Monday, 26 July 2021

VĂN ĐIỂM 10 (Nguyễn Thông)

 


 

 

VĂN ĐIỂM 10   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

02:59  26/07/2021    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1002063803961012&id=100024722048900

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc, bài cũng được chấm xong, nhiều tỉnh đã gửi kết quả về bộ chủ quản. Thi cử là chuyện hằng năm nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân chúng, nhất là của thí sinh và những nhà có con đi thi, dù thi cử ở xứ này càng ngày càng… tệ.

 

Môn thi được người ta để ý nhiều nhất là môn văn. Kể cũng lạ, văn chỉ hoa lá cành chứ không thiết thực cụ thể như mấy môn toán lý hóa ngoại ngữ, vậy mà điểm thi môn văn luôn thu hút sự tò mò của đám đông. Có lẽ mấy môn kia chấm đã có ba rem, cái mức cái mực rõ ràng, khó mà lệch trật được. Còn văn thì, hì hì, hay dở cao thấp phần nhiều do thầy cô chấm. Lệch vài ba điểm là chuyện thường. Thầy này cho điểm 10, cô kia bảo chỉ trung bình, có khi đỏ mặt tía tai cãi nhau như mổ bò. Tôi từng dạy văn 2 chục năm nên thấu hiểu điều này. Tuy nhiên cũng phải nói, văn hay-dở thì bộc lộ ngay từ chữ từ dòng đầu tiên, vấn đề hay tới mức nào thôi.

 

Vừa rồi, báo chí nói nhiều về bài văn được điểm 10 của một thí sinh ở Quảng Nam. Khen nức nở, thậm chí còn dẫn lời ông giám đốc Sở GD trầm trồ nếu có thang điểm trên 10 cũng không ngần ngại cho thêm... vài điểm. Khiếp. Có nhẽ cậu ni giỏi thật, văn siêu. Báo Tuổi Trẻ còn ca ngợi cậu học giỏi văn tới mức chính cậu xin cô giáo cho… dạy các bạn trong tiết văn, và cô cũng đồng ý. Tôi thấy điều này hết sức bậy. Giỏi mấy thì giỏi nhưng cho một học trò không có nghề được đứng lớp thì có mà loạn trường học. Có phải trường Dục Thanh đâu mà ai cũng dạy.

 

Muốn biết bài văn có hay không, xứng đáng điểm 10, điểm tuyệt đối, hết chê, hết sảy con bà bảy… không, cần phải công bố rộng rãi cho công chúng đọc, nhất là những thầy cô dạy văn, người am hiểu văn học, người làm văn chương. Họ có nghề, có kiến thức, có máu văn chương, họ dễ đồng cảm với tác giả bài văn hơn. Và nhất là họ không bị chi phối bởi bệnh thành tích.

 

Dạo trước năm 1975 ở miền Bắc, ngoài các kỳ thi hết lớp 10 tốt nghiệp cấp 3 (THPT bây giờ), thi học sinh giỏi lớp 7, thi đại học, mỗi năm còn có kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Tỉnh thành nào cũng có lớp chuyên văn luyện gà nòi đi đá với gà bạn. Thi cấp huyện, cấp tỉnh thành, chọn những đứa giỏi nhất thi cả nước (thực ra chỉ tính tới vĩ tuyến 17, cứ gọi cả nước cho oai). Lọt vào top 3, giải nhất, nhì, ba văn toàn miền Bắc thì hãi lắm, vua biết mặt chúa biết tên, không khác chi trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa xưa. Những bài văn đoạt giải, thậm chí cả giải khuyến khích, được Bộ Giáo dục hoặc Bộ Đại học cho xuất bản thành sách. Một thời gian dài, đó là những cuốn sách gối đầu giường của đám học trò, còn hơn cả Thép đã tôi thế đấy, Lôi Phong, Sống như anh… Nhiều đứa thuộc những bài có cách viết độc đáo. Tên tuổi những Nguyễn An Định, Trần Nho Thìn, Đỗ Tương Như, Nguyễn Văn Thạc, Cao Vũ Trân, Đoàn Đức Phương, Vũ Đức Nghiệu… cứ sáng lòa lòa. Học tập và làm theo mấy tấm gương ấy cũng đủ mệt, cần chi gương khác.

 

Phải công nhận họ có khiếu văn chương, không như đám đông cứ mở bài là “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta”, kết luận thì “là một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”, trăm bài như một. Nói một cách công bằng, những bài văn hạng đỉnh kia, nhiều bài vẫn không thoát ra khỏi thứ tư duy gò bó, tình cảm đóng hộp, loanh quanh trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng, yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, cuộc sống mới và con người mới, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điễn hình, hiện thực cách mạng và lãng mạn cách mạng, Tố Hữu và Hồ Chí Minh... Không bay vụt lên được. Nếu có hay, chỉ hơn ở cái tình của người viết, và cách viết. Tôi còn nhớ anh Cao Vũ Trân cùng khóa với tôi, ảnh làm bài thi thật khác biệt, trong khi học trò cả miền Bắc cắm cúi “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước…” thì ảnh viết một lá thư gửi bạn Cuba, thể hiện tâm trạng thong dong “ao trường vẫn nở hoa sen/bờ ao vẫn chú dế mèn vuốt râu” (thơ Trần Đăng Khoa) năm đánh Mỹ, đoạt luôn giải nhất. Hầu như ai đọc cũng thích, kể cả người khó tính.

 

Vậy thì, những bài văn điểm tuyệt đối của cậu học trò xứ Quảng kia, của 2 thí sinh nữa người Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang đạt điểm 10, ỡm ờ làm chi, bộ nên lập tức cho đăng thẳng lên mạng internet để mọi người cùng thưởng thức. Xưa chưa có mạng thì phải chờ in thành sách, nay 4.0 còn dấm dúi làm chi. Đừng để phát lộ như bài văn của thủ khoa trường sư phạm ở Sài Gòn năm ngoái, đọc xong cứ tưởng của người bị tâm thần hoặc tẩu hỏa nhập ma lý luận viết ra.

 

Thông cào (người sém đoạt giải khuyến khích đất cảng năm 1969 (lớp 7), được thưởng cái bút Con trâu dùng 3 năm mới hỏng)

 

151 BÌNH LUẬN   

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats