Nhật ký phong thành (số
11) : Chuyện cái bánh mì
19/07/2021
https://baotiengdan.com/2021/07/19/nhat-ky-phong-thanh-so-11-chuyen-cai-banh-mi/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10
Hôm nay, đề tài vừa giải trí, vừa ngao ngán của
mọi người trong lúc giãn cách, là chuyện cái bánh mì. Ở đâu cũng nghe nói về
nó, và cũng có đôi ba người chợt nổi danh trên toàn cõi Việt Nam vì món ăn
nhanh này.
Bánh mì ở xứ Việt có vài địa danh được gắn liền
tên với nó, như một kiểu sản phẩm địa phương đáng tự hào: bánh mì Sài Gòn, bánh
mì Nha Trang, bánh mì Hội An… mang đậm nét phong cách sống và ẩm thực từ thời
người Pháp còn ở Đông Dương. Qua nhiều thập niên, bánh mì không chỉ là một loại
thưởng thức, mà còn là bạn đường của người lao động không có nhiều thời gian
nghỉ, là thứ nâng đỡ quen thuộc của người nghèo khi đói lòng…
Chuyện được kể rằng anh T.V.E., là công nhân
làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang, đi
ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Trong khi di chuyển qua đường vòng khu vực
Hòn Một thuộc phường Vĩnh Hòa, lực lượng tuần tra (có nơi gọi là tổ xung kích)
chận xe và kiểm tra, phạt anh T.V.E. do dám ra đường, vì lý do “không chính
đáng”, cũng như “không cần thiết”. Mặc dù người công nhân này giải thích là anh
đang đi mua đồ ăn. Tuy nhiên, các nhân sự rầm rập của phường Vĩnh Hòa vẫn quyết
thu giữ giấy tờ, phương tiện di chuyển của anh T.V.E và đem về đồn, vừa bắt
đóng phạt, vừa bắt nghe giáo dục tinh thần chỉ thị cách mạng.
Có vẻ như các cán bộ ở đây rất vui mừng, coi
như mình lập được công trạng điển hình, nên tự tổ chức quay video, ghi âm rõ lời
giáo dục của Phó Chủ tịch phường. Cười không nổi. Ngao ngán cũng không xong.
Ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch dạy dỗ người công nhân là “Nhà nước cho ra đường
mua lương thực, thực phẩm. Nhưng bánh mì đâu phải thực phẩm. Bánh mì đâu phải
lương thực”.
Bản video mà các cán bộ tưởng là sẽ khiến mình
tỏa sáng, vì quyết liệt hành động theo mệnh lệnh chính trị, lại là cánh cửa mở
cho dân chúng nhìn và hiểu thêm về thời đại mình đang sống. Khắp nơi, lời giễu
cợt, chỉ trích, thậm chí là đòi các luật sư bảo vệ người nghèo nên giúp khởi tố
nhân vật quan chức này.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-33.png
Ánh mắt kinh ngạc của
anh Trần Văn Em khi nghe giải thích về bánh mì
Trong phần tranh cãi của anh T.V.E với đội
quân kiểm tra về quyền chính đáng của mình, tay chủ tịch với đã quát “Mày ở núi
xuống hả?”. Và đe doạ sẽ đuổi việc anh T.V.E, vì Thọ nói mình quyền lực rộng,
biết cả chủ thầu trong công trình. Nghe tới chuyện mất việc thì người công nhân
vinh quang trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã chết lặng. Kể từ đó về sau, anh
đành chấp nhận là nhân dân trơn, sống đời lặng im để mong qua đe, qua búa.
Ấy mà vẫn không xong, chỉ mấy tiếng đồng hồ
sau đó, anh T.V.E bị mất việc. Tay Phó Chủ tịch đã tác động với chủ thầu như thế
nào đó, để con người cùng đinh ấy phải bị đạp ngã thêm lần nữa, mới hả dạ.
Blogger Phạm Minh Vũ viết trên facebook, kêu gọi
chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải công chính khởi tố tay quan chức này, vì sự lạm
quyền và ngôn ngữ tồi tệ khi ra oai với một người nghèo khổ – đặc biệt là một
người công nhân – mà chế độ cộng sản từ khi dấy lên các cuộc cướp chính quyền,
đã luôn thề sẽ bảo vệ giai cấp này.
Không chỉ ở Nha Trang, trước đó, ở Sài Gòn,
các chốt chặn cũng đã đuổi về hoặc phạt các sinh viên và người dân đi mua bánh
mì, bởi họ ở trọ, không có tủ lạnh để trữ lương thực, và cũng không có phương
tiện đủ để nấu nướng. Cũng với ngôn ngữ cách mạng triệt để về “chính đáng” và
“cần thiết”, công an cùng lực lượng sai nha đã từ chối việc tiếp cận bánh mì,
coi như là một thú ăn chơi, xa xỉ.
Chận nhiều, và phạt nhiều, Báo Lao Động cho biết
riêng lực lượng kiểm tra, xử phạt dân Sài gòn thôi, đã thu về gần 15 tỉ đồng
sau 8 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Ghê quá, chỉ vài ngày đã thu nửa triệu đôla. Đằng
sau chuyện những người dân đang thở dốc thời dịch bệnh và phong tỏa và móc túi
đóng phạt, không biết còn có những sự cam chịu nào tương tự như anh công nhân ở
Nha Trang, phải chịu mất việc không?
Có thật ông Phó Chủ tịch, không đủ nhận thức về
bánh mì và thực phẩm không? Các loại quan chức như vậy khi có tên trong các kỳ
ép dân bầu cử, đều cho thấy học vị không thấp. Có người mang cả danh vị tiến
sĩ. Trong trường hợp họ biết mà vẫn nói càn, chỉ có thể là sự mù quáng tuân
theo các mệnh lệnh chính trị, tự ngu hèn hóa con người của mình để minh họa việc
tuân phục. Ở một đất nước mà những kẻ như vậy là đại diện, lấy đâu ra người cầm
quyền liêm chính và có trách nhiệm với đất nước?
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-32.png
Bánh mì không phải
là lương thực : Trần Lê Hữu Thọ
Nhưng trong trường hợp họ không biết nổi ý
nghĩa bánh mì và thực phẩm. Loại chính quyền nào đã chọn họ để ngồi trên đầu
nhân dân? Hoặc những kẻ đó đã luồn lách thế nào để có thể ngồi vào vị trí lãnh
đạo một cách dễ dàng như vậy, suốt bao lâu nay?
Cái lối vừa dạy dỗ nhân dân, đồng thời phô
trương sự thể hiện mình như một kẻ trung thành với mệnh lệnh cấp trên, không chỉ
xảy ra ở ông phó chủ tịch. Hồi ngày 13/7, một đôi thanh niên ở Long An chở mèo
đi khám bệnh, bị viên công an chận lại, phạt và cũng bị nghe giáo dục về lẽ sống
giữa người và mèo. Điều đáng nói, tay công an này cũng tự đắc về chuyện thi
hành chỉ thị tuyệt đối nên cho quay video lại và phát lên như một cách tự giới
thiệu. Xui xẻo thay. Câu chuyện con mèo không quan trọng. Nhưng cách ứng xử đó,
bị coi không xứng cái gọi là “công an nhân dân”.
Sau năm 1975, đã từng có thời kỳ các tổ trưởng
và công an khu vực – và cả báo chí nữa – thuyết phục dân chúng những điều ngu dốt
như 2 ký rau muống bổ dưỡng bằng một ký thịt bò, hoặc thuốc xuyên tâm liên có
thể trị mọi loại bệnh, là loại thuốc có một không hai trên thế giới, niềm tự
hào của khối xã hội chủ nghĩa. Ôi, đã non nửa thế kỷ, ngày những người qua chiến
tranh nắm quyền, đến thời cầm quyền như bước vào chiến cuộc, vẫn có những mặt
người không khác nhau là mấy. Nhân dân chỉ có thể chọn cười hoặc thở dài. Không
có ai bị cách chức hay bị phạt một cách xác đáng, vì những cách đối xử khinh miệt
trí tuệ nhân dân Việt Nam đến vậy.
Lại nhớ, vào thời khan hiếm thuốc men đầu thập
niên 1990, lại không có internet để tìm hiểu, chuyện tự uống nước tiểu của mình
để chữa bệnh, được truyền thông nhà nước ca ngợi rầm rộ. Nhiều bác sĩ cách mạng
cũng xuất hiện để nói về sự kỳ diệu của cái gọi là Niệu liệu pháp. Cũng may,
chuyện đó không kéo dài khi nhiều bác sĩ ở Sài Gòn ngăn cản bệnh nhân ứng dụng,
rồi viết thư lên báo, đài để phản đối. Truyền thông nhà nước sau đó, cũng tiu
nghỉu, im lặng rút lại lời và xóa dần các vết tích ngợi ca của mình.
Bánh mì, cũng tại nó, tàn dư của thực dân Pháp
mà ra. Lúc giáo dục người đi đường ở Sài Gòn, trong một video, tổ xung kích có
phân tích rằng “sao không lấy gạo nấu cơm, hay nấu mì gói ăn, mà đi tìm mua
bánh mì, đó là kiểu ăn không cần thiết”. Cách tuyên bố quyết đoán ấy, tương tự
như Hồng vệ binh ở Trung Quốc, luôn coi mọi phản ứng là chống đối người thi
hành công vụ, thì nhân dân ở phía đối diện chỉ có thể im lặng.
Không biết nên cười hay nên khóc. Chợt nhớ
trong phim The Red Violin của đạo diễn François Girard. Một giáo sư dạy violon ở
Viện Âm nhạc Bắc Kinh, khi bị đưa ra đấu tố thời Cách mạng Văn hóa, các lực lượng
xung kích đã tranh nhau kết tội ông “vì sao Trung Quốc cũng có loại đàn 4 dây,
mà ông không dạy, lại đi truyền bá đàn 4 dây của bọn tư bản?”, và lại hỏi thêm
“Vì sao Trung Quốc có nhiều tác phẩm âm nhạc, không dạy mà lại đi gieo rắc các
tác phẩm đồi trụy phương Tây như của bọn có tên Beethoven, Bach…?”.
Bánh mì hay đàn violon cũng vậy, đó chỉ là một
lựa chọn. Nhưng ở một số thời kỳ của nền văn minh nhân loại, lựa chọn đôi khi
cũng cần phải có kèm tinh thần sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
No comments:
Post a Comment