Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười lăm
23/07/2021
https://baotiengdan.com/2021/07/23/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-muoi-lam/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14
Thế là đã thành phố đã phong toả đến ngày thứ
mười lăm, ngày cuối cùng của lệnh ban hành từ hôm 9.7.2021. Thế nhưng tình hình
vẫn chưa yên, con số nhiễm dịch và tử vong vẫn còn cao, Sài Gòn lại tiếp tục
giãn cách không biết cho đến bao giờ. Lệnh thì nói đến ngày 1.8. Nhưng với diễn
tiến như thế này, ai dám bảo đảm lúc đó sẽ yên.
Vẫn còn đó những lo âu và cả những bực bội.
Nhưng cũng phải nên tập chấp nhận, với tình hình này chỉ cần lơ là, mất cảnh
giác là dính bệnh ngay. Mà nhiễm bệnh lúc này thì rất nguy hiểm khi bệnh viện
quá tải, bác sĩ thiếu, máy móc, thiết bị không đủ cung ứng.
Vừa được xem một clip và một bài báo ghi lại
tình cảnh một bệnh nhân không biết mắc bệnh gì phải cấp cứu, nhưng đã đến 4 bệnh
viện đều bị khước từ. Trong khi lãnh đạo ra lệnh: Cấp cứu bệnh nhân mùa dịch, bệnh
viện không được từ chối. Người bảo vệ lại to tiếng, nặng lời với người nhà bệnh
nhân. Không biết rồi kết quả thế nào, có bệnh viện nào nhận ca cấp cứu này
không?
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên điều
trị virus Vũ Hán là có thật, các bệnh viện dã chiến cũng không còn chỗ chứa.
Ông Chủ tịch thành phố cũng đã từng kể với báo chí về một trường hợp một người
nhiễm bệnh, gọi đến cơ quan y tế mà không chỗ nào nhận, đành cầu cứu đến ông vì
có quen biết. Nhờ thế mới có chỗ nằm.
Nhưng còn các bệnh viện khác phải mở cửa cho
người bệnh chứ. Chỉ vì sợ con virus nên bệnh viện nào cũng cố tránh. Không nhận
bệnh nhân cho yên chuyện. Dính con virus là lắm rắc rối cho nên bệnh viện nào
cũng chọn cách để bình yên. Giờ đây người ta đuổi người bệnh như đuổi tà.
Bình thường khi chưa có dịch, hàng ngày hàng
trăm, hàng ngàn bệnh nhân chen chúc nhau đến khám bệnh ở các bệnh viện ở thành
phố. Thế trong mùa dịch, và trong cảnh phong toả như thế này, Không biết những
người bệnh đó đi đâu. Người ta không còn thấy cảnh chen lấn nhau lấy số, không
còn thấy cảnh người xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhiều bệnh viện vắng người bệnh.
Họ đi đâu cả rồi?
Con người không chỉ có bệnh cúm Tàu. Con người
còn có thể mắc biết bao nhiêu bệnh khác. Nào tim, nào phổi, nào máu, nào gan,
nào thận, nào xương, nào não… Mỗi ngày chỉ riêng thành phố này thôi, cũng đã có
biết bao người bệnh. Họ đến đâu để khám, họ đến đâu để cứu chữa, họ đến đâu để
điều trị?
Bệnh nhân không chỉ ở thành phố mà còn ở khắp
nơi, từ bốn phương đến vì tuyến dưới, bệnh viện địa phương không đủ điều kiện
hay người bệnh không đủ lòng tin. Thế là kéo lên Sài Gòn. Giờ Sài Gòn phong toả,
các phương tiện giao thông bị hạn chế ra vào, họ đi đâu? Chắc chắn trong số tử
vong hàng ngày sẽ có không ít những người chết vì những bệnh khác nhau nhưng
không đến được bệnh viện.
Nhìn thái độ và cách nói của người bảo vệ
trong clip vừa xem, người ta càng thấy rõ một vấn nạn khá lớn đang diễn ra
trong những ngày phong toả. Đó là kiểu lạm dụng quyền lực, thái độ kiêu binh,
kiểu ăn nói và cư xử giang hồ của những người đang thi hành nhiệm vụ ở các chốt
chận, những khu cách ly, phong toả, những đội ngũ công an ở các đội lưu động.
Một anh shipper bị dân phòng đánh, một đoàn từ
thiện bị hành hung, một công nhân đi mua bánh mì bị bắt về đồn với những lời đe
doạ, một ngôi nhà hé cửa bị lập biên bản và người bị phạt phải quỳ lạy, một người
lang thang bị hành hung… Nhiều, rất nhiều trường hợp đã xảy ra. Xuất phát từ đội
ngũ thi hành nhiệm vụ thiếu được hướng dẫn và giáo dục trước khi giao nhiệm vụ.
Bản thân những người đó cũng là những kẻ ưa bạo
lực, thích khoe khoang quyền lực của mình, tự cho mình cái quyền sỉ nhục người
khác. Người dân sống trong thời kỳ phong toả đã bị ức chế, trầm cảm nên cũng dễ
nổi giận. Do một bên thì ỷ vào quyền lực được giao, một bên vốn đang ẩn ức, thế
là đụng độ, ẩu đả là chuyện khó tránh.
Nếu nhà nước không có những hình thức kỷ luật
thấu đáo với những người lạm quyền, trong những ngày tới, chuyện xô xát đáng tiếc
sẽ còn xuất hiện nhiều hơn. Giao quyền lực cho những người không ý thức rõ ràng
về nhiệm vụ và giới hạn sử dụng cái quyền đó hợp lý, hợp tình chắc chắc sẽ có lắm
kẻ cho mình nắm luật trong tay để tỏ quyền uy, chứng tỏ mình là kẻ có quyền.
Sài Gòn lại mưa, cơn mưa từ sáng sớm cho đến
chiều vẫn chưa dứt. Những con phố buồn hiu dưới mưa làm thành phố buồn hơn.
Thèm được ngồi ở một quán nào đấy, uống một chút gì đấy, nghe một bản nhạc ưa
thích giữa cơn mưa Sài Gòn như thế này. Người ta đến quán cà phê không phải chỉ
để uống cà phê mà phần đông là để kiếm một chỗ ngồi. Tôi không biết uống cà
phê, nhưng cách đây hơn năm mươi năm trong một bài báo viết về cà phê tôi đã viết
như thế.
Đúng là vậy, người ta tìm một chỗ ngồi để gặp
bạn bè, tán chuyện trên trời dưới đất. Để nghe một bản nhạc hay. Để được sống
trong không gian được trang trí đúng sở thích của mình. Được nhìn cánh hoa nở
trên bàn, vạt áo nào bay trong nắng trong quán nhỏ. Và cũng có thể để được nhấm
nháp một ly cà phê ngon, một tách trà pha đúng điệu. Thời phong toả, niềm vui
bé nhỏ ấy, thói quen đơn giản đó cũng không thực hiện được.
Ngồi nhìn qua cửa sổ thấy mưa, đứng trên
balcon nhìn xuống sân vườn với những lá xanh trong mưa, chợt thèm một góc quán
của một ngày cứ ngỡ như rất xa. Nghĩ đến đó lại tự trách mình, giờ này có biết
bao người đang gồng mình chống dịch trong những khu cách ly, trong những bệnh
viện. Biết bao người đang lo âu, đang khó khăn kiếm miếng ăn, tôi lại nghĩ đến
chuyện thèm một quán để ngồi nghe mưa và nhìn mưa. Bậy quá.
Đã bắt đầu đợt tiêm chủng thứ hai của thành phố.
Cũng có chút chạnh lòng khi Hà Nội với hơn 8 triệu dân được phân phối hơn 5 triệu
liều vaccine. Trong khi đó Sài Gòn đang cơn đại dịch với gần 10 triệu dân chỉ
được cho hơn triệu liều. Mà quên, Thủ tướng đã tuyên bố dành mọi ưu tiên cho thủ
đô chống dịch mà. Lại quên mất.
Tôi nằm trong hàng cuối của 11 cột người được
chích ngừa. Không biết chờ đến bao giờ nữa đây. Nghe tin là trên 80 chích trước,
rồi đến trên 70, rồi đến 60. Ừ, mà thôi, lúc nào chích cũng được, đành chờ vậy.
Người ta bảo chống dịch như chống giặc, vũ khí để chống dịch là vaccine, thế mà
cứ rề rề, chờ hoài chẳng thấy. Chỉ thấy con ông này, cháu bà nọ, ca sỹ này, người
mẫu kia cứ lên face khoe tùm lum là được chích ưu tiên và được tiêm thuốc Mỹ.
Công dân hạng hai như tôi, được ghi phiếu đăng ký chờ chích là may mắn lắm rồi,
ta thán chi nữa.
Như vậy là tôi đã nằm nhà gần hai tháng. Bắt đầu
từ 0h ngày 31.5, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ
tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn
cách theo chỉ thị 16.
Rồi do xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng
đồng nên đến ngày 14.6, thành phố ra lệnh tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội
toàn địa bàn theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15.6 đến 0h ngày 29.6.
Ngày 19.6, UBND TP.HCM lại ban hành chỉ thị số
10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn
TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng.
Đến 0h ngày 9.7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã
hội theo chỉ thị 16 trên toàn thành phố, thời gian áp dụng 15 ngày. Và hôm nay 23.7 lại tiếp tục cho đến 1.8.
Đạp xe được mấy hôm, ăn hàng được mấy bữa, ngồi
quán được ít ngày rồi giới nghiêm 100 phần 100 cho đến nay. Mỗi ngày ăn hai bữa,
bỏ ăn sáng, phẩy tay 500 cái, đạp xe tại chỗ 20 phút rồi loanh quanh hết đứng lại
ngồi. Thuốc lá hết không mua được đành nhịn. Thuốc tẩu đành tăng 6 cối thay vì
4 cối như mọi lần.
Cuồng cẳng, nhớ phố phường, nhớ bè bạn, nhớ tiếng
xe rú, người đi. Kiểu này chắc sẽ trầm cảm. Ai sao mình vậy. Ai cũng có thể trở
thành F1, F0, nhưng điều cần nhớ là số ca bệnh tại thành phố nảy chắc chắn sẽ
tăng trong 5-7 ngày tới, liệu số ca có tăng nữa hay không phụ thuộc vào việc chấp
hành giãn cách của mỗi cá nhân.
Chiều nay lại nghe tin 20.000 dân ở một phường
ở Bình Thạnh lại bị phong toả, cách ly vì phát hiện 252 người trong phường bị
nhiễm dịch. Lại thêm khó khăn cho chính quyền lẫn nhân dân. Không khí bị nén lại
căng thẳng đầy âu lo còn hơn thời chiến tranh. Thời chiến còn có chỗ để chạy
tránh đạn bom, thời dịch chạy đi đâu?
Chỉ mong nhà nước đi đúng hướng, tìm ra các biện
pháp hữu hiệu để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tôi chẳng theo tôn giáo nào
nhưng cũng xin đứng giữa trời mà vái ba vái cầu xin cho ước mong sớm thành hiện
thực.
______
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-58.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/2-30.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/3-23.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/4-17.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/5-12-696x893.jpg
.
No comments:
Post a Comment