Thursday, 4 November 2021

TRUNG QUỐC THÚC DÂN TRỮ LƯƠNG THỰC DO SỢ BẤT ỔN XÃ HỘI (Thu Hằng - RFI)

 


Trung Quốc thúc dân trữ lương thực do sợ bất ổn xã hội

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 04/11/2021 - 14:22

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211104-trung-quoc-luong-thuc-bat-on-xa-hoi

 

Trái với nhiều nước phương Tây vẫn trấn an người dân là có đủ lương thực trong giai đoạn đại dịch, chính phủ Trung Quốc lại giục người dân tích trữ nhu yếu phẩm cho những tháng mùa đông. Nhiều cơ quan truyền thông địa phương lập cả danh sách các sản phẩm được khuyến cáo tích trữ tại nhà, như bánh quy, mì ăn liền, các loại vitamin, đèn pin…

 

https://s.rfi.fr/media/display/e8486fdc-3d70-11ec-9bae-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP21307309474924.webp

Tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/11/2021. AP - Ng Han Guan

 

Chỉ thị được bộ Thương Mại công bố ngày 01/11/2021 đã khiến người dân đổ xô mua sắm, gây hoang mang dư luận và gây xáo trộn ở một số địa phương, buộc truyền thông nhà nước phải tìm cách trấn an, còn chính quyền trung ương khuyến cáo người dân không mua quá nhu cầu. Ngày 04/11, bộ Nông Nghiệp tiếp tục trấn an người dân và bảo đảm mức sản xuất và kho lương thực đủ để loại mọi nguy cơ khan hiếm. Theo trang Nhân dân Nhật báo, được AP trích dẫn, chỉ thị này vẫn được bộ Thương Mại Trung Quốc ra hàng năm trước dịp lễ tết cuối năm. Nhưng tại sao lần này văn bản lại được công bố sớm hơn ?

 

Bảo toàn « chiến thắng virus corona »

 

Thứ nhất là đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới tăng trở lại trong thời gian gần đây, đang phá hủy « chiến thắng » từng được chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố. Chỉ thị về tích trữ nhu yếu phẩm cho thấy Trung Quốc tiếp tục duy trì chiến lược « Zero Covid » và « nhằm cảnh báo người dân chuẩn bị cho đợt phong tỏa, nếu số ca nhiễm Covid-19 tăng trong cộng đồng », theo nhận định của ông Pan Chenjun, chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc ngân hàng Hà Lan Rabobank và được New York Times trích dẫn ngày 02/11. Ngoài ra, chính quyền trung ương buộc phải bảo đảm kiểm soát được dịch trong khi chỉ còn hơn ba tháng nữa sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

 

Thứ hai là chính quyền Bắc Kinh ngày càng lo chuỗi cung ứng tiếp tục bị xáo trộn, mà trước tiên phải kể đến nguy cơ thiếu lương thực. Thiên tai, do tác động biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng nặng nề đến những vùng nông nghiệp trọng điểm của Trung Quốc.

Tỉnh Sơn Đông (Shandong, đông bắc), vùng trồng rau lớn nhất Trung Quốc, đã bị mất mùa vì lốc xoáy vào tháng 10/2021. Nhưng nghiêm trọng hơn là trận mưa lũ gây lụt lội chưa từng có từ 40 năm qua vào mùa hè ở tỉnh Hà Nam (Henan) lân cận, nơi được coi là vựa lúa của Trung Quốc. Chính quyền tỉnh Hà Nam thống kê khoảng 1,2 triệu ha đất nông nghiệp (tương đương với diện tích Bắc Ireland) đã bị ngập nước, gây thiệt hại khoảng 18 tỉ đô la. Hậu quả hiện vẫn chưa được giải quyết hết, đặc biệt là không cấy được lúa mì vụ đông do đất vẫn còn quá ẩm, theo một số nông dân địa phương được Daily Mail trích dẫn. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã kêu gọi các địa phương khẩn trương trồng những giống rau ngắn ngày, tăng trưởng nhanh, thu hoạch sớm để bổ sung cho chuỗi cung ứng.

 

Tình trạng thiếu điện

 

Tiếp theo là tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều địa phương đã ngừng phê duyệt những dự án sử dụng nhiều năng lượng từ giờ đến cuối năm 2021. Lý do là Trung Quốc hạn chế sản xuất điện than nhằm giảm lượng khí thải carbon, theo cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21/09. Trong khi đó, hoạt động sản xuất lại tăng mạnh trở lại, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện cao hơn, như ở 9 tỉnh, trong đó có Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Giang Tô. Nhu cầu về điện tăng kéo theo giá than tăng gây đội phí cho các nhà máy điện than, trong khi giá điện không thay đổi. Nhiều nhà máy điện than ngừng hoạt động, lấy lý do « bảo trì », nhưng thực tế là để tránh lỗ.

 

Cuối cùng, vận tải là một khó khăn khác mà các địa phương phải đối mặt. Trong trường hợp dịch tái bùng phát, có nhiều khả năng giao thông sẽ bị gián đoạn vì các biện pháp phong tỏa. Trường hợp này đã xảy ra vào lúc đỉnh dịch năm 2020. Do đó, Bắc Kinh yêu cầu các địa phương mua nông phẩm có thể tích trữ được, tăng cường chuỗi giao hàng và ổn định giá cả.

 

Tránh mọi nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội

 

Giá cả tăng vì mất mùa do thiên tai và khó khăn vận chuyển đã khiến nhiều người dân bày tỏ bất bình trên mạng xã hội. Đây là điểm lo lắng của chính quyền trung ương. Trên trang Bloomberg, ông Rosalind Mathieson nhận định « đảng Cộng Sản chú ý theo dõi mọi chuyện có thể gây bất ổn xã hội », chỉ vài ngày trước hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc từ ngày 08-11/11 tại Bắc Kinh.

Thủ đô của Trung Quốc hiện được coi là ổ dịch và đang áp dụng biện pháp phong tỏa cục bộ, dù chỉ có một ca. Tại những nơi này, chính quyền địa phương phải bảo đảm tiếp tế thực phẩm cho các gia đình, một biện pháp nhằm để trấn an người dân.

 

 

----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Trung Quốc : Tăng trưởng giảm do thiếu điện và khủng hoảng bất động sản

 

Trung Quốc: Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống





No comments:

Post a Comment

View My Stats