Biến
đổi khí hậu : Lời nói và hành động của Trung Quốc không đi đôi với nhau
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 03/11/2021 - 15:01
Tại hội nghị COP26, vào lúc cả thế giới đang cố tìm
cách cứu hành tinh khỏi thảm họa khí hậu được cho là tất yếu nếu các nước không
nhanh chóng giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc, nước thải
khí nhiều nhất hiện nay, đã bị tố cáo là chỉ hứa suông, thâm chí việc làm thực
tế lại đi ngược với những cam kết.
Ảnh chụp từ trên
không mỏ than lộ thiên tại Ejin Horo Banner, Ordos, Vùng tự trị Nội Mông, Trung
Quốc, ngày 19/10/2021. VIA REUTERS - CHINA DAILY
Như tổng thống Mỹ Joe Biden ngày
02/11/2021 đã nhấn mạnh, việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không đích thân
đến dự hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow là một bằng chứng cho thấy thái độ
thiếu quan tâm đến nhu cầu chống biến đổi khí hậu. Với việc chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến
Glasgow, dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ không thể đưa ra được những cam kết giảm khí
thải nào mới, so với những gì đã đề nghị trước đây, những đề nghị vốn đã vấp phải
những phản ứng hoài nghi.
Chủ tịch Trung Quốc quả thực là đã có lời phát
biểu tại hội nghị, thông qua một văn bản viết gởi đến COP26, nhưng theo giới
phân tích, đây là một thông điệp ngắn ngủi và mơ hồ, với cam kết chung chung là
“đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và ít các-bon, phát
triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, quy hoạch và xây dựng các nhà máy điện gió và
điện mặt trời lớn”.
Điều mà thế giới quan tâm nhất nhân hội nghị
COP26 là chiều hướng Trung Quốc giảm bớt việc dùng than trong sản xuất năng lượng,
thế nhưng trong bài viết của mình ông Tập chỉ đề cập đến nguyên liệu này một lần
duy nhất.
Trước đó, trong phát biểu trực tuyến với Thượng
Đỉnh G20 tại Roma, lãnh đạo Trung Quốc đã khoe rằng “trong 10 năm qua, Trung
Quốc đã loại bỏ 120 triệu kilowatt điện than do các cơ sở sản xuất lỗi thời làm
ra”. Và cũng trong một diễn văn trực tuyến trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
năm 2020, ông đã khẳng định Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia không carbon vào
năm 2060, và cam kết là Bắc Kinh sẽ không xây dựng các dự án điện than mới ở nước
ngoài.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là lời nói và hành động
của Trung Quốc không khớp với nhau.
Trên vấn đề giảm bớt sử dụng than, đúng vào
lúc thế giới đang vất vả tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, hãng
tin Pháp AFP vào hôm qua 02/11/2021 đã ghi nhận thực tế là Trung Quốc đã quyết
định tăng mức sản xuất than thêm hơn 1 triệu tấn mỗi ngày để đối phó với tình
trạng thiếu hụt năng lượng.
Nhật báo Mỹ The New York Times đưa tin chi tiết
hơn: “Trung Quốc đang mở rộng các mỏ để sản xuất thêm 220 triệu tấn than mỗi
năm, tăng gần 6% so với năm ngoái”. Các hoạt động khai thác than lớn và nhỏ
đang được hồi sinh trên khắp vùng Nội Mông và Thiểm Tây, nơi có khoảng 170 mỏ
được lệnh tăng công suất.
Trên vấn đề chấm dứt xây dựng các nhà máy điện
than ở ngoại quốc, một chuyên gia cao cấp về khí hậu và chính sách năng lượng
thuộc văn phòng tổ chức sinh thái Green Peace khu vực Đông Á đã tỏ ý nghi ngờ.
Trả lời báo mạng Ấn Độ The Print, nhân vật này
cho rằng nếu không có sự tham gia của quốc tế, Trung Quốc sẽ không vội cắt giảm
một lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận ở nước ngoài của họ.
Từ khi chính quyền tổng thống Biden quyết định
gia nhập trở lại Hiệp Định Khí Hậu Paris, Hoa Kỳ đã nhiều lần liên hệ với Trung
Quốc để tìm cách kéo Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán về khí hậu. Đặc phái viên
khí hậu của tổng thống Biden là ông John Kerry đã đến thăm Trung Quốc hai lần với
hy vọng thuyết phục được Bắc Kinh.
Theo các nhà quan sát, nỗ lực của Mỹ không hề
được đáp ứng, chuyến thăm của ông Kerry đến Thượng Hải đã thu được rất ít kết
quả và chuyến thăm thứ hai đến Thiên Tân bị coi như thất bại, nhất là khi Trung
Quốc đã gắn liền hồ sơ khí hậu với những vấn đề khác.
Nhìn chung, sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại
Glasgow và sự tập trung mới vào việc dùng than cho thấy Trung Quốc đang làm ngược
lại những cam kết về khí hậu táo bạo của họ.
.
====================================
.
Trung Quốc vẫn gia tăng sản
xuất than mặc dù đã cam kết đạt trung hòa carbon
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 02/11/2021 - 15:07
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không đích thân
đến dự hội nghị khí hậu COP 26 ở Glasgow. Nếu có mặt ở hội nghị, hôm nay chắc
là ông sẽ bị vặn hỏi: Vì sao đã cam kết sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060,
Trung Quốc vẫn cứ gia tăng sản xuất than đá, nguồn năng lượng “bẩn” nhất?
Ảnh minh họa: Một
nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại Bao Đầu vùng Nội Mông, Trung Quốc, ngày
31/10/2010. REUTERS - David Gray
Theo hãng tin AFP, đúng vào lúc các lãnh đạo
thế giới đang nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu để tránh một
thảm họa cho hành tinh của chúng ta, Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất
thế giới, lại tăng mức sản xuất than thêm hơn một triệu tấn mỗi ngày.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi
phục dần dần từ cơn đại dịch Covid-19, cũng như nhiều nước khác, Trung Quốc
đang phải đối đầu với tình trạng giá nguyên liệu tăng vọt, nhất là than đá, chiếm
đến 60% các nguồn nghiên liệu cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện của nền
kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới.
Tình trạng này khiến các nhà máy điện phải hoạt
động cầm chừng, trong khi nhu cầu điện năng ở Trung Quốc lại đang tăng cao, khiến
chính phủ Bắc Kinh đã buộc khống chế lượng điện tiêu thụ. Giá nguyên liệu tăng
cao còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Để giảm nhẹ áp lực đó, chính quyền Trung Quốc
trong những tuần qua đã cho phép mở lại các mỏ than, một quyết định trái ngược
với cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình là nước này sẽ bắt đầu giảm lượng khí
phát thải CO2 trước năm 2030.
Kể từ giữa tháng 10, sản lượng than trung bình
mỗi ngày của Trung Quốc đã vượt quá 11,5 triệu tấn, theo số liệu chính thức do Ủy
Ban Cải Cách và Phát Triển Quốc Gia công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, tức là tăng
1,1 triệu tấn so với cuối tháng 9. Vào tháng trước, ủy ban này cũng đã
tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp để làm giảm giá than xuống mức “hợp
lý”, nhưng không nói rõ sẽ làm cách nào.
Theo nhà nghiên cứu Francis Perrin, Viện Quan
Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, được trang TV5Monde trích dẫn ngày 11/08/2021, phải
tính đến trọng lượng của than đá trong sự cân đối kinh tế của Trung Quốc. Ông
Perrin cho biết, năm ngoái, than đá đã chiếm tới 56% tiêu thụ năng lượng của
Trung Quốc và đóng góp đến 63% khối lượng nguyên liệu dùng trong sản xuất điện.
Với một tỷ trọng lớn như vậy, rất khó cho các lãnh đạo của cường quốc kinh tế
thứ hai thế giới chuyển ngay sang một nguồn năng lượng khác.
Là nước sản xuất than hàng đầu thế giới và là
quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tuy vậy Trung Quốc là nước đầu tư nhiều
nhất vào việc phát triển các năng lượng sạch. Nhưng vấn đề đang được đặt ra đó
là Bắc Kinh phải đưa ra những cam kết cụ thể về việc nâng tỷ trọng của các năng
lượng sạch trong sản xuất điện.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa,
Bắc Kinh, nếu muốn đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ đây đến
năm 2050, thì 90% sản xuất năng lượng của Trung Quốc phải từ hạt nhân và các
nguồn năng lượng sạch, nhưng hiện giờ tỷ lệ này chỉ mới là 15%.
Chính vì vậy mà trước khi diễn ra hội nghị
COP26, thủ tướng Boris Johnson của nước chủ nhà Anh Quốc đã thúc giục chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình là cần phải có những biện pháp cụ thể để giảm lượng khí
phát thải cũng như đẩy nhanh việc chuyển tiếp sang các năng lượng sạch, nhất là
qua việc từ bỏ dần dần sử dụng than đá.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Trung
Quốc: Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống
Trung
tâm EPR Đài Sơn : Giữa tham vọng hạt nhân của Trung Quốc và công nghệ Pháp
No comments:
Post a Comment