3
lý do Việt – Mỹ chưa trở thành đối tác chiến lược
LEE
NGUYEN - LUẬT KHOA
03/09/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/09/3-ly-do-viet-my-chua-tro-thanh-doi-tac-chien-luoc/
Tình trong như đã,
mặt ngoài còn e.
Phó Tổng thống Mỹ
Harris tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 25/8/2021. Ảnh: REUTERS/Evelyn
Hockstein/Pool
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã nhiều lần
nhắc đến việc nâng cấp quan hệ hai nước từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến
lược” nhưng bị phía Việt Nam lờ đi. Ba lý do cho việc này là:
·
Việt Nam muốn giữ thế cân
bằng trong quan hệ với các nước lớn, không muốn làm mất lòng Trung Quốc.
·
Lực cản từ các thế hệ
lãnh đạo chống Mỹ bảo thủ trong Đảng Cộng sản.
·
Thực chất quan hệ Việt –
Mỹ đã vượt qua mức “đối tác toàn diện” nên thay vì nâng cấp quan hệ song phương
về mặt hình thức, Việt Nam lựa chọn đẩy mạnh hợp tác với Mỹ ở các diễn đàn đa
phương.
Chiều ngày 26/8/2021, Phó Tổng thống Hoa Kỳ
Kamala Harris đã kết thúc chuyến
công du kéo dài 48 tiếng ở Việt Nam. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất
trong quan hệ Việt – Mỹ tính từ thời điểm ông Biden nhậm chức vào đầu năm 2021.
Trọng tâm trong chuyến thăm của bà Harris là các cam kết về y tế, nhân quyền,
quyền của giới xã hội dân sự, tự do hàng hải trong khu vực và nâng tầm quan hệ
Việt – Mỹ. [1]
Về quan hệ Việt – Mỹ, bà Harris đã nhiều lần
nhắc đến việc nâng cấp quan hệ hai nước từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến
lược” khi trao đổi cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Mối quan hệ của
chúng ta đã đi một chặng đường dài trong một phần tư thế kỷ. […] Tôi cũng muốn
trong khi chúng tôi ở đây, chúng ta xem xét làm những gì có thể để nâng cấp mối
quan hệ của chúng ta thành đối tác chiến lược.”
Tuy nhiên, phía Việt Nam đã lờ hẳn lời đề nghị
của bà Harris. Mười một năm trước, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Hà Nội vào tháng 7/2010 và khi Tổng thống Barack
Obama có chuyến thăm vào tháng 5/2016, Việt Nam cũng đã bỏ lỡ cơ hội nâng cấp
quan hệ song phương với Mỹ. Theo một bài
viết được đăng tải trước đây trên Luật Khoa tạp chí, người viết cho rằng,
quan hệ Việt – Mỹ có thể được xem là mối quan hệ thuộc hàng phức tạp và tinh vi
bậc nhất trên thế giới. [2][3]
Là một mô hình phổ biến trong quan hệ quốc tế
kể từ sau Chiến tranh Lạnh, “đối tác chiến lược” (strategic partnership) và “đối
tác toàn diện” (comprehensive partnership) đã dần thay thế mô hình liên minh
quân sự (alliance) vốn đã cũ kỹ, cứng nhắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro xung đột.
Dù có nhiều tranh luận về định nghĩa, có thể
hiểu nôm na đây là quan hệ trên mức bạn bè, đối tác thông thường, nhưng chưa đến
mức sinh tử như một liên minh. Do mô hình “trên tình bạn, dưới tình yêu” này rất
linh hoạt nên đã trở nên phổ biến trong quan hệ quốc tế.
Một quốc gia phải quan trọng đến một mức độ nhất
định đối với Việt Nam thì mới được xem là “chiến lược”, còn các quốc gia có
quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, thương mại… dưới mức
“chiến lược” thì có thể xem là “toàn diện”. Vậy như thế nào thì được xem là
“chiến lược”?
TS. Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore), trong một bài viết trên dự án Nghiên cứu Quốc tế (một tạp chí học
thuật phi lợi nhuận về quan hệ quốc tế do các học giả Việt Nam sáng lập và điều
hành) đã nhận định: [4]
“Một mối quan hệ nên được coi là ‘chiến lược’
đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh, thịnh
vượng, và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an
ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ
mang ý nghĩa thứ yếu.”
Việt Nam thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược”
với 13 nước; 3 nước lớn Trung Quốc, Nga và Ấn Độ được gọi là “đối tác chiến lược
toàn diện”, Nhật Bản được xem là “đối tác chiến lược sâu rộng”, Hà Lan [5] được coi là “đối tác chiến lược lĩnh vực”;
3 nước Lào, Campuchia và Cuba được trang trọng gọi là “đối tác đặc biệt”. So
ra, với tư cách là “đối tác toàn diện”, Mỹ chỉ đứng ngang hàng với Argentina, Đan
Mạch và Hungary. [6] Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Sau đây là ba lý
do quan hệ Việt – Mỹ chưa thể thành “đối tác chiến lược” mà người viết tổng hợp
được.
1. Yếu tố Trung Quốc
Theo một bài viết của Alexander L. Vuving đăng trên tạp chí The
Diplomat, ông cho rằng Trung Quốc là “yếu tố lớn nhất khiến mối quan hệ Việt –
Mỹ trở nên mỏng manh và khó hiểu”. [7]
Trước chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống
Kamala Harris chỉ vài tiếng đồng hồ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính
đã tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, một vị
trí không được xem là đồng cấp với ngài thủ tướng về mặt ngoại giao. [8] Thay
vì cử ra một thứ trưởng hoặc Bộ trưởng Ngoại giao để tiếp đón Đại sứ Trung Quốc,
Việt Nam đã để đích thân Thủ tướng làm công việc này.
Thậm chí, ngài Thủ tướng phải thề thốt rằng
“Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác” và
không quên dành những lời có cánh để xoa dịu sự lo lắng của Bắc Kinh: “Việt Nam
coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược
toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, coi đây là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên
hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Do đó, có thể thấy sức nặng của Trung Quốc và
tính bất đối xứng trong quan hệ Việt – Trung.
Nhiều dấu hiệu cho thấy có khả năng phía Trung
Quốc đã gây áp lực lên Việt Nam. Hai ngày sau khi Đại sứ Hùng Ba gặp Thủ tướng
Phạm Minh Chính, fanpage “Đại sứ quán của Trung Quốc tại Hà Nội” đã đăng một đoạn thông báo ngắn trên mạng xã hội Facebook, với khẩu khí
mang đậm phong cách “ngoại giao Chiến Lang”. [9]
Theo đó, Đại sứ quán Trung Quốc vừa cảnh báo Mỹ
“đừng coi nhẹ quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, năng lực mạnh mẽ của nhân
dân Trung Quốc”, vừa nhắc khéo Việt Nam trong khi khẳng định “các nước trong
khu vực sẽ không chạy theo gậy chỉ huy của Mỹ, càng sẽ không bị lôi vào thế trận
chống lại Trung Quốc của Mỹ.”
2. Quan điểm bài Mỹ
trong tư duy của giới lãnh đạo Việt Nam
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của bà Harris,
báo Quân đội Nhân dân đã đăng tải các bài viết nhắc lại những
“tội ác” của lính Mỹ và gợi lại ký ức đau thương của người dân trong chiến
tranh Việt Nam. [10] Các diễn ngôn mang tính thù hận người Mỹ như vậy cũng thường
xuất hiện trên các tờ báo chí cách mạng, đặc biệt là trong những sự kiện hàn gắn
và thúc đẩy quan hệ bang giao hai nước.
Học giả Alexander L. Vuving nhận định rằng, giới
lãnh đạo Việt Nam hiện đang phân cực giữa một bên là các nhà lãnh đạo mang tư
tưởng hội nhập mong muốn mở rộng hợp tác với các siêu cường phương Tây, trong
khi có một nhóm bảo thủ chống phương Tây để ngăn chặn sự xói mòn quyền lực của
Đảng Cộng sản.
Vào tháng 12/2012, chỉ vài tháng trước khi Việt
Nam và Mỹ trở thành “đối tác toàn diện”, Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Phùng Quang Thanh đã có một phát ngôn khá hoang đường rằng Washington có thể xâm
lược đất nước một lần nữa “khi có cơ hội”. [11]
Những tư duy bài Mỹ như vậy thường xuất hiện ở
những thế hệ lãnh đạo già hoặc người trong giới quân đội, công an – những người
đã từng hoặc có người nhà tham gia chiến tranh Việt Nam, đã mất một phần xương
máu hoặc có “nợ máu” với người Mỹ. Đây chính là lực cản trong việc nâng cấp
quan hệ Việt – Mỹ.
Mặc dù phía Mỹ đã có những động thái viện
trợ, hàn gắn vết thương chiến tranh, và quan hệ hai nước trong trong hai thập
niên qua đã có nhiều tiến triển đáng kinh ngạc trên tất cả các lĩnh vực như
kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, ngoại giao và an ninh nhưng những diễn ngôn
kích động thù hận của báo chí cách mạng và lực lượng dư luận viên thân chính phủ
vẫn thường xuyên được đăng tải trên không gian mạng. [12]
3. Thực chất quan
hệ Việt – Mỹ đã vượt qua mức “đối tác toàn diện”
Tính từ thời Obama, quan hệ Việt-Mỹ đã trở nên
nồng ấm hơn khi nước Mỹ xoay trục về châu Á, trong khi Trung Quốc – kẻ thù truyền
kiếp của Việt Nam – bắt đầu mở rộng các yêu sách lãnh thổ ngoài khơi bờ biển Việt
Nam, cản trở các nỗ lực khai thác dầu khí của chính phủ và tài nguyên cá của
người dân Việt Nam.
Bốn tổng thống liên tiếp của Hoa Kỳ đã thực hiện
các chuyến thăm Việt Nam trong hai thập kỷ qua, trong khi Obama đã có một bước
đi lịch sử trong chuyến thăm của mình vào năm 2016 bằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. [13]
Dưới thời Biden, Việt Nam cũng được nhắc đến
rõ ràng, tích cực và được mô tả là một đối tác an ninh quan trọng trong bản “Hướng
dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia” được chính quyền Biden công bố vào ngày 3/3/2021. [14] Hai nước cũng đã đạt
được thỏa thuận về giải quyết tranh chấp tiền tệ vào tháng 7/2021, một vết rạn nứt
có từ thời Trump. [15]
Về lĩnh vực kinh tế, Mỹ là đối tác thương mại
lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, với kim ngạch 90,8 tỷ USD vào năm 2020, tăng 200 lần so với năm
1995. [16]
Kim ngạch thương mại của hai nước tăng đều
hàng năm, cũng như quan hệ quân sự Việt – Mỹ. Hai nước cũng phát triển các thỏa
thuận song phương gần đây, bao gồm các hoạt động giao lưu văn hóa – giáo dục [17] giữa công dân hai nước
và các cơ chế đối thoại an ninh cấp cao. [18]
Về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ tăng cường tài trợ
cho các sáng kiến an ninh hàng hải ở Việt Nam. Trong những năm 2017 – 2021, Việt Nam đã nhận được khoảng 60 triệu USD hỗ
trợ an ninh song phương do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ trong khuôn khổ chương
trình Tài trợ Quân sự nước ngoài (Foreign Military Financing – FMF) và hơn 20
triệu USD ngân sách FMF khu vực từ Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á
(Southeast Asia Maritime Security Initiative – SAMSI), cùng với khoản viện trợ
81,5 triệu USD từ FMF trong năm 2018 để hỗ trợ Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ
– Thái Bình Dương. [19]
Do đó, người viết tổng kết rằng hai nước về thực
chất vốn đã vượt qua mức “đối tác toàn diện” – vốn chỉ là vẻ bề ngoài của quan
hệ Việt – Mỹ. Ta sẽ thấy điều này rõ hơn khi so sánh quan hệ Việt – Mỹ với quan
hệ giữa Việt Nam và các đối tác toàn diện khác như Canada, Hà Lan, Brazil. Thậm
chí, quan hệ Việt – Mỹ còn sâu sắc và toàn diện hơn nhiều so với một số đối tác
chiến lược của Việt Nam như Úc, New Zealand, Tây Ban Nha, Thái Lan.
Thay vì đẩy mạnh hợp tác song phương và làm
mích lòng Trung Quốc, “Việt Nam sẽ phát triển hợp tác sâu sắc hơn với Mỹ thông
qua các tổ chức đa phương, nhất là tại diễn đàn khu vực ASEAN”, như bình luận
được đăng tải trên BBC News
Tiếng Việt của bà Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế
trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. [20]
Chú thích:
1. Lê Quỳnh. (2021, August 26). 48 giờ
Kamala Harris ở Hà Nội: Ngắn ngủi nhưng tác động lâu dài. BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58342800
2. Carlyle A. Thayer. (2013, July 30).
The US–Vietnam Comprehensive Partnership: What’s in a name? The
Strategist.
https://www.aspistrategist.org.au/the-us-vietnam-comprehensive-partnership-whats-in-a-name
3. Lee Nguyen. (2021, July 12). 3 chuyện
ít được nói tới về quan hệ Việt – Mỹ. Luật Khoa Tạp Chí.
https://www.luatkhoa.org/2021/07/3-chuyen-it-duoc-noi-toi-ve-quan-he-viet-my
4. Lê Hồng Hiệp. (2014, May 24). Việt
Nam: Bao nhiêu đối tác chiến lược là đủ? Nghiên Cứu Quốc Tế.
http://nghiencuuquocte.org/2014/05/24/viet-nam-bao-nhieu-doi-tac-chien-luoc-la-du
5. Tuyên bố chung Việt Nam—Hà Lan.
(2019, April 10). Báo Nhân Dân.
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tuyen-bo-chung-viet-nam-ha-lan-355130
6. Alexander L. Vuving. (2021). The
Evolution of Vietnamese Foreign Policy in the Doi Moi Era. SocArXiv.
https://doi.org/10.31235/osf.io/nqzhf
7. Alexander L. Vuving. (2021, August
21). Will Vietnam Be America’s Next Strategic Partner? The Diplomat.
https://thediplomat.com/2021/08/will-vietnam-be-americas-next-strategic-partner
8. Nhật Đăng. (2021, August 24). Thủ tướng
Phạm Minh Chính tiếp đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Tuoi Tre Online.
https://tuoitre.vn/news-20210824201446168.htm
9. 中国驻越南大使馆-Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội-Chinese Embassy in Hanoi. (2021,
August 26). Facebook.
https://www.facebook.com/ChineseEmbassyinHanoi/posts/690778688985422
10. Công Minh. (2021, August 19). Không
thể xuyên tạc cuộc kháng chiến chính nghĩa dựa trên sự so sánh khập khiễng với
Afghanistan. Quân đội nhân dân.
11. Alexander L. Vuving. (2015, July 6).
A Tipping Point in the US-China-Vietnam Triangle.
https://thediplomat.com/2015/07/a-tipping-point-in-the-u-s-china-vietnam-triangle
12. Xem [3]
13. Matt Spetalnick. (2016, May 22).
U.S. lifts arms ban on old foe Vietnam as China tensions simmer. Reuters.
https://www.reuters.com/article/us-vietnam-obama-idUSKCN0YD050
14. President Joe Biden. (2021, March
3). Interim National Security Strategic Guidance. The White House.
15. Politi, J., & Reed, J. (2021,
July 19). US resolves currency dispute with Vietnam. Financial Times.
https://www.ft.com/content/3f4653b2-7b6f-4f21-9ce1-78e84b778c12
16. Phan Trang. (2021, 11, 02/04). Giao
thương Việt Nam-Hoa Kỳ hướng tới 100 tỷ USD. Báo Điện Tử – Chính Phủ Nước
CHXHCN Việt Nam.
http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Giao-thuong-Viet-NamHoa-Ky-huong-toi-100-ty-USD/427558.vgp
17. Peace Corps, Viet Nam celebrate
historic agreement. (2020, July 10). Peace Corps.
https://www.peacecorps.gov/news/library/peace-corps-viet-nam-celebrate-historic-agreement
18. Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc
phòng Việt—Mỹ lần thứ 10. (2019, March 28). Radio Free Asia.
19. Bureau Of Political-Military
Affairs. (2021, June 2). U.S. Security Cooperation With Vietnam. United States
Department of State.
https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-vietnam
20. Bùi Thư. (2021, August 31). Việt Nam
“đang cẩn trọng” trong cuộc đối đầu Hoa Kỳ—Trung Quốc. BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58373964
No comments:
Post a Comment