Monday, 19 July 2021

MIẾN ĐIỆN : TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC ĐẢO CHÍNH ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM (Thu Hằng - RFI)

 


Miến Điện: Tác động của cuộc đảo chính đối với đầu tư của Việt Nam

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 19/07/2021 - 09:19

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210719-dao-chinh-mien-dien-vtac-dong-den-dau-tu-viet-nam

 

Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 vào Miến Điện, với tổng đầu tư khoảng 2,2 tỉ đô la trong năm 2020. Trao đổi thương mại năm 2019 đạt 943 triệu đô la. Tuy nhiên, Việt Nam, cũng như những nhà đầu tư khác trong ASEAN, đang bị bế tắc từ sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự Miến Điện : không thể phản ứng vì vi phạm nguyên tắc “không can thiệp chuyện nội bộ nước thành viên”, nhưng lại rối bời vì cần bảo vệ đầu tư ở Miến Điện.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b98e2c04-e7ad-11eb-82a2-005056a90284/w:980/p:16x9/AP21113385521616.webp

Người biểu tình Miến Điện phản đối cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự tại Rangoon, Miến Điện, ngày 23/04/2021. AP

 

Trong phiên họp đặc biệt về Miến Điện của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 18/06/2021, đại sứ Việt Nam Đặng Đình Quý nhắc lại lời kêu gọi “các bên liên quan ở Miến Điện chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực” và nhấn mạnh rằng “thường dân Miến Điện phải được bảo vệ khỏi nguy cơ một cuộc nội chiến”. Để ủng hộ lập trường này, Việt Nam, cùng với 118 nước khác, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

 

Dù không mang tính ràng buộc nhưng đây là nghị quyết lên án mạnh mẽ nhất về tình hình Miến Điện của cộng đồng quốc tế kể từ khi xảy ra đảo chính ngày 01/02 khiến ít nhất 860 thường dân thiệt mạng, khoảng 120.000 người phải bỏ nhà ra đi do tình trạng bạo lực. Theo thẩm định của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong năm 2021 sẽ có thêm ít nhất 230.000 người Miến Điện phải tị nạn và gần một nửa dân số nước này sẽ rơi vào cảnh nghèo đói. Viễn cảnh sẽ còn bi đát hơn do dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành ở Miến Điện trong thời gian gần đây.

 

Khủng hoảng ở Miến Điện tác động đến đầu tư, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào ? Ông Rémi Nguyễn, nhà nghiên cứu cộng sự của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) của Pháp tại Bangkok, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 08/07/2021.

 

                                                      *****

 

RFI : Tình hình hiện nay ở Miến Điện có buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoặc hạn chế hoạt động không ? Họ đánh giá thế nào về thực tế ở Miến Điện ?

 

Rémi Nguyễn : Những sự kiện chính trị và tình hình dịch tễ không loại trừ bất kỳ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nào. Tất cả đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế và tài chính rất lớn. Những doanh nghiệp từng kinh qua những thời điểm đặc biệt như này phần nào đó đã đoán trước được cuộc khủng hoảng nhưng họ không hình dung ra được hậu quả lại nghiêm trọng đến như vậy.

 

Những doanh nghiệp Việt Nam mới đến hoạt động ở Miến Điện, thì quả thực rất khó đối phó với tình hình ngày càng xấu đi như vậy. Từ tháng 03/2020, cuộc khủng hoảng chính trị và dịch tễ, rồi phong trào bất tuân dân sự, khủng hoảng ngân hàng và những khó khăn trong hoạt động xuất-nhập khẩu đã khiến 3/4 doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa. Tuy nhiên, dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã rời khỏi Miến Điện nhưng điều này không có nghĩa là những công ty đó đã bị ngừng hoạt động về mặt pháp lý.

 

Ba doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất ở Miến Điện là ngân hàng BIDV, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Mytel. Công dân Việt Nam sống tại Miến Điện phần lớn là từ những công ty này. Trong lĩnh vực xây dựng, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải dừng các dự án đầu tư khi vừa mới trúng thầu.

 

*

RFI : Tập đoàn quân sự buộc công chức quay trở lại làm việc. Liệu các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, có bị gây sức ép phần nào không ?

 

Rémi Nguyễn : Hội đồng Hành chính Quốc gia đã thông qua nhiều lệnh thiết quân luật trong hai ngày 14-15/03/2021 chuyển quyền hành pháp và tư pháp cho Bộ Chỉ Huy Rangoon để thi hành thiết quân luật ở nhiều khu vực của thành phố như Hlaing Thayar hay Bắc Okkalapa. Đây là những khu vực tập trung rất nhiều nhà máy và nhà kho. Ở những vùng này thường xuyên mất an ninh và nhân viên vô cùng phân vân đi làm hay không. Trên thực tế, toàn thành phố Rangoon và những vùng khác đều không thoát khỏi các cuộc xung đột. Ngoài ra, tập đoàn quân sự chủ yếu gây sức ép đối với công chức và các ngân hàng để họ hoạt động trở lại.

 

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã rời khỏi Miến Điện khi thấy tình hình chính trị và kinh tế như vậy. Như tôi nói ở trên, ngân hàng BIDV, HAGL và Mytel vẫn hoạt động ở Miến Điện. BIDV là ngân hàng công thuộc Nhà nước Việt Nam. HAGL là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Thaco Group.

Còn Mytel là một công ty do hai tập đoàn Viettel của Việt Nam và Myanmar Economic Corporation nằm trong tay quân đội, cùng nắm giữ. Vì thế, khó có thể biết được liệu nội bộ những công ty này có bị gây sức ép không. Tuy nhiên, Mytel có lẽ sẽ chịu nhiều ràng buộc hơn sau khi thiết quân luật số 4/2021 sửa đổi luật bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của công dân và thiết quân luật số 7/2021 sửa đổi luật liên quan đến giao dịch điện tử có từ tháng 02/ 2021.

 

*

RFI : Những công ty này bảo vệ nhân viên như thế nào ?

 

Rémi Nguyễn : Những công ty Việt Nam lớn nhất đã dễ dàng sơ tán nhân viên hơn. Nói chung, đại sứ quán Việt Nam tại Miến Điện đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ các công ty và công dân Việt Nam. Ví dụ về mặt cảnh báo, đại sứ quán Việt Nam đã thông tin cho họ về các cuộc biểu tình, các phong trào xã hội và các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Họ cũng yêu cầu chính quyền địa phương và Nhà nước bảo vệ người Việt và người Việt phải trung lập về các vấn đề chính trị, xã hội ở Miến Điện.

 

*

RFI : Liệu ông có phỏng ước được số thiệt hại của những công ty này ?

 

Rémi Nguyễn : Tại Miến Điện, rất khó để có được những dữ liệu tài chính của các công ty và càng khó thẩm định hơn những mất mát tài chính mà các công ty Việt Nam phải chịu.

 

*

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Rémi Nguyễn, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) tại Bangkok.

 

 

                                                          *****

 

Mytel trước nguy cơ tẩy chay trong nước và trừng phạt quốc tế

 

Mytel và dự án phát triển trung tâm thương mại lớn đầu tiên của Miến  Điện HAGL Myanmar Centre tại Rangoon của Hoàng Anh Gia Lai, là hai trong số những dự án đầu tư rất lớn của Việt Nam tại Miến Điện.

 

Tập đoàn Liên doanh viễn thông Mytel là kết quả hợp tác của Tổng Công ty viễn thông Viettel, thuộc bộ Quốc Phòng Việt Nam, với Myanmar Economic Corporation (MEC) do tập đoàn quân sự quản lý, trong đó Viettel sở hữu 49% Mytel, phần còn lại thuộc về Star High (một công ty con của MEC) và tập đoàn Myanmar National Telecom Holding.

 

Theo trang Le Courrier du Vietnam, Mytel trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động thứ 4 ở Miến Điện từ ngày 12/01/2017 (cùng với MPT của Miến Điện, Ooredoo của Qatar và Telenor của Na Uy vừa bán lại cho tập đoàn M1 Group của Liban), sau khi được cấp giấy phép đầu tư vào cuối năm 2016. Có vốn 1,5 tỉ đô la, Mytel cũng là dự án ở nước ngoài đầu tiên của Viettel về quy mô tài chính.

 

Từ tháng 06/2018 khi đi vào hoạt động, số thuê bao của Mytel liên tục tăng và hiện trở thành nhà cung cấp mạng điện thoại di động lớn thứ hai ở Miến Điện : từ 1 triệu thuê bao chỉ trong 10 ngày đầu tiên lên thành 4,3 triệu vào cuối tháng 06/2019 (chiếm 7% thị phần Miến Điện, theo dữ liệu của GSMA Intelligence) và 10 triệu đến cuối năm 2020.

 

Tuy nhiên, Mytel cũng trở thành đối tượng bị tẩy chay ở Miến Điện vì hợp tác với tập đoàn quân sự vốn không được người dân ủng hộ. Ngày 20/12/2020, tổ chức đấu tranh Justice For Mynamar (Công lý cho Miến Điện, JFM) công bố báo cáo điều tra dài 161 trang liên quan đến “mạng lưới liên kết và tham nhũng” quanh tập đoàn truyền thông Mytel.

 

Yadanar Maung, người phát ngôn của Công lý cho Miến Điện, được trang thông tin độc lập Myanmar Now trích dẫn ngày 21/12/2020, cáo buộc :

 

“Mytel và Viettel giúp đỡ và cổ vũ cho những tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại mà quân đội Miến Điện vi phạm. Quân đội giết người, cưỡng hiếp, tra tấn, phá nhà cửa hàng loạt và buộc các dân tộc thiểu số và thiểu số tôn giáo phải bỏ trốn. Những tội ác này đã xảy ra nhờ vào những nguồn thu ngoài ngân sách của Mytel và những doanh nghiệp khác của quân đội, cũng như việc họ được hưởng công nghệ và đào tạo từ Mytel, Viettel và những công ty liên doanh khác”.

 

Vì những lý do đó, tổ chức Công lý cho Miến Điện kêu gọi : Nếu quý vị có một thẻ sim Mytel, hãy phá nó đi ! Nếu quý vị định mua một thẻ sim Mytel, thì đừng làm thế !” Đến tháng 05/2021, “người ta cũng thấy là ngày càng có nhiều người đổi nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và bỏ mạng Mytel, do quân đội quản lý”, theo ông Mike Farmaner, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Burma Campaign UK (trụ sở tại Luân Đôn), khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp France 24 ngày 07/05.

 

Ngoài Mytel, người dân Miến Điện còn tẩy chay hàng hóa của tập đoàn quân sự. Ông Mike Farmaner cho biết : “Từ khi xảy ra đảo chính, khối lượng bán ra của nhiều mặt hàng do các tập đoàn của quân đội sản xuất đã giảm rõ rệt. Từ trước tới giờ, khó có thể bỏ qua Myanmar Bear thì hiện giờ chẳng ai uống nữa. Thuốc lá Ruby cũng thế”.

 

Chính người dân Miến Điện là những người đầu tiên kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài ngừng hợp tác với tập đoàn quân sự vì theo họ, cần cắt nguồn thu nhập của giới tướng lĩnh để chấm dứt tình trạng trấn áp đẫm máu. Dù theo ông Mike Farmaner, có thể những biện pháp đó không tác động mạnh mẽ đến nguồn thu của tập đoàn quân sự nhưng mang ý nghĩa tâm lý rất lớn cho người biểu tình.

 

Từ ngày 25/03, bắt đầu là Mỹ và Anh áp lệnh trừng phạt đối với nhiều lãnh đạo quân đội và hai tập đoàn do quân đội Miến Điện kiểm soát : Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Mynamar Economic Corporation Ltd (MEC). Đến ngày 19/04, Liên Hiệp Châu Âu cũng thông báo trừng phạt hai tập đoàn này, trong khi MEC chính là cổ đông cùng với Viettel trong Mytel.

 

Những doanh nghiệp đầu tiên rút khỏi Miến Điện là những doanh nghiệp châu Á và cũng là những nhà đầu tư lớn nhất vào Miến Điện. Không lên án cuộc đảo chính như nhiều nước phương Tây, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng như ASEAN, kêu gọi tìm giải pháp đàm phán giữa các bên liên quan. Bỏ phiếu thông qua nghị quyết cấm bán vũ khí cho tập đoàn quân sự Miến Điện trong phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có lẽ là biện pháp “mạnh tay” nhất của những nước này. Họ không thể làm mất lòng tập đoàn quân sự vì mọi đầu tư tại Miến Điện đều liên quan đến lực lượng này.

 

                                                              ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Việt Nam muốn Miến Điện ổn định để bảo vệ đầu tư

 

VIỆT NAM - MIẾN ĐIỆN - VIỄN THÔNG

Miến Điện chọn Viettel làm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông

 

VIỆT NAM - MIẾN ĐIỆN

Một ngân hàng Việt Nam đầu tư vào Miến Điện

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats