CẦN CHẾ ĐỊNH CHÍNH QUYỀN
“TUYÊN BỐ VÙNG DỊCH”
https://www.facebook.com/manhdang001/posts/4834967649853061
Cơn đại dịch cúm Tàu đã hoành hành thế giới suốt
hơn một năm rưỡi qua. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, hầu như Việt Nam
không có cơ may nào để tránh thoát khỏi cơn dịch cả. Nhất là về địa lý, Việt
Nam có lãnh thổ tọa lạc giáp ranh ngay bên cạnh ông bạn hàng xóm Trung Cộng,
nơi khởi nguồn cơn đại dịch.
Dịch đến đâu, nó làm đình đốn mọi hoạt động thường
nhật ở nơi đó, từ quan hệ công, công-tư đến quan hệ tư.
Đối với quan hệ công, cơn dịch đã từng làm nhiều
cơ quan công quyền phải tạm đình chỉ trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho công
chúng. Đình chỉ cả hệ thống tài phán ban phát công lý. Đồng thời, nó làm phát
sinh thêm nhiều công việc mang tính chất lâm thời, thậm chí, chưa từng được dự
liệu trong bất kỳ quy định luật pháp nào.
Chưa kể rằng, để đối phó với cơn dịch, thì một
số quyền tự do cơ bản của công dân mang tính cách hiến định cũng đã phải buộc tạm
đình chỉ thực hiện. Thật vậy, việc ban hành các quy định giãn cách xã hội bao gồm
biện pháp hạn chế đi lại, giao tiếp giữa công dân, một mặt là giải pháp y tế, mặt
khác, về phương diện pháp lý cần được nhìn nhận đã làm hạn chế các quyền tự do
của công dân như : Quyền tự do đi lại. Cũng thế, biện pháp truy vết tiếp xúc của
cá nhân đối với các ca dương tính đã xâm phạm vào quyền bí mật đời sống riêng
tư, điện thoại. Chưa hết, đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các nhà
hàng, cửa hiệu buôn bán ... đều là các sự hạn chế quyền tự do kinh doanh, lao động
của công dân.
Đối với quan hệ tư, cơn dịch làm đình đốn việc
thực hiện khá nhiều khế ước thương mại lẫn dân sự vì sự hạn chế giao thương, đi
lại …
Nên biết, dịch bệnh cùng với thiên tai và chiến
tranh đã là ba nguyên cớ mà hầu hết luật pháp của các quốc gia trên thế giới đều
quy định là trường hợp bất khả kháng, làm cơ sở để trì hoãn, đình chỉ nghĩa vụ
dân sự hoặc khế ước dân sự.
Thế nhưng, sự đình chỉ quan hệ công hay tư vì
dịch bệnh không chỉ bằng sự kiện có dịch bệnh phát sinh là đủ. Mà nhất thiết,
phải bằng một hành vi tuyên bố chính thức của chính quyền thì mới có thể phát
sinh hiệu lực pháp luật, là điều mà cho đến nay chính quyền chưa thực hiện và
cũng không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Gần đây, công chúng của một vài tỉnh miền tây
nam bộ đã rất hồ hởi trước thông tin chủ tịch UBND chỉ đạo tạm dừng thu các khoản
tiền điện, nước, viễn thông, lãi suất ngân hàng ... vì đã “gãi đúng chỗ ngứa”
khi nỗi lo lắng của dân chúng về hàng loạt nghĩa vụ dân sự mà họ khó lòng chu
toàn, nhất là những khoản vay nợ vẫn tiếp tục sinh lãi bất chấp dịch giã. Các
chỉ đạo này đều hết sức chính đáng, hợp thời, hợp lòng dân... Nhưng rất tiếc,
không hợp pháp. Vì lẽ, các chủ tịch UBND tỉnh không có thẩm quyền ban hành mệnh
lệnh hành chính can thiệp vào các khế ước dân sự để làm đình chỉ chúng ! Chỉ có
tòa án mới có thẩm quyền đó và “Tuyên bố vùng dịch” của chính quyền (nếu có).
Thật vậy, với “Tuyên bố vùng dịch” của chính
quyền có lợi ích pháp lý về nhiều phương diện với nhiều đối tượng có liên quan.
Đối với chính quyền, “Tuyên bố vùng dịch” có lợi
ích giải trừ trách nhiệm hành chính đối với khá nhiều loại công vụ. Như, các hồ
sơ hành chính trình duyệt quá hạn sẽ được được tạm “đóng băng” hoặc gia hạn.
Kích hoạt thẩm quyền huy động các nguồn lực của quốc gia khả dĩ phòng chống dịch...
Đối với quan hệ giữa chính quyền và công dân,
“Tuyên bố vùng dịch” tạo cơ sở pháp lý để tạm đình chỉ một số quyền tự do cơ bản
mang tính cách hiến định của công dân, như : Quyền tự do đi lại, bảo vệ bí mật
đời sống riêng tư, bí mật điện thoại, tự do kinh doanh, tự do lao động...
Đối với các quan hệ tư, “Tuyên bố vùng dịch”
là cơ sở pháp lý để giúp làm giải trừ, giảm trừ hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Phổ biến nhất là các nghĩa vụ thanh toán hoặc trả lãi, như : Thanh toán tiền
thuê nhà, thuê mặt bằng, tiền trả góp, cũng như trả lãi các trái khoản (vay mượn).
Đương nhiên, “Tuyên bố vùng dịch” chỉ có hiệu
lực trong phạm vi địa phương được “Tuyên bố vùng dịch”mà thôi.
Nếu xem các Chỉ thị 15 và 16 của thủ tướng
chính phủ là các biện pháp hành chính được ban hành vì mục đích y tế, phòng chống
dịch. Thì “Tuyên bố vùng dịch” là biện pháp pháp lý cần thiết để giảm thiểu các
hậu quả mà các Chỉ thị 15 và 16 gây phát sinh.
Liên quan đến việc “Tuyên bố vùng dịch”, về thẩm
quyền, tham chiếu vào Luật Phòng, Chống bệnh truyền nhiễm 2007, trong trường hợp
bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh
khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người như hiện nay, thì
thẩm quyền công bố dịch bệnh thuộc về thủ tướng chính phủ (điểm c, khoản 2 điều
38).
Tuy vậy, toàn văn Luật Phòng, Chống bệnh truyền
nhiễm 2007 chủ yếu quy địch về nội dung phòng chống bệnh truyền nhiễm như đúng
tên gọi của văn bản luật. Hẳn nhiên, không có những nội dung mang lại lợi ích
pháp lý của một “Tuyên bố vùng dịch” như giải trừ trách nhiệm hành chính về
cung cấp dịch vụ công, tạm đình chỉ các quyền tự do hiến định của công dân, giải
trừ, giảm trừ hoặc miễn trừ các nghĩa vụ dân sự ... Đây là một khoảng trống rất
lớn trong luật pháp thực tại cần phải được nhanh chóng bổ khuyết.
Cơn đại dịch rồi cũng phải qua đi. Các công sở
sẽ trở lại cung cấp các dịch vụ công. Các quyền tự do công dân mang tính cách
hiến định sẽ lại phục hồi đầy đủ và được luật pháp bảo vệ. Các nghĩa vụ dân sự
sẽ được các bên hoặc cơ quan tài phán xem xét lại trên cơ sở “Tuyên bố vùng dịch”
để được giải trừ, giảm trừ hoặc miễn trừ trong thời gian dịch bệnh. “Tuyên bố
vùng dịch” trở thành phương tiện pháp lý để khoan sức dân, ổn cố xã hội hậu cơn
dịch.
Thế nên, quốc hội khóa mới nên khẩn cấp đưa vấn
đề bổ khuyết thẩm quyền “Tuyên bố vùng dịch” của chính quyền vào nghị trình lập
pháp.
Saigon, viết từ tháng 03/2020 – tháng 07/2021.
Manh Dang
No comments:
Post a Comment