Sunday, 18 July 2021

LÁ THƯ SÀI GÒN : 'DÂN KHỔ VÌ CÁCH CHỐNG DỊCH COVID-19' (Song May)

 


Lá thư Sài Gòn: 'Dân khổ vì cách chống dịch Covid-19'

Song May

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

18/07/2021

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-57854326

 

Một tuần đã trôi qua kể từ khi Sài Gòn phong tỏa hoàn toàn theo Chỉ thị 16.

 

Sự quan tâm của người dân ở đô thị lớn nhất nước giờ luẩn quẩn quanh giá bó hành, bó rau; nhà nào mua được rau, nhà nào không; chỗ nào bán rau giá bình ổn như báo đài ra rả…

 

Covid-19: VN phong tỏa miền Nam, Hà Nội dùng 'biện pháp cấp bách'

Dân Sài Gòn lo âu trước giờ ‘phong thành’

Người dân trong các khu phong tỏa ở TP HCM kêu cứu

TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau

 

Bên cạnh đó mọi người còn hỏi nhau chỗ nào bán bánh mì (không phải loại kẹp), lò bánh mì nào còn lén mở?

 

'Đêm kỳ lạ trước ngày phong tỏa'

 

Nỗi khó chịu lớn nhất của người Sài Gòn hiện nay không phải là họ phải ngồi yên trong nhà "mới là yêu nước" theo khẩu hiệu, mà chính là… sự lưu thông phân phối thực phẩm tươi sống và đồ ăn thức uống chế biến sẵn bị cắt đứt gần như hoàn toàn!

 

Đêm 8/7. Đó là buổi tối kỳ lạ nhất ở Sài Gòn sau gần 2 năm Covid-19 xuất hiện.

 

Đợt giãn cách thứ 4 ở Sài Gòn trở nên không bình thường, khi buổi chiều - chỉ trước giờ G (giờ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 có hiệu lực) chưa tới 8 tiếng đồng hồ, các báo đồng loạt đưa tin việc dừng dịch vụ ăn uống mang đi.

 

Có nghĩa là sau một tháng chỉ được bán mang đi, giờ nhà nước không còn cho phép như thế nữa, toàn bộ các quán ăn nhà hàng phải đóng cửa, không được phép chế biến thức ăn bán cho bất kỳ ai.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/EDD7/production/_119478806_saigon2.jpg

Những thứ gia vị tưởng chừng như không bao giờ thiếu ở Sài Gòn nay trở thành thứ quý hơn vàng, nhiều người đem cất tủ đá để ăn dần

 

Trên đường trở về nhà lúc hơn 8h tối ngày 8/7, tôi nhìn thấy trước một quán chay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3 có hai người phụ nữ khệ nệ mang những bọc to chứa rau củ ra khỏi nhà hàng chất lên xe gắn máy.

 

Lệnh đóng cửa quán ăn nhà hàng (nói tránh là dừng dịch vụ ăn uống mang đi) đưa ra vội vã trước giờ G khiến cho nhiều người kinh doanh dịch vụ này xoay sở không kịp với mớ hàng thực phẩm tồn trữ.

 

Đi ngang mấy tiệm bán bánh mì, bán mì, bán soup… chỗ nào cũng đông người chờ để vét mua những gì còn lại. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn nháo nhào vì lo tìm cách trữ thực phẩm như ngày 8/7.

 

Họ gọi đêm 8/7 là "đêm giao thừa" và việc chen lấn trong các siêu thị mua thực phẩm dự trữ là "đi chợ Tết", nhưng không có gì giống như vậy khi cảm giác lo lắng bao trùm.

 

Hơn 9 giờ tối, tôi cũng kịp tha về 8 ổ bánh mì (không nhân), một tô mì đặc biệt, và dừng chân trước một quán bánh tráng nướng sáng đèn ở đầu một con hẻm để mua 3 cái bánh tráng nướng, thứ mà tôi chưa bao giờ ăn.

 

Và thật ngạc nhiên là để có 3 cái bánh tráng nướng, tôi phải đợi gần cả tiếng đồng hồ, cho dù chỉ đến sau một người khách.

 

Cái thứ bánh ăn chơi giá 20 ngàn đồng được làm khá tỷ mẩn bởi hai cô gái, một trẻ một trung niên.

 

Họ thay phiên nhau nướng chiếc bánh trên bếp lửa than, lần lượt trét topping lên bánh như trứng gà, hành lá, chà bông gà hay xúc xích cắt nhỏ rồi nhẹ nhàng xoay trở chiếc bánh.

 

Trong khi chờ đợi, tôi gọi một ly sữa ca cao nóng và tìm chỗ ngồi khuất ngoài sân để tháo khẩu trang nhấm nháp thứ nước uống ưa thích.

 

Tôi không dám trò chuyện với người bán như thói quen mọi lần. Thay vì cảm giác nhẹ nhõm trong những lúc một mình cà phê, tôi chỉ thấy tâm trạng mình bồn chồn, nặng trĩu, vì không biết hai tuần tới sẽ ra sao?

 

Tôi nhớ lại vẻ mặt ngẩn ngơ của em gái tối nay khi hỏi tôi: Thế là từ ngày mai mình không mua được bánh mì hay bún phở để ăn sáng hả chị?

 

Tôi nhớ lại vẻ biết ơn của cô tôi, khi cô cảm ơn về mấy cái bánh mì không nhân mà tôi mang đến. Sài Gòn vốn bao la các hàng quán ăn uống, ngày mai không còn điều đó nữa, sẽ ra sao?

 

Cái bánh tráng nướng tôi mua được lần đầu tiên hóa ra ngon vô cùng. Vị ngon của thứ mà mình biết sẽ không còn tìm thấy vào ngày mai nữa.

 

Tôi nhớ lời hẹn của cô gái bán hàng: "Sau dịch cô lại đến mua nhé." Tôi nhớ lời than của họ: "Quán mướn, tiền thuê vẫn phải trả mà giờ không được phép bán nữa thì chỉ có nước ăn mì gói sống qua ngày thôi cô."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/13BF7/production/_119478808_saigon4.jpg

Song May: "Tôi mua được mớ rau ở nhà dân. Lúc này thì có gì mua nấy, không chọn lựa"

 

Khi rau quả trở thành 'hàng cấm'

 

Hai ngày sau, khoảng chiều Chủ Nhật tôi ra ngoài để đi mua rau. Chưa bao giờ mà việc mua rau và bán rau lại lấm la lấm lét giống mua hàng cấm như hiện nay!

 

Đặt hàng trên mạng Bách Hóa Xanh thấy không có rau, tôi đi ngang cửa hàng Bách Hóa Xanh, Mini Stop, Vinmart, Coopmart đều thấy hàng dài người đứng chờ để được vào nên ngán ngẩm thử đi đến chợ.

 

Chợ đóng cửa, không gian chung quanh vắng đến lạnh. Nhìn kỹ thì vẫn thấy một hai nhà gần chợ thò ra tí rau nên mừng quá chạy lại.

 

Người bán đã gói sẵn từng thứ, nói mua gì thì thẩy ra nhưng lại hối chị lấy nhanh nhanh lên rồi đi đi cho, không thôi công an họ thấy thì phạt chết tiền. Trả 200 ngàn đồng để nhận về ít rau ăn khoảng hai ngày mà mừng còn hơn cái gì.

 

Vì đâu mà việc buôn bán rau củ ở Sài Gòn lại trở nên như việc bán hàng cấm? Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, từ năm 10 tuổi tôi đã cầm tiền đi chợ cho cả nhà, gần 50 năm đi chợ, ngay cả thời bao cấp khốn khổ cũng không đến nỗi chẳng có rau mà mua và nếu có thì phải mua trong sợ hãi như vậy!

 

Giờ trên mạng thiên hạ đang khoe nhau nhà có rau.

 

Nhà nào có nhiều rau, thậm chí có vườn trồng rau và gia vị là nhà đó giàu có, một điều chưa từng có!

 

Trên mạng, các page treo bảng bán quần áo, bán áo dài may sẵn… giờ cũng rao bán rau! Giá đắt hơn bình thường là chuyện có thể hiểu được vì hệ thống phân phối rau ở 3 chợ đầu mối và hơn 200 chợ truyền thống bị cắt đứt, chính quyền giao quyền phân phối thực phẩm vào các super market lớn nhỏ.

 

Đến tối ngày 16/7, tức 7 ngày sau, thay vì mở cửa chợ có kiểm soát, chính quyền lại đẩy thực phẩm vào các cửa hàng Con Cưng chuyên đồ dùng cho trẻ em và Guardian chuyên hàng hóa mỹ phẩm cho phụ nữ. Không hiểu nổi!

 

Một phần sợ vào siêu thị bị lây nhiễm, phần khác tôi chỉ muốn ủng hộ những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ nên nhà hết sữa hay bao rác, tôi đến tiệm tạp hóa gần nhà và đi vào những con hẻm nhỏ vắng vẻ để tìm nơi bán rau.

 

Hóa ra, tiệm tạp hóa chả thiếu thứ gì và còn rẻ hơn siêu thị. Còn rau có thể tìm ở tiệm bán hoa, tiệm bán nước trái cây, quán ăn…. Dân Sài Gòn không đợi mọc rêu nơi xó nhà mà ai có nguồn cung thì bán thôi.

 

Bánh mì cũng là thứ dân Sài Gòn thèm mà không có để mua.

 

Chiều nay, một người bạn tôi đã kịp làm cả chục ổ và liều đem vài ổ đến nhà một người bạn trong nhóm. Tôi cũng may mắn được người cháu cho một túi bánh mì đông lạnh, khi nào ăn thì nướng lại. Nhưng tôi nghĩ mình nên tập làm bánh mì, khi không có vườn trồng rau thì phải tập làm bánh mì vậy!

 

Sức sống của người Sài Gòn tạm thời ngủ yên trong hai tuần, rồi sẽ lại hồi sinh để "cõng" chi phí dùm cho các tỉnh thành khác.

 

Số phận của Sài Gòn là như thế: tự mình phải vượt qua cơn đau để tiếp tục làm "anh hai" dẫn đầu chỉ tiêu nộp ngân sách quốc gia.

 

--------------

Bài thể hiện quan điểm và văn phong của người viết.

 

                                                     ***

TIN LIÊN QUAN

 

Covid-19: VN phong tỏa miền Nam, Hà Nội dùng 'biện pháp cấp bách'

4 giờ trước

.

Dân Sài Gòn lo âu trước giờ ‘phong thành’

8 tháng 7 năm 2021

.

Người dân trong các khu phong tỏa ở TP HCM kêu cứu

12 tháng 7 năm 2021

.

TP HCM: Thiếu rau quả giữa đại dịch, dân chung sức giúp nhau

13 tháng 7 năm 2021

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats