodside, Shawn McHale, Victor Leiberman,
Peter Zinoman, Nola Cooke, Christopher Goscha, Bernard Fall, Stanley Karnow,
Joseph Buttinger, Peter Phan, Matsumoto Nobuhiro, Fujiwara Riichiro, Yamamoto
Tatsuro, Trần Kinh Hòa, Kim Vĩnh Kiện… Với các tác giả người Việt, vẫn còn đó
những nghiên cứu (và luận án) của: Bùi Quang Tung (EFEO), Tạ Trọng Hiệp, Nhung
Tuyet Tran, Hồ Tài Huệ Tâm, Ngô Vĩnh Long, Trương Bửu Lâm, Đặng Phương Nghi,
Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thị Hạnh, Bùi Trân Phượng, Nguyễn Văn Ký, Phạm Thị Kiều
Ly, Hoàng Anh Tuấn, Trần Quốc Anh… chưa được dịch.
Với sử gia Keith Weller Taylor, mãi đến năm
2020 ở Việt Nam mới chính thức ấn hành bản Việt ngữ Việt Nam thời dựng nước (Thiếu
Khanh dịch), nguyên là luận án tiến sĩ được ông bảo vệ năm 1983. Hai mươi năm
sau khi bảo vệ, chính Taylor đã hoài nghi những gì mình từng nhận thức về lịch
sử Việt Nam, ông đã viết lại cuốn sách với quan niệm, nhận thức khác và đặt
nhan đề là A history of the Vietnamese (Lịch sử của người Việt,
Cambridge University Press, 2013). Năm 2003, K. Taylor trả lời trong một bài
báo rằng, “trước kia tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, tôi đã
nghĩ rằng không có quan điểm quan trọng gì giữa thời cận đại và
thời quá khứ. Tôi đã nghĩ rằng chúng ta có thể nói về người Việt
trong những thế kỷ trước kia như ta nói về người Việt hiện nay. Nhưng
bây giờ tôi không nghĩ như thế nữa. […] Tôi nghi ngờ về ý kiến phát
triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là
lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính trị muốn dùng chuyện
lịch sử để giảng dạy và tuyên truyền dân chúng phải theo chính sách
quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử bị
chính trị hóa, không là lịch sử khoa học.”[6]
Taylor lâu nay được nhìn nhận là nhà Việt Nam
học nổi tiếng nhất trong giới Việt học, để tìm thấy chính mình trong một khoảnh
khắc vào 49 năm trước (năm 1972), ông đã đặc biệt cảm ơn và vinh danh một người,
đó là giáo sư John Kremers Whitmore (1940-2020).[7] Đáng tiếc là
cho đến bây giờ, chưa có công trình nào của Whitmore được xuất bản chính thức ở
Việt Nam. Theo thống kê, John K. Whitmore đã xuất bản một chuyên khảo, có ba bộ
sách viết chung, đứng tên chủ biên hoặc đồng chủ biên ba cuốn sách khác và là
tác giả của hơn 40 bài báo khoa học. Luận án tiến sĩ The development of Le
government in 15th century Vietnam (Sự phát triển của chính quyền Lê thế kỷ
XV) được ông bảo vệ tại Đại học Cornell năm 1968 hoặc chuyên khảo Vietnam,
Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421) (Việt Nam, Hồ Quý Ly và nhà Minh
(1371-1421))[8] là hai trong số
những công trình nghiên cứu của Whitmore được trích dẫn rất nhiều.[9]
Đối với trường hợp Nguyễn Thế Anh, ông là một
trong những sử gia người Việt nổi tiếng trên thế giới, được giới Việt Nam học
quốc tế nể trọng, những công trình viết bằng tiếng Việt của ông từ trước năm
1975 vẫn được tái bản nhiều lần trong nước, nhưng Nguyễn Thế Anh đâu chỉ có vậy.
Nguyễn Thế Anh có hơn 100 bài nghiên cứu, tiểu luận được viết bằng tiếng Anh và
Pháp, Việt Nam vận hội (Nguyễn Thanh Hải, Trần Phương Hoa, Trần Hoài, Huỳnh
Thị Anh Vân và Việt Anh dịch) chỉ là một phần rất nhỏ trong di sản đồ sộ của vị
sử gia lão thành này. Đặc biệt, công trình Monarchie et fait colonial au
Viêt-Nam (1875-1925): Le crépuscule d’un ordre traditionnel (Chế độ quân chủ
và yếu tố thuộc địa tại Việt Nam (1875-1925): Buổi hoàng hôn của một trật tự
truyền thống, L’Harmattan, 1992) của ông là một nghiên cứu mẫu mực về triều
Nguyễn, rất cần được dịch sang Việt ngữ.
Indochine, la colonisation ambiguë 1858-1954 (Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn
1858-1954, La Découverte, 1995) của hai sử gia Pierre Brocheux và Daniel Hémery
có thể nói là cuốn sách gối đầu giường của mọi nhà nghiên cứu về Đông Dương thuộc
Pháp; công trình nghiên cứu mẫu mực, khoa học và toàn diện về thực dân hóa của
Pháp ở Đông Dương này đến nay vẫn chưa được tổ chức xuất bản chính thức ở Việt
Nam. Khi nói đến hệ thống giáo dục (chính sách, chương trình, phương pháp,
đội ngũ giáo viên…) của Liên bang Đông Dương, công trình nghiên cứu Une
colonisation éducatrice: L’expérience indochinoise, 1860-1945 (Một chế độ
thuộc địa vì giáo dục: Kinh nghiệm của Đông Dương (1860-1945), L’Harmattan,
2002) của Pascale Bezançon chắc chắn là tài liệu tham khảo, trích dẫn hữu ích
không thể bỏ qua. Với chủ đề chính trị – xã hội Đông Dương, các ấn phẩm La
vie quotidienne des français en Indochine 1860-1910 (Đời sống thường ngày của người Pháp tại Đông Dương (1860-1910),
Hachette, 1985) của Charles Meyer, La société vietnamienne face à la
modernité: Le Tonkin de la fin du XIXe siècle à la seconde guerre
mondiale (Xã hội Việt Nam trước ngưỡng cửa hiện đại: Bắc kỳ từ cuối thế kỷ
XIX đến đệ nhị thế chiến, L’Harmattan, 1995) của Nguyen Van Ky (tức Nguyễn Văn
Ký) và Vietnam: domination coloniale et résistance nationale (1858-1914) (Việt
Nam: Đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc (1858-1914), Les Indes savantes,
2003) của Charles Fourniau đều là những tài liệu tham chiếu quan trọng cần phải
dịch.
Với Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên
vùng đồng bằng sông Cửu Long (David Biggs) đã được Trịnh Ngọc Minh dịch
sang Việt ngữ năm 2019, độc giả trong nước có cơ hội thưởng thức một công trình
nghiên cứu độc đáo về lịch sử môi trường, chủ đề khá xa lạ trong đời sống sách
vở ở Việt Nam. Một nghiên cứu khác có nhan đề Rubber and the making of
Vietnam: An ecological history, 1897-1975 (Cao su và nguyên nhân thành công
của Việt Nam: Lịch sử về sinh thái giai đoạn 1897-1975, University of North
Carolina Press, 2018) của sử gia môi trường Michitake Aso cũng là một dạng sách
như vậy – lịch sử nhìn từ sinh thái học. Rubber and the Making of Vietnam:
An Ecological History, 1897-1975, hiện chưa có bản Việt ngữ, nằm trong loạt
sách “Flows, Migrations, and Exchanges” (Nhập hàng, Di chuyển và Trao đổi) do
Mart A. Stewart và Harriet Ritvo biên tập, tập trung “xuất bản những công trình
mới về lịch sử môi trường nhằm khám phá những hoạt động xuyên biên giới của con
người và vật chất, hình thành nên một thế giới hiện đại, cũng như nhiều nỗ lực
khác nhau của con người để tìm hiểu, điều hòa và quản trị những hoạt động đó.”[10]
Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông
Dương thuộc Pháp của Eric T. Jennings (Phạm
Viêm Phương và Bùi Thanh Châu dịch), Công giáo Việt Nam: Từ đế chế đến quốc
gia của Charles Keith (Phạm Nguyên Trường dịch), Việt Nam 1946: Chiến
tranh bắt đầu như thế nào? của Stein Tønnesson (Lê Đức Hạnh, Phạm Đức Tuệ,
Nguyễn Văn Sự và Nguyễn Xuân Thắng dịch) nằm trong loạt sách “From Indochina to
Vietnam: Revolution and war in a global perspective”[11] (gồm tám ấn
phẩm) để tưởng nhớ và tôn vinh biên tập viên Philip E. Lilienthal của
University of California Press “nổi tiếng trong lĩnh vực sách nghiên cứu về
châu Á bởi chất lượng công việc xuất sắc và sự ưu ái dành cho các tác giả trẻ”,
do hai sử gia Christopher E. Goscha (Université du Québec à Montréal) và
Fredrik Logevall (Cornell University) tổ chức, là bộ sách rất quan trọng về lịch
sử Việt Nam cận hiện đại. Công việc của các cơ sở xuất bản Việt Nam với bộ sách
này vẫn chưa thể kết thúc.
Những tác giả đã từng được in ở Việt Nam như
Gustave Dumoutier, Charles Maybon, Louis Malleret, Léopold Cadière, Maurice
Durand, Pierre Gourou, Georges Coulet, Henri Maspéro, Auguste Bonifacy, Insun
Yu, Li Tana, Philippe Papin, Andrew Hardy, David Biggs… vẫn còn những công
trình quan trọng khác chưa được khai thác.
Những chủ đề về chiến tranh Đông Dương, chiến
tranh Việt Nam, di dân và nhà nước ở vùng cao, khảo cổ học Đông Dương, mỹ thuật
Đông Dương, công việc chép sử của người Việt xưa và hoạt động của Quốc sử quán,
lịch sử chữ quốc ngữ, Phật giáo Á Đông và Việt Nam, chiến tranh Pháp – Thanh… vẫn
còn đó những mảng trống lớn, hoặc vùng cấm, cần phải tổ chức dịch thuật những
nghiên cứu từ bên ngoài.
Có những ấn phẩm khi dịch sang Việt ngữ không
còn hoàn chỉnh, hoặc bị lược dịch, hoặc bị cắt bỏ nhiều ý, nhiều đoạn, một
chương… so với nguyên bản. Điều này vô tình phá hỏng đi không khí phản biện,
tranh luận, trao đổi học thuật từ học giới trong nước đối với các học giả quốc
tế bởi cái nhìn từ bên trong và bên ngoài luôn cần bổ khuyết cho nhau.
Một vấn đề nữa, hiện tại các cơ sở xuất bản có
xu hướng tập trung khai thác dòng sách viết bằng tiếng Pháp và Anh, nhưng Việt
Nam học đâu chỉ có mỗi giới học giả phương Tây. Ở Nhật Bản, học giả Yamamoto
Tatsuro (山本達郎, Sơn Bản Đạt Lang) đã rất nổi tiếng với bộ sách安南史研究 (An Nam sử nghiên cứu, 1950), học giả Momoki
Shirou (桃木至朗, Đào Mộc Chí Lãng) với công trình中世大越國家の成立と变 (Sự hình thành và tiếp biến của nhà
nước Đại Việt thời trung đại, Hội xuất bản Đại học Osaka, 2011). Ở Đài Loan, học
giả Trịnh Vĩnh Thường (鄭永常) đã xuất bản血紅的桂冠:十六至十九世紀越南基督教政策研究 (Vòng nguyệt quế màu đỏ: Nghiên cứu chính sách Công giáo Việt Nam thế
kỷ XVII-XIX, Đạo Hương xuất bản xã, 2015) và 征戰與棄守:明代中越關係研究 (Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đời
Minh, Tổ xuất bản Đại học Quốc lập Thành Công, 1998). Nhà Việt Nam học lừng
danh từng sống và nghiên cứu ở Việt Nam là giáo sư Chen Ching Ho (陳荆和, Trần Kinh Hòa), hoặc giáo sư Kim Vĩnh Kiện (金永鍵, nghiên cứu Nhật Bản tại
EFEO) với công trình印度支那と日本との関係 (Quan hệ Đông Dương và Nhật Bản, Fuzanbo, 1943) đến nay vẫn chưa được
dịch và giới thiệu bài bản ở Việt Nam. Từ Trung Quốc, nhà Hán học Nhiêu Tông Di
(饒宗頤), nhà sử học Trương Tú Dân (张秀民) cũng rất đáng chú ý…
Sự chung tay của
giới xuất bản và nghiên cứu
Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, có nhiều nhà xuất bản trực
thuộc trường đại học, quy tụ được các chuyên gia tổ chức xuất bản hoặc biên tập
viên có trình độ, đã cho ra đời những công trình nghiên cứu mang tính tiên
phong, ví dụ: Vietnam and the Chinese model: A comparative study of Nguyen
and Ch’ing civil government in the first half of the nineteenth century (Việt
Nam và mô hình Trung Hoa: Nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn
và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ XIX, Harvard University Press, 1971, chưa có bản Việt
ngữ) của Alexander Woodside, Vietnamese anticolonialism, 1885-1925 (Việt
Nam chống chủ nghĩa thực dân (1885-1925), University of California Press, 1971,
chưa có bản Việt ngữ) của David Marr, hay Nguyen Cochinchina: Southern
Vietnam in the seventeenth and eighteenth centuries (Chúa Nguyễn ở Đàng
Trong: Miền Nam Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Cornell University Southeast
Asia Program, 1998, chưa có bản dịch trọn vẹn từ nguyên bản) của Li Tana…
Trong nhiều năm qua, một số Viện/Trung tâm
nghiên cứu, Khoa sử ở Việt Nam đã tổ chức dịch một số sách dưới dạng dịch tài
liệu tham khảo lưu hành nội bộ, hoặc phục vụ cho công tác biên soạn những bộ quốc
sử. Gần đây, vài tài liệu được đem ra xuất bản dưới hình thức liên kết, ví dụ: An
Nam chí nguyên, Chân Lạp phong thổ ký, Vương quốc Champa. Vẫn
còn đó những bản dịch quan trọng khác đang lưu hành nội bộ cần nâng cấp, tổ chức
hiệu đính để xuất bản rộng rãi thay vì phủ chiếu đắp chăn trong bối cảnh nguồn
lực của cả hai phía đều khá hạn chế.
Dịch sách và biên tập sách khảo cứu chưa bao
giờ là công việc dễ dàng, dịch giả chỉ biết tiếng (Anh hoặc Pháp) thôi chưa đủ,
cần phải có kiến thức nền, có sự tìm/am hiểu về chủ đề, lĩnh vực, thuật ngữ
liên quan trong công trình mình dịch, đối với biên tập viên cũng vậy. Dịch sách
lịch sử cũng khó làm việc độc lập, vẫn cần có sự hỗ trợ ít nhiều từ các chuyên
gia/giới nghiên cứu biết Hán Nôm đối với một dịch giả chuyên dịch tiếng Anh và
Pháp… Đối với các nguồn sử liệu Hán Nôm được tác giả dịch sang tiếng Tây khi viết
sách, đôi khi được dịch ngược lại trong các bản Việt ngữ, khi đó nội dung trích
dẫn chỉ còn diễn ý, khác biệt so với nguyên bản ít nhiều, điều này thường gặp
trong các ấn phẩm đã xuất bản.[12]
Ngành xuất bản không chỉ thiếu dịch giả có
chuyên môn mà còn đang rất thiếu chuyên gia thẩm định, khai thác, tư/cố vấn bản
thảo. Độc giả mảng văn hóa – lịch sử trong nước cũng ít được đọc hoặc tiếp cận
sớm (bản dịch) những nghiên cứu mới của thế giới hơn so với mảng kinh tế – quản
trị hay văn chương. Trách nhiệm chính đến từ các cơ sở xuất bản, từ định hướng
kinh doanh, từ thị trường, từ nghiên cứu dòng sản phẩm phù hợp tránh rủi ro tồn
kho… và một phần là trách nhiệm của giới nghiên cứu. Cả hai bên chưa chủ động
tìm đến nhau để hình thành sợi dây liên kết, để có những tham mưu, tư vấn, hình
thành nên một dạng hội đồng cố vấn trong việc chọn sách, tổ chức dịch thuật, hiệu
đính, viết lời giới thiệu/dẫn nhập… trong từng lĩnh vực, thay vì chỉ có những
người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) giúp truyền thông, quảng bá sản
phẩm như hiện nay.
Dịch sách triết học, văn hóa – lịch sử từ lâu
đã là nhu cầu cấp thiết đối với nhiều quốc gia, người Nhật đã triển khai quy mô
bài bản từ thời Minh Trị; người Trung Quốc cũng đã làm trăm năm nay với những dự
án tùng thư dài hơi về các chủ đề lịch sử, chính trị, kinh tế, quân sự Đông Á
nói chung, trong đó có không ít tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Trung; ở
Đài Loan, quá trình dịch thuật đã diễn ra sôi nổi từ thập niên 1920[13]… Ở Việt Nam, cho đến nay, quá trình giao
lưu dịch thuật hay nói khác đi là giao lưu học thuật qua con đường phiên dịch gần
như là rất chậm.
Một tuyến đề tài khác chưa thấy các cơ sở xuất
bản ở Việt Nam triển khai, rất cần được tổ chức, đó là tuyển chọn những bài tiểu
luận/nghiên cứu lịch sử theo chủ đề đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy
tín trên thế giới, quy tụ những góc nhìn của các chuyên gia Việt Nam học hàng đầu
trong một cuốn sách. Có thể tổ chức dịch một số sách dạng “Tiểu luận” có sẵn,
hoặc tự tổ chức riêng theo quan điểm tuyển chọn của nhóm cố vấn và ban biên tập
từng cơ sở xuất bản cụ thể.
Viết sử, làm sử, nghiên cứu sử, phê bình sử
không thể đi con đường độc đạo, không thể thiếu giao lưu học hỏi lẫn nhau. Dịch
sách Pháp, Mỹ, Nhật, Trung, Hàn trước hết là để học hỏi từ họ những quan điểm mới,
phương pháp, lối viết, học từ nhà nghiên cứu cho đến độc giả, sau là để hiểu thế
giới họ đang nghiên cứu gì và nghĩ gì về mình. Chỉ khi tiếp cận được những công
trình đỉnh cao để học tập, để giảng dạy, thì khi đó mới cải thiện được trình độ,
mặt bằng chung của nền sử học nước nhà, ngành xuất bản cũng được hưởng lợi từ
đó.
Xuất bản và nghiên cứu có mối dây liên kết chặt
chẽ, không thể tách rời, đặc biệt trong ngành Việt Nam học. Với sự dịch chuyển
trong nội bộ ngành xuất bản, sự vươn lên của các công ty sách tư nhân trong
quan hệ liên kết với các nhà xuất bản nhà nước, vai trò tổ chức xuất bản (mua bản
quyền, tổ chức dịch, hiệu đính, phát hành) đang thuộc về khối xuất bản tư nhân
năng động. Để đi xa, phải đi cùng thay vì “độc hành kỳ đạo” như lúc này.
————–
[1] Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2020. Sách lưu hành nội bộ, không bán.
[2] Xem thêm: “Cửa biển Việt
Nam thế kỷ XV: Những khúc xạ địa lý học lịch sử” (link: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Cua-bien-Viet-Nam-the-ky-XV-Nhung-khuc-xa-dia-ly-hoc-lich-su-24194,
truy cập ngày 29-10-2021).
[3] Xem thêm: “Tây Nguyên
qua khám phá của các học giả Pháp” (link: http://nghiencuuquocte.org/2021/05/01/tay-nguyen-qua-kham-pha-cua-cac-hoc-gia-nguoi-phap/#_ftnref7,
truy cập ngày 26-10-2021).
[4] Xem thêm: “‘Việt Nam vận
hội’, góc nhìn Việt sử độc đáo từ bên ngoài của Nguyễn Thế Anh” (link: https://thanhnien.vn/viet-nam-van-hoi-goc-nhin-viet-su-doc-dao-tu-ben-ngoai-cua-nguyen-the-anh-post1100697.html,
truy cập ngày 26-10-2021).
[5] Cuốn sách được hội Xã hội
học Hoa Kỳ vinh danh là công trình nghiên cứu về châu Á xuất sắc nhất năm 2015,
nghiên cứu về kiều hối – lượng tiền do người dân di cư hay làm việc ở nước
ngoài gửi về cho thân nhân Việt Nam trong nước, một nguồn lực tài chính không
nhỏ đối với các quốc gia đang phát triển. Nguyên tác tiếng Anh: Insufficient
funds: The culture of money in low-wage transnational families.
[6] Taylor trả lời phỏng vấn
BBC: “Cái nhìn mới về Việt Nam” (link: https://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2003/09/030912_keithtaylor,
truy cập ngày 26-10-2021).
[7] Xem thêm: “Vietnam’s
pathfinder” (link: https://mekongreview.com/vietnams-pathfinder/?fbclid=IwAR0ME3Pr7ddWEkn5vywxsuEgO7FrNknDiLBp_uV5P0v1PBpNQOubNVujUxA,
truy cập ngày 26-10-2021).
[8] Yale Center for
International and Area Studies, New Haven, Connecticut, 1985, 214 trang.
[9] Xem thêm: “John
Whitmore, nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt về quá khứ của Đại Việt” (link: https://thanhnien.vn/john-whitmore-nha-nghien-cuu-quan-tam-dac-biet-ve-qua-khu-cua-dai-viet-post1059645.html,
truy cập ngày 26-10-2021).
[10] Xem thêm: https://uncpress.org/series/flows-migrations-exchanges/.
[11] Xem thêm: https://www.ucpress.edu/series/iv/from-indochina-to-vietnam-revolution-and-war-in-a-global-perspective?fbclid=IwAR3XCKVpFub5aHlhqflCHYJpaIx-zCOqriX70ievPAThGCyHeN0yjejtTYo.
[12] Xem thêm: “Muốn nghiên cứu
sử Việt, hãy học thêm chữ Hán và chữ Pháp” (link: https://tuoitre.vn/muon-nghien-cuu-su-viet-hay-hoc-them-chu-han-va-chu-phap-201803230954486.htm,
truy cập ngày 1-11-2021).
[13] Xem thêm: “Dịch thuật sử
học VN trong thế giới phẳng” (link: https://tuoitre.vn/dich-thuat-su-hoc-vn-trong-the-gioi-phang-711192.htm,
truy cập ngày 1-11-2021).
No comments:
Post a Comment