Sunday, 12 September 2021

LINDA LÊ: "VĂN CHƯƠNG LÀ QUÊ HƯƠNG, VÌ MÁU LÀ TỪ MỰC" (Sơn Ca - RFI)

 


Linda Lê: "Văn chương là quê hương, vì máu là từ mực"

Sơn Ca  -  RFI

Đăng ngày: 12/09/2021 - 13:09

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-v%C4%83n-h%C3%B3a/20210912-linda-l%C3....BB%AB-m%E1%BB%B1c 

 

Trong cuốn Chống lại Sainte-Beuve, Marcel Proust đã chỉ trích Sainte-Beuve không nhìn thấy vực sâu chia cắt giữa con người nghệ sĩ với con người xã hội, không hiểu rằng cái tôi của nhà văn chỉ hiện diện trong tác phẩm, không phải trong những cuộc chuyện trò với người khác.

 

https://s.rfi.fr/media/display/41ad157e-32fa-11ea-acb0-005056a917b9/w:900/p:16x9/linda_le_rfi_0.webp

Nhà văn Linda Lê trong phòng thu của đài RFI, tháng 01/2020. © RFI/Fanny Renard

 

Proust cho rằng văn chương, điều khi nhà văn viết trong cô đơn khác với chuyện kể trong lúc hàn huyên, bởi cái tôi bề ngoài cất tiếng nói khi có sự hiện diện của người khác, còn cái tôi sâu lắng khi ở một mình mới là điều mà người nghệ sĩ muốn đạt tới. Theo Proust, không thể đồng hoá tác phẩm với con người bề ngoài của tác giả, qua lời kể của bạn bè hay qua thư từ. Sainte-Beuve đi từ đời tư tác giả để giải thích tác phẩm, còn Marcel Proust đi từ tác phẩm để tìm tới tác giả. (1)

 

Linda Lê, với tiểu thuyết Œuvres Vives, viết năm 2014, đã làm việc ngược lại với Proust, là viết một tác phẩm trong đó kể về một nhà báo điều tra về cuộc đời của nhà văn mới tự tử, Antoine Sorel, thông qua việc tìm gặp những người thân, những người quen biết nhà văn. Nhân vật nhà báo, người tiến hành cuộc điều tra, cùng lúc đã đọc rất nhiều tác phẩm của nhà văn này, nhưng người đọc, là chúng ta, tuyệt nhiên không biết gì về nội dung những cuốn sách ấy.

 

Điều ta biết khi đọc tác phẩm Œuvres Vives là câu chuyện về cuộc đời riêng tư của Antoine Sorel, thông qua lời kể của nhiều người khác nhau. Linda Lê chia sẻ rằng, nội dung những cuốn tiểu thuyết của Antoine Sorel được ẩn đi, vì theo bà, người đọc vẫn luôn đồng hành cùng người viết để hoàn thiện tác phẩm trong quá trình đọc. Vì vậy, thông qua việc dựng lên chân dung của một nhà văn, bà muốn để người đọc tưởng tượng và hình dung về những cuốn sách mà người ấy sáng tác. (2)

 

Linda Lê cũng giải thích về tiêu đề của tác phẩm: "Thông thường, người ta gọi "Œuvre vive" là phần chìm dưới mặt nước của một chiếc tàu. Đó là bộ phận mà chúng ta không trông thấy, vì nó khuất dưới mặt nước. Ngược lại "Œuvre morte" là phần ở bên trên mặt nước. Cái gì nhìn thấy là phần "chết", còn phần "sống" lại là cái gì không trông thấy…Thế rồi ở đây tựa cuốn sách này cũng gợi lên ý tưởng là những tác phẩm của Sorel tiếp tục sống mãi cho dù ông văn sĩ đã về cõi vĩnh hằng." (3)

 

Tác phẩm Œuvres Vives được dịch ra trong tiếng Việt năm 2018 với tựa đề Vượt sóng có thể chưa thật chuẩn với nội dung tiểu thuyết và ý đồ của Linda Lê. 

 

Đọc Linda Lê, rất khó tách bạch sáng tác khỏi cuộc đời bà, hệt như Patrick Modiano đã dùng chất liệu đời mình để nhào nặn nên tác phẩm văn chương. Nhà văn Đinh Linh, trong lời đề từ tiểu thuyết Tiếng nói của Linda Lê xuất bản năm 2017 tại Việt Nam, cũng thừa nhận Linda Lê chịu ảnh hưởng của một số nhà văn Tây phương nhưng ảnh hưởng lớn nhất tới sáng tác của bà là ảnh hưởng của lý lịch và bà đã thừa hưởng những bất hạnh của một dân tộc chịu nhiều bất hạnh.  

 

Những đề tài trong tiểu thuyết của Linda Lê 

 

Người chết, người điên, người viết, người đọc, người tha hương khỏi ngôn ngữ và quê hương và người tha hương trong những cuộc tình, là đề tài chính trong các tác phẩm của Linda Lê. 

 

Thư chết, Sóng ngầm, Œuvres Vives, In memoriam...là những tác phẩm của Linda Lê mở đầu bằng cái chết, trong đó, trừ tác phẩm Thư chết nói về cái chết của người cha, những tác phẩm còn lại đều là cái chết của nhà văn. Lại chơi với lửa là tuyển tập truyện ngắn sáng tạo về ngôn từ và hình ảnh, đầy ẩn dụ và mê hoặc, ám ảnh và bạo liệt những câu chuyện về người đọc và người viết, nơi từ ngữ tách ra khỏi trang sách, nhảy vọt lên cắn vào cổ người đọcnơi lọ mực lên tiếng xúi giục người viết cầm dao đuổi theo đâm chết tên độc tài, nơi một người khách từ trong bản thảo bước ra khi một tác phẩm hoàn thành. 

 

Nhân vật trong các tác phẩm còn lại của Linda Lê đều là những người đọc và người viết. Mở đầu tiểu thuyết Cronos là hình ảnh một người đàn ông mải đọc sách trên băng ghế dưới chân một ngọn đèn, quên mất giờ giới nghiêm nên bị một tên lính nện báng súng vào đầu. Ông ngã xuống với khuôn mặt đẫm máu khi trong tay vẫn ôm chặt cuốn sách. Thư chết và Vu Khống là hai tác phẩm đều nhắc đến một người cậu bị điên và cả hai người điên này đều sống trong sách vở. Đặc biệt, người điên trong Vu khống sống trong bệnh viện, học tiếng Pháp từ những cuốn tiểu thuyết văn chương của một bác sĩ đưa cho anh, và chính những cuốn sách ấy đã cứu rỗi anh.

 

Nhân vật cháu gái trong Vu khống, nhân vật Văn và Ulma trong Sóng ngầm, nhân vật Sorel trong Œuvres Vives cũng là những người đọc và người viết. Qua lăng kính của Linda Lê, họ là những người tha hương khỏi cuộc đời này: "Tôi sáng tác những câu thơ kinh khủng, chỉ để nói rằng cuộc sống không thực sự ở đây. Tôi cũng viết nhật ký, chỉ để nói rằng tôi không tìm thấy chỗ của mình trong thế giới này." (4)

 

Tha hương là đề tài trở đi trở lại trong tác phẩm của Linda Lê: tha hương về địa lý, tha hương trong ngôn ngữ, trong đời sống và sáng tác, đặc biệt là tha hương bên lề cuộc đời người khác, trong gia đình và trong những cuộc tình. Nhân vật trong tác phẩm của Linda Lê bị bật rễ khỏi quê hương, gia đình và những người yêu quý. Các mối quan hệ cha mẹ, con cái trong tác phẩm Sóng ngầmŒuvres Vives hầu như không có mối quan hệ mật thiết, xa cách về tư tưởng, ngôn ngữ và văn hóa, thậm chí xung đột gay gắt. Đặc biệt, Linda Lê luôn tạo các mối tình tay ba, các mối tình ngoài luồng trong tác phẩm của mình. Trong Vu Khống có một chi tiết Linda Lê đã so sánh tình cảm của một người đứng bên lề cuộc đời người khác, giống hình ảnh của một người tha hương bên lề đất nước không phải quê hương nguồn cội mình. 

 

Lưu đày ngôn ngữ cũng là một ám ảnh trong sáng tác của Linda Lê, như bà từng viết: "Viết trong một ngôn ngữ không phải của mình, là làm tình với một thây ma." (5)

 

Thế giới của người ở bên rìa tất cả 

 

Linda Lê cũng xuất bản nhiều tập tiểu luận vinh danh những nhà văn tha hương, những người viết bằng ngôn ngữ khác, nơi bà tìm thấy nhiều sự đồng cảm và có những người đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của bà như: Tu écriras sur le bonheur năm 1999, Marina Tsvetaieva, ça va la vie? năm 2002 và Par ailleurs (exils) năm 2014.  

 

Tác phẩm Sóng ngầm của Linda Lê xây dựng hai nhân vật kỳ lạ. Hai người Pháp gốc Việt, anh em cùng cha khác mẹ, đã tìm thấy nhau tại Pháp, và bắt đầu một mối tình, không chỉ là mối tình tay ba nơi người chồng ngoại tình, mà còn là mối tình loạn luân cùng huyết thống. Nhưng họ không cưỡng lại được sự hút nhau, như thể việc chung quê hương nguồn cội và tiếng nói đã giúp họ chạm vào được phần sâu thẳm bên trong mình. Lần đầu tiên nói "yêu em" trong tiếng Việt đã khiến Văn, nhân vật trong tác phẩm, có được cảm giác hạnh phúc lạ kỳ.

 

"[...] không phải chúng tôi cùng cha sinh ra mà bởi trong sâu thẳm chúng tôi là những kẻ ngoại cuộc, tôi không biết xứ nào là quê hương, em có nhiều danh tính mà không cái nào làm điểm tựa. Cùng ở vị thế lập lờ, cả hai chúng tôi đều như những kẻ mất hồn [...]. Tôi thấy ngọt ngào làm sao khi thốt "yêu em" với Ulma bằng thứ tiếng ba mươi năm nay tôi không còn nói nữa và lại có vẻ thật du dương. Không có Ulma tôi đã không nối lại với thứ, nơi tôi, còn rơi rớt, dù ít ỏi chừng nào, của phương Đông. Tôi bị xáo động tột cùng." (6)

 

Hãy để ý đến một điểm chung của tất cả những người chết, người điên, người viết, người đọc, người tha hương trong tác phẩm của Linda Lê. Đây là những người luôn sống ở bên rìa của tất cả, nơi thuộc về những tròng trành, nơi thuộc về vùng đất của no man's land, như trong tiểu luận Tròng trành mà Linda Lê đã viết. "Tôi yếu lòng bảo vệ tính tiểu thuyết và chưa làm sáng tỏ bí ẩn của sự chuyển hóa những tròng trành, rách xước và tang thương thành những từ ngữ mà ta ráng, trong một sự ương ngạnh hung cuồng, lấy dao trổ khắc." (7)

 

No man's land, từ mà Linda Lê đã dùng trong tiểu luận trên một lần nữa gợi nhắc về Patrick Modiano, ngay cả cách Linda Lê dùng tên các địa danh và dữ liệu đời thực đưa vào tác phẩm làm ta nghĩ đến ông, nhưng thế giới của Linda Lê là thế giới gần như đối lập, không u sầu thơ mộng như trong thế giới của nhà văn của giải thưởng Nobel 2014. Thế giới của Linda Lê luôn được đẩy đến mọi thái cực, quyết liệt, đen tối, kỳ dị, bất thường, điên loạn...dù văn phong có sự thay đổi qua các thời kỳ nhưng ngôn từ không thôi bùng cháy. "Tôi thích sự bùng cháy của ngôn từ, rằng những cuốn sách là ngọn lửa rực cháy." (8)

 

Bóng dáng cuộc đời trong tiểu thuyết

 

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, càng ở những tác phẩm sáng tác về sau, ngòi bút của Linda Lê càng trở nên điêu luyện trong cách kể chuyện bằng nhiều giọng kể. Nếu như Tiếng nói (1988) và Thư chết (1999) chỉ là những độc thoại nội tâm của một giọng kể duy nhất, nơi người ta dễ dàng có thể nhận thấy đó là tiếng lòng sâu thẳm và day dứt nhất của Linda Lê sau những năm tháng mất cha, thì trong Sóng ngầm (2012) và Œuvres Vives (2014), Linda Lê đã một mình phân thân mình thành nhiều mảnh và hóa thân mình trong nhiều nhân vật, thể hiện sự lao động sáng tạo bền bỉ trong ngôn từ và trí tưởng tượng. Sóng ngầm là bốn giọng kể trực tiếp của bốn nhân vật khác nhau còn Œuvres Vives là nhiều giọng kể gián tiếp của nhiều nhân vật khác nhau.

 

Bóng dáng cuộc đời cá nhân của Linda Lê dường như vẫn hiện diện sắc nét trong tất cả các tác phẩm nhưng rõ ràng đó là những tiểu thuyết văn chương hư cấu nơi Linda Lê theo nhiều cách đã luôn tìm cách trao tiếng nói cho một người vừa mới qua đời. Linda Lê như người bị vỡ thành trăm mảnh và bà đã nhặt từng mảnh vỡ và đặt mỗi mảnh nhỏ vào một nhân vật, và trong những cuốn tiểu thuyết khác nhau, dù mỗi nhân vật đều có giới tính, tính cách, đời sống, giọng nói riêng khác nhưng ta đều thấy Linda Lê ở đó. 

 

Có thể nói văn chương Linda Lê thuộc dòng văn học chấn thương như Anna Gotlib phân tích trong tiểu luận Chấn thương và chuyện kể: "Chấn thương châm ngòi cho tự sự. [...] Những gì nó có thể làm là trở thành chất xúc tác cho nhiều câu chuyện khác nhau – những câu chuyện sâu sắc hơn về việc chúng ta là ai, chúng ta có giá trị như thế nào và làm sao chúng ta có thể sống “sau” chấn thương. Chúng là câu chuyện về sự kiến tạo ý nghĩa, làm lại ý nghĩa [...] mở ra những khả năng cho việc tái tạo các câu chuyện, [...] tích hợp một số những kinh nghiệm tệ hại nhất của mình vào trong những câu chuyện không ngừng được mở ra về chính bản thân mình.” (9)

 

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt và lớn lên tại Sài Gòn. Cha bà là một kỹ sư Bắc Việt còn mẹ xuất thân từ một gia đình khá giả có quốc tịch Pháp. Thuở nhỏ, khi còn ở Việt Nam, Linda Lê đặc biệt gắn bó với cha về tình cảm nhưng xa lạ với tiếng Việt và văn hóa Việt. Không có nhiều sợi dây liên hệ tinh thần với mẹ nhưng Linda Lê được mẹ cho học trường tiếng Pháp, rất say mê và am hiểu văn chương Pháp. Năm 1977, Linda Lê cùng mẹ và các chị em rời Việt Nam định cư tại Pháp, để lại người cha ở lại Việt Nam. Linda Lê liên lạc với cha qua những lá thư, ngầm đặt cha mình là độc giả tưởng tượng khi viết văn. Năm 1995, cái chết của người cha đã để lại nhiều day dứt và chấn thương trong lòng bà, khiến bà thậm chí có những khoảng thời gian rơi vào trầm cảm. Đó cũng là lý do vì sao đề tài về một người cha đã mất luôn lặp đi lặp lại trong tác phẩm của bà. 

 

Hơn một lần, trong tác phẩm cũng như trong trả lời phỏng vấn, Linda Lê đều viết mình không biết nơi đâu là nhà, bất cứ chốn nào cũng xa lạ, ở quê hương nguồn cội, ở đất nước mình đang sống, ở giữa mọi người và ở trong cuộc đời. Sola trong In memoriam và Sorel trong Œuvres Vives là hai nhà văn trong tác phẩm của Linda Lê, đều chọn con đường tự tử để kết thúc cuộc đời. Dường như văn chương không thể cứu rỗi cuộc đời họ. Nhưng với Linda Lê, văn chương không chỉ cứu rỗi, văn chương còn giúp bà được chữa lành, được xoa dịu, được học hỏi và được lớn lên từ đó. (10) Linda Lê cũng nhiều lần khẳng định văn chương chính là Tổ quốc mình. Bởi thế, nhà phê bình Brigitte Lannaud Levy đã viết, với Linda Lê, ”văn chương là quê hương vì máu là từ mực”. (11)

 

-------------

 

Trích nguồn: 

 

(1) Phê bình cũ - phê bình mới, Phê bình văn học thế ký 20, Thụy Khuê:

http://thuykhue.free.fr/PBVH/Chuong03-PheBinhCuMoi.html

 

(2) Linda Lê trả lời phỏng vấn tại hiệu sách La Galerne: 

https://www.youtube.com/watch?v=p3DBmaDl8Fg&t=326s

 

(3) "Œuvres Vives", tâm trạng cô đơn của kẻ lưu đày, Tạp chí văn hóa RFI Tiếng Việt năm 2014: 

https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20141024-oeuvres-vives-tam-trang-co-don-cua-ke-luu-day

 

(4) Vượt sóng, Phạm Duy Thiện dịch từ nguyên tác "Œuvres Vives", Công ty cổ phần Sách Tao Đàn và NXB Hội nhà văn, năm 2018.

 

(5) Linda Lê : de l'exil du langage au langage de l'exil, Thi Thu Thuy Bui:

https://www.academia.edu/23953392/Linda_L%C3%AA_de_lexil_du_langage_au_langage_de_lexil

 

(6) Sóng ngầm, Hồ Thanh Vân và Bùi Thu Thủy dịch từ nguyên tác Lame de fond, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, năm 2018. 

 

(7) Tiểu luận Tròng trành của Linda Lê, Hồ Thanh Vân dịch đăng trên tạp chí của Nhà xuất bản độc lập Ajar: http://www.ajarpress.com/Project-DetailVi.aspx?ProjectId=181

 

(8) Linda Lê : “J'aime que les livres soient des brasiers“, Marine Landrot, 2020

https://www.telerama.fr/livre/linda-le-j-aime-que-les-livres-soient-des-brasiers,59204.php

 

(9)  Anna Gotlib – Chấn thương và chuyện kể, Hải Ngọc dịch

https://hieutn1979.wordpress.com/2021/01/03/anna-gotlib-chan-thuong-va-chuyen-ke/

 

(10) Linda Lê trả lời phỏng vấn Mediapart, thực hiện bởi Dominique Conil và Yannick Sanchez: https://www.youtube.com/watch?v=mco7JdliulE

 

(11) "Sang d’encre", Brigitte Lannaud Levy: https://www.onlalu.com/livres/roman-francais/oeuvres-vives-linda-le-le-8647/

 

                                                         ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Những lối vào tiểu thuyết Patrick Modiano

.

Từ Romain Gary đến Émile Ajar: “Tôi cuối cùng đã thể hiện bản thân trọn vẹn”





No comments:

Post a Comment

View My Stats