Tuesday 2 November 2021

CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ BẤT NHẤT CỦA BIDEN (Nicole Narea - Vox)

 


Chính sách nhập cư bất nhất của Biden

Nicole Narea  -  Vox   

Người dịch: An Nguyen & Linh Nguyen

01/11/2021

https://www.the-interpreter.org/post/chinh-sach-nhap-cu-bat-nhat-cua-biden

 

Translated from Vox's article Biden’s incoherent immigration policy

By Nicole Narea, on 12-10-2021, 13:00:00

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_0f28a0893f124316a0e90e5973cee22a~mv2.png/v1/fill/w_740,h_416,al_c,q_95/be74b3_0f28a0893f124316a0e90e5973cee22a~mv2.webp

Tổng thống Biden đề xuất cải tổ chính sách nhập cư nhân đạo nhưng vẫn tiến hành những chính sách thô bạo thời Trump ở biên giới.

 

                                                                *

 

Việc Tổng thống Biden ca ngợi các lí tưởng nhập cư cấp tiến một đằng rồi lại thi hành các chính sách biên giới một nẻo không chỉ gây hoang mang cho quan chức nhập cảnh và người di trú, mà còn khiến người ta phải thắc mắc rằng tổng thống đã bao giờ có một chiến thuật đàng hoàng cho vấn đề nhập cư hay chưa.

 

Trong cuộc vận động tuyển cử, Biden hứa hẹn sẽ tiếp cận các vấn đề ở vùng biên giới miền nam theo cách nhân đạo hơn Trump, người, mà theo ông, đã “liên tục bôi nhọ hệ giá trị và bề dày lịch sử của chúng ta với tư cách là [con dân của] một quốc gia dân nhập cư” và “ngược đãi người xin tị nạn hợp pháp.”

 

Nhưng trong năm cầm quyền đầu tiên của mình, Biden vẫn lẳng lặng sử dụng các chính sách có sẵn để vô hiệu hóa hệ thống tị nạn tại biên giới.

 

Chính quyền Biden vẫn giữ rịt lấy Đề mục 42 (chính sách hạn chế mở cửa biên giới vì lý do đại dịch do Trump ban hành), thứ đã trục xuất hàng trăm nghìn người di trú mà không màng đến quyền đăng ký tị nạn hợp pháp của họ. Và gần đây, trước làn sóng người Haiti đến biên giới xin tị nạn, Biden đã dùng vũ lực để buộc hàng nghìn người phải quay về Haiti, bất chấp tình trạng khủng hoảng chính trị và nhân đạo ở đó.

 

Nếu so sánh những biện pháp cưỡng chế này với các nỗ lực trao quyền công dân của Biden, người ta có thể thấy được tổng thống đối xử với những người đang cố gắng xin phép hoàn toàn trái ngược với những người đã thành công nhập cư vào Hoa Kỳ.

 

Và thái độ bất nhất ấy đã trở thành nguồn cơn cho sự bất hòa của nội bộ chính quyền. Mới đây, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Haiti đã từ chức vì bất mãn với chính sách Haiti “đầy rẫy khiếm khuyết” của chính phủ. Nối gót theo sau là một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, người đã chỉ trích chính sách Đề mục 42 là “bất hợp pháp”, “vô nhân đạo”, và “không đáng mặt chính quyền đương nhiệm”. Tình trạng thiếu kế hoạch lâu dài cho vấn đề nhập cư cũng từng được các ủy viên hiện tại của Bộ An ninh Nội địa đề cập qua.

 

Bản thân Biden cũng trở thành tâm điểm chỉ trích của cả phe hữu lẫn phe tả. Bên Cộng hòa bài xích thì quy chụp sự hỗn loạn biên giới lên ông, trong khi bên Dân chủ và các nhà vận động di dân thì kịch liệt phản đối việc ông từ chối tiếp nhận người Haiti và các nhóm nhập cư khác.

 

Biden đã cố vẹn cả đôi đường bằng cách vừa hà khắc với biên giới và vừa cố gắng hỗ trợ người nhập cư không giấy tờ khỏi bị trục xuất. Nhưng đường lối này của ông chỉ khiến cho những bất công trong hệ thống nhập cư Hoa Kỳ càng thêm trầm trọng.

 

Tổng thống đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người nhập cảnh được an cư lạc nghiệp trên đất Mỹ, rất nhiều người trong số đó đã nhận được sự đồng cảm từ công chúng. Thế nhưng, giờ đây, những người xin di trú mà hầu hết người Mỹ sẽ không bao giờ gặp được lại chính là nạn nhân của các chủ trương cưỡng chế khắc nghiệt bậc nhất của ông. Điều này khiến cho chính sách biên giới của Biden cũng không khác là bao so với người mà ông đã từng phản đối.

 

Biden và thời gian dỡ bỏ chính sách nhập cư của Trump chẳng tày gang

Trong những ngày đầu nhậm chức, có vẻ như Biden đã bắt tay vào việc bãi bỏ các chính sách nhập cư gắt gao nhất của chính quyền Trump. Ông kết thúc lệnh cấm đi lại với các quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi, đình hoãn hầu hết các công trình thi công tường ngăn biên giới mới, và bãi bỏ “chính sách không khoan nhượng” ly tán gia đình người xin di trú lẫn chương trình “Ở lại Mexico” buộc người xin tị nạn phải ở lại Mexico trong lúc đợi tòa án Mỹ xét xử. Ông cũng đưa ra bản dự thảo cải cách toàn diện nhằm tạo điền kiện nhập tịch cho hơn 10 triệu người nhập cư không giấy tờ đang sinh sống tại Mỹ.

 

Cho đến lúc ông mới nhậm chức được vài tuần, hàng loạt trẻ em Trung Mỹ bắt đầu xuất hiện tại biên giới mà không có người lớn đi kèm, và chính sách của Biden bị cả hai phía chỉ trích.

 

Đột nhiên bị dồn vào thế bị động, chính quyền Biden liền chuyển hệ. Họ để trẻ em nhập cư vào ở trong các cơ sở tị nạn tù túng tạm bợ (những cái “lổng” bị lên án vào năm 2019 của Trump). Lời Phó Tổng thống Kamala Harris nhắn nhủ người di trú trong chuyến đi Guatemala hồi tháng 6 đã trở thành câu khẩu hiệu quen thuộc của các viên chức Hoa Kỳ, “Đừng đến làm gì.”

 

Lập luận bấy giờ của Mayorkas là chính quyền không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng những biện pháp thế này, rằng họ gần như phải thiết lập một hệ thống quản lý biên giới nhân đạo từ con số 0.

 

“Hệ thống hiện tại hoàn toàn vô dụng,” Mayorkas phát biểu trong một cuộc họp tại Nhà Trắng vào tháng 3. “Chúng ta cần thời gian để có thể hoàn toàn thoát ra khỏi bóng ma nghiệt ngã của chính quyền trước.

 

Nhưng dù có lên án lịch sử biên giới của Trump bao nhiêu thì Biden vẫn đang tích cực duy trì một chính sách ngăn chặn người nhập cư then chốt của người tiền nhiệm.

 

Chính sách Đề mục 42 tiếp tục là vết nhơ trong lịch sử di dân của Biden

Biden đang quản lý biên giới bằng một chính sách gây tranh cãi từ thời tổng thống trước. Một cựu quan chức Trump gọi nó bằng cái tên “đặc sản Stephen Miller”, lấy cảm hứng từ cha đẻ của chính sách nhập cư gắt gao này.

 

Vào tháng 3 năm 2020, khi cơn đại dịch mới chớm, Trump áp dụng Đề mục 42, một điều khoản đặc biệt trong Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng (Public Health Service Act), cho phép chính phủ Hoa Kỳ tạm thời ngăn chặn người ngoại quốc đến Mỹ vì lí do sức khỏe cộng đồng. Bất chấp sự phản đối từ các nhà khoa học CDC về tính xác thực của lí do trên, Phó Tổng thống đương thời Mike Pence vẫn ban hành sắc lệnh.

 

Các quan chức giám sát biên giới phía Nam dưới trướng Trump và Biden đã dùng chính sách này để bỏ qua việc mở phiên tòa di dân, hòng nhanh chóng trục xuất người di cư, đến nay đã được hơn 1.1 triệu lần. (Vì có quá nhiều người bị bắt gặp vượt biên nhiều lần nên không ai rõ con số những người bị trục xuất.)

 

Thậm chí là gần đây, khi một thẩm phán liên bang tuyên bố chính sách này không đủ thẩm quyền để trục xuất các gia đình nhập cư, chính quyền Biden vẫn chọn cách kháng cáo và tiếp tục thực thi chính sách (dưới sự cho phép của tòa án) trong lúc dàn xếp kiện tụng.

 

Biden có du di cho một vài ngoại lệ. Trẻ em không có người lớn đi cùng và người bị chính sách “Ở lại Mexico” của Trump ảnh hưởng được phép đến Hoa Kỳ trong khi chờ chính quyền xem xét trường hợp của họ. Một số gia đình người Haiti và Trung Mỹ bị chính quyền Mexico từ chối tiếp nhận đã được phép vào Mỹ. Tuy nhiên, mọi đối tượng còn lại đều có thể bị trục xuất, bao gồm cả những ai đang phải đối diện với nguy cơ bị bức hại tại quê nhà hay tại Mexcio.

 

Nhà Trắng vẫn khẳng định là họ cần phải thi hành Đề mục 42 để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, họ nhắc lại những phát biểu gần đây của Mayorkas trên đài CNN, rằng chính sách này là một cách thức để “bảo vệ bản thân những người nhập cư, cũng như bảo vệ các cộng đồng địa phương, nhân sự và nhân dân Mỹ nói chung.” Theo lời phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, đối với chính quyền thì Đề mục 42 không phải là một chính sách di cư mà là một chính sách của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC). CDC mới đây đã tuyên bố rằng với mật độ lây lan cao của Covid-19, Đề mục 42 “vẫn cần thiết”.

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng, vẫn có cách để tiếp quản người xin di trú tại biên giới mà vẫn đảm bảo an toàn y tế. Theo họ, chính sách này “lợi dụng Covid-19 để trục xuất, ngăn chặn, và trả người xin tị nạn về lại chốn nguy hiểm, bất chấp đạo đức và pháp luật.” Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm trong chính phủ Hoa Kỳ, tuyên bố “việc trục xuất [người di dân] … không phải là cách để giải quyết một đại dịch."

 

Đề mục 42 là một biện pháp kiểm soát biên giới tiện lợi cho Biden, nhưng ông vẫn còn những chọn lựa khác. Nhiều năm qua, các chuyên gia đã luôn cân nhắc việc thay đổi hệ thống tị nạn trên diện rộng để có thể xử lý vấn đề người xin nhập cư gia tăng, bao gồm việc xây dựng các trung tâm giải quyết chuyên biệt và san sẻ quyền hành cho nhân viên nhập cảnh thay vì tập trung tất cả vào tay nhân viên biên phòng.

 

Lập trường 42 của Biden đã gây bất mãn cho một trong những quan chức nhập cư hàng đầu của ông. Luật sư cao cấp của Bộ Ngoại giao Harold Koh đã viết một ghi chú pháp lý gay gắt, dài 3000 từ để chỉ trích việc Đề mục 42 vi phạm luật tị nạn của Hoa Kỳ và các hiệp ước quốc tế lâu đời, nhất là trong cái cách chính quyền áp dụng nó để buộc người Haiti trở lại quê nhà nhiều hiểm nguy. Sau đó, Koh từ chức.

 

“Tất cả chúng ta đều đã đinh ninh rằng Chính quyền này sẽ cho người dân Mỹ một chính phủ xứng tầm với các giá trị quốc gia chúng ta có,” trích ghi chú của Koh. “Tôi thỉnh cầu ngài [cấp trên của Koh] dùng tất cả mọi thẩm quyền của ngài để sửa đổi chính sách này, nhất là khi nó còn ảnh hưởng đến người Haiti, để nó có thể trở thành chính sách xứng tầm với đất nước mà chúng ta hằng yêu kính.”

 

Chính quyền Biden đã chối bỏ nghĩa vụ nhân đạo với Haiti

Ít nhất là kể từ tháng 7, khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát, Haiti vẫn luôn chìm trong biến động. Giữa tình trạng chính biến, bạo lực băng đảng lại càng hoành hành. Trận động đất 7.2 độ richter cùng cơn áp thấp nhiệt đới hồi tháng 8 khiến đất nước này phải gánh chịu thêm khủng hoảng nhân đạo bên cạnh vấn đề chính trị.

 

Vào tháng trước, có khoảng 30000 người Haiti đến Del Rio, Texas và tạm thời dựng trại dưới chân cầu nối Hoa Kỳ và Mexico. Số lượng người Haiti cố gắng vượt biên bằng thuyền qua biển Caribbean cũng tăng đáng kể. Trong năm rồi, Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã bắt gặp hơn 1500 người tị nạn bằng con đường này, năm trước đó chỉ có khoảng 400.

 

Đa số những người Haiti muốn xin tị nạn ở Hoa Kỳ đều đã tha hương trên đất Mỹ Latin được nhiều năm (vì nhiều khủng hoảng khác nhau tại Haiti trước đó, bao gồm trận động đất 2010). Thế nhưng, cuộc suy thoái Covid-19, nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ Latin, việc họ không còn có thể trở về quê nhà, và cả niềm tin rằng nước Mỹ sẽ cho họ một nơi nương tựa, tất cả những lý do trên đã thôi thúc họ bắc tiến.

 

Ban đầu, đúng là chính quyền Biden có ra tay tương trợ. Mayorkas đã mở rộng nhóm đối tượng được phép đăng ký xin Temporary Protected Status (TPS, tạm dịch: Người nằm trong vòng bảo vệ tạm thời, một loại chứng nhận nhằm giúp đỡ công dân của các quốc gia có xung đột bạo lực hoặc thiên tai đến sống và làm việc tại Mỹ) cho những người Haiti đến Mỹ trước ngày 29 tháng 7. Hoa Kỳ đưa ra quyết định này để bảo vệ những người tị nạn chính trị Haiti sau sự kiện Moïse bị ám sát. K

 

hi đó, Mayorkas cho biết người Haiti không thể an toàn trở về quê hương vì “đại dịch Covid-19 đã khiến cho các vấn đề về an ninh, bất ổn xã hội, lộng hành xâm phạm nhân quyền, tình trạng nghèo đói cơ cực và thiếu thốn nhu cầu cơ bản lại càng thêm nhức nhối”.

 

Vậy nhưng chính quyền vẫn kiên quyết từ chối tiếp nhận những người tị nạn bằng thuyền. Mayorka tuyên bố vào tháng 7 rằng bất cứ người di cư nào được giải cứu trên bở biển Hoa Kỳ sẽ phải quay về quê hương hoặc đến một quốc gia khác nếu sợ nguy hiểm.

 

Đây vốn không phải là một chính sách mới mẻ. Những chính quyền Cộng hòa và Dân Chủ trước đó đều đã áp dụng biện pháp cấm chỉ (interdiction) để ngăn chặn người xin nhập cư từ vùng Caribbean cập bến Hoa Kỳ. Cái lý của chính quyền thường là để bảo vệ người di dân khỏi những mối hiểm họa trong chuyến đi. Nhưng trên thực tế, chính sách này dẫn đến việc rất nhiều người Haiti bị trả về để đối mặt với tình huống hiểm nghèo ở quê nhà. Dưới thời Tổng thống George H.W. Bush và Bill Clinton, những người di cư đã phải chờ đợi mòn mỏi trong một “trại tù” (theo cách gọi của một thẩm phán liên bang) tại Vịnh Guantanamo, Cuba.

 

Biden đã rục rịch tuyển mộ vệ sĩ biết nói tiếng Creole, lên sẵn kế hoạch dự trù để giữ chân người di trú lại Guantanamo (các quan chức của chính quyền Biden vẫn nhấn mạnh rằng người Haiti ở biên giới sẽ không bị đưa đến đó). Chính quyền vẫn chưa đả động gì đến những người di cư ở Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trong nước. Hiện tại, số người bị giữ chân tại các cơ sở trực thuộc ICE đã lên đến hơn 21000 người so với con số 13500 hồi cuối tháng 2, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số lịch sử gần 60000 dưới thời Trump.

 

Tháng trước, chính quyền Biden cũng tận lực để nhanh chóng giải tán khu trại Del Rio. Có lúc, nhân viên Biên phòng Hoa Kỳ còn cưỡi ngựa và dùng roi ngăn người Haiti quay lại sau khi họ rời trại để qua phía biên giới Mexico mua đồ tiếp tế. Sau khi vấp phải luồng sóng phản đối dữ dội, Biden bãi bỏ việc sử dụng ngựa trong khu vực, khẳng định hành động trên “hoàn toàn không phải là tinh thần của [người Mỹ] chúng ta

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_b52d0ac7b0a64cbe83d72995c88a23ba~mv2.png/v1/fill/w_740,h_493,al_c,q_95/be74b3_b52d0ac7b0a64cbe83d72995c88a23ba~mv2.webp

Hơn 14000 người Haiti xin tị nạn tập trung tại một trại tạm bợ ở Del Rio, Texas vào tháng 9 năm nay. John Moore/Getty Images

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_3338bc072dab4b6fa6086c8181ceec2d~mv2.png/v1/fill/w_740,h_493,al_c,q_95/be74b3_3338bc072dab4b6fa6086c8181ceec2d~mv2.webp

Tháng trước, chính quyền Biden tận lực để nhanh chóng giải tán khu trại Del Rio. John Moore/Getty Images

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_12fd899982f040f99f1d324a462298b1~mv2.png/v1/fill/w_740,h_493,al_c,q_95/be74b3_12fd899982f040f99f1d324a462298b1~mv2.webp

Ngày 25/9, một chiếc Humvee của Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại khu dựng trại trước đây của 14000 người Haiti. Paul Ratje/AFP via Getty Images

 

Đa số những người Haiti ở trại đã bị trục xuất sau đó. Từ ngày 19 tháng 9, bất chấp tình trạng hỗn loạn tiếp diễn, Hoa Kỳ đã trả 7000 người về Haiti theo Đề mục 42. Một số tình nguyện ở lại Mexico để tránh việc phải quay về Haiti, trong khi số khác được phép vào Mỹ, ít nhất là tạm thời.

 

Chúng ta vẫn không rõ các nhà cầm quyền Mỹ đã thực hiện quá trình sàng lọc đó như thế nào. Hiện giờ có khoảng 12000 người Haiti đang chờ tới lượt giải quyết hồ sơ của họ. Họ sẽ có cơ hội trình bày với thẩm phán di dân tại sao họ nên được phép ở lại Hoa Kỳ, qua diện tị nạn hay các diện nhân đạo khác.

 

Trong 3 năm vừa qua, con số người Haiti xin tị nạn ở Mỹ thành công chỉ mấp mé 5% — tỉ lệ được ghi nhận thấp nhất trong số 83 quốc tịch. Theo các nhà vận động cho người nhập cư thì con số này phản ánh tư tưởng phân biệt chủng tộc; chừng nào hệ thống phê duyệt đơn xin nhập cư chưa được cải cách thì đa số người Haiti đến biên giới Mỹ vẫn sẽ bị trả về nhà, có khi là ngay lập tức,

 

Khi được yêu cầu trả lời câu hỏi của các nhà hoạt động xã hội về vấn đề người Haiti bị trả về trong khi quê hương họ còn đang hỗn loạn trăm bề, Nhà Trắng lặp lại với Vox những gì ông Mayorkas nói gần đây với CNN. Ông cho biết chính quyền đã tính toán đến nhiều tình huống thực tế trước khi đưa ra quyết định tiếp tục các chuyến bay hồi hương.

 

“Chúng tôi quyết định dựa trên cơ sở là những người này có thể trở về Haiti một cách an toàn. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Haiti và còn cung cấp gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 5,5 triệu Mỹ kim để giúp họ về nhà an toàn,” ông nói với đài CNN.

 

Theo lý của các nhà vận động cho người nhập cư thì Haiti còn đang ở trong tình trạng hiểm nghèo. Tính đến ngày 4 tháng 10, gói viện trợ của Mỹ cho những người trở về Haiti vẫn chưa tới nơi. Và tuy Mayorkas quả quyết rằng mọi thứ vẫn suôn sẻ, các quan chức Mỹ ở Haiti vẫn phải cố thủ trong khu an ninh vì bị băng đảng đe dọa. Tình hình chính trị Haiti thì vẫn chưa đâu vào đâu. Hiện tại, Thủ tướng Ariel Henry do Hoa Kỳ hậu thuẫn đang bị điều tra vì có dính líu với những người đã ám sát Moïse.

 

Chính quyền Biden không nhất thiết phải trả người Haiti về tình trạng dầu sôi lửa bỏng ấy.

 “Không ai ép uổng gì chính quyền,” Karen Musalo, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Giới tính và Người tị nạn (Center for Gender & Refugee Studies) và Văn phòng vì Nhân quyền Người tị nạn (Refugee and Human Rights Clinic) của Đại học Luật UC Hastings, tuyên bố. “Không ai bắt chính quyền phải dùng cách này để đối xử với người Haiti. Đây là một quyết định có chủ đích của chính quyền, một quyết định phi pháp, kỳ thị chủng tộc, đáng khinh.”

 

Sự khập khiễng giữa loạt chính sách biên giới của Biden với các chính sách nhập cư trọng yếu khác của ông

Từ lâu, các cường quốc đã luôn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các chính sách đối xử với người di dân sao cho vừa nhân đạo, vừa tôn trọng biên giới lãnh thổ quốc gia. Thế nhưng, chính quyền Biden vẫn chưa thể cân bằng những ưu tiên này một cách hiệu quả. Các chính sách biên giới của ông không chỉ gạt bỏ quyền lợi pháp lý của người di trú mà còn đàn áp một nhóm người vốn đã yếu thế trong vấn đề xin nhập cư ngay từ đầu.

 

Biện pháp nọ hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực cải thiện đời sống của người nhập cư không giấy tờ trên đất Mỹ.

 

Biden đã cố gắng giúp cho nhiều người, trong số hơn 10 triệu người nhập cư không giấy tờ tại Mỹ, có được một thân phận hợp pháp.

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_6b6f0bebf772470d95e63b8f180b525e~mv2.png/v1/fill/w_740,h_501,al_c,q_95/be74b3_6b6f0bebf772470d95e63b8f180b525e~mv2.webp

Một nhà hoạt động nhập cư tham gia cuộc biểu tình gần Nhà Trắng vào ngày 7 tháng 10. Kevin Dietsch/Getty Images

 

Ông cũng ủng hộ một dự luật hòa giải ngân sách mới đây (tuy khó thành) của đảng Dân chủ nhằm tạo điều kiện nhập tịch cho một số nhóm người nhập cư nhất định, bao gồm DREAMer (những người đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ em), người nhận TPS, công nhân nông trại và các ngành nghề thiết yếu. Chính quyền của ông cũng vừa công bố một quy định dự thảo nhằm bảo vệ quyền lợi của các DREAMer sống và làm việc tại Mỹ qua chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals để phòng chống những thách thức pháp lý hiện tại.

 

Biden còn cố gắng mở rộng nguồn hỗ trợ cho dân nhập cư, đồng thời hạn chế ICE áp dụng chính sách cưỡng chế bên trong Hoa Kỳ. Gần đây, chính quyền cũng thiết lập chủ trương tài trợ luật sư cho những trẻ em không có người giám hộ với nguy cơ bị trục xuất tại 8 thành phố của Hoa Kỳ. Đồng thời, chính quyền còn nỗ lực thu hẹp danh sách đối tượng nhập cư không giấy tờ cần bị bắt giữ, ban hành nội quy mới hòng chuyển nguồn lực của ICE sang truy bắt những thành phần thực sự đe dọa cho an nguy cộng đồng. Và hôm 10 tháng 12, chính quyền tuyên bố chấm dứt việc “đột kích công xưởng hàng loạt”, một phương pháp mà chính quyền Trump sử dụng để bắt giữ hàng trăm người nhập cư không giấy tờ cùng một lúc.

 

Những chính sách này, Psaki phát biểu trong một cuộc họp ngày 20 tháng 9, cho thấy “sự cam kết bất di bất dịch” của Biden trong việc “đưa ra những biện pháp cần kíp để tu sửa lại hệ thống nhập cư của chúng ta, hòng khiến nó trở nên nhân đạo và hiệu quả hơn.”

 

Nhưng hành động biên giới của Biden lại phản ánh một ý định khác: ông nỗ lực cải thiện đời sống chỉ cho một bộ phận dân nhập cư đã hòa nhập vào xã hội Mỹ, trong khi không ngần ngại mà tiếp quản lấy các chính sách do chính quyền Trump biên soạn để xua đuổi tất cả các nhóm dân nhập còn lại.

 

Người dịch: An Nguyen & Linh Nguyen

Biên tập: Vũ Yên




No comments:

Post a Comment

View My Stats