Bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”, rồi
làm gì?!
Thứ Năm, 11/25/2021 - 08:29
— VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/7037
Mấy bữa nay trên các trang mạng xã hội râm
rang câu chuyện Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Hiệu trưởng đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh đã nêu trong một tham luận bàn về văn hóa, giáo
dục, rằng nên bỏ Tiên Học Lễ Hậu Học Văn trong giáo dục nhằm phát huy tính sáng
tạo cá nhân (độc sáng). Điều này tạo ra hai luồng dư luận trái chiều, một bên đồng
thuận bỏ, một bên phản đối bỏ. Như vậy, rốt cuộc, bỏ là tốt hay không bỏ là tốt?
Và nếu bỏ thì bỏ hẳn hay thay thế?
Trước nhất, muốn bỏ hay không bỏ, có lẽ phải đặt
ra câu hỏi: Mệnh đề Tiên Học Lễ Hậu Học Văn là gì? Nó có từ bao giờ? Mức độ chi
phối, ảnh hưởng của nó với giáo dục Việt ra sao?
Thực ra, cho đến lúc này, không ai dám khẳng định
câu này là của Khống Tử mặc dù trong trước tác của ông đặt nặng vấn đề Lễ, bởi
Lễ giúp cho con người thấu cảm được lẽ huyền vi Trời Đất, thấy được ý nghĩa tồn
tại, định vị được chỗ đứng của mình trong gia đình, trước xã hội và có cách đối
nhân xử thế phải mực. Ngoài ra, vì lý do chính trị, Khổng Tử đã nâng Lễ lên
thành một loại nghi thức cúng kính, tôn thờ trời đất quỉ thần, các bậc tiên
vương, vua chúa, quan lại… Nghĩa là một phần, Lễ giúp cho con người biết khiêm
nhường, khoan hòa. Nhưng phần khác, Lễ khiến cho con người trở nên mê tín và
tôi đòi chính trị.
Hậu học văn, thời Khổng Tử thì không có các
môn hình học, đại số, sinh học, vật lý, hóa học, kĩ thuật nông nghiệp, địa lý…
Nhìn chung, các môn tự nhiên trên không có trong nền giáo dục Nho Giáo, ngoại
trừ môn Số (trong Nho, Y, Lý, Số nhằm dạy người ta hiểu về bói toán, hiểu về chữa
bệnh nhưng cũng chỉ là kinh nghiệm thô sơ, Dịch số thời đó là phương toán Hà Đồ,
Lạc Thư na ná tích hợp thô sơ, nó không được dạy trong các trường Khổng Nho mà
lại dạy ở các thầy chiêm tinh, địa lý, nó là môn nghiên cứu riêng của các nhà
thuật sĩ…) và ngay cả các môn xã hội thời đó cũng còn ở mức tầm chương trích cú
như học viết chữ, học thuộc lòng các bản kinh của người xưa, xem đó là kinh điển
bất di bất dịch.
Nhìn chung, cái sự học lấy Tiên Học Lễ Hậu Học
Văn của thời xưa chỉ dừng ở mức biết Lễ để mà sợ Trời Đất, sợ quân vương, thờ
nhà vua, vua bảo chết thì chết. Biết văn để tranh tài ra làm quan, cũng để thờ
vua, để ca tụng nhà vua. Trong ý nghĩa và công dụng này, thì đương nhiên biết Lễ
trước sẽ tốt hơn là biết Văn trước. Biết Lễ trước sẽ dễ thăng tiến và có cơ hội
tồn tại trong chốn quan trường cao hơn biết văn trước. Biết lễ trước khỏi lo chết,
thấu hiểu vị trí và mạng sống của mình trước nhà vua. Thời đó, với học thuật
như vậy, chính trị như vậy, cái câu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn là một chân lý, là
mệnh đề có tính thức thời của kẻ làm quan.
Nhưng, đến thời hiện đại, tại sao người ta vẫn
dùng mệnh đề này trong triết lý giáo dục? Bởi chữ Lễ và chữ Văn của thời đại
tân học, tức chữ quốc ngữ đã thịnh hành lại mang nội hàm rộng hơn, chữ Lễ của
thời này vừa mang ý nghĩa tôn thờ trời đất, nhà vua, tiền nhân, lại vừa mang ý
nghĩa tôn thờ thầy cô, cha mẹ và đặt trọng tâm gia đình, cha mẹ lên cao nhất.
Nghĩa là chữ Lễ của tân học đã có một bước cách mạng, nó đi từ kiếp nô lệ dưới
thời phong kiến sang kiếp tự thân vận động của thời hậu phong kiến. Và nó cũng
là phần dạy người ta cách đối nhân xử thế trong xã hội mới. Chữ Văn của thời
tân học bao gồm những môn học mới như toán học phương tây, sinh học, hóa học, vật
lý, địa lý… Trên tình thần này, mệnh đề Tiên Học Lễ Hậu Học Văn phải được hiểu
là trước nhất phải học cách ứng xử của xã hội loài người, học nghi thức làm người,
học đạo đức, hiểu phẩm hạnh, nhân cách là thế nào và trau dồi đạo đức để làm
người, thứ đến mới học tri thức nhân loại để tạo cho mình kĩ năng làm việc, khả
năng cống hiến…
Đó là tinh thần của Lễ và Văn thời đại mới,
nhìn chung hoàn toàn hợp lý, không có dáng dấp của Khổng Tử chi phối trong tinh
thần này mặc dù nó có căn nguyên Khổng Nho. Đến giáo dục xã hội chủ nghĩa, chữ
Lễ và chữ Văn lại được hiểu theo nghĩa khác và định theo hướng khác. Tuy nhiên,
một đất nước có ngàn năm nô lệ giặc Tàu, muốn bứt thoát ra khỏi căn phận nô lệ,
người ta buộc phải bứt thoát từ căn gốc, cội nguồn. Đây là vấn đề đáng bàn mà
Giáo sư Trần Ngọc Thêm đang bỏ ngõ (thiết nghĩ lý do bỏ ngõ này rất nhạy cảm và
dễ hiểu trong tình thế của ông – một đảng viên Cộng sản, một lãnh đạo trong
ngành giáo dục, và đương nhiên là một chân trong hội đồng nhân dân thành phố).
Chính sự bỏ ngõ, không nêu được mệnh đề mới, mệnh đề thay thế mà còn nhấn mạnh
yếu tố độc sáng của mỗi trí thức, điều này cũng đồng nghĩa với bỏ hẳn mệnh đề
cũ và không cần mệnh đề tương đương. Như vậy, nghĩa là khuynh hướng bỏ hẳn cao
hơn khuynh hướng thay thế, không có dấu hiệu thay thế.
Về phần mệnh đề Tiên Học Lễ Hậu Học Văn, cho đến
lúc này, Việt Nam hầu như không có triết lý giáo dục, mệnh đề Tiên Học Lễ Hậu Học
Văn đã bị biến thành câu cổ động, thành phương châm, hoặc giả là khẩu hiệu, nó
trở nên trống rỗng, khô khan nên việc bỏ đi hay giữ lại, không phải là chuyện
đáng nói. Mà chuyện đáng nói ở đây là điều gì đã khiến một mệnh đề triết học
trong giáo dục đã bị biến tướng thành câu khẩu hiệu? Và hơn hết, giả sử nó còn
sức chi phối, trong cái giá trị cổ động của nó, thì Lễ ở đây như thế nào, Văn ở
đây như thế nào?
Xin thưa, trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa,
Lễ, phải hiểu rằng ngay từ trứng nước, chập chững bước vào mẫu giáo, người ta
đã dạy cái Lễ kính Bác, yêu Bác, tôn thờ Bác. Cụ thể Bác ở đây là Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, thì yêu Đảng, ghi nhớ công ơn Đảng, tôn thờ Đảng… Lớn lên, cái Lễ này
còn nặng nề hơn, nó nặng nề đến độ một người có chữ, làm giáo viên, đôi khi phải
phó thác phẩm hạnh, thân xác của mình cho người của Đảng. Nói như vậy để hiểu rằng
chữ Lễ trong giáo dục xã hội chủ nghĩa nhắm đến cái gì. Và chữ Văn trong giáo dục
xã hội chủ nghĩa thì sao? Đó là một thứ sản phẩm được mua đi bán lại giữa các
thế hệ, thế hệ trước mua được cái chữ, bán lại cho thế hệ sau, người khôn ranh
thì bán được nhiều tiền, kẻ hiền ngu thì bán không được hoặc bán được ít tiền.
Luật chơi giáo dục, (có lẽ phải dùng chữ “luật chơi” ở đây mới đúng!) là con mạnh
được con yếu thua. Và người nào càng biết Lễ thì càng lên cao.
Chính vì chữ Lễ đã bị đánh tráo ngay từ trứng
nước nên nền giáo dục trở nên thối nát, u ám, bệ rạc và mục rã. Nếu như bỏ câu
khẩu hiệu Tiên Học Lễ Hậu Học Văn trong giáo dục xã hội chủ nghĩa thì cũng nên
lắm. Nhưng, trong nền giáo dục này, số đông dụng câu khẩu hiệu theo hướng trên,
cũng có một số không nhiều sử dụng theo hướng mệnh đề triết học và hướng con
người đến chỗ nhân bản, tôn trọng phẩm hạnh và đạo đức… Nhưng, đây chỉ là con số
nhỏ và mức độ ảnh hưởng của họ, như đã thấy, hiếm hoi, rất hiếm hoi tín hiệu xã
hội bình an, thiện lương. Và một xã hội mà người ta luôn nắm chớp cơ hội, sẵn
sàng đạp lên nhau mà sống, sẵn sàng lên giường với quan chức để tiến thân, sẵn
sàng đấu tố đồng môn, đồng liêu, sẵn sàng đoạt mạng của người thân vì một thứ
tham vọng nào đó… có tất, thì có nên giữ câu khẩu hiệu này lại?!
Khi một thứ khẩu hiệu trở nên khô cứng và rỗng
tuếch, một phương châm giáo dục vừa hình thức vừa không thật, thì liệu nó có
nên tồn tại? Hơn nữa, sự tồn tại của nó lại mang dáng dấp Khổng Nho?! Nhưng, điều
này càng nguy hiểm gấp bội lần nếu như bỏ nó đi mà không có mệnh đề thay thế. Bởi
khi trong một xã hội có nền nếp, có căn cơ, thì tính độc sáng sẽ phát huy được
khía cạnh thiện lương của nó. Ngược lại, trong một xã hội mà nền giáo dục giống
như một cái lẩu hầm bà lằng các loại xôi thịt, rau cải, xương xẩu, gia vị và độc
dược… loạn cào cào, nếu phát huy tính độc sáng, chắc chắn cơ hội cho cái ác sẽ
rất cao, và khi cái ác có cơ hội độc sáng, sẽ khó mà lường được chuyện gì!
Giá như ngay từ đầu, ông Trần Ngọc Thêm đề xuất
thay đổi mệnh đề hoặc Việt hóa mệnh đề Tiên Học Lễ Hậu Học Văn bằng một mệnh đề
mới, có tính Việt (Ví dụ: Học Làm Người Trước, Học Làm Trí Thức Sau hoặc Học
Người Rồi Học Khoa Học… chẳng hạn!) thì câu chuyện lại khác. Bởi chí ít, nền
giáo dục vốn dĩ không có cái lõi triết lý (đừng xem các nguyên tắc, tôn chỉ và
định hướng giáo dục xã hội chủ nghĩa là triết lý giáo dục, vì nó không phải vậy!)
thì rất cần một hệ thống triết lý giáo dục hẳn hoi, sau đó là hành động giáo dục
thích ứng.
Chưa bao giờ nền giáo dục này cần cứu như bây
giờ, và khi cái xấu, điều tệ hại đã ngấm vào cơ địa giáo dục, thì việc để nó độc
sáng là một tai họa!
==============================================
XEM THÊM
Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo
đức xã hội sẽ ra sao?
Nguyễn
Văn Nghệ
24/11/2021
https://baotiengdan.com/2021/11/24/bo-tien-hoc-le-thi-dao-duc-xa-hoi-se-ra-sao/
No comments:
Post a Comment