Lễ
kỷ niệm 100 năm có thể là sự kiện trọng thể cuối cùng của đảng Cộng Sản Trung
Quốc
Bùi
Mẫn Hân - Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm dịch thuật
05/07/2021
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị đánh dấu
một trăm năm vào ngày 1 tháng 7, kỷ lục trường thọ còn khiêm nhường hơn trong
các đảng độc tài khác trong thời hiện đại, sẽ khiến cho giới lãnh đạo của Đảng
lo lắng. Nếu Đảng không đi đúng hướng với sự hồi sinh của tân chủ thuyết Mao, sự
kiện trọng thể của Đảng có thể là cuối cùng.
Con người sống gần 100 năm thường nghĩ về cái
chết. Nhưng các đảng chính trị kỷ niệm một trăm năm, như Đảng CSTQ vào ngày 1
tháng 7, họ bị ám ảnh bởi sự bất tử. Tinh thần lạc quan như vậy có vẻ kỳ lạ đối
với các đảng cai trị độc tài, bởi vì kỷ lục trường thọ của Đảng không truyền cảm
hứng cho sự tự tin. Thực tế là trong thời hiện đại, không có đảng nào như vậy tồn
tại trong một thế kỷ, cho nên khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng và
không phải là mừng lễ kỷ niệm.
Một lý do rõ ràng cho tuổi thọ tương đối ngắn
của các đảng cộng sản hoặc độc tài là, không giống như các nền dân chủ, các chế
độ độc tài thống trị hiện đại chỉ xuất hiện trong thế kỷ XX. Chế độ độc tài đầu
tiên ở Liên Xô được thành lập vào năm 1922. Quốc Dân Đảng (QDĐ) ở Trung Quốc, một
đảng gần như Leninist, đã giành được quyền kiểm soát đất nước trên danh nghĩa
vào năm 1927. Đức Quốc xã đã không nắm quyền ở Đức trước năm 1933. Gần như tất
cả các chế độ cộng sản trên thế giới được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến.
Nhưng có một lời giải thích cơ bản hơn là sự
trùng hợp lịch sử. Như những người theo thuyết của Hobbe nghĩ, môi trường chính
trị mà các đảng độc tài hoạt động có ngụ ý về một sự tồn tại “khó chịu, tàn bạo
và ngắn ngủi” nhiều hơn khi so với những người theo thuyết dân chủ nghĩ.
Một cách chắc chắn để các đảng độc tài chết là
gây chiến và thua cuộc, một số phận đã xảy ra đối với Đức Quốc xã và Phát xít
Ý. Nhưng hầu hết mọi việc từ bỏ quyền lực là trong một phong cách ít bi thương
hoặc chấn thương hơn.
Trong các chế độ không cộng sản, các đảng cầm
quyền lâu đời và hướng tới tương lai, chẳng hạn như Quốc Dân đảng ở Đài Loan và
Đảng Cách mạng Thể chế Mexico (Institutional Revolutionary Party, PRI), đã nhìn
thấy những lời lẽ viết ra trên tường và các cải cách dân chủ hóa được khởi xướng
trước khi các đảng này mất tất cả tính hợp pháp. Rốt cuộc, mặc dù các đảng này
đã mất phiếu bầu; nhưng về phương diện chính trị, họ còn tồn tại và sau đó trở
lại nắm quyền bằng cách giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có cạnh tranh (như
tại Đài Loan năm 2008 và Mexico năm 2012).
Ngược lại, các chế độ Cộng sản đều đã sụp đổ,
dù cố gắng xoa dịu dân chúng thông qua các cải cách dân chủ có hạn chế. Trong
khối Xô Viết cũ, các biện pháp tự do hóa trong những năm 1980 nhanh chóng tạo
ra các cuộc cách mạng đưa những người cộng sản – và chính Liên Xô – vào đống
rác của lịch sử.
Đảng CSTQ không muốn bàn đến chuyện lịch sử đó
trong buổi lễ kỷ niệm trăm năm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng
chí của ông rõ ràng muốn phóng chiếu hình ảnh của một tinh thần tự tin và lạc
quan. Nhưng việc làm ra vẻ can đảm chính trị không thể thay thế cho một chiến
lược sinh tồn, và một khi Đảng CSTQ loại trừ các cải cách xem ra là quá nguy hiểm,
các lựa chọn có sẵn của Đảng là cực kỳ hạn chế.
Trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012,
một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hướng về mô hình của Singapore. Đảng Hành động
Nhân dân (The People’s Action Party, PAP), đã cai trị một quốc gia thành phố
liên tục từ năm 1959, dường như Đảng có tất cả: Gần như là hoàn toàn độc quyền,
quản trị có thực lực, thành quả kinh tế vượt trội và sự hỗ trợ đáng tin cậy của
dân chúng.
Nhưng khi Đảng CSTQ càng hướng về Singapore nhiều
hơn – và Đảng đã phái hàng ngàn quan chức đến Singapore để nghiên cứu – Đảng
càng ít muốn trở thành một phiên bản quy mô của PAP. Những người Cộng sản Trung
Quốc chắc chắn là muốn cho PAP giữ quyền lực, nhưng họ không muốn áp dụng các
phương pháp và thể chế tương tự đã giúp cho PAP duy trì quyền tối thượng.
Trong số tất cả các thành tố của thể chế đã
làm cho sự cai trị của PAP trở nên đặc biệt, mà Đảng CSTQ ít thích thú là, các
đảng đối lập được hợp pháp hóa của Singapore, các cuộc bầu cử tương đối có minh
bạch và tinh thần trọng pháp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng, các thể chế
này là quan trọng sinh tử đối với sự thành công của PAP, nhưng nó sẽ là định mệnh
an bài cho sự suy vi trong tình trạng độc quyền chính trị của Đảng CSTQ, nếu được
du nhập vào Trung Quốc.
Đó có lẽ là lý do tại sao mô hình Singapore
không thu hút trong thời đại của Tập, trong khi mô hình Bắc Triều Tiên – đàn áp
toàn trị, sùng bái lãnh đạo tối cao, tự lực kinh tế – đã trở nên hấp dẫn hơn.
Đúng như vậy, Trung Quốc vẫn chưa trở thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ, nhưng
trong tám năm qua, một số xu hướng đã đưa đất nước theo đường lối đó.
Về mặt chính trị, việc cai trị bằng sự sợ hãi
đã trở lại, không chỉ đối với người dân bình thường, mà còn cho giới cao cấp của
Đảng, vì ông Tập đã khôi phục các cuộc thanh trừng dưới vỏ bọc của một chiến dịch
chống tham nhũng dài hạn. Kiểm duyệt cấp thượng tầng trong thời kỳ hậu Mao, và
chế độ của ông Tập đã loại bỏ tất cả không gian cho các xã hội dân sự hoạt động,
bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ. Thậm chí chính quyền còn kiềm chế các
doanh giới tư nhân Trung Quốc với các cuộc đàn áp theo luật, truy tố hình sự và
tịch thu tài sản.
Và ông Tập đã nuôi dưỡng quyết liệt tinh thần
sùng bái. Trong những ngày này, trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo tràn ngập
các bài vở về các hoạt động và sắc lệnh cá nhân của ông Tập. Gần đây, để đánh dấu
một trăm năm của đảng, tài liệu lịch sử giản lược của Đảng CSTQ được phát hành,
dành một phần tư nội dung để nói về tám năm cầm quyền của ông Tập, trong khi chỉ
dành một nửa chỗ cho bài viết về Đặng Tiểu Bình, vị cứu tinh thật sự của Đảng.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn chưa đạt được
tình trạng tự túc toàn diện. Nhưng Kế hoạch Ngũ niên của Đảng dự kiến một tầm
nhìn để tự cung ứng trong công nghệ và an ninh kinh tế để tập trung cho mức
tăng trưởng quốc nội. Mặc dù Đảng có một lời biện minh hợp lý là, chiến lược
tách rời kinh tế và công nghệ của Mỹ khiến cho họ không có một lựa chọn nào
khác; chỉ có một vài nền dân chủ phương Tây muốn duy trì việc kết hợp kinh tế
và xem Bắc Triều Tiên là một mô hình chính trị trong tương lai.
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nâng cốc chúc
mừng cho buổi lễ trăm năm của ĐCSTQ, họ nên hỏi liệu Đảng có đi đúng hướng hay
không. Nếu không, lễ mừng lần này của Đảng có thể là một sự kiện trọng thể cuối
cùng.
______
Bùi Mẫn Hân (Minxin
Pei), Giáo sư Khoa Công quyền học tại Claremont McKenna College và Thành viên
cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall của Đức của Hoa Kỳ.
Bài liên quan:
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ trước năm 2049*
Hung đồ của Trung Quốc với lân bang
*Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch
-------------------------------------
NGUỒN :
Minxin
Pei
June 11, 2021
No comments:
Post a Comment